Về tiểu luận của tác giả Đoàn Huyền trên Văn Việt 2022

Phan Huy Dũng

Trong năm 2022, tác giả Đoàn Huyền cho đăng ba bài trên Văn Việt, trong đó có hai bài dịch và một tiểu luận. Chỉ ba bài nhưng Đoàn Huyền đã gây được ấn tượng tốt đẹp cho người đọc về cách lựa chọn đầy ý thức những tài liệu cần dịch, cần phổ biến và về cách đặt vấn đề sắc sảo khi nghiên cứu các sáng tác thực sự mang tính cách tân của nhà văn Trần Vũ. Tìm đọc thêm về tác giả này thì được biết: Trên Văn Việt, kể từ năm 2017, chị đã có nhiều bài dịch, bài viết rất đáng được quan tâm. Tất cả đều thể hiện nỗ lực tiếp cận các lí thuyết phê bình hiện đại, vận dụng chúng vào việc giải phẫu thực trạng phát triển của văn học Việt Nam hiện nay và lí giải những sáng tác đánh dấu sự vùng vẫy của một số nhà văn nhằm vượt thoát “thói quen nệ thực” vốn ám vào nền văn học của chúng ta như một thứ “bóng đè”.

Tiểu luận Văn xuôi Trần Vũ – một “trường hợp” khác (Văn Việt ngày 18/8/2022) không phải là sản phẩm ngẫu nhiên, được viết theo kiểu “thấy [tác phẩm] hay thì viết”. Nó dường như là một phần kết quả của một dự án dài hơi mà tác giả muốn theo đuổi: Theo dõi sự vận động của văn xuôi Việt Nam hiện đại với cả sự sốt ruột lẫn kì vọng, vừa phân tích, vừa góp phần xác lập quan điểm phê bình và gợi mở hướng đi, không chỉ cho phê bình mà còn cho cả sáng tác. “Gợi mở hướng đi” – dĩ nhiên. Vì tác giả là người muốn can dự, theo cách của một nhà phê bình, lại là nhà phê bình trẻ có chủ kiến, có vốn đọc rộng về các sáng tác văn học và các lý thuyết phê bình hiện đại. Không thấy biểu hiện của sự mặc cảm trước sáng tác của những nhà văn nổi tiếng. Rõ ràng, đây là một tâm thế phê bình đáng nể trọng.

Khi tuyên bố văn xuôi Trần Vũ là “một trường hợp khác”, tác giả như muốn nói hay chứng minh hai điều: Một, sáng tác của Trần Vũ không cùng không gian với sáng tác của những nhà văn Việt suốt bao năm qua luôn bị hai chữ “hiện thực” trói buộc đến khổ sở, vì vậy mà nó độc đáo và có giá trị khai mở nhận thức. Hai, với một đường hướng sáng tác khác biệt, phải có công cụ khám phá mới, tương thích với nó, nếu không, người đọc và người phê bình đành đứng ngoài, để, nhiều lắm, chỉ có thể nêu lên được một vài bình luận hàm hồ, hoặc mang tính quy kết giáo điều hoặc “cấp tiến” một cách giả hiệu.

Khi chọn văn xuôi Trần Vũ làm đối tượng khảo sát, phê bình, Đoàn Huyền không bị chìm ngập trong hiện thực hay thế giới do nhà văn tạo dựng nên, nói cách khác là không bị nhà văn đồng hoá. Người phê bình vẫn giữ được sự chủ động, biết mình phải làm gì, khác, ngoài việc đánh giá một sáng tác cụ thể. Ở đây, tác phẩm của nhà văn đã được khai thác như một bằng chứng nhằm khẳng định quan niệm của người phê bình về lộ trình mới của văn học Việt Nam – một lộ trình cần những cuộc “nổi loạn” đầy bản lĩnh. Thật tự nhiên khi ta bắt gặp trong bài viết những đoạn triết luận mang dấu ấn cá nhân, thể hiện sự trăn trở thường trực của tác giả về những vấn đề chung của đời sống, của văn học. Như vậy, người phê bình đã không viết theo kiểu “trả bài” quen thuộc (đã đọc thì phải viết một cái gì đó về tác phẩm được đọc), mà viết như một cách cất lời rắn rỏi trước tất cả những gì đang va đập vào tri giác, nhận thức của mình.

Có cơ sở để tin rằng tác giả Đoàn Huyền sẽ là một nhà phê bình được mong đợi.

Comments are closed.