Phỏng vấn Tết Đinh Dậu 2017

Trần Vũ thực hiện

Trịnh Y Thư

Nét linh diệu của sự bất toàn

clip_image002Sinh 1952 tại Hà Nội, theo gia đình di cư vào Nam rồi du học Hoa Kỳ 1970, Trịnh Y Thư từng giữ chức chủ biên tạp chí Văn Học thời kỳ sau Nguyễn Mộng Giác và Hoàng Khởi Phong tại California. Còn là một nhà thơ, một người viết truyện ngắn, Trịnh Y Thư được công chúng biết đến nhiều với các dịch phẩm Đời Nhẹ Khôn Kham của Milan Kundera, Căn Phòng Riêng của Virginia Woolf và gần đây nhất Jane Eyre của Charlotte Brontë. Thuộc thế hệ tiếp nối thế hệ dịch giả Phùng Thăng, Phùng Khánh, Vũ Kim Thư, Trần Thiện Đạo, Trần Phong Giao, Võ Lang… từng vun bồi tiểu thuyết dịch miền Nam, Trịnh Y Thư xem công việc dịch là một thao tác nhằm tái tạo “thần” của tác phẩm trong một tính thể khác. Sáng tác đã xuất bản: Người đàn bà khác, 2010; Chỉ là đồ chơi, 2012.

Trần Vũ: Là một dịch giả được xem cẩn trọng trong dịch thuật, quan niệm cùng phương pháp dịch thuật của Trịnh Y Thư ra sao? Anh dịch sát, dịch tương đương, dịch thoát hay Việt hóa tối đa ngữ pháp? Đối với anh, dịch có còn là “phản”? Anh làm cách nào để tái tạo văn phong riêng biệt của từng tác giả? Khi một nhà văn có bút pháp chuyên biệt dùng liên tiếp 5 động từ xếp cạnh nhau với 10 tĩnh từ trong cùng một câu văn, anh có tôn trọng bút pháp ấy? Người đọc sẽ tìm thấy 5 động từ tiếng Việt với 10 tĩnh từ Việt ngữ trong câu văn dịch hay sẽ mất mát “rụng rơi” dọc đường? Khi tác giả viết 3 chữ rồi phẩy, 5 chữ rồi chấm, bản dịch của Trịnh Y Thư có giữ nguyên? Hay cấu trúc câu sẽ hoàn toàn khác? Dịch thoát giúp văn bản gần với tiếng Việt nhưng cùng lúc độc giả không còn hình dung ra cách tác giả hành văn thật sự. Ý kiến của anh?

Dịch phẩm gần đây nhất của Trịnh Y Thư là tiểu thuyết nổi tiếng Jane Eyre của Charlotte Brontë. Vì sao phải dịch lại một quyển tiểu thuyết thật xưa và đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt trước 1975? Tôi từng không hiểu vì sao Dương Tường dịch lại L’Etranger của Camus thành Người Dưng mà Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Vi Phúc đã dịch là Kẻ Xa Lạ in năm 1973 trong Nam. Phải hiểu là Trịnh Y Thư khước từ bản dịch Kiều Giang của Hoàng Hải Thủy? Anh đem đến gì trong bản dịch cuối cùng? Sau nữa, vì sao chọn dịch tựa Đời Nhẹ Khôn Kham thay vì Nhẹ Kiếp Nhân Sinh văn chương hơn? Cá nhân tôi vẫn thấy Đời Nhẹ Khôn Kham chưa nói lên hết dục tính không chịu đựng nổi trong kiếp người mà tựa gốc trong tiếng Pháp L’insoutenable légèreté de l’être gợi ra. Chữ “Đời” cũng không hay bằng “Nhân sinh” tương đương với “L’Être” hơn. “Légèreté” trong tiếng Pháp có hàm ý phóng đãng mà chừng như “Lightness” ít hơn trong tựa tiếng Anh The Unbearable Lightness of Being.

Khi dịch Thư cho một người bạn gái đang du hành của Cortázar, tôi khám phá bản dịch Pháp văn Lettre à une amie en voyage của Laure Guille-Bataillon với Letter to a Young Lady in Paris của Alberto Manguel vô cùng khác biệt. Có những đoạn trong bản Pháp văn dịch khác hẳn và có những đoạn Anh văn không tìm thấy trong bản Pháp văn và ngược lại. Kỳ lạ là Julio Cortázar lúc sinh tiền đều chuẩn thuận cho in cả 2 bản dịch Anh-Pháp này. Không biết tiếng Tây Ban Nha, là bản gốc, khiến tôi vô cùng lúng túng. Phải theo văn bản nào? Trần Thiện Đạo, dịch giả của tạp chí Văn trước 75, không chấp nhận Hội Nhà Văn Hà Nội trao giải thưởng cho một dịch phẩm không dựa trên nguyên bản tiếng gốc mà thông qua một bản dịch ngoại ngữ khác. Anh đồng ý với Trần Thiện Đạo?

Chắc chắn anh đã “trải nghiệm” nhiều khó khăn trong dịch thuật. Anh có thể kể ra kinh nghiệm của mình? Sau hết, vì sao anh chọn dịch Căn Phòng Riêng của Virginia Woolf mà không phải Căn Phòng Của Jacob (Jacob’s Room), hay Những Lượn Triều (The Waves), hoặc Đường Đến Hải Đăng (To the Lighthouse) là những tác phẩm làm nên danh tiếng của Woolf?

Trịnh Y Thư: Nói chung có hai xu hướng chính về dịch thuật văn học: Hoặc trung thành với văn bản của nguyên tác; hoặc đặt trọng tâm vào yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch. Theo tôi, ở thời đại của chúng ta, quan niệm đúng đắn phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa cả hai xu hướng. Tuy thế, tùy vào tác phẩm và thiên tư người dịch, ít nhiều vẫn có khoảnh đất trống cho hắn có thể phô diễn nét tài hoa trong bản dịch của mình. Nói như thế, dịch phẩm sẽ mang diện mạo của người dịch và điều đó góp phần không ít vào việc tiếp nhận của người đọc. Tôi không phủ nhận giá trị những dịch phẩm nghiêm chỉnh tuân thủ từng câu, từng chữ, từng dấu chấm dấu phết trong nguyên tác, nhưng tính Dionysian trong nghệ thuật bao giờ cũng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn và tôi sẵn sàng hi sinh cái chân lí tuyệt đối (đôi khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn.

Nghệ thuật nằm ở cái “thần” của tác phẩm. Ở bình diện văn học, nó là cái phong cách độc sáng mà mỗi tác giả sở hữu như của báu riêng. Nắm bắt cái “thần” đó trong nghệ thuật rồi tái tạo nó ở một tính thể khác, theo tôi, không phải là chuyện bất khả nhưng đòi hỏi tài năng và sức làm việc khủng khiếp. Phong cách văn học của tác phẩm chính là cái linh diệu của ngôn từ được sử dụng, người dịch sẽ không công bằng với tác giả biết bao nếu hắn quyết định lược bỏ những cái mà hắn cho là không thuần khiết trong ngôn ngữ của mình. (Giữ cho thuần khiết chỉ là cách “chạy làng” có hộ chiếu của những kẻ yếu bóng vía.) Tuy vậy, chữ nghĩa nằm nơi tầng thứ nhất của tác phẩm, tầng thấp nhất, dễ tiếp cận nhất và cũng dễ chuyển dịch nhất; sang tầng thứ hai, tầng chứa đựng cảm xúc, nếu khéo léo và với nỗ lực tối đa, vẫn có thể nắm bắt được; nhưng đến tầng thứ ba, tầng cao nhất, nơi cái “thần” của tác phẩm ẩn nấp, thì người dịch chỉ có cách dùng trực giác của mình để “tùy cơ ứng biến” mà thôi.

Anh nhắc đến cuốn tiểu thuyết Đời Nhẹ Khôn Kham của nhà văn Czech Milan Kundera. Vâng, cách đây khá lâu tôi bạo gan dịch và xuất bản cuốn tiểu thuyết ấy. Nhìn vào nhan đề cuốn sách, hiển nhiên vấn đề quan trọng và gay go nhất cho người dịch là làm thế nào dịch từ “being” cho chuẩn và hay. Tôi đã mất khá nhiều thời gian suy nghĩ tìm kiếm một từ tiếng Việt thích hợp cho nhan đề của bản dịch. Khi tác phẩm khởi đăng nhiều kì trên tạp chí Hợp Lưu, tôi chọn “Nhẹ Kiếp Nhân Sinh” vì tôi thấy cụm từ “kiếp nhân sinh” có vẻ “ăn khách vì hợp thời trang triết học hiện sinh”! (Phần tư thế kỉ trôi qua, bây giờ nghĩ lại tôi cảm thấy buồn cười cho chính mình). Lúc ấy trong đám bạn bè có người thích nhan đề này. Tuy vậy tôi vẫn thấy có cái gì không ổn và tôi nhíu mày bảo anh bạn tôi, “Nhưng nhan đề thiếu chữ Unbearable vốn quan trọng không kém và Kundera sẽ không vui nếu ông ta biết tớ bỏ một chữ, làm sao bây giờ? Hay là cậu cho tớ thêm từ kép Khôn Kham vào thành Khôn Kham Nhẹ Kiếp Nhân Sinh nhá. Nghe như câu lục của bài thơ lục bát ấy. Được không?” “Xì, tựa sách gì mà dài như chợ Đệu, chẳng ma nào thèm mua đọc đâu.” Anh bạn tôi trề môi lắc đầu. Thế là sách có nhan đề mới “Đời Nhẹ Khôn Kham” như anh thấy. Từ “nhân sinh” biến thành “đời” và Kundera, nếu biết, chắc chắn sẽ không vui bởi “being” với ông không phải là “đời sống”! Kì thực, ngay cả “nhân sinh” hoặc “hiện tính”, “hiện tồn”, “hiện hữu”, “hữu thể”, “thể tính”, “con người”, “thể chất”, “bản chất” và cả chục từ khác tôi tìm thấy trong các từ điển Anh-Việt cũng không thể nào phù hợp một cách xác thực với ý nghĩa Kundera muốn nói đến trong từ ngữ. Ông nói như sau về ý nghĩa của từ “being” dưới nhãn quan siêu hình của ông: “… Nếu sau khi chết chúng ta vẫn tiếp tục mơ, sau cái chết vẫn còn có cái gì đó thì cái chết không thể nào giải thoát chúng ta ra khỏi nỗi kinh khiếp của cái being.” Đúng ra, ông mượn câu độc thoại của Hamlet “To be or not to be” trong vở bi kịch Hamlet của Shakespeare. Trong mắt nhìn của Kundera, “Hamlet đưa ra vấn nạn về cái being chứ không phải đời sống. Sự kinh khiếp của being là: Cái chết có hai mặt. Một mặt là cái non-being, mặt kia là sự hiện hữu duy vật đáng sợ của cái thây ma.”

Hiển nhiên, Kundera hiểu từ “being” không hoàn toàn giống như Heidegger, và có lẽ lại càng không giống cách hiểu của tôi và anh. Thú thật với anh, phải chi tôi được quyền dịch là “Khôn Kham Nhẹ Cái Bi-ing”!!! thì đỡ khổ cho tôi biết mấy. Nhưng tôi cũng chỉ là kẻ “yếu bóng vía” mà thôi.

Kundera viết cuốn tiểu thuyết này bằng tiếng Czech, tôi dịch sang tiếng Việt theo ấn bản Anh ngữ của dịch giả Michael Henry Heim. Dịch như thế có thể khiến nhiều vị thức giả nghiêm túc và cẩn trọng cau mày không chấp nhận sự nhiễu xạ trong văn bản vì e lâm vào tình trạng “tam sao thất bản.” Điều ấy có thể là chính xác cách đây nửa thế kỉ khi một dịch giả Congo không biết tí gì về văn hóa Trung quốc dịch Kim Bình Mai dựa trên bản dịch tiếng Pháp của một dịch giả người Pháp, chẳng hạn. Ở thời đại của chúng ta, với sự bùng nổ của mạng lưới thông tin toàn cầu và tất cả những phương tiện truyền thông lẫn giao thông hữu hiệu nhất, thế giới càng ngày càng thu nhỏ thành một cái làng, tôi thấy quan điểm trên không còn đúng nữa.

Tiện đây tôi cũng muốn thưa với anh là Kundera gần đây đã nhuận sắc bản tiếng Anh của tác phẩm này và tôi cũng đã hoàn tất việc chỉnh sửa và dịch lại cho sát với văn bản mới. Hi vọng có NXB nào chịu in để kiệt tác của ông nhà văn này có thêm một đời sống nữa.

Về cuốn Căn Phòng Riêng của nữ sĩ người Anh Virginia Woolf, sở dĩ tôi dịch là do lời mời cộng tác của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thông qua nhà xuất bản Tri Thức ở Hà Nội. Woolf là một trong những tiểu thuyết gia lừng lẫy của thế kỉ XX, và theo chỗ tôi biết thì đấy là tác phẩm đầu tiên của bà được dịch sang tiếng Việt. Mặc dù cuốn sách là tổng hợp những bài giảng về đề tài “Phụ nữ và sáng tác văn học” chứ không phải một tác phẩm tiểu thuyết, nhưng qua cuốn sách độc giả Việt Nam đã có cơ hội làm quen với bút pháp “dòng ý thức” rất đặc trưng của bà. Cuốn sách đặt nền móng cho cao trào nữ quyền phát triển mạnh suốt thế kỉ XX, và câu hỏi của Woolf đặt ra trong cuốn sách, “Liệu các nhà văn nữ có thể sáng tạo nên những tác phẩm tầm vóc như của Shakespeare không?” cho đến ngày nay vẫn chưa có câu trả lời. Ấn bản đầu tiên của bản dịch ra mắt công chúng năm 2009 và năm 2016 NXB Tri Thức cho tái bản cuốn sách.

Cuốn Jane Eyre đến với tôi cũng trong hoàn cảnh tương tự. NXB Nhã Nam (Hà Nội) một hôm mời tôi cộng tác dịch. Tôi không rõ lí do vì sao họ muốn xuất bản một bản dịch mới bởi đã có chí ít hai, ba bản dịch khác nhau trước đây. Còn việc đem ra đối sánh với các bản dịch cũ thì thú thật với anh tôi chưa đọc bản dịch tiếng Việt nào cả. Do đó tôi không thể xác định “trị giá gia tăng” của bản dịch này. Hơn nữa theo tôi thì công việc ấy là của độc giả và các nhà phê bình. Tôi chỉ biết cố gắng làm hết sức mình trong phạm vi có thể.

Dịch Jane Eyre vừa dễ vừa khó. Dễ vì đây không phải là một tác phẩm tiểu thuyết đầy màu sắc triết học siêu hình khó đọc. Nhưng khó vì ngôn ngữ văn học của tác phẩm là loại Anh ngữ của dòng văn học Anh thế kỉ XIX. Có những từ ngày nay không mấy ai sử dụng nữa, hoặc nếu còn thì thông thường lại được hiểu theo một ý nghĩa khác (chẳng hạn, từ ejaculate, mà cô em Emily cũng hay dùng trong cuốn Wuthering Heights). Điểm khó khăn khác cho người dịch, cũng như người đọc, là sự phong phú của chữ nghĩa, sự xa lạ của cảnh vật, sinh hoạt, tập quán đối với đa phần người Việt. Tác phẩm cũng trích dẫn nhiều điển tích từ Kinh Thánh hoặc các tác phẩm văn học cổ điển mà nếu không rõ xuất xứ thì khó có thể lĩnh hội điều tác giả muốn biểu đạt.

Trần Vũ thực hiện qua điện thư áp Tết 2017

Bản giấy in trên Đặc San Tết Đinh Dậu của tuần san Trẻ Texas

clip_image004

Comments are closed.