Thảo luận mùa hè 2022 (12): Ý Nhi – “Mỗi cuốn sách là một khẩu súng đã nạp đạn trong căn nhà bên cạnh. Đốt nó đi. Tước phát đạn khỏi nòng súng kia đi. Xé toạc tâm trí con người đi. Ai biết được kẻ nào có thể là đích ngắm của người đọc rộng… ”

Vào tháng sáu, Văn Việt đã bắt đầu thực hiện cuộc Thảo luận mùa hè 2022.

Thời điểm đó, cả nước (và nhứt là Sài Gòn), đã lựng chựng những bước đi đầu tiên, cố “bình thường trở lại” sau những tháng ngày kiệt quệ vì phong tỏa. Những nội dung chia sẻ trong thảo luận là từ trạng thái đó:

”Đang là thập niên thứ ba của thế kỷ 21, và nhân loại vừa ra khỏi một thảm họa cực kỳ khốc liệt khiến mỗi người phải nhìn lại mình và trả lời câu hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ sống thế nào?

Còn các nhà văn thì hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ viết thế nào?

Phải chăng nhà văn đã “chậm chân”, đã bị “bỏ-lại” so với sự phát triển của khoa học và công nghệ, những thứ đã giúp cho một người bình thường, chỉ với bàn phím và mạng xã hội, có thể nối kết cùng cộng đồng và được đón nhận một cách hiệu quả hơn so với trang viết của nhà văn?

Phải chăng sự thiếu vắng những nhà văn tên tuổi mà tư tưởng đủ sức gây ảnh hưởng lên toàn nhân loại khiến những tác phẩm hư cấu giờ trở nên “nhẹ-cân-hơn” ngay cả với thể loại văn chương phi-hư-cấu?

Và anh/chị có thể trả lời các câu hỏi sau hoặc mở rộng vô giới hạn theo ý của anh/chị”.

Xin giới thiệu bài của nhà thơ Ý Nhi, một “phát biểu” cô đọng/gợi mở chỉ từ việc đọc một cuốn tiểu thuyết. Đây cũng là bài cuối trong loạt bài Thảo luận mùa hè 2022.

VĂN VIỆT

………………………………

Y NHI

 

1.

Khi nhận được những câu hỏi của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc về vai trò của văn học trong cuộc sống hôm nay, tôi vừa đọc hết phần 1 (Bếp lửa và Rồng lửa) tiểu thuyết 451 độ F của Ray Bradbury.

Tôi không dừng việc đọc. Càng đọc, tôi càng có cảm giác mình đang tìm thấy một câu trả lời khả dĩ cho những gì đang khiến chúng ta bận tâm.

Một trùng hợp hy hữu chăng.

Cuốn sách được viết ra từ hơn 60 năm trước đã miêu tả một cuộc sống thật gần với cuộc sống hôm nay, cuộc sống mà những người đồng thời với Ray Bradbury đã từng thốt lên “Thơ còn tồn tại được không trong vũ trụ truyền thông đại chúng” (Eugenio Montale/ nhà thơ Italia) hay “Càng ngày càng thấy sự tách rời giữa hoạt động thi ca với cuộc sống xã hội bị nô lệ vào vật chất (Saint-John-Perse, nhà thơ Pháp), cuộc sống mà Diêm Liên Khoa (nhà văn Trung Quốc đương đại) đã phải thảng thốt: “Ngày nay là thời của khoa học kỹ thuật, văn học chỉ là một diễn viên phụ.

Hóa ra, những băn khoăn, lo nghĩ của chúng ta hôm nay đã có tự chốn nào, tự thuở nào. Nó chỉ ngày một thêm gay gắt, ngày một thêm cấp bách mà thôi.

451 do F

 

2.

451 độ F

Nhân vật chính của tiểu thuyết là Guy Montag – một người lính phóng hỏa, với số hiệu 451 thêu trên tay áo đồng phục màu xám.

Montag sống cùng vợ, Mildred.

Nơi đó, ba bức tường là chỗ của ba màn hình ti vi lớn mà Mildred gọi là ti vi liên tường (cô đang muốn lắp thêm một cái nữa cho bức tường thứ tư).

Montag thì gọi những Bức tường-ti vi ấy là “phòng khách” của vợ anh – nơi “những ông cậu ông bác, những bà dì bà cô, những anh em họ, cháu trai cháu gái sống trong mấy bức tường đó, cái bầy vượn chí cha chí choách toàn những chuyện ất a ất ơ nhưng mà cứ nói ỏm tỏi, ỏm tỏi, ỏm tỏi”. Các bức tường “luôn nói với vợ anh” trong khi anh cảm thấy mình như “một trong các sinh vật điện tử được chèn vào những rãnh giữa các bức tường màu sắc và âm thanh, cứ nói nhưng lời nói không qua thấu được cái hàng rào tinh thể. Mildred luôn có hai con sò trong lỗ tai, luôn ư ử hát, cô không nghe thấy lời nói của chồng, cô trả lời anh bằng những lời vô nghĩa. Montag chỉ có thể dùng động tác, hy vọng cô sẽ “quay sang phía anh mà thấy anh.

Khi quá mệt mỏi, Montag nói: Em làm ơn tắt ti vi được không, Milie đã thản nhiên trả lời: “Đó là gia đình của em”. Và cô tìm cách thoát thân, bỏ lại người chồng đang gặp nạn.

***

Nhiệm vụ của Montag và đồng nghiệp là phóng hỏa. Họ thực hiện một nội quy nghiêm ngặt, trong đó có hai nội dung: Phóng hỏa tức thì và đốt mọi thứ.

Họ có chung một khuôn mặt, một hình dáng với “mái tóc màu than, hàng mi màu bồ hóng và cặp má màu tro xanh lem nhem mùi cháy không ngừng tỏa ra từ tẩu họ hút, một vỏ bao thuốc họ ném đi cũng phát ra một âm thanh của lửa.

Với họ, đốt là tất cả cuộc sống, tất cả nghĩa vụ. Khi Montag tỏ ý tiếc về việc vừa đốt một thư viện, đội trưởng Beatty lạnh lùng trả lời: “chúng ta không có sách”. Với Beatty, người gìn giữ sách là một người điên, một kẻ lừa dối chính phủ.

Beatty là nhân vật đại diện của lính Phóng hỏa. Cũng có thể gọi anh ta là lý thuyết gia của họ, hơn thế, Beatty là tiếng nói chính thống, tiếng nói của kẻ mạnh. GS Fabet đã gọi đích danh hắn: “Kẻ thù nguy hiểm nhất đối với sự thật và tự do, cái bầy đàn đa số chắc như bàn thạch không suy suyển. Ôi, Chúa ơi, cái thứ chuyên chế kinh khiếp của đa số.

Không phải ngẫu nhiên khi Ray Bradbury dành khá nhiều trang cho vị lý thuyết gia phóng hỏa này.

Beatty có một cái nhìn tỉnh táo và tàn nhẫn về xã hội, về lý do tồn tại nghề nghiệp của những lính phóng hỏa.

Với hắn, họ đốt sách vì thế giới hiện đại không còn cần đến sách. Trong xã hội này, mọi thứ đều trở nên hàng loạt phim và radio, tạp chí, sách, tất thảy bị cào bằng thành một thứ chuẩn giống như là bánh put-đinh bột nhão… mọi thứ quy gọn thành một trò hài, một cái kết nhanh gọn… sao còn phải học cái gì khác ngoại trừ bấm nút, vặn công tắc, siết ốc với bù lon… xa lộ chật ních những đám đông đi đâu đó, đi đâu đó, chả đi đâu… công chúng xoay tít mù, họ biết họ muốn gì, họ để cho chuyện tranh sống mãi, và tạp chí sex 3 chiều nữa… Trường học cho ra những người chỉ biết chạy, chỉ biết nhảy, chỉ biết giằng, chỉ biết giật, chỉ biết lượn, chỉ biết bơi, thay vì người biết tra xét, người phê phán, người hiểu biết, người tưởng tượng sáng tạo thì dĩ nhiên từ trí thức càng trở thành tiếng chửi thề vì nó đáng như vậy.

Với Beatty: “Mỗi cuốn sách là một khẩu súng đã nạp đạn trong căn nhà bên cạnh. Đốt nó đi. Tước phát đạn khỏi nòng súng kia đi. Xé toạc tâm trí con người đi. Ai biết được kẻ nào có thể là đích ngắm của người đọc rộng… thành ra khi các ngôi nhà đã hoàn toàn chịu lửa hết rồi… không còn cần lính chuyên cứu hỏa như ngày xửa ngày xưa.

Giải pháp của Beatty: “Nếu không muốn cho ai đó bị mất vui về mặt chính trị, đừng cho anh ta hai mặt của cùng một vấn đề khiến anh ta bận trí, hãy cho một mặt thôi. Tốt hơn nữa là đừng cho mặt nào hết. Hãy để anh ta quên mất có một thứ gọi là chiến tranh… hãy cho thiên hạ những cuộc thi mà họ thắng bằng cách nhớ được lời những bài hát ai cũng thích hoặc tên thủ phủ các bang hoặc năm ngoái vụ ngô ở Iowa thu hoạch được bao nhiêu. Hãy nhồi đầy đầu họ những dữ liệu không bắt cháy, hãy tọng cho họ đầy ứ “sự kiện” đến nỗi họ thấy tức thở nhưng tuyệt đối “sáng láng” nhờ có thông tin. Rồi thì họ sẽ thấy mình đang suy nghĩ, họ sẽ có cảm giác mình đang chuyển động… đừng cho họ bất cứ thứ gì khó nắm bắt như là triết học, xã hội học để cho họ cột các thứ vào nhau… hãy mang tới những câu lạc bộ những tiệc tùng, những nghệ sĩ nhào lộn và ảo thuật gia, những tay diễn trò liều mạng, những ô tô phản lực, những xe máy trực thăng, tình dục heroin….

Hắn cho rằng vẻ đẹp thực sự của lửa là “ở chỗ nó hủy diệt trách nhiệm và hậu quả.

Trợ thủ của đội Phóng hỏa là một Con Chó Máy.

Cũng theo lời Beatty, con chó máy là “một tạo phẩm hay… một khẩu súng tốt có thể tự lùng ra con mồi và bảo đảm bách phát bách trúng… nó chẳng nghĩ gì khác ngoài những gì chúng ta muốn cho nó nghĩ… nó chỉ là cáp đồng, pin và điện.

Con chó máy sẽ phun lửa vào những tòa nhà, những thư viện, sẽ gầm gừ đe dọa, sẽ thè chiếc kim nhọn hoắt của nó đâm vào những ai còn biết suy nghĩ, còn có tình cảm, còn… lưu giữ sách.

***

Khác với Beatty và đồng nghiệp, Guy Montag có trong tiềm thức một thằng Ngốcthỉnh thoảng lại ba hoa bốc phét, hoàn toàn độc lập với ý chí, với thói quen, với lương tri.

Montag ngờ ngợ nhận ra mình chỉ đang đeo chiếc mặt nạ của Hạnh phúc, mình đang sống trong một xã hội tàn nhẫn, mình đang làm một công việc vô luân.

Anh, người duy nhất trong những kẻ phóng hỏa, nhìn thấy vẻ đẹp của một cuốn sách, vẻ đẹp của một câu thơ: “cuốn sách đáp xuống, ngoan hiền, như con bồ câu trắng, trong tay anh, đôi cánh chấp chới… trong toàn bộ cảnh nhộn nhạo và cuống nhiệt, Montag chỉ có một khoảnh khắc để đọc một dòng nhưng dòng đó cháy sáng trong trí anh suốt một phút sau như đã được in lên đó bằng thép nóng: ‘thời gian đã thiếp ngủ trong nắng chiều’”.

Anh, người có nhiệm vụ đốt sách đã tìm cách lưu giữ những cuốn sách trong chính căn phòng của mình và: “cảm thấy cuốn sách giấu kỹ đập thình thịch như một quả tim nơi ngực anh.

Mọi thứ sống trong anh như một đốm lửa, rồi theo ngày tháng, lớn hơn, sáng tỏ hơn, cho đến khi, sau một vụ đốt sách, anh nói với vợ: “bọn anh đốt một ngàn cuốn sách. Bọn anh đốt một người đàn bà… ngọn lửa này cứ sẽ âm ỷ cho đến hết đời anh… lần đầu tiên anh nhận ra rằng đằng sau mỗi cuốn sách có một con người… Ắt phải có cái gì đó trong mỗi cuốn sách, những thứ ta không thể hình dung, nó khiến cho một người đàn bà ở lại trong căn nhà cháy….

Và rồi, ngày nọ. anh đã có lựa chọn cho mình.

***

May mắn, Montag không đơn độc.

Anh còn có Clarisse, Giáo sư Fabet và nhóm những nhà trí thức.

*Clarisse, cô gái mà Montag tình cờ gặp một đêm nọ, trên đường về nhà, chính là người đã nhận ra “vẻ bị choáng” nơi Montag.

Clarisse luôn có cảm giác mình là người của thuở xa nào, cô sợ những người cùng trang lứa: “Chúng giết nhau… chỉ riêng năm ngoái thôi, sáu người bạn của em bị bắn chết. Cô sợ những tiết học: “Tụi em chả bao giờ đặt câu hỏi… họ cứ đổ tràn câu trả lời lên ta, bing bing bing… chỉ là một lô những cái phễu và rất nhiều nước được trút vào miệng phễu rồi chảy xuống dưới đáy, thế mà họ bảo ta đó là rượu vang….

Theo cô, thiên hạ: “chủ yếu chỉ nhắc tên một lô một lốc nào xe nào quần áo nào hồ bơi… tất thảy nói ngần ấy thứ và chẳng ai nói gì khác ai. Và hầu hết thời gian trong quán cà-phê toàn mở máy kể chuyện cười và quanh đi quẩn lại cũng chỉ toàn những chuyện cười ấy….

Những trang viết về Clarisse là những trang đẹp nhất, sáng tươi nhất, trong trẻo nhất của Ray Bradbury:

Lá thu bay xào xạc trên vỉa hè sáng trăng khiến cho cô gái đi trên đó tựa hồ như đang lướt, buông mình cho chuyển động của gió và lá đưa về phía trước… mặt nàng nhỏ nhắn và trắng như sữa, và trên khuôn mặt đó có một vẻ khao khát dịu dàng chạm vào mọi thứ với sự hiếu kỳ không biết mệt mỏi. Đó là một cái nhìn hồ như phơn phớt ngạc nhiên; đôi mắt đen dán chặt vào thế giới đến nỗi không một động tĩnh nào thoát khỏi nó được. Váy nàng màu trắng và nó lao xao… Họ bước đi trong đêm đầy gió vừa ấm áp vừa mát mẻ trên vỉa hè dát bạc, có hương mơ và đậu tươi thoảng nhẹ trong không khí… khuôn mặt nàng trắng như tuyết dưới ánh trăng…”.

Clarisse bị coi là một kẻ điên, một kẻ phải bị loại bỏ.

Nhưng, chính kẻ điên ấy đã “phá vỡ thói thường” của Montag. Cô khiến anh, sau nhiều năm tháng, chợt nghe thấy: “có ai đó vừa gọi tên anh”, ngửi thấy: mùi hương thoang thoảng trong không khí”, nhận ra sự bình an đặc biệt nơi cô gái vừa rời đi.

Và, “hình ảnh nàng mới rợn ngợp làm sao trên cái sân khấu trước mặt anh và bóng nàng mới to lớn làm sao so với thân hình mảnh dẻ của nàng.

Clarisse là người duy nhất nhìn Montag như thể: “anh là người đáng kể”.

*Fabet

Fabet là giáo sư Văn chương. Ông lạc lõng cô độc, sống trong căn nhà nhỏ với bốn bức tường trống không và luôn “đợi ai đó nói với tôi.

Cũng như Montag, trong ông có một đốm lửa.

Khác anh, đây là đốm lửa của tri thức, của ý thức.

Ông hiểu, không phải tự nhiên mà Montag đã tìm đến ông trong tuyệt vọng.

Fabet giúp Montag hiểu rằng: “Toàn bộ nền văn hóa bị tàn phá tơi tả hết rồi. Cần phải nung chảy cái khung rồi nhào nặn lại….

Ông giúp người lính phóng hỏa ấy nhận biết: lính phóng hỏa chỉ là một thứ công cụ, điều cần thiết chính là: “bản thân cái cơ cấu lính phóng hỏa phải bị đốt đi.

Ông giúp anh tin, anh sẽ là: “Mongtag-cộng-với Fabet, tức lửa cộng với nước, và rồi, một ngày kia, sau khi mọi thứ đã trộn vào nhau đã sôi liu riu và đã chín tới trong im lặng, sẽ không còn cả lửa lẫn nước, mà là rượuVà một ngày kia anh sẽ nhìn lại thằng ngu mà biết thằng ngu. Thậm chí ngay giờ đây anh đã cảm thấy đoạn đầu của cuộc hành trình dài đó… rời xa khỏi cái tôi trước đây của anh.

Và rồi, một ngày nọ, Montag đã đủ sức để đọc to lên trước mọi người một bài thơ, đủ sức đoạn tuyệt tất cả để ra đi, với vài cuốn sách còn lại: “ta sẽ cứu cái gì cứu được, ta sẽ làm những gì còn làm được.

*Nhóm Trí thức sống sót

Fabet đã cho Montag biết về nhóm trí thức “lưu lạc” trên các tuyến đường sắt bỏ hoang – những kẻ: “đang bị truy nã và săn lùng”.

Họ, những giáo sư, những tiến sĩ, những Đức Cha từng viết sách, từng giảng dạy tại các trường Đại học danh tiếng.

Họ, những trí thức chỉ còn có thể lưu giữ sách “trong mấy cái đầu già, cái nơi không ai thấy được, không ai ngờ được. Tất cả chúng tôi là những mẩu những đoạn của lịch sử của văn chương và của Luật quốc tế. Họ tin: “chúng ta sẽ trao sách lại cho con cái, bằng truyền miệng, rồi đến lượt con cái ta sẽ tiếp tục đợi để trao lại cho người khác.

Họ tin vào cuộc tái sinh của chim phượng hoàng từ đống tro tàn hủy diệt.

Họ, những người “đang ghi nhớ”.

Họ, với ngọn lửa nhỏ chống rét đã làm cho Montag lần đầu tiên nhận ra: lửa không đốt cháy “nó đang sưởi ấm… lửa cũng có thể cho chứ không chỉ nhận”.

Những trang miêu tả ngọn lửa “sưởi ấm” này cũng rất đẹp, nó gần với những trang viết về Clarisse.

Cuối cùng, Montag đã có thể cảm thấy: “Các câu chữ đang chầm chậm cục cựa, đang chầm chậm sôi âm ỷ….

3.

Thưa nhà văn Ngô Thị Kim Cúc,

Thực lòng, tôi cảm thấy khó có thể viết thêm điều gì sau khi “tường thuật” (một cách khách quan) cuốn tiểu thuyết tiên tri mang tính biểu tượng của Ray Bradbury.

Chính tác giả, trong phần Dẫn nhập (12/3/2003) đã cho rằng: “Cuốn sách dường như có một cuộc đời cứ không ngừng tự tái tạo”.

Quả vậy.

Comments are closed.