Văn học miền Nam nối dài – Văn học hải ngoại

Vũ Thành Sơn

Có những tên gọi được dùng do thuận tiện, lâu ngày thành phổ biến và quen thuộc, đến mức ít có ai nghi ngờ độ chính xác của những tên gọi đó.

Văn học miền Nam nối dài, chẳng hạn.

Người ta dễ dàng thống nhất với nhau về khái niệm văn học miền Nam, bởi vì đó là danh xưng của một thực tại lịch sử có trước 1975; nó mô tả một bộ phận văn học, có không gian địa lý, bối cảnh lịch sử, tác giả cụ thể, có tiếng nói, xu hướng, diện mạo cụ thể và nhất là, nó có một bằng chứng hiện hữu vật chất cụ thể là sách, báo, các giải thưởng… trước 1975. Đời sống của bộ phận văn học đó đã bị kết liễu cùng với số phận của chế độ chính trị miền Nam Việt Nam bởi sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.

Vì vậy, người ta sẽ khó thống nhất với nhau khi đề cập đến tên gọi văn học miền Nam nối dài. Đành rằng vẫn còn đó, tuy không nhiều, những nhà văn, nhà thơ,… của miền Nam Việt Nam nhưng có thể nói họ không còn hoạt động, hoặc chỉ có một số ít hoạt động cầm chừng ở hải ngoại. Ngay cả còn hoạt động rải rác đây đó ở hải ngoại, họ cũng đã mang một tâm cảnh khác, thái độ văn chương khác, hoàn cảnh viết cũng đã khác.

Có phải vì lý do đó mà danh xưng văn học hải ngoại ra đời chăng? Nó có nội hàm phong phú hơn, bao quát hơn với những tác giả sáng tác trước và sau 1975 ở nước ngoài, và vì vậy, cũng chính xác hơn?

Tuy vậy, xem xét kỹ, danh xưng đó ngoài việc nói lên những người sáng tác hiện đang sinh sống ở hải ngoại ra, nó cũng còn quá mơ hồ. Cái gì thực sự làm nên xu hướng chủ đạo, diện mạo của nền văn học đó khiến nó không thể nhầm lẫn với các bộ phận văn học khác cùng thời, trước hoặc sau nó? Những người Việt Nam từ trong nước ra, học tập, làm việc dăm ba năm, sáng tác và sáng tác của họ được đăng tải ở những tạp chí hải ngoại có được coi là tác giả hải ngoại? Phải sinh sống và sáng tác bao nhiêu năm ở nước ngoài mới được xếp vào dòng văn học hải ngoại? Những tác giả không sinh sống ở trong nước nhưng sáng tác của họ chủ yếu xuất hiện ở trong nước, có còn được coi là tác giả hải ngoại?

Có người lập luận rằng, đặc trưng của văn học hải ngoại là nói về thân phận người Việt ở đất khách quê người. Có thể, nhưng thực sự có bao nhiêu những tác phẩm viết về chủ đề đó để có thể làm thành một xu hướng sáng tác chủ lưu? Có lập luận cho rằng văn học hải ngoại là nền văn học tự do, khác hẳn với văn học trong nước. Nhưng tự do là yếu tính của văn chương; đã không có tự do sao được coi là văn chương, nghệ thuật? Một nền văn học sáng tác dưới cây gậy chỉ huy không nên, không thể được coi là văn học. “Không có tự do, không có nghệ thuật” (Albert Camus).

Cũng như có người đã chỉ ra một cách chí lý Việt kiều là khái niệm chỉ một đối tượng không có thực, khi trong thực tế chỉ có người Mỹ, người Úc, người Pháp,… gốc Việt chứ không hề tồn tại cái gọi là Việt kiều. Việt kiều là một khái niệm đã bị chính trị hóa. Văn học hải ngoại cũng không khác: chỉ có tác giả hải ngoại, chứ không hề có văn học hải ngoại.

Duy trì danh xưng văn học hải ngoại là một hành động có màu sắc chính trị, để rồi sau đó tiến hành cái gọi là hòa hợp, hòa giải văn học, lại là một hành động chính trị khác.

Hãy trả lại cho văn học những gì thuộc về văn học.

Comments are closed.