Philip Larkin: Họ làm hỏng mất toi đời bạn

Nguyễn Đức Tùng

clip_image001[4]

Philip Larkin (1922-1985), sinh ở Coventry, Anh Quốc năm 1922. Ông tốt nghiệp cử nhân ở trường Oxford, sau đó học thêm để trở thành quản thủ thư viện. Ông làm việc trong các thư viện suốt đời mình. Bên cạnh các tập thơ, Larkin còn xuất bản hai cuốn tiểu thuyết, nhiều tiểu luận, phê bình văn học, phê bình âm nhạc. Larkin được xem là một trong những nhà thơ Anh quan trọng bậc nhất.

Larkin nổi tiếng về các bài thơ rất ít ỏi, khoảng hơn một trăm trang giấy in. Mặc dù nổi tiếng, Larkin sống khép kín, ít khi xuất hiện trước công chúng, trong các buổi phỏng vấn. Được xem là một tài năng đặc biệt trong nghệ thuật thơ ca, các bài thơ của ông được trích dẫn nhiều nơi, được các nhà thơ thế giới và Bắc Mỹ chào đón. Phong cách của ông có tính truyền thống, cổ điển, nhưng các chủ đề lại rất hiện đại, đương thời, rộng rãi. Tờ báo Deli Telegraph từng viết rằng: mọi thứ Larkin viết ra đều ngắn gọn, trang nhã, vô cùng độc đáo. Sau tập thơ High Windows, 1974, Larkin ngừng làm thơ. Năm 2002, sau khi Larkin qua đời đã lâu, người ta tìm thấy trong một đống rác một cuốn sổ tay chép các bài thơ chưa hề xuất bản của Larkin. Các bài thơ trong ấy về sau được tập hợp lại trong tuyển tập xuất bản năm 2004 bởi Thwaite.  

Ông là nhà thơ trữ tình thế sự, với cái nhìn hài hước, châm biếm, một ngôn ngữ trong sáng, tiết chế. Bài thơ "Họ làm hỏng mất toi đời bạn" nói về các khuyết điểm của con người được truyền đi từ đời này đến đời khác. Cha mẹ bạn gây ra khổ đau cho bạn, rồi bạn gây ra cho con cái bạn.

Cấu trúc cân đối, ý tứ rõ ràng, cách dùng chữ ngắn, chính xác, nhưng ý nghĩa của chúng sâu xa, mở rộng ra mãi, khi bạn đi sâu vào mạch thơ của ông. Nhiều nhà phê bình cho rằng thơ Larkin đầy tính bi quan. Thực ra nhà thơ thường tách rời ra khỏi nhân vật trong bài thơ của mình. Đó là khuynh hướng tả thực bằng bút pháp tinh tế, cao cường. Trong bài thơ tôi vừa nhắc, trong khi tác giả là người dẫn chuyện, thì điểm nhìn tâm lý lại có khi từ nhân vật, sự khác nhau rất tinh tế. Sự phân biệt giữa tác giả, người phát ngôn và nhân vật là quan trọng trong nhiều bài thơ của Larkin.

Larkin là nhà thơ nhân đạo hơn là một người phê phán, người mô tả cái đẹp của sự thật. Những giây phút đen tối, buồn rầu, bi quan tràn ngập sự sáng tạo của ông, nhưng chúng vẫn không ngăn được thứ ánh sáng cuối cùng của lòng tin vào con người, tình thương xót đối với họ. Là một người biêt trò chuyện trực tiếp với người đọc, nhà thơ có quan điểm khác biệt đối với chủ nghĩa hiện đại: Larkin nhấn mạnh đến sự giao tiếp giữa nhà thơ với người đọc, trong khi vẫn dành cho ngôn ngữ sự ưu tiên có tính vui chơi và diễm mỹ.

 

HỌ LÀM HỎNG MẤT TOI ĐỜI BẠN

 

Họ làm hỏng mất toi đời bạn, mẹ và cha

Không phải họ định làm thế đâu, nhưng rồi họ làm thế

Làm cho cuộc đời bạn đầy lỗi lầm do chính họ gây ra

Rồi thêm vào đó nhiều hơn nữa, dành cho bạn mà thôi

 

Nhưng cuộc đời cha mẹ bạn cũng đã hỏng rồi

Với tất cả những trò điên khùng ngày trước

Một nửa thời gian mực thước, dịu dàng

Một nửa kia dữ dằn tàn ác

 

Con người truyền tay nhau các số phận đáng thương

Nhiều thế hệ thường đào sâu hơn thế nữa

Như vịnh nước sâu, bạn tìm cách mau mau ra khỏi nó

Càng sớm càng tốt nhé, và đừng có con để không còn lầm lỗi

 

This Be The Verse

They fuck you up, your mum and dad.  

    They may not mean to, but they do.  

They fill you with the faults they had

    And add some extra, just for you.

 

But they were fucked up in their turn

    By fools in old-style hats and coats,  

Who half the time were soppy-stern

    And half at one another’s throats.

 

Man hands on misery to man.

    It deepens like a coastal shelf.

Get out as early as you can,

    And don’t have any kids yourself.

(https://www.poetryfoundation.org/poems/48419/this-be-the-verse)

(THƠ NƯỚC NGOÀI BÀI 4)

Comments are closed.