1984 của George Orwell

Đinh Bá Anh

1984-by-opallynn-d4lnuoh Độc giả của Nhà xuất bản Giấy Vụn đã có dịp biết đến George Orwell qua tác phẩm Trại súc vật, bản tiếng Việt ấn hành năm 2008. Lần này, chúng tôi lại hân hạnh được giới thiệu một kiệt tác nữa của ông, 1984, tác phẩm bất hủ đã trở thành huyền thoại rùng rợn về nhà nước toàn trị, qua bản dịch xuất sắc của Phạm Minh Ngọc.

Nếu ở Trại súc vật, chủ đề trung tâm là sự hình thành nhà nước toàn trị qua cuộc Cách mạng Vô sản, thì 1984 đi sâu miêu tả cơ chế hoạt động của nhà nước này sau khi Cách mạng đã thành công và bộ máy hành chính quan liêu đã được xây dựng hoàn chỉnh.

George Orwell viết cuốn tiểu thuyết này trong hai năm 1946 – 1948. Tên tác phẩm, 1984 (đảo ngược của 1948), là ẩn dụ cho một mốc thời gian rất xa trong tương lai theo hình dung của độc giả thời đó. Winston Smith, nhân vật chính, là một đảng viên làm việc trong Ban Lịch sử của “Bộ Sự thật” (Bộ Tuyên truyền). Công việc chính của anh là xóa hoặc cắt xén tất cả những sự kiện có thể gây bất lợi và biên tập chúng sao cho có lợi cho đường lối của Đảng. Bằng cách đó, anh đã góp phần vào việc thủ tiêu lịch sử theo nghĩa là lịch sử của sự thật và thay vào đó là một lịch sử của sự dối trá. Nhưng không chỉ có thế: do đường lối của Đảng cứ thay đổi xoành xoạch, nên có những sự kiện và những con số cứ phải sửa đi sửa lại, đến nỗi không chỉ có một lịch sử mà là vô số lịch sử của sự dối trá. Rốt cuộc, trong cả nước không còn ai biết được cái gì là thật, cái gì là giả nữa, và ngay cả những đảng viên làm việc trong Ban Lịch sử cũng không thể nhớ nổi sự kiện nào đã được ngụy tạo đến lần thứ bao nhiêu, bởi vì cứ sau mỗi lần ngụy tạo, dữ liệu gốc lại bị hủy ngay lập tức.

Trong thâm tâm, từ lâu Winston Smith đã chán ghét Đảng. Song anh không thể để lộ suy nghĩ của mình, bởi vì khắp nơi đều có công an tư tưởng (an ninh văn hóa) theo dõi. Chỉ một chút sơ hở, anh sẽ bị khép vào “tội tư tưởng” và sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình. Tuy nhiên, khao khát tìm hiểu sự thật, nhất là khao khát tìm hiểu bằng cách nào Đảng có thể xây dựng nên một xã hội quái đản như vậy, đã từng bước đưa Winston Smith trở về quá khứ, giúp anh dần nhận ra quá trình thâu tóm quyền lực và cơ chế vận hành của Đảng. Nhưng hành trình nhận thức sự thật của anh cũng là hành trình đưa anh tới cái chết, một kết cục không thể tránh khỏi của tất cả những con người còn chút lương tri và lòng tử tế trong chế độ toàn trị.

Ở thời điểm George Orwell viết tác phẩm này (1948), thế giới vừa trải qua chế độ toàn trị kiểu phát-xít, còn chế độ toàn trị kiểu xô-viết vẫn còn đang cực thịnh. Ngay cả ở Anh và Mỹ, việc nhà nước kiểm soát hoặc can thiệp vào đời sống (trong đó có đời sống tư tưởng) của công dân cũng đang là một khuynh hướng đáng lo ngại, đến nỗi nhiều học giả bi quan cho rằng, nhà nước toàn trị là một khuynh hướng phát triển không thể tránh khỏi của xã hội loài người. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trên phạm vi thế giới hơn sáu mươi năm qua cho thấy, nhà nước toàn trị không phải là một khuynh hướng tất yếu, mà nó đơn giản là một sai lầm về tư tưởng. Người ta có thể tránh sai lầm này, và người ta cũng có thể sửa nó khi đã mắc phải. Nhiều quốc gia, trong đó có một số nước Tây Âu và Anh-Mỹ đã tránh được, còn những nước như Nga và Đông Âu đã nhận ra và sửa sai lầm đó. Trung Quốc và Việt Nam đi con đường riêng, con đường tiệm tiến, nhưng chúng ta có quyền tin rằng, đến một ngày nào đó, hai quốc gia này cũng phải đi đến nhận thức rằng: Con người sinh ra có quyền tự do!

1984 của George Orwell miêu tả một xã hội đen tối cùng cực, nhưng nó giúp ta nhận diện sâu sắc chế độ toàn trị, để chúng ta có thể thấu hiểu và tránh lặp lại nó, cũng như giúp ta sửa chữa những sai lầm còn tồn đọng mà ta không thể hoặc không dám nhìn thấy. Hiểu theo nghĩa đó, cuốn tiểu thuyết gây ớn lạnh của George Orwell chính là một thông điệp của hy vọng.

 

Các bạn có thể tìm đọc 1984 tại:

http://phamnguyentruong.blogspot.com/2011/06/george-orwell-1984-ki-1.html

 

Comments are closed.