TRIẾT: Tập san Triết học và Tư tưởng, số 5 tục bản

Chủ nhiệm: Nguyễn Hữu Liêm

Chủ bút: Dương Ngọc Dũng

Cố vấn Học thuật: Như Hạnh

Giám đốc Điều hành và Kỹ thuật:  Nguyễn Lê Tiến

Mục Lục số 5

1. Thư Chủ nhiệm – Nguyễn Hữu Liêm
2. Suy nghĩ về Triết – Như Hạnh Nguyễn Tự Cường   
3. Học Triết như thế nào – Dương Ngọc Dũng
4. Phê trình Triết lý Giáo dục Công cụ – Trần Văn Đoàn
5. Giới thiệu Lý Đông A – Đoàn Viết Hoạt
6. Diodore: Khi luận lý làm chủ Triết học – Nguyễn Hoài Vân
7. Dẫn nhập nghiên cứu Kinh Lăng Già – Như Hạnh Nguyễn Tự Cường
8. Hoàng Đế Tứ Kinh – Phát hiện mới nhất về tư tưởng Hoàng Lão – Dương Ngọc Dũng
9. Giới thiệu “Một lý thuyết về Công lý” của John Rawls và "Tractatus-Logico-Philosophicus” của Ludwig Wittgenstein – Nguyễn Hữu Liêm
10. Và các bài khác…

Chúng tôi hân hạnh được tục bản tập san TRIẾT: Tạp chí Triết học và Tư tưởng. Đây là số 5 với phiên bản mới online. Sau hơn 20 năm vắng mặt, chúng tôi tưởng rằng TRIẾT sẽ không bao giờ được tục bản. Việc xuất bản một tập san chuyên môn, bằng Việt ngữ ở hải ngoại qua hình thức báo giấy như từ số 1 đến số 4, đã là một công việc vô cùng khó khăn, từ tài chánh đến phát hành. Nay nhờ vào kỹ thuật internet, việc phát hành online đã trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Trước hết, TRIẾT xin cám ơn anh Nguyễn Lê Tiến, Tiến sĩ Vật lý từ Đại học Munchen, Đức quốc, đã khuyến khích tục bản Tập san và đảm trách phần quản lý và kỹ thuật – một công việc đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Mong độc giả gởi đến Tiến sĩ Tiến một tràng pháo tay hoan nghênh.

Hai mươi năm là cả một thế hệ đời người. Phần lớn anh em trong ban Biên tập nay đã vào tuổi nghỉ hưu, sức khỏe và lòng nhiệt thành cũng đã giảm đi nhiều. Không những thế, nhiều người chúng tôi cũng đã có cái nhìn khác về Triết học và Tư tưởng. Tuy thế, chúng tôi vẫn nghĩ rằng một tập san tiếng Việt chuyên môn cho lãnh vực Triết học vẫn là điều cần thiết trong bối cảnh thiếu vắng một cơ sở học thuật tự do và độc lập cho một ngành rất thiết yếu cho nhu cầu phát huy tư tưởng theo tiêu chuẩn học thuật nghiêm chỉnh.

Triết học thuộc về lãnh vực chuyên ngành, mang tính học thuật cao, đòi hỏi trình độ và phẩm chất hàn lâm – và người tham dự phải đã được huấn luyện theo tiêu chuẩn khoa học. Triết không như văn chương hay thi ca vốn tràn ngập các diễn đàn tiếng Việt từ trong nước đến hải ngoại bấy lâu nay. Ai trong người Việt cũng có thể viết truyện ngắn, bút ký, sáng tác thơ – nhưng nếu không được huấn luyện chuyên môn trong ngành Triết thì không thể hiểu Triết hay viết Triết. Triết cũng không phải là một ngành về đạo học, huyền bí học, hay các lãnh vực tương tự. Ai đó có thể tự xưng mình là người hiểu biết và có thể viết về, ví dụ, Bát Nhã Tâm Kinh, về Dịch Lý, về Tân Ước – nhưng đó chưa phải là Triết học. Chúng ta đã có quá nhiều nhà văn, thi sĩ, nhà đạo học vốn bàn những vấn đề mà chúng tôi nghĩ là thiếu cơ sở học thuật, lý tính và khoa học cơ bản. Triết là một khoa học như các nghành khoa học Tây phương khác vốn đặt cơ sở trên lý luận, logic, và theo quy tắc và nguyên lý học thuật mà truyền thống Triết học thế giới đã xây dựng từ hằng ngàn năm qua.

Trong số này, hai tác giả Như Hạnh và Dương Ngọc Dũng – ngoài hai bài nghiên cứu công phu – sẽ cống hiến cho độc giả một cái nhìn chuyên môn về nghành Triết học – cũng như đánh giá lại gia tài Triết học của miền Nam Việt Nam trước 1975 với những ưu điểm và rất nhiều khiếm khuyết. Một trong những nhược điểm được tác giả Như Hạnh nêu lên, với thí dụ của các nhân vật như Phạm Công Thiện, Nguyễn Văn Trung, Bùi Giáng, Nguyễn Đăng Thục, chẳng hạn, là hiện tượng thi ca hóa, văn chương hóa, cường điệu hóa một lãnh vực chuyên môn mà những nhân vật tham dự vốn đã thiếu trình độ học thuật và thái độ nghiêm chỉnh – nếu không nói là tài năng – cho lãnh vực thuần lý luận, logic, minh bạch và thuần lý tính.  Có lẽ các tác giả miền Nam nêu trên phải chăng đã bị tiêm nhiễm, thực dân hóa bởi truyền thống văn hóa Pháp, một văn hóa mang bệnh lý biến Triết học thành văn chương và thi ca mơ hồ, muốn vẽ ma vô hình bằng hình thức nào cũng được xem là siêu việt.

Chúng tôi cũng hân hạnh giới thiệu bài viết về Triết lý Giáo dục của Giáo sư Trần Văn Đoàn, nguyên Khoa trưởng khoa Triết của Đại học Quốc gia Đài Loan – một thẩm quyền về triết học Đông Tây mà trong giới chuyên ngành ai cũng phải biết đến. Trong khi Việt Nam đang đi tìm một nền tảng lý thuyết cho cơ đồ giáo dục vốn đang bị khủng hoảng, thì bài viết của Giáo sư Đoàn sẽ là một đóng góp quan trọng.

Cũng như thế, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nhằm giới thiệu cho độc giả về Lý Đông A, một nhân vật huyền thoại trong chính trị cách mạng Việt Nam từ tiền bán thế kỷ 20. Lý Đông A là nhân vật cách mạng, nguời lập thuyết Duy Dân, với một hệ thống triết học khá phức tạp và đầy tính sáng tạo.  Có lẽ, với Kim Định, thì Lý Đông A đã là hai triết gia duy nhất đã đưa ra một hệ thống lý thuyết khá nguyên thủy về văn hóa, lịch sử và chính trị Việt.

Từ Thụy Sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoài Vân cũng cống hiến một phương trình mang tính nan đề của Diodore, một triết gia Hy Lạp ở thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên.  Diodore trình bày một vấn đề học thuật thuần lý luận như là một hệ công án logic vốn làm cơ bản tiền đề cho mọi lý thuyết về định mệnh, Thượng đế, nhân quả, ngẫu nhiên. Đọc bài của Bác sĩ Vân để người học Triết phần nào hình dung ra một vấn đề mà truyền thống Triết học Phân tích (Analytic Philosophy) của Mỹ bấy lâu nay đã bị chỉ trích – đó là Triết học nay chỉ còn là vấn đề thuần lý luận và chẻ tóc bằng ngôn ngữ, vốn như huyền thoại con rắn Ourobobos tự nuốt lấy cái đuôi của nó để mà chết. Mà thực sự như vậy, ngành Triết học ở các đại học Hoa Kỳ đang đi vào con lộ diệt vong vì tinh thần Triết học suy lý/trắc – speculative philosophy – đã không còn được chú trọng và dạy dỗ như xưa, mà nay chỉ còn là một phân khoa tư duy luận lý cao cấp – critical thinking – hay tu từ học – rhetoric – thì đúng hơn. Và còn nhiều bài khác.

***

TRIẾT sẽ cố gắng phát hành mỗi ba tháng – và mỗi số chỉ giới hạn ở một số bài có tiêu chuẩn học thuật cao. Ban Biên tập xin lỗi các tác giả đã gởi bài viết về các đề tài như đạo học, huyền bí học, hay các vấn đề thuần lịch sử hay thời sự vốn thuộc về các lãnh vực khác. Các bài này dù có chất lượng và công phu, chúng tôi cũng xin phép không thể đăng vì chúng không thuộc về lãnh vực thuần Triết học. Mong các vị thông cảm và lượng thứ.

Chúng tôi mong mỏi và kỳ vọng rằng, cho một tương lai gần, TRIẾT sẽ được trở thành một cơ sở chuyên môn cho một phân khoa Triết học ở một đại học uy tín ở Việt Nam. Hãy hình dung rằng năm, hay mười năm nữa, TRIẾT  sẽ được trình bày trang trọng trên các quầy tập san chuyên ngành ở các thư viện đại học – và các bạn sinh viên ngành Triết học sẽ có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu và suy tư, tìm niềm hưng phấn, năng lực sáng tạo, khi đọc các bài viết của TRIẾT.

Ban Biên tập mong chờ sự tham dự và gởi bài cho TRIẾT – cũng như đóng góp ý kiến nhằm giúp TRIẾT ngày càng gia tăng phẩm chất.  Chúng tôi không phải là những chuyên gia về lãnh vực xuất bản online, nên khiếm khuyết, sai lỗi kỹ thuật sẽ không thể tránh khỏi. Mong độc giả hiểu cho.

Trân trọng,

Nguyễn Hữu Liêm

Comments are closed.