Hiện thực và huyền thoại về các tu sĩ Phật giáo Việt Nam

Trần Kiêm Đoàn

image

Hòa thượng – Thiền sư Thích Tuệ Sỹ (Thầy Tuệ Sỹ) viên tịch mới vài tuần. Các đơn vị chùa viện, đoàn thể Phật giáo Việt Nam, một số ít trong nước và đông đảo nhất là ngoài nước, tổ chức lễ tưởng niệm một danh tăng thuộc thế hệ Chiến tranh Việt Nam. Những trang nhà Phật giáo cũng như các cơ sở truyền thông online tiếng Việt đã rộ lên những bài viết, những phát biểu đủ mọi đề tài và thể loại nói đến tài năng, công hạnh và đạo nghiệp của Thầy Tuệ Sỹ. Những bài viết xuất hiện dưới nhiều thể loại như văn, thơ, điếu thi, điếu văn, bình luận, hồi ký, tùy bút… và có luôn cả Kỷ Yếu Tri Ân thực hiện trước khi Thầy Tuệ Sỹ viên tịch. Bên cạnh những bài viết nghiêm túc, bái biệt đầy đạo tình gây cảm xúc chân thành thì cũng có rất nhiều bài được viết theo kiểu “phong thánh”, ngợi ca cường điệu đến mức độ gây dị ứng… tâm lý và khơi mào cho những bài phản biện trái chiều.

Trong số những ý kiến muôn màu muôn vẻ khắc họa chân dung và công hạnh của Thầy Tuệ Sỹ, có một ý kiến khá biệt luận, tách rời dòng xuôi; tuy không chảy ngược, nhưng trôi ngang của Nguyễn Hữu Liêm, một tác giả bút luận với đường bay riêng: “xốc nổi mà độc đáo, xông xáo mà vô vi”!

Bài viết của Luật sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm (NHL) đăng trên BBC News Tiếng Việt qua đề tài:  “Tưởng niệm Thích Tuệ Sỹ: Khi cái chết trở nên điều huyền thoại” không nằm trong số những ý kiến thuộc dạng điếu tang đồng phục đã gây sự chú ý và phản biện nhanh chóng nhất trên mạng lưới truyền thông đại chúng trong hai tuần vừa qua.

Bài viết của NHL gồm bốn ý chính:

1. Thầy Tuệ Sỹ là nhà tu Phật giáo điển hình có chân tài hàn lâm học sĩ, nhân dáng thanh khiết, hành trạng từ bi, trí tuệ và dũng mãnh… vượt lên trên giới hạn hiện thực nhân sinh nên đã thành “điều huyền thoại” (myth, legend) trong tầm nhìn của đại chúng Phật tử, nhất là thế hệ Chiến tranh Việt Nam.

2. Đại chúng theo đạo Phật, đặc biệt là giới trí thức Phật tử vốn có khuynh hướng huyền thoại hóa những nhân vật tôn giáo để giúp thỏa mãn những ước mơ mà họ không tìm thấy giữa dòng đời hiện thực; vô hình chung, Thầy Tuệ Sỹ hiện thân là nhân vật đáp ứng cho khát vọng viễn tưởng đó. NHL viết: “Tuệ Sỹ xuất hiện theo cao trào Phật giáo lãng mạn mang hương vị hiện sinh trong một giai thời hỗn loạn”.

3. Những danh tăng Phật giáo như Thầy Nhất Hạnh, Thầy Tuệ Sỹ là những tu sĩ Phật giáo đứng hàng đầu của khuynh hướng “Phật giáo Dấn thân” (Engaged Buddhism). Do vậy, khi quý Thầy “huyền thoại” qua đời thì đạo Phật Việt Nam rơi vào bế tắc. NHL viết: “Nhưng từ khi Thầy Nhất Hạnh qua đời, và nay với sự ra đi của Thầy, thì ý chí và con đường dấn thân, nhập thế của Phật giáo Việt Nam xem như chấm dứt.” Và cũng theo NHL thì Phật giáo Việt Nam đang bị bí lối và phải chờ một thế hệ tăng ni tương lai mới mong có chăng một sinh lộ cho thế tồn vong của đạo Phật Việt Nam.

4. Trí thức Phật giáo nhầm lẫn bản thể luận của tự ngã với “tính năng động tâm lý cá nhân” nên thường đem lý Vô Ngã của đạo Phật để tự biện minh cho sự bất lực yếu hèn của chính mình. Và hệ quả tâm lý mù mờ này là sự vẫy vùng trong tuyệt vọng để xây dựng một ảo tưởng siêu nhân qua những huyền thoại siêu việt hoang tưởng. NHL viết: “Trí thức Phật giáo ít nhiều thường hay nhầm lẫn bình diện bản thể (ontology) của ngã thức với tính năng động tâm lý cá nhân. Biện minh vô ngã, từ đó, đối với họ đã trở nên một biện minh cáo từ cho sự bất lực, lười biếng, yếu hèn. Giới tu Phật hiểu điều đó một cách mơ hồ – để rồi xây đắp cho họ những hình ảnh siêu nhân trong những huyền thoại tự cao.

Biện thông – không phản biện

Phần nhận định sau đây chỉ là điều góp ý và chia sẻ với NHL, không khởi tâm phản biện vì trong quan điểm Phật giáo, sự luận giải bất cứ một quan điểm riêng tư hay đại chúng nào cũng thảy đều cần sự ứng hợp với khế lý (lý thuyết kinh điển) và khế cơ (thực tế hoàn cảnh). Nói theo lý sự “tam tạng tứ tầm” quả đã là quá khó vì kinh văn và thuyết lý nhà Phật vốn mênh mông như trời biển mà mé bờ nào cũng ẩn chứa biết bao điều thâm diệu; trong hiển có mật, trong hữu có không, trong duyên có nghiệp. Đi vào thực tế hoàn cảnh càng khó hơn bởi cái sở tri và công hành là một chuỗi duyên nghiệp thuận nghịch trùng trùng và mỗi cá nhân đều có góc cạnh, căn cơ riêng nên tranh luận và hội luận về hiện tượng và bản chất, hình tướng và thật tướng thường rất dễ đi đến chỗ ngôn đa khẩu loạn của giới mù sờ voi. Hiện tượng cãi chày, cãi cối, cố nói cho lại được… mà thuật ngữ kinh điển thường gọi là “thế trí biện thông” nghĩa là đem cái trí phàm phu ra biện giải những thiên thư áo nghĩa nên thường dẫn tới ngõ cụt của lý luận và tư duy.

Bởi vậy, những dòng sau đây người viết trao đổi với NHL theo những cảm nghĩ xuôi dòng, như một sự góp ý và chia sẻ thân hữu; không nhằm mục đích phản biện hoặc chống hay hỗ trợ một khuynh hướng hay quan điểm tôn giáo, chính trị nào cả.

Trước hết, nói về hiện tượng huyền thoại hóa (mythologization) mà NHL gọi là “điều huyền thoại” thì thường có hai mức độ là huyền thoại hóa đối tượng và huyền thoại hóa chính mình. Điều này thường gặp trong môi trường tôn giáo và chính trị Á Đông mà phổ biến nhất là tại Trung Hoa, Tây Tạng và Việt Nam thời quân quyền và giáo quyền toàn trị. Riêng đối với Phật giáo Việt Nam tính huyền thoại ẩn hiện dưới nhiều góc cạnh, từ cảnh quang vườn chùa cho đến chánh điện; từ tượng đài, đền tháp cho đến phẩm phục, lễ nghi, pháp khí, kinh văn… Nhưng tác dụng của nét huyền thoại đó thường có tác dụng nâng cao tín tâm và tô đậm tâm lý chiêm nghiệm siêu hình kiểu René Descartes tân thời (meditation métaphysique de descartes) gần với triết lý hơn là thần thoại hóa hoàn cảnh hay nhân vật nhằm mục đích chiếm lĩnh hay chinh phục bằng sức mạnh thần thánh, tôn giáo.

Trong số những danh tăng Phật giáo thời cận và hiện đại, hai thiền sư Nhất Hạnh và Tuệ Sỹ mà NHL nói đến như là hai biểu tượng (được hay bị) huyền thoại hóa cả một thế hệ Phật giáo thì đây quả là một sự liên tưởng và suy diễn quá phong phú đến nỗi vượt ra ngoài tầm thực tế.

Thực tế, sau cả trăm năm thuộc Pháp và triều đình nhà Nguyễn dưới “bóng đè” của Tây và nhu cầu truyền đạo, cải đạo từ các nhà truyền giáo phương Tây, Phật giáo Việt Nam không được xem là một tôn giáo mà chỉ là một đoàn thể quần chúng theo đạo Phật (Dụ số 9 triều Bảo Đại). Từ những năm 1930, có sự chuyển mình chính trị và tôn giáo, đạo Phật cả ba miền Bắc Trung Nam nhập thế với khuynh hướng dấn thân, chấn hưng và thống nhất. Xem Việt Nam Phật giáo Sử luận và Danh Tăng Việt Nam thì sẽ tìm thấy phương danh của của các danh tăng, cao tăng có tới vài ba trăm vị chứ không chỉ vài ba phương vị.

Do đó, khi NHL đưa vấn nạn (1) quần chúng huyền thoại hóa danh tăng Phật giáo Việt Nam; (2) Phật tử bị mê hoặc bởi hiện tượng say sưa, phủ phục trước huyền thoại danh tăng; (3) và khi các danh tăng “huyền thoại” mất đi thì dòng sinh mệnh của đạo Phật cũng bị thoái trào… là điều không có thực hay có chăng cũng chỉ là hiện tượng lãng mạn tôn giáo, huyễn hóa thực tế về những phương trời viễn mộng.  Đấy là quyền “sáng tạo” rất hoang vu và tự do “nghề mọn riêng tay” của triết nhân và nghệ sĩ, hoàn toàn không có cơ sở hiện thực để thảo luận hay phản biện. 

Trí thức Phật giáo, người là ai?

Nhóm chữ mang tính giai cấp xã hội trong môi trường tôn giáo bị hiểu nhầm nhiều nhất giữa Đạo Phật và Đời Thường là danh xưng “Trí thức Phật giáo”.

Nếu đem cái khái niệm trí thức (intellectual) đời thường để gán ghép cho giới Thiện Tri thức trong đạo Phật thì đó là một quá trình suy diễn và liên tưởng tự động máy móc cần phải được minh xác lại. Từ khi đức Phật Thích Ca còn tại thế, các đại Đệ tử và Tăng đoàn được chia làm hai nhánh học thuật: Đó là các bậc Hữu học và các bậc Vô học. Các bậc Vô học là những bậc “vô sư tự ngộ”. Đó là những luận sư, học giả tự mình học hỏi, nghiên cứu, tham khảo mà sở đắc kiến văn, học thuật không qua trường lớp, thầy dạy nào cả. Khuynh hướng đặt nặng học hàm, học vị đời thường để nhân danh “trí thức” không có danh vị tương đương trong Phật giáo.

 Do đó, khái niệm “Trí thức Phật tử” là hàng Thiện Tri thức. Đó là người có tầm hiểu biết (tri thức) thiện lành (thiện) chứ không phải là hàng học sĩ khoa bảng. Họ là hành giả chứ không phải là học giả. Hiện tượng những Phật tử mang nghiệp bút nghiên, chuyên tranh biện những điều cao siêu bí hiểm, chẻ chữ làm tư… nằm ngoài phạm trù Thiện Tri thức Phật giáo.

Và, cái Ngã mơ hồ về đâu?

NHL cho rằng: “Trí thức Phật giáo ít nhiều thường hay nhầm lẫn bình diện bản thể (ontology) của ngã thức với tính năng động tâm lý cá nhân.” Trí thức Phật giáo NHL hiện ra như những học giả hay người học Phật ở tầm cao, tầm hàn lâm kinh điển nên thường nhầm lẫn bản thể luận Duy vật Heraclite tới bản thể luận theo Thánh kinh của Kitô giáo với bản thể luận Thể tánh tự tại của Phật giáo.

Đạo Phật, trước hết là một tôn giáo cứu khổ ban vui và Phật Pháp là hành động vì lợi lạc của chúng sinh chứ không phải là một hành trình triết luận. Triết lý trong đạo Phật được dùng như là một phương tiện luận giải những khía cạnh tâm lý không đồng nghĩa với Bản thể luận (Ontology – Οντολογία, từ Hy Lạp cổ đại do sự kết hợp giữa oντος: tồn tại và λόγος: học thuyết) là một khuynh hướng chủ đạo của triết học phương Tây cổ đại, nghiên cứu các khái niệm về thực tại và bản chất của sự tồn tại. Bản thể luận phương Tây được hình thành trên cơ sở của siêu hình học (metaphysics) nhằm mục đích mô tả phạm trù tồn tại và các mối quan hệ của phạm trù tồn tại. Trong lúc đó khái niệm bản thể của Phật thường được gọi là Như Lai tạng, Tánh Phật, Tánh thể, Chân như… Cụm từ ngã thức trong câu chữ dùng của NHL có phải là Mạt Na Thức (Thức thứ 7 trong Duy Thức Học Phật giáo – cái thức lôi thôi đa sự nhất của thân tâm, lừa dối ta về bản ngã của mình) hay không? Nếu quả là cái Mạt Na thức này thì NHL hơi bị quá đà vì nó chính là “tính năng động tâm lý cá nhân” rồi chứ chẳng có gã trí thức nào lại “ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” như chàng thi sĩ Nguyễn Bính ngày xưa mê thơ quên thật, nhầm lẫn ngã thức với tính năng động của chính mình như thế cả! Hoặc nếu ngã thức kiểu “trạng dàng trời” của Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ (Egotism) hay ngã thức triết học Tây Dương (Egoism) thì lại càng không có lí do hiện hữu trong tâm thức người Phật tử.

Theo đạo Phật là dấn thân khởi phát với bước chân phá ngã. Biện minh vô ngã để trở thành yếu hèn, lười biếng, bất lực để rồi đưa ra những cái mộc huyền thoại hóa danh tăng làm bia đỡ đạn cho sự thất bại của mình như ý của NHL trong bài viết là một sự suy diễn mang tính suy diễn tưởng tượng dự phóng hơn là hiện thực.

Cận ảnh thoái trào của đạo Phật mà NHL đưa ra trong bài viết là “Con đường của tăng lữ nhà Phật đã đi vào ngõ hẹp hơn, và sợi dây liên kết giữa đạo Phật và dân tộc hình như đã bị tách rời và đứt đoạn” thật ra không mới bởi kẻ đang viết bài này và NHL đã “gặp nhau” về đề tài này từ hơn 12 năm trước trong loạt bài với nhan đề: “Phật Giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc”  (https://thuvienphatviet.com/tran-kiem-doan-phat-giao-viet-nam-dang-lui-tan-hay-khoi-sac/)

Dòng sinh mệnh 25 thế kỷ của đạo Phật, đặc biệt đạo Phật Việt Nam đã trải qua nhiều hưng phế thăng trầm. Có những thời kỳ chiến tranh lan rộng, chùa tháp hoang vu và Phật giáo chỉ còn là tên gọi. Có lúc Tam Bảo chỉ còn là Nhất Bảo: Chùa tháp không còn, tứ chúng tiêu tán. Nhưng “thịnh suy như lộ thảo đầu phô” (Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành. Vạn Hạnh Thiền Sư). Khi thiên nhiên, đất nước và con người trở lại thì đạo Phật vẫn lưu tồn. Thực tế lịch sử của các quốc gia Phật giáo hưng thịnh chỉ một thời, từng giai đoạn hay suốt dòng lịch sử như Ấn Độ, Tích Lan, Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… đã chứng minh rằng, dòng sinh mệnh Phật giáo của một đất nước nằm trong mạng mạch văn hóa của thực tế lịch sử, dân tộc và xã hội của đất nước đó lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong dòng sử mệnh lấy dấu ấn thời gian mấy nghìn năm để đo, sự vội vàng suy luận và kết luận nào cũng chỉ ngang tầm với lời bàn giả định. Không pháp nạn, nhân nạn nào có thể làm Phật giáo phải thoái trào; chỉ trừ phi khi hàng Giáo Phẩm, Tăng Ni và Phật tử tự hành động buông lung và thoái hóa chính mình.

Nếu cho rằng, ở thời điểm này kia hay tại địa phương nọ có một giáo hội, bộ phái hay cá nhân danh tăng… nào đó có ảnh hưởng lớn, thế lực mạnh hay tiếng tăm tài giỏi vừa xuất hiện hay biến mất thì sẽ mang theo số phận tồn vong của Phật giáo là kết luận mang tính suy diễn giả định vội vàng. Đạo Phật là bản môn thanh tịnh. Đá rơi, sóng xao nhưng tất cả sẽ trở về trong lặng.

Mừng Tân Niên 2024, nếu mai mốt được nghe NHL hát Karaoke với giọng trầm Napa Valley ở xứ Sacramento này thì tâm tình và đạo tình còn vui biết mấy.

Sacramento, Mùa Noël 2023 

Comments are closed.