Các vụ tự sát của nhà văn Liên Xô

La Khắc Hòa

Trải qua nhiều kì đấu tố, chẳng hiểu các nhà văn Việt Nam có ai tự tử hay không? Nhưng với nhà văn Liên Xô, thì chỉ cần gọi tên theo trí nhớ, lão hủ cũng có thể liệt kê hàng chục trường hợp, tỉ như:

– Sergei Esenin treo cổ tự tử ở Leningrad (1925)

– Vladimir Mayakovsky dùng súng tự sát ở Moscow (14.4.1930)

– Paolo Yashvili, nhà thơ nổi tiếng người Gruzia, vào đỉnh điểm của chiến dịch khủng bố thời Stalin, bị Lavrenty Beria buộc phải lựa chọn hoặc bán mình, phản bội bản thân, hoặc bị ban Dân ủy nội vụ tống giam và tra tấn, đã đặt nòng súng săn vào miệng và bóp cò (22.6.1937)

– Marina Tsvetaeva đã treo cổ tự vẫn ở Yelabuga (31 tháng 8 năm 1941)

– Valentin Ovechkin tự tử bằng súng, được bác sỹ cứu, kết cục, tuy vẫn sống, nhưng bị hỏng một mắt (1960)

– Galaktion Tabidze, nhà thơ Gruzia, trầm cảm, bị đưa vào nhà thương điên, ông nhảy qua cửa sổ bệnh viện tự tử (1959)

– Alexander Fadeev dùng súng tự sát (1956)

Đây là THƯ TUYỆT MỆNH CỦA A.A. FADEEV GỬI BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ, lão hủ tôi dịch từ vài năm trước:

(Vào ngày 13 tháng 5 năm 1956, Alexander Alexandrovich Fadeev (1901 – 1956) – tác giả các tiểu thuyết đã dịch sang tiếng Việt “Chiến bại”, “Đội thanh niên cận vệ”, Tổng thư kí Hội nhà văn Liên Xô – dùng súng ngắn tự sát tại ngôi dã thự của ông ở Peredelkino. Ông để lại Thư tuyệt mệnh gửi Ban chấp hành Đảng cộng sản Liên Xô. Bức thư bị Đảng CS Liên Xô giấu nhẹm suốt 34 năm, mãi tới 1990 mới được công bố. Người ta phao tin đồn Fadeev nát rượu và đã tự sát trong một cơn say. Vì thế, suốt thế kỉ XX, cái chết và Thư tuyệt mệnh của A. Fadeev luôn là điều bí ẩn. Những chuyện này chắc giới văn học ở Việt Nam chẳng ai lạ gì.

Chiều qua, trong lúc trò chuyện đủ thứ trên trời dưới đất, bác Trần Đình Sử đột nhiên nhắc tới lá thư của Fadeev. Tối, “sớt” gu-gồ, thấy đã có bản dịch tiếng Việt công bố trên mạng. Thú thật, lão hủ không thể hài lòng với bản dịch này. Lá thư rất ngắn, trong đó có mấy câu phức hợp viết hơi dài, có lẽ do không hiểu cặn kẽ nội dung, người dịch cắt thành nhiều khúc để đoán ý, thành ra dịch sai và làm mất sự liền mạch của lời văn. Nên sáng nay ngứa nghề, trong lúc chờ món khoai nghiền của bà lão thân sinh ra con lão, lão dịch ra đây để những ai muốn nghiên cứu sự vĩ đại của đảng cộng sản Liên Xô và văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa có thêm tư liệu tham khảo. Đừng quên “Thư” không nói tới các đảng cộng sản khác, đừng liên hệ lung tung nhé -LN)

THƯ GỬI ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ

13.05.1956. Peredenkino

Tôi không thấy khả năng tiếp tục sống, vì nền nghệ thuật mà tôi hiến dâng đời mình cho nó đã bị hủy hoại bởi sự lãnh đạo ngạo mạn đầy ngu xuẩn của đảng và giờ đây không thể cứu vãn được nữa. Những cán bộ văn học ưu tú, trong đó có những tài năng mà vua chúa thời các Sa hoàng không dám mơ ước, đã bỏ mình hoặc bị giết do sự thao túng tội ác của những kẻ cần quyền. Những tài năng kiệt xuất của văn học đã chết yểu, số còn lại có ít nhiều khả năng sáng tạo nên những giá trị thực sự thì cũng bị chết ở độ tuổi 40-50.

Văn chương – lãnh địa thiêng liêng của những điều thiêng liêng – bị đem ra cho đám quan liêu, những phần tử dân chúng lạc hậu nhất xâu xé, thóa mạ, và từ trên các diễn đàn “cao quí” như Đại hội đại biểu toàn Moskow hay Đại hội Đảng lần thứ XX thấy vang lên khẩu hiệu mới: “Xích cổ nó lại!”. Cái cách mà người ta định sử dụng để cải thiện tình hình gây nên sự phẫn nộ: tập hợp một đám ngu dốt, cũng có một vài người trung thực nhưng luôn luôn bị o ép nên không dám mở mồm nói lên sự thật, các kết luận trái ngược hoàn toàn với tư tưởng Lênin bởi bắt nguồn từ thói quen quan liêu đều kèm theo sự dọa dẫm, giống như dùng “dùi cui” để đe nẹt.

Thế hệ của tôi đến với văn học dưới thời Lênin bằng bao tình cảm tự do, cởi mở, tâm hồn ngập tràn sức mạnh vô bờ bến, chúng tôi đã sáng tạo ra bao nhiêu tác phẩm tuyệt vời mà mình có thể sáng tạo!

Nhưng sau khi Lênin qua đời, người ta đã đẩy chúng tôi xuống vị thế của đám trẻ ranh, hủy diệt chúng tôi, đe dọa chúng tôi về lập trường tư tưởng và gọi đó là “tính đảng”. Giờ đây, khi có thể sửa chữa tất cả những thứ đó thì lại thấy lộ ra sự thô thiển, dốt nát, kiêu căng hợm hĩnh tới mức độ đáng phẫn nộ của những kẻ nhẽ ra phải thực hiện công việc chỉnh đốn này.

Văn học được trao vào tay của những kẻ bất tài, nhỏ mọn, thù dai. Chỉ còn lại một số ít văn sĩ giữ được trong tâm hồn ngọn lửa thiêng, nhưng lại bị cô lập hoặc theo tuổi tác đã gần đất xa trời. Hoàn toàn không có một chút động lực nào trong tâm hồn để sáng tạo…

Được sinh ra để làm công việc sáng tạo lớn lao vì chủ nghĩa cộng sản, từ năm mười sáu tuổi, tôi đã gắn bó với Đảng, với giai cấp Công-Nông, được trời ban cho tài năng nổi trội, tâm hồn tôi tràn đầy những ý tưởng và tình cảm cao cả mà chỉ có thể có được từ cuộc sống của nhân dân gắn với những tư tưởng tuyệt vời của Chủ nghĩa Cộng sản.

Nhưng, người ta đã biến tôi thành một con ngựa kéo cỗ xe chở phế liệu, cả đời phải lê bước dưới áp lực của vô số những công việc quan liêu, vụng về, phi lí mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Thậm chí cho đến bây giờ ngồi tổng kết đời mình, tôi thật không thể chịu nổi khi nhớ lại đống công việc được giao, những lời mắng mỏ, khiển trách, hay chỉ đơn giản là sai lầm về vấn đề ý thức hệ… đã trút xuống đầu tôi, người mà nhân dân tuyệt vời hoàn toàn có quyền tự hào vì sự chân thật và khiêm tốn của tài năng cộng sản sâu sắc trong tôi.

Văn học – thành quả cao nhất của chế độ mới – bị hạ nhục, truy sát và chà đạp. Sự tự mãn của những kẻ mới phất lên nhờ học thuyết vĩ đại của Lênin đã khiến tôi mất hết niềm tin vào họ cho dù họ thề thốt sùng bái học thuyết này, bởi vì chỉ có thể chờ đợi từ đám người ấy những điều còn tồi tệ hơn cả những gì ông vua Stalin đã gây ra. Ông này dẫu sao vẫn còn có học, còn đám kia chỉ là một lũ ngu si.

Cuộc sống của tôi với tư cách là một nhà văn đã mất hết ý nghĩa, nên tôi rời bỏ cuộc đời này với niềm vui vô bờ bến như sự giải thoát khỏi sự tồn tại ô nhục, nơi mà chỉ có sự dối trá, hèn mạt và vu khống đổ xuống đầu tôi.

Hy vọng cuối cùng của tôi chỉ là bộc lộ những điều này cho những người đang điều hành quốc gia, nhưng suốt ba năm trời, dù tôi đã thỉnh cầu, họ thậm chí không thèm tiếp tôi.

Tôi mong được chôn cất bên cạnh mẹ tôi. Alexander Fadeev.

13.05.19

Nguồn: FB La Khắc Hòa

Comments are closed.