Công lí tạm thời và nhiệm vụ an ninh nội chính

Tâm Chánh

Niềm tin công lí có lẽ đã dồn vào tội giết người của Hồ Duy Hải.

Đó đang là chỗ bế tắc.

Nếu Hồ Duy Hải không là tử tù thì công lí đúng là một vị thần sẽ được dựng tượng để nhân dân truy cầu bằng cách cúng bái.

Vì tội danh giết người của Hồ Duy Hải được cứu gỡ bằng phương cách rất truyền thống: sức nặng của mối quan hệ. Chính bức thư tay từ một cựu thần của chế độ, ông Trần Văn Tạo là nhân tố quyết định khiến Chủ tịch nước dùng đến kiểu vương quyền hạ lệnh đao hạ lưu nhân. Ông Tạo cùng là đồng liêu đồng nhiệm với Chủ tịch nước ở TPHCM, cũng có thể coi như bạn chiến đấu. Luật sư chỉ như danh xưng công việc hiện nay của ông Tạo, không phải như một thiết chế đủ sức nặng khởi động việc tái xem xét bản án của Hồ Duy Hải. Pháp quyền vẫn lầm lạc khi hiệu quà thực thi chỉ phụ thuộc vào câu trả lời quen biết ai, và ai to hơn.

Tuyên vô tội với Hồ Duy Hải thì treo lơ lửng mối bất an kẻ giết người man rợ công nhiên lảng vảng, sự tắc trách trong quá trình làm án thành sự tắc trách nhắm mắt giả ngơ của công an trong nhiệm vụ chính yếu bảo vệ an toàn cho xã hội. Rồi thì ai là sát nhân?

Cách thức mà viên sĩ quan công an phụ trách điều tra xét hỏi trong vụ án Hồ Duy Hải khiến ai cũng rùng mình. Tìm kiếm tội phạm dễ dàng như hái rau vậy, rau hoang, cỏ dại thì đầy dẫy. Thậm chí con người có khi còn muốn mình được đánh đổi thân phận với cỏ rau ấy. Vậy thì tại sao trọng án gây hoang mang dân chúng lại không sớm được “triệt phá”, khi thực tế hiện trường lên đến cấp trên và ra được dư luận chỉ là một tờ giấy có chữ?

Một hệ thống qui phạm bao gồm cả qui phạm về tổ chức, về hoạt động, về chứng cứ, bản cung, về sự giám sát trong hoạt động điều tra xét hỏi tác động như thế nào đến việc tìm kiếm sự thật trong các vụ án, hầu như chỉ theo kiểu tự sản tự tiêu.

Lời tường trình trước toà của viên sĩ quan điều tra tỉnh rụi đến mức người tin tưởng rằng đó hẳn là một thực tế thường xuyên trong cái gọi là nghiệp vụ của ngành. Mà ngành thì… chưa ai dám đụng tới trong công tác tư pháp.

Làm án giả, làm giả án, báo cáo trinh sát bịa đặt, tạo tin giả… bất châp oan sai cho con người, theo một cách nào đó, song hành cùng với nguy cơ chính trị cầm quyền biến công an thành một thế lực chính trị. Một kiểu Đông Xưởng nhà Minh, lực lượng cơ động tác chiến phục vụ nhu cầu của quyền lực chính trị cá nhân núp dưới chức năng bảo vệ chế độ.

Cải cách tư pháp có lẽ là một trong những nhiệm vụ cải cách chính trị sớm được đảng xác định. Bằng rất nhiều cách thức, bước đi, cuộc cải cách tư pháp dần khởi động lại niềm tin công lí ở xã hội Việt Nam.

Nhưng bước thì chậm và hay ngừng.

Như việc cải đổi hệ thống tổ chức trong toàn bộ quá trình tố tụng, có lẽ là một nội dung rõ nét, được thống nhất, nhưng đã là một trong các nhiệm vụ cụ thể “xài hao” nhiệm kì Bộ Chính trị, Chủ tịch nước nhất trong lịch sử chế độ.

Nói thẳng thắn, chính hoạt động của công an đang không theo kịp đòi hỏi của công cuộc cải cách tư pháp mà mục tiêu có thể tường thuật giản dị là kiến tạo một xã hội bảo đảm công lí.

Những sai phạm ở khâu điều tra xét hỏi có nguyên nhân thuộc về tri thức, năng lực cán bộ.

Nhưng chính yếu vẫn là pháp quyền, theo nghĩa phổ quát của văn minh loài người, vẫn chưa được triển khai như một chức năng chính thống, thường xuyên của xây dựng và phát triển trong các ngành nội chính.

Nó tạo ra cái mà người ta hay trưng ra bằng hai chữ đặc thù. Đặc thù đặc biệt không cần chứng minh bằng cả thực tiễn và lí luận. Chỉ thiếu điều nói câu, “chịu không chịu thì thôi”.

Nhà nước của chúng ta vẫn nặng thói quen và nhất là vẫn còn ở trong khuôn khổ của nhà nước cách mạng.

Trong hoàn cảnh cách mạng, công lí là công lí tạm thời.

Nguồn: FB Tâm Chánh

Comments are closed.