Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam: Đồng lương rẻ mạt + y đức = người thầy thuốc Việt Nam (chuẩn)?

(Rút từ facebook của Đào Tiến Thi)

Năm 1938, GS. BS. Lemierre (Pháp) sang làm chủ khảo kỳ thi Y khoa bác sỹ ở Đại học Y khoa Đông Dương (Hà Nội), khi ghé qua Sài Gòn, ông có cuộc diễn thuyết nói về người thầy thuốc, trong đó có đoạn:

“Những người mà ông thầy thuốc giao thiệp hằng ngày không phải là những người lành mạnh, những người sung sướng. Trái lại, hầu hết là những người đau khổ, những sinh linh xấu số làm hiện thân cho phần nhân loại đáng thương.

Ông thầy thuốc đem cho người ta một phần hy vọng được sống phải là người đừng làm cho người ta thất vọng với mình. Mình chẳng phải là cái máy cho đơn, chích thuốc. Mình chẳng nên thực hành một cách triệt để câu nói “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Mình phải là người đứng trước sự đau khổ của người khác, là một linh hồn biết rung động trước những thảm cảnh của đồng loại. Mình phải biết vỗ về, biết an ủi, biết hy sinh ngày giờ và vui thú riêng để cống hiến cho những kẻ bất hạnh đã đem ký thác đời mình”.

clip_image001

Ảnh: Chăm sóc bệnh nhân nặng ở Khoa HSCC Bệnh viện 211-Tây Nguyên (suckhoedoisong.vn)

Qua các tác phẩm văn chương còn để lại, và nhất là qua những người thầy thuốc cụ thể mà ta biết, như BS. Tôn Thất Tùng, BS. Đặng Văn Ngữ, BS. Phạm Ngọc Thạch, như người khán hộ (y tá) đã chăm sóc thi sỹ Hàn Mặc Tử những ngày ở trại phong Quy Hòa,…, ta thấy hầu hết những người thầy thuốc thời Pháp thuộc ấy đã làm được điều mà GS. BS. Lemierre kỳ vọng.

Những người thầy thuốc thời Pháp làm được như vậy, ngoài một môi trường lành mạnh hơn hẳn bây giờ, thì trước hết, họ có đồng lương cao, và khi có lương cao, họ có đủ điều kiện để làm tròn trách nhiệm và thực thi lương tâm đối với bệnh nhân. Họ có một vị trí sang trọng trong xã hội.

Ngày nay cũng có một số thầy thuốc giàu nhưng không sang như thời Pháp, vì không phải do đồng lương theo chuẩn tắc, mặc dù cũng có thể chính đáng (ví dụ đi làm thêm cho các viện tư).

Ngày nay, trong điều kiện đồng lương rẻ mạt (lương ngành giáo dục đã thảm lắm, lương ngành y còn thảm hơn), vẫn không thiếu những người thầy thuốc đáng quý, nhưng không nên vì thế mà cứ bắt họ phải vác cây thánh giá “Y đức”. Y đức, chẳng lẽ lại là đồng lương rẻ mạt + sự tận tụy, hy sinh? Đó là sự vô lý, bất khả thi. Chưa kể, trong khi cả xã hội đua chen làm giàu bằng mọi giá, kể cả nhiều cách không lương thiện, mà bắt người thầy thuốc phải vác cây thánh giá “Y đức” còn là một việc nhẫn tâm.

Để người thầy thuốc thực thi y đức, cũng không thể làm theo cách của bà BT. Nguyễn Thị Kim Tiến, rằng thấy bác sỹ nhận phong bì thì quay phim, chụp ảnh gửi cho bà. Điều đó không những không ngăn chặn được mà còn gây tổn thương cho cả hai phía và cho xã hội.

Tất nhiên, không phải cứ có lương cao là người thầy thuốc có y đức, nhưng trước hết phải như thế cái đã.

Comments are closed.