Nhớ thương anh Trần Thiện Đạo

FB Nguyễn Văn Thọ

Khi tôi còn ở Đức, Trần Thiện Đạo qua chơi hai lần. Lần dài dài với Ngô Tự Lập. Rồi lại dăm lần gặp ông ở Việt Nam.
Trí thức người Việt ở Pháp, Trần Thiện Đạo cùng với những ông như Nguyễn Ngọc Giao, Đặng Tiến ( Tien Dang ) v.v…mỗi người một vẻ, một niềm ưu tư canh cánh riêng tây, khác biệt nhau, song họ dường như đều chung một tình cảm đặc biệt dành cho anh em miền Bắc sang Tây lỡ bước, giúp đỡ anh em văn nghệ bao năm nay, bất kể họ là ai.
Nay chợt nghe tin ông ra đi, nhớ thương luyến tiếc, rằng không được gặp nữa.
Nay nhớ thương ông, đi lại một bài năm xưa viết về đàn anh Trần Thiện Đạo.
———–
Nguyễn Văn Thọ
Trần Thiện Đạo – Còn tiếng cười giòn (*)

Lại gặp Trần Thiện Đạo (TTĐ) xuân này ở Hà Nội, đếm lại là lần thứ tư. Lần đầu gặp, đi đón ông thăm Berlin, một người đã gần thất thập, vóc dáng xương xương, mắt vui thân thiện, ria tỉa sang trọng, bước đi chân dứt khoát… từ chuyến tầu nhanh bước xuống sân ga, bên nhà văn dám nghĩ dám làm nổi tiếng hung hăng trẻ Ngô Tự Lập. Cặp bài này, một cơ một nhép, từ Paris sang du thú Đức. Lần ấy, tôi rất vui vì ấn tượng đầu tiên là nơi ở xa thế, gặp được một người hoàn toàn chất Nam Bộ. Dẫu là bao nhiêu năm người ở xứ người, âm thổ của Người Nam gặp Kẻ Bắc tôi vẫn còn tươi. Cái chất ông, ở với nhau chửa hết nửa ngày thành thân. Khí tâm ông, khi tranh biện nói toạc tới đỏ mặt rồi lại ngay ha hả cười với đối thủ, như chưa hề có chuyện gì đã xảy ra. Nếu chỉ qua hồn Nam Bộ miệt vườn còn đượm chảy trong tính cách, hình dáng bên ngoài, người mới gặp, khó nhận ra ông là ai. Chỉ khi đã thân, quan sát ông tranh luận, phản chứng (phải là với người thân), rồi đối chiếu với khi ở chốn đông người, nhìn sâu ánh mắt linh động của một ông, giữa đám văn nghệ đang hổn hển tranh thua được, ông vẫn thường bình lặng như kẻ câm điếc và, chợt cảm thấy, đây là một người không tầm thường. Nhưng có lẽ tốt nhất là nên đọc ông. Những sách dịch, tiểu luận văn chương có từ trước thời 1975 ở phía Nam mà các nhà xuất bản in lại. Ông là người cùng thời với đài hoa Tiên sinh Bùi Giáng, lãng tử đào hoa Phạm Công Thiện. Hai người này, cùng nức tiếng khi ấy, bởi tài ba, nhiều sự lạ trong lĩnh vực thơ và triết. Nhưng họ ở trong nước. Còn ông, dẫu ở tận Anh hay Pháp, thì TTĐ cũng được ít nhiều người và đặc biệt giới sinh viên trong ngoài nước biết tới, hâm mộ qua mảng văn học dịch, góp phần vào việc chuyển tải những tư tưởng triết học, văn học mới mẻ của Tây Phương, qua nhiều tiểu luận văn chương, khi ông cộng tác với dăm tờ văn chương của miền Nam thời ấy.

Trần Thiện Đạo là kẻ yêu say, yêu chưa khi nào lớt phớt. Mà lại biết yêu.
Có thể, bởi ông có ưu thế là sống tại Châu Âu, luôn tiếp cận nhanh với những trào lưu nghệ thuật ở cái nôi văn hóa thế giới và thẩm thấu nó một cách bén nhậy; lại từng hành nghề dạy văn cho Tây nên ông phải biết nhiều, đọc nhiều hơn người. Đọc ông, thấy điều ấy rất rõ ràng, bởi biên độ rộng trong nhiều vấn đề mà ông đề cập; bởi độ sâu trong mỗi vấn đề mà ông tham kiến. Chú ý nữa là, dù bàn tới bất cứ điều gì, thế nào cũng tóe ra cái tôi của ông. Tìm hiểu về triết học và văn học Châu Âu hiện đại, tôi đọc thêm cuốn ông giới thiệu về chủ nghĩa hiện sinh, Jean-Paul Sartre; ngạc nhiên vì lối viết dung dị, biến một vấn đề rất phức tạp, mà ở người khác sẽ dài dòng, khó hiểu hơn, thành nhiều điều dễ hiểu một cách Việt hóa rồi vẫn giữ được vẻ xương cốt hồn tủy của Jean-Paul Sartre.

Văn Nghệ Những Nụ Cười Giòn là cuốn sách mới nhất, vừa đây xuất bản ở Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn VN, (vẫn) là sự tập hợp một loạt bài tiểu luận và giới thiệu, khảo cứu văn chương, nghệ thuật của Trần Thiện Đạo, sau một thời gian khá dài, 20 năm bỏ bút. Có thể nói, đây là cuốn sách cần, gợi mở cho những ai muốn tìm hiểu văn chương, tham cứu vài vấn đề đang còn nóng trên thế giới và Pháp. Nó cũng là cuốn sách quan trọng của cá nhân ông, cho ai muốn biết thêm ông, vì nó rất Trần Thiện Đạo.

Có lẽ đúng như tinh thần chính toát ra từ tựa đề, ông đặt tên cho đứa con này, người nghệ sỹ TTĐ dẫn dắt bạn đọc rất nhẹ nhàng, đôi khi dí dỏm, tới gặp nhiều tác giả, vài hiện tượng văn sỹ, nghệ sỹ và giới thiệu ngắn, kha khá tác phẩm văn học đương đại nổi tiếng, gần thôi trên thế giới. Những tác phẩm, tác giả đã được thế giới văn chương khẳng định, người Việt Nam cũng từng biết, như Gabriel Garcia Marquez, Cao Hành Kiện… tới những vấn đề văn chương lạ trồi lên ở Pháp gần đây như Marie Nimier với cuốn Tân dâm thư, hay tương tự như thế ở nhiều ví dụ khác mà người giới sành tin văn học ở Việt Nam cũng chịu thua chưa biết hết. Tiếp xúc trực kiến với ông thấy cũng hay nóng nảy thẳng thắn ra phết đấy, thế mà ở trong những dòng chữ, không chỉ là một lượng thông tin nào có tính báo chí, về văn chương nghệ thụât, những phân tích nhận xét ngắn, cô đọng; không chỉ là những mảng, nét khảo cứu mang tính hàn lâm mà còn được cảm khoái, thoải mái, lí thú, đến đôi khi phải tủm tỉm cười để rồi đôi khi tôi nhớ lại, nhớ lại đôi mắt tinh ranh nhìn theo một bóng hồng mây mướt tóc vàng, buông một lời tới bật cười mà một kẻ viết văn xuôi như tôi thèm muốn một câu như thế, đặt vào… làm mềm đi ngữ cảnh vốn căng cứng của cuộc sống. Phê bình, nghiên cứu văn chương kinh viện hay sa vào khô cứng. Đặc tính Nam Bộ hằn rõ cố ý bởi cách viết và nhiều từ địa phương của ông trong toàn tập sách, cộng với sự dí dủm tài tinh ở nhiều bài, làm người đọc sẽ có cảm giác vừa biết thêm mà vừa sướng. Tôi cho rằng, ở thời đại chật cứng thông tin hiện nay, cách viết của ông, ở loạt bài đòi hỏi tính hàn lâm, sẽ là cách viết thu hút bạn đọc. Tức là biết cách gọi mời người ta đi lên cái xe của mình tiến tới nơi mình định đưa tới. Còn viết phê bình chỉ chú ý tới sai đúng, không quan tâm tới hơi văn, cách kể, đưa đón làm vui, thì dầu có cao siêu lý ý tới đâu cũng không mang hiệu quả cao. Nhưng phải có tài mới tạo nên được điều này.
TTĐ yêu văn, làm văn chắc chỉ để làm vui. Vui cho chính ông và đời. Có lẽ nếu ai cũng vậy thì bớt đi biết bao phiền hà giữa chốn văn trường.

Đọc bài viết gần đây của ông quanh một từ và xung quanh những ý kiến khác nhau về cách dịch một từ với thi sỹ, dịch giả Dương Tường, thấy rõ hơn tính cách của văn ông nhất quán trong toàn bộ động thái khi làm phê bình. Đó là, khi nói năng tranh luận thì hết lí, đến tận cùng, nhiều lúc dông dài và tưởng như cố chấp (vốn dĩ thường của lứa người tuổi cổ lai hy hay mắc); khi đặt bút, rất kiệm lời, kiên quyết, sòng phẳng nhưng vẫn hào hoa. Chiu chắt từng câu, từng từ một, là bản ngã của văn ông, do cẩn trọng mà thành; hay từ quan niệm Văn chương nên làm một tiếng cười thay vì sự chẳng hay ho gì bấy nay, tuy cùng từ lòng yêu văn học sao nỡ lại quên đi, thậm chí có khi vu cáo bịa đặt trơ trẽn… mà biến thành cuộc ẩu chiến làm tổn thương tới đau buốt lòng nhau? Tôi không biết tiếng Pháp, nên không thể rạch ròi nói rõ ông Dương Tường, người thân kính của gia đình bên vợ tôi, đúng hay TTĐ sai là bao nhiêu, nhưng cảm giác tri thức khi đọc hai ông làm tôi thầm phục. Các lý lẽ chan chát va vào nhau, sau những tầng chữ của người văn chương. Đấy âu là, sự lịch lãm của kẻ trí trước một nàng văn. Có thể nói, ông viết có văn của một nhà phê bình đúng nghĩa cần thiết của nó. Ta hãy đọc tâm sự của ông với cá nhân tôi: “Tôi viết về vấn đề của Dương Tường đưa ra (văn bản), chứ không hề biết con người Dương Tường.”

Trong tập, còn có bài viết của ông về một người bạn vong niên, Ngô Tự Lập. NTL thân với ông trong quá trình anh sang pháp làm luận án thạc sỹ văn chương và quá trình khi TTĐ về nước làm tập sách đầu. Là bạn văn với nhau, nhưng ông có những dòng viết công bằng, rất trúng về NTL: “…ông(NTL) cũng chẳng kém phần nhanh nhảu, và năng nổ trong việc tiếp cận các luồng văn học đến từ nhiều phương trời xa…“ Theo tôi, đây là một nhận xét thẳng thắn, tinh tế, rất ít lời, mà chuẩn, vẽ được nét nổi bật của nhà văn NTL ở giai đoạn qua.
Hai điều tôi nêu trên, phần nào nói rõ tính tinh quái và văn cách của TTĐ, một người từng trải. Thực quý! Nhất là qua thực tế, vấn đề phê bình hôm nay, không chỉ bộc lộ yếu kém về mặt thiếu người chuyên sâu, lại đôi khi loi nhoi thứ phê bình toán hẩu, hay cùng cánh. Yêu thì gì cũng vưỡn thơm/ bực thì bịa đắng phủ trơn như thù….

Những vấn đề trong cuốn VNNNCG không chỉ dành cho văn học, nụ cười TTĐ mở rộng biên độ sang nhiều lĩnh vực khác của nghệ thụât.
Tất cả những bài viết trong cuốn sách được viết bằng một tốc độ khá cao. Nó bứt lên về tốc độ chữ và sống động hơn về mặt đời sống ngôn ngữ so với tập đầu tiên, tập hợp nhiều bài viết truớc 75, ông in ở Hà Nội. Một ông Đạo, dù sao tính tuổi đã lứa già, mà viết lách không hề dung dăng dung dẻ, lại biến hóa ở cấu trúc đoạn rất khác nhau giữa các bài, hẳn là sự lạ. Lạ là vượt lên chính cái cũ của mình, lứa mình mà theo kịp thời đại. Có lẽ chính như vậy, ông làm người đọc trẻ hôm nay không cảm thấy nhàm chán; và, được tính thêm điểm cho một trái cây chín lên da diết. Một ngọn bút văn chương như vậy, lại trung thực khi trả lời phỏng vấn, cái gì biết thì bảo biết, kể ra, điều gì không nắm được, nói ngay không biết. Ông là người biết và có lửa của một tình yêu chưa bao giờ tắt. Viết tới đây, hẳn có người đọc nói tôi ngoa ngôn. Trần Thiện Đạo bỏ bút từ 75 tới sau những năm chín mươi mới trở về, sao dám gọi là tình yêu chưa bao giờ tắt?! Có sống ở xứ người mới hiểu sự kiện 75 khi ấy ghê gớm như thế nào đối với tất cả người Việt Nam, nhất là tri thức. Đứng trước sự kiện đổi thay vô cùng lớn lao ở tổ quốc, TTĐ không phải là kẻ tức thời cơ hội, cũng không phải là kẻ sồn sồn chĩa giáo về quê hương. Ông trầm ngâm im lặng, quan sát suốt hai chục năm. Và tình yêu bồn chồn xưa lại trở về cho ông phụng sự. Cầm bút lại tới hết lòng yêu, dù nhẽ ra ông đã tới tuổi giữ bình yên. Bất chấp mọi cơn sóng gió ở nước ngoài hay nhiều điều thị phi vớ vẩn, TTĐ lấy tình yêu văn chương bất biến làm nơi mà tựa. Sự im lặng của ông suốt 20 năm, cũng đấy là một sự thay đổi cần của một người viết chân chính, chín chắn. Bởi vì, theo ông, sự im lặng cũng là sự tỏ thái độ khi mà quanh ông sự nhốn nháo, lỏi khôn cũng lắm tài tình.

Trở lại với cuốn sách Văn Nghệ Những Nụ Cười Giòn. Tôi rất tiếc cho cái nụ, mà người biên tập, thông tinh tới thế lại làm ngơ. Cái nụ sao giòn? Hay là nụ hoa sành sứ vỡ tiếng thanh khí mà nên một tiếng giòn?! Dầu chơi chữ có tầng nghĩa nào đi nữa, thì ở tầng thứ nhất phải đúng, theo nghĩa đen của ngôn ngữ. Tại sao ông không giữ chất Nam Bộ trong sự dụng chữ, ngay khi đặt tên này, khi mà từ Nụ người Bắc Hà thuộc hơn, trơn hơn, cũng như các nhà văn xuất xứ Nam Bộ sẽ tinh tế hơn chúng tôi lúc chơi từ Bông, khi lũ chúng tôi lại không thuộc và quen như từ Hoa. Cho nên, vài thiếu sót như vậy, những thiếu sót bởi hổng khuyết ngôn từ mẹ đẻ, bởi vài chục năm xa tổ quốc, có ở trong tập, cũng là điều dễ thông cảm.

Xuân này Trần Thiện Đạo ở lại VN ăn tết, gắn bó thêm với chúng tôi. Ông còn tỏ ra sung mãn lắm. Chơi vui, ông uống liền hai cuộc rượu xuân, vẫn lại cùng tôi ngồi tiếp, lai rai đến tận sẩm chiều. Lại tiếp nghe ông Phạm Toàn đàn sáo với Piano, trong khi thanh niên Nguyễn Đình Chính, lỡ bỏ đi một dịp thưởng thức giọng ca Phạm Toàn vẫn ngọt chín của một nhà văn tuổi đàn anh, đ• vật xuống một giấc dài.
Hy vọng cứ đà này, thêm cái khí xuân hỉ hả, ông còn thêm nhiều tác phẩm. Chúc ông xuân mới, còn mãi tiếng cười giòn sắc khí, đem dâng hiến cho đời…

Hà Nội, áp tết ta.
2005

*Trần Thiện Đạo Sang Pháp và Anh từ 1950. Nay định cư ở Pháp, từng hành nghề dạy văn học và bảo hiểm tại Pháp. Phu nhân là người Pháp. Đọc thêm bài viết của nhà văn Nguyễn Đình Chính giới thiệu cuốn sách: Văn nghệ những nụ cười giòn.

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10209987404553049&set=a.1111732284862.2016332.1573539036&type=3&theater

Comments are closed.