Nơi chốn của Manchurian

Dạ Thảo Phương

“I’d like to see you in a dream, as a red crowned Manchurian crain, spreading your wings up there in a marvellous and joyful dance…”

Ta mong thấy bạn trong giấc mơ, hoá thành con hạc mào đỏ Manchurian, tung cánh trong một điệu múa tuyệt diệu và đầy vui thích…

Sáng 22.11. Tôi thức giấc vì tin nhắn của chị gái nhà văn Nguyễn Quý Đức:

“Đức đi rồi.

10 phút trước”.

Sau phút lặng người, tâm trí tôi chợt thấy vút lên cánh hạc tuyệt vời tự do trong những dòng Đức viết về một cuộc- sống- sau- cuộc- sống.

DI TRÚ

Nguyễn Quý Đức sinh ra ở Đà Lạt, trong một gia đình gốc Huế (mẹ là hiệu trưởng một trường trung học nổi tiếng, cha là một trí thức, một viên chức cấp cao của chính quyền cũ). Lớn lên trong thời kỳ lịch sử nhiều biến động thảm khốc, Đức cùng người thân đã trải qua không ít bi kịch mà thế hệ tôi nghe kể lại thấy như là không tưởng. Nhưng anh đã biến số phận mình thành một cuộc hiện hữu đầy phong vị, không quên lãng nhưng không có hận thù.

Đến Mỹ tị nạn năm 1975, suốt mấy chục năm làm báo, gặt hái nhiều giải thưởng từ báo viết đến báo nói, báo hình, từng đặt chân đến nhiều quốc gia, Đức luôn muốn tìm hiểu tiếng nói của người tị nạn thuộc những sắc dân khác nhau, và tìm thấy bản thân mình trong sự giao thoa tự do của nhiều nền văn hóa. Các bài viết của anh được biết đến nhiều trên các tạp chí như New York Times, The Asian Wall Street Journal, San Francisco Chronicle, San Jose Mercury News, v.v.. Bộ phim tài liệu “Shanghai nights” (Đêm Thượng Hải) của anh được phát trên “FRONTLINE/World của PBS và nhận Giải thưởng Edward R. Murrow về Phim tài liệu truyền hình xuất sắc của Câu lạc bộ Báo chí Nước ngoài của Mỹ năm 2005. “Where the Ashes Are: The Odyssey of a Vietnamese family” (Nơi chốn của tro tàn- Khúc sử thi của một gia đình người Việt) – Cuốn tự truyện của anh được xuất bản năm 2009 – là một trong những cuốn sách bằng tiếng Anh đầu tiên của người Việt ở Mỹ*. Những chương trình phát thanh của anh trên KQED-FM, đài NPR cách đây hơn 20 năm vẫn để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều người nghe gốc Á cũng như nhiều đồng nghiệp phương Tây. “Nguyễn có biệt tài đặt ra những câu hỏi đào sâu hơn và làm sáng tỏ những suy nghĩ chưa được khám phá mà tất cả chúng ta đều ấp ủ”. – Cynthia Gouw, phóng viên của Pacific Time nói về anh.

NGƯỜI THÂN

Với vợ chồng tôi, Đức chỉ đơn giản là như một người thân. Có lúc thân gần, có lúc thân xa, nhưng lúc nào cũng là người thân. Anh đã tự nhiên tham dự vào các ký ức gia đình, mê hoặc chồng và các con tôi, là bạn thân của các bạn thân của chúng tôi. Anh giăng mắc sự hiện diện khắp những năm tháng của chúng tôi, nay một chiếc bàn cổ sơn ta, mai một chiếc mũ vải thổ cẩm anh mua cho con tôi trong một chuyến đi, mốt một kỳ nghỉ chung, kia một lời nói làm tôi thất vọng, kìa một chia sẻ khi mất người thân. Với tôi, anh là một phần của Hà Nội, của một quãng tuổi trẻ.

Năm đó, đám cưới rất nhỏ gọn của tôi bỗng trở nên không đơn giản như tôi tưởng. Có lẽ vì cô dâu còn làm trong một tờ báo lớn của báo chí Cách mạng mà chú rể lại là người phụ trách một văn phòng báo chí lớn của phương Tây. Sợ gia đình hai bên lo lắng, tôi không nói với ai, nhưng nói với Đức. Hồi đó, Đức mới chuyển từ Mỹ về sống ở Việt Nam, cũng thuộc diện “được quan tâm đặc biệt”, chưa có VISA dài hạn. Tôi không muốn anh vì đến dự cưới tôi mà gặp rắc rối. Đức cười nhẹ: “Phương cứ lo làm cô dâu thôi nhé”. Anh đứng ra làm chủ hôn, tự phiên dịch cho mình, phiên dịch luôn cho cả nhà trai, nhà gái, rồi làm “tiếp tân” cho khách hai bên. “Người ta cứ hỏi anh là đại diện bên cô dâu hay chú rể. Anh có biết đâu”- Đức làu bàu. (Mỗi khi nói gì về mình, Đức hay có kiểu hoặc tự giễu cợt, hoặc làu bàu như vậy).

405023914_334069252580219_5617089547026907786_n

Ông chủ hôn khổ nhất khối xã hội chủ nghĩa vì bị mắc dịch… thơ – trước giờ đám cưới cô dâu chợt bảo không hẹn thề gì hết, chỉ đọc một bài thơ… vừa làm chưa xong

Trước ngày tôi đi lưu diễn ở Anh, cũng là Đức, bỏ ăn tối, nửa nằm nửa ngồi trên sàn gỗ nhà tôi ở 76 Ngô Quyền, dịch thơ tôi trong tiếng chuông dội từ nhà thờ Hàm Long hòa với tiếng bụng sôi.

Chẳng gì không có giá, sự ân cần của Đức với tôi cũng thế. Hễ ở Việt Nam, tôi gần như “mất trắng” cả chồng và con vào tay Đức. Đội này cứ “ở chỗ bác Đức” là quên hết mọi sự trên đời. Nhiều khi, tôi phải gọi điện cho Đức: “Anh làm ơn cho em nói chuyện mấy phút với chồng hợp pháp của em được không ạ?”. Thỉnh thoảng, Đức thủ thỉ bằng chất giọng ngọt kỳ lạ, pha vừa Huế vừa Bắc vừa Nam vừa Kiều: “Phương ơi, anh không hiểu làm sao anh cứ bị mê chồng với con em quá. Anh xin phép em cho bọn anh yêu nhau nhé”. Cứ làm như tôi vẫn còn quyền quyết định.

Một lần về thăm Hà Nội, chồng tôi tự kiểm điểm là ngày nào cũng “lêu lổng” với Đức quá nhiều, nên tuyên thệ sẽ ở nhà ngày cuối cùng trước khi bay. Bồn chồn đến ba giờ chiều, anh bèn ăn vận lộng lẫy, thậm chí còn đem xe máy đi rửa, rồi bảo: “qua chào Đức một câu xong về ngay”. Sáu giờ sáng hôm sau, chồng tôi về đến nhà, trông mệt nhưng hạnh phúc: “Có thể em không tin, nhưng anh và Đức thật sự đã chào tạm biệt vào lúc một giờ sáng, mà không hiểu sao bây giờ mới tạm biệt xong. Đồng hồ của anh có vấn đề”.

ĐIỆU MÚA CỦA MANCHURIAN

Những năm đó, không chỉ chồng tôi mà rất nhiều người khác đều “đồng hồ có vấn đề” khi ở bên Đức. Bất kể nam, phụ, lão, ấu, Tây, ta, Tàu, Nhật. Bất kể nhà văn nhà thơ nhà báo hoạ sĩ nhạc sĩ ca sĩ nhà ngoại giao nhà làm phim nhà viết kịch nhà thiết kế thời trang kiến trúc sư nghệ sĩ biểu diễn,… Đức đa tài mà không khoa trương, nhã nhặn mà ngỗ nghịch, tinh tế mà tinh quái. Đi nhiều, trải nhiều, đọc nhiều, nói đẹp được nhiều thứ tiếng, anh là một từ điển đa văn hoá phần Đông sâu, phần Tây sắc, ai cũng có thể tra cho mình một điều gì đó thích thú, có giá trị.

Đức có tư duy sắc sảo và cởi mở của văn hoá phương Tây, có cách hành xử uyển chuyển của văn hoá Việt, lại có lối làm việc cầu toàn đến khắc nghiệt của văn hoá Nhật. Đức duy mỹ. Anh chạm tay vào đâu, ở đó biến thành một tạo vật đẹp đẽ mang chữ ký của anh. Từ cách thả mấy cánh đào vào đĩa bánh mang vội mời bạn, cách anh xắn tay áo sơ mi tưởng như xuề xoà, cho đến mọi tác phẩm kiến trúc, nội thất của anh… tất cả đều mang tâm tính của một lữ khách từng trải qua nhiều không gian lịch sử và văn hoá. Căn biệt thự ở Tam Đảo mà anh tự tay thiết kế – nổi tiếng khắp các tạp chí kiến trúc quốc tế và Việt Nam – là một trong rất nhiều ví dụ.

Đức có kho ý tưởng không giới hạn, và là người lao động không ngừng nghỉ. Trong những cuộc chơi, Đức vẫn đang cùng lúc nung nấu các ý tưởng công việc, và trong các công việc Đức làm luôn lấp lánh niềm mê thích của một kẻ ham chơi.

Tôi tin rằng, đời sống văn hoá nghệ thuật “phi mậu dịch” ở Hà Nội cùng những giao thoa Đông – Tây của nó đã khác đi nhiều nếu hai mươi năm qua thiếu đi phần tham dự thầm lặng của Nguyễn Quý Đức và không gian văn hoá nghệ thuật Tadioto của anh.

Nhưng đóng góp lớn nhất của anh không chỉ thông qua các hoạt động nghề nghiệp, các kết nối giữa văn nghệ sĩ và các tổ chức văn hoá, ngoại giao cả hai bờ Đông – Tây. Cống hiến đẹp đẽ, đáng nhớ nhất của Đức chính là sự hiện diện của con người cá nhân đầy tài hoa và cá tính của anh.

Tôi nghĩ về điệu múa Manchurian trong những dòng Đức viết. Tại sao một người có giọng nói đẹp, có biệt tài trò chuyện, cả đời làm việc với ngôn ngữ như Đức lại có giấc mơ lý tưởng dưới hình hài một điệu múa chứ không phải âm thanh?

Tôi chợt nhận ra, cả cuộc đời anh đã là một hành trình thầm lặng bất tuân các giới hạn, kể cả các giới hạn của quốc tịch, ngôn ngữ và văn hoá, đập vỡ chúng rồi biến chúng thành chất liệu của tự do bên trong mình.

Cảm ơn anh đã vô tình ghé qua và trở thành một người mãi mãi quan trọng trong ký ức của gia đình chúng tôi.

Cảm ơn bạn bè, người thân của anh, những người đã ở bên anh những ngày tháng qua – điều chúng tôi luôn mong muốn được làm với những người thân của mình ở Việt Nam mà không có điều kiện thực hiện.

Anh Đức ơi, “I’d like to see you, as a red crowned Manchurian crain, spreading your wings up there in a marvellous and joyful dance…”

——-

* Theo nhà văn Nguyen Thanh Viet

Nguồn: FB Dạ Thảo Phương

Comments are closed.