Phùng Gia Lộc và Nguyên Ngọc

(Rút từ facebook của Đỗ Ngọc Thống)

Thế là đúng 30 năm tính từ khi bài kí “Cái đêm hôm ấy đêm gì” (1988) của Phùng Gia Lộc (PGL) xuất hiện trên tờ Văn nghệ. Ngày ấy nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập. Ngày ấy báo Văn nghệ bán chạy như tôm tươi. Ngày ấy bạn đọc hồi hộp chờ từng giờ, từng ngày đón đợi báo ra để…. đọc. Ngày ấy đã xa rồi, bao giờ báo Văn nghệ lại được như… ngày ấy.

Ngày ấy tôi dạy lớp chuyên văn trường Lam Sơn. Tôi quen PGL bắt đầu từ cuộc đấu tranh chống tiêu cực ở Thanh Hóa, sau đó mới là văn chương. Văn chương của anh Lộc cũng bắt đầu từ chống tiêu cực ở huyện Thọ Xuân, nơi có di tích Lam Kinh nổi tiếng.

Phùng Gia Lộc người nhỏ thó, ốm yếu, gầy gò; nước da xanh xám, thở lúc nào cũng nặng nhọc, khò khè suốt ngày vì bị hen suyễn nặng…PGL nhẹ đến nỗi, có lần ngồi sau xe tôi, anh nhảy xuống gặp người quen mà tôi không hề hay biết, cứ thế đi, mãi sau hỏi chuyện vẫn không thấy anh trả lời, quay lại mới biết là đã đánh rớt ông Lộc từ lúc nào không hay. Cũng vì ốm yếu, bệnh tật thế nên rất sợ nước. Hầu như anh ít khi tắm, nhất là về mùa đông. Cũng vì thế mà, thú thực người anh rất bẩn, bẩn theo nghĩa đen. Anh ngủ lại nhà tôi mấy lần. Cứ mỗi lần anh về, vợ tôi lại phải giặt giũ, chăn chiếu rất nặng mùi… Thế nhưng, bên trong con người có bề ngoài mảnh khảnh ốm o ấy lại luôn là một tấm lòng nồng hậu, một tinh thần sục sôi chống lại cái ác, không chịu được sự bất công, ngang ngược của bọn quan lại, cường hào mới thời ấy ở xứ Thanh. Giai đoạn quyết liệt nhất, sau khi đăng “Cái đêm hôm ấy đêm gì”, PGL phải trốn ra Hà Nội, nương nhờ bạn bè ngoài thủ đô, nhất là gia đình anh Bế Kiến Quốc và chị Đỗ Bạch Mai như nhiều người đã biết. Gần tết năm 1988, anh trở về. Tôi và vài người bạn nữa đưa anh từ tp Thanh Hóa lên Thọ Xuân quê anh.

Tôi vẫn nhớ như in cái cảnh về quê của PGL sau những ngày trốn tránh. Vợ anh chạy từ đâu về không biết, mặt mày hốt hoảng, tất tả, tiêu điều không khác gì chị Dậu trong Tắt đèn ngày trước. Mấy đứa con ngơ ngác, lạ lẫm trước đoàn khách xe pháo, hàng hóa lềnh kềnh đầy một khoảng sân đất trước nhà. Nhà anh xiêu vẹo hơn nhà chị Dậu, bốn phía được níu chằng bằng 4 giây thép vào 4 chiếc cọc để khỏi đổ. Ba gian nhà tranh, ngăn bằng vách nứa, gian giữa là chiếc bàn khách, mặt bàn là 1 tấm phên, đặt trên 4 chiếc cọc tre cắm xuống nền nhà. Gian kề đó là 1 chiếc giường gỗ xoan, thấy vẫn còn buông chiếc màn màu cháo lòng… không thể gọi là màn. Tôi vào gian bên trong, thấy 1 chiếc giây kéo chéo góc, trên vắt toàn áo quần cũ, dưới đất là chiếc ổ lá chuối lẫn rơm thay giường ngủ…Thế là hết, không thấy thêm gì khác. Bước ra sân mới thấy một chiếc rổ đựng mấy củ khoai lang, đặt cạnh một chiếc chum sứt miệng đựng nước uống được gánh từ sông về, đục màu nước luộc hến. Chủ nhà loay hoay pha trà đãi khách, nhưng không có phích nước sôi nên đành xuống bếp đun. Đun bằng rơm nên mùi nước ám khói, khó uống, cứ mỗi lần đổ thêm lại chạy xuống đun lại…Cạnh bếp lửa thấy có thêm một chiếc ổ lót bằng lá chuối và rơm rạ để ngủ…

Tôi, lúc đó và ngay cả bây giờ, khi viết những dòng này, vẫn bâng khâng khôn tả, không hiểu được tại sao một người như PGL lại chịu cảnh khốn cùng đến thế, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Bỗng nhớ mấy câu thơ BKQ tặng PGL: “Cái đời cán bộ ở Hà Nội/ Thấy mình thiếu thốn đủ trăm đường/ Nhìn xuống chao ôi, thăm thẳm mãi/ Tận cùng là bạn ở quê hương”.
PGL sau đó rất nổi tiếng vì có bài “Cái đêm hôm ấy…”. Nhưng cần phải nói: bài kí ấy sẽ không bao giờ xuất hiện được nếu không có nhà văn Nguyên Ngọc.

Hôm nay 5-9, tôi viết đôi dòng nhắc lại kỉ niệm về PGL 30 năm trước, cũng xin xem là lời chúc tốt đẹp, lời cảm ơn chân thành gửi đến nhà văn Nguyên Ngọc, nhân 86 năm ngày sinh của tác giả “Đất nước đứng lên”.

HN 5-09
– P/S: Điều tôi viết ở đây có một người xác nhận là anh Nguyễn Anh Dũng, GV chuyên toán nổi tiếng trường LS, người đã cùng tôi đưa anh Lộc về quê.
Trong hình ảnh có thể có: Thạch Qùy, đang cười, cận cảnh

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Chân dung PGL và di bút viết sau ảnh.

Trong hình ảnh có thể có: Trần Đình Sử, cận cảnh

Chân dung nhà văn Nguyên Ngọc.

Comments are closed.