Phát biểu nhận giải Cikada của nhà thơ Mai Văn Phấn

FB Mai Văn Phấn

Trong lễ trao giải Cikada 2017 tại Văn Miếu, chiều 1/12/2017, vì điều kiện thời gian nên tôi đã phát biểu tóm tắt. Nay xin đăng trọn vẹn bài phát biểu để chia sẻ với các bạn yêu thơ trên fb.

BÀI PHÁT BIỂU CỦA MAI VĂN PHẤN

Thưa…..

Tôi vui mừng và cũng bất ngờ khi nhận được thư của nhà thơ – tiến sỹ Lars Vargö, Chủ tịch Ban Giám khảo giải thưởng Cikada báo tin tôi đoạt giải năm nay. Trước đó, tôi thật khó hình dung không gian thơ riêng biệt, thậm chí có phần dị biệt của tôi có thể chạm tới trái tim bạn đọc ở những địa tầng văn hóa, chính trị khác. Phải chăng thơ ca, với quyền năng và vẻ đẹp tinh khôi của nó luôn đủ sức dẫn dụ, gắn kết những tâm hồn đồng điệu dù ở bất kỳ đâu trên hành tinh này.

Khoảng mười năm gần đây tôi ít khi xa nhà, hàng ngày hầu như chỉ qua lại với lối ngõ nhỏ và những cảnh quan quen thuộc của mình. Tôi kết nối được với thế giới và biết được từng cơn dư chấn bên ngoài chủ yếu thông qua chiếc máy tính cá nhân. Từng đợt sóng của những cơn dư chấn ấy đã dội vào tôi, thôi thúc tôi không ngừng sáng tạo. Bằng cảm xúc và năng lượng cá nhân, tôi biết nhìn những điều tưởng như đơn giản, lặp đi lặp lại, thậm chí vặt vãnh trong đời sống hàng ngày qua lăng kính của một đứa trẻ. Chứng kiến những biến động khôn lường của đời sống xã hội, của môi trường sinh thái bị hủy hoại, của trật tự thế giới bị đảo lộn… Tôi khao khát một xã hội công bằng, bác ái, không có áp bức, con người được tôn trọng, được tự do, được hưởng hạnh phúc, được sống trong môi trường thiên nhiên trong sạch…

Song hành với đời sống nhân loại, thơ ca ngày một hiện đại hơn trong cách thức biểu đạt và đa dạng hơn về quan niệm thẩm mỹ. Thơ đã góp phần quan trọng làm nên thế giới tinh thần đẹp đẽ của con người. Cõi thơ ấy cảm hóa, liên thông tâm hồn nhà thơ với bạn đọc. Và thơ chỉ trường tồn, sinh sôi với những người thủy chung, say đắm nó. Ngược lại, với những ai đứng ngoài từ trường đặc biệt ấy, thơ không hề tồn tại. Nhà thơ có được tứ thơ hay, thực sự là một mối duyên. Càng hạnh phúc hơn khi mối duyên ấy được hòa đồng cùng khát vọng của con người tiến bộ, dũng cảm đấu tranh để bảo vệ đời sống con người, vì mọi người.
Trong thông cáo báo chí của nhà thơ – tiến sỹ Lars Vargö, Chủ tịch Ban giám khảo có nêu: “Giải Cikada được trao cho các nhà thơ Đông Á, nơi cảm quan thơ ca của họ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống. Tôi thực sự tâm đắc với nhận định này và rất hạnh phúc khi biết rằng, giải thưởng Cikada được sáng lập năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Harry Martinson, nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học năm 1974.
Thơ H. Martinson cũng như thơ của các nhà thơ lớn của Thụy Điển như Karin Boye (1900-1941), Artur Lundkvist (1906-1991), Gunnar Ekelöf (1907-1968), Edith Södergran (1892-1923), gần đây nhất là Tomas Tranströmer (1931-2015) có sự hòa quyện giữa minh triết, sự chính xác của thơ phương Tây với thế giới tâm linh huyền hoặc, thẳm sâu của phương Đông.

Nhân đây, tôi xin dẫn một đoạn thơ trong bài “Cánh bướm*” của H. Martinson để minh chứng:

“Trăng lên, xa lắc. Tôi không sợ hãi
Tôi nghe từng ánh trăng
Đôi mắt tôi kéo màng bảo vệ
Hạt sương dán đôi cánh tôi dấp dính
Tôi đậu trên cây tầm ma”

Qua đoạn thơ trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy cách thiết lập không gian đa chiều cùng những thủ pháp đồng hóa các thi ảnh của H. Martinson khá gần gũi và có phần tương đồng với thi pháp của các nhà thơ châu Á như Sô Sakon (Nhật Bản), Bắc Đảo (Trung quốc), Ko Un và Shin Kyong-Rim (Hàn quốc), cũng như một số nhà thơ Việt Nam theo khuynh hướng cách tân hiện nay.

Nếu so sánh với những loại hình nghệ thuật khác, thơ luôn bị hạn chế và chịu sự ràng buộc bởi rào cản ngôn ngữ mỗi khi tìm đến một quốc gia khác. Dĩ nhiên, ngôn ngữ mỗi dân tộc đều tiềm ẩn những vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt, và cũng chính điều đó đã góp phần tạo nên thần thái, bản sắc độc đáo cho nền thơ của dân tộc đó.

Nhà thơ, dịch giả Erik Bergqvist khi nói về tiếng Thụy Điển của mình đã viết, “Tiếng Thụy Điển có một đặc điểm thường được người nước ngoài nhận xét: đó là tiếng nói “như đang hát” với ngôn điệu phóng khoáng và uyển chuyển. Tiếng nói Thụy Điển giống như phong cảnh thay đổi liên tục, với đồi núi, thung lũng, những cánh rừng rậm bước ra với ruộng đồng bát ngát, những hồ nước lạnh thẫm mầu và những dòng suối ngoằn ngoèo lên xuống, khi dề dà khi chảy siết, lúc chồm lên lúc tỉa tót, chỗ là những hang hốc phụ âm và chỗ bất ngờ với những nguyên âm rộng mở. Những yếu tố này thực sự diễn cảm hơn là ngữ nghĩa, và chúng thay đổi ở từng người nói, ở phương ngữ, ở tâm trạng con người mỗi ngày v.v. Người nước ngoài học tiếng Thụy Điển thường nhận thấy học ngôn điệu ấy là một trong những điều khó khăn nhất. Thêm nữa, tiếng Thụy Điển cũng có điểm này đặc biệt – hiếm có trong các ngôn ngữ phương Tây – một số từ có âm và vần giống nhau, dựa trên vô số những thanh điệu rất tinh tế lại mang những nghĩa khác nhau”**. Trong khi, tiếng Việt của chúng tôi là ngôn ngữ có nhiều thanh điệu đơn âm, đa thanh và giàu tính biểu cảm. Dù viết bằng bất kỳ thủ pháp nào, các nhà thơ Việt Nam thường sử dụng thanh điệu để diễn tả những biến thái tinh vi, phong phú của tâm hồn. Một số nhà thơ còn sử dụng cách chơi chữ, hoặc cố ý làm mờ nhòe ngữ nghĩa của từ vựng nhằm tạo nên sự rung vang, đa nghĩa của câu thơ. Và đó cũng là cách để tác giả “nhập đồng” vào tác phẩm của mình. Tôi muốn nói thêm về khái niệm “nhập đồng” trong thi ca Việt. Chắc các bạn có cách diễn đạt riêng về khái niệm này, song những người sáng tạo chúng tôi khi viết thường hóa thân vào không gian thơ do mình tạo ra. Ở đó, chúng tôi trở lại bản ngã của mình, là chính mỗi nhân vật trong cõi thơ mà mình vừa thiết lập. Đây là khái niệm đặc trưng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, mang đậm nét văn hóa của Việt Nam.
Từ những đặc thù của mỗi ngôn ngữ cho thấy, việc dịch một bài thơ từ nguyên tác sang một ngôn ngữ khác là công việc khó khăn và rất khó trọn vẹn. Nhà thơ Tomas Tranströmer từng nói, “Dịch thơ nên được coi là điều phi lý, nhưng thực tế chúng ta vẫn phải tin vào nó.”, và “Làm thơ, ngay từ ban đầu đã là một công việc dịch thuật”.

Xin điểm xuyết công việc dịch thuật như vậy, nhằm bầy tỏ lòng biết ơn của tôi tới các dịch giả, đặc biệt tới dịch giả – nhà thơ – nhà phê bình văn học Erik Bergqvist và dịch giả – nhà phê bình văn học Maja Thrane, những người đã lao động hết sức nghiêm túc và say mê, vượt qua những rào cản, khó khăn của đặc thù từng ngôn ngữ để đưa trọn vẹn những tác phẩm thơ của tôi tới tay bạn đọc nước ngoài, đặc biệt là bạn đọc Thụy Điển.

Tôi chân thành cảm ơn Ban Giám khảo giải thưởng Cikada, cảm ơn Viện Thụy Điển, cảm ơn nghệ sĩ Gunilla Sundström đã sáng tạo tác phẩm tranh gốm tuyệt đẹp dành tặng những tác giả đoạt giải. Xin cảm ơn Ngài Styrbjörn Gustafsson, Tổng Biên tập nhà xuất bản Tranan đã tuyển chọn và xuất bản tác phẩm của tôi cùng tác phẩm khác của các nhà văn, nhà thơ VN sang tiếng Thụy Điển.

Trân trọng cảm ơn Ngài Pereric Högberg, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam đã trao cho tôi giải thưởng cao quý này.

Xin cảm ơn Ban Quản lý Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tạo điều kiện tốt nhất để buổi lễ trao giải diễn ra trang trọng và ý nghĩa.

Xin gửi tới tất cả các bạn lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn các bạn!

_____________
* Nguyên tác bài thơ “Fjärilen” của H. Martinson viết năm 1934:

Fjärilen

ödd till att vara en fjäril
fladdrar min svala låga
på gräsets tunga sammet.
Barnen jaga mig. Solen går ner bakom malvorna och tuvan,
räddar mig till natten.
Månen stiger; den är fjärran, jag är inte rädd,
jag lyssnar till dess strålar.
Mina ögon få hinnor till skydd.
Mina vingar sammanklibbas av dagg.
Jag sitter på nässlan.

** Nguyễn Hoàng Diệu Thủy dịch từ tiếng Anh.

*****

Mai Văn Phấn’s speech at Cikada award ceremony in 2017

Dear…

I was delighted and surprised when I received the letter from the poet – Dr. Lars Vargö, Chairman of the Cikada Jury Prize, announcing that I had won this year. Before that, it was difficult for me to visualize the space of individual poetry; even more surprising was that my differences could touch your heart being that I am from such a different cultural and political strata. It is true that poetry; with its pure power and beauty, is always able to lead and coalesce souls anywhere in the world.

For the past ten years I have rarely been away from home. My days are filled with familiar landscapes. Through my computer I connect with the world and experience the aftershocks. Each wave of aftershock echoes within me, constantly urging me to create. Through personal energy I see simple, repetitive, and even trivial things in everyday life, as if through the lens of a child.

Witnessing the upheaval of social life, of the deteriorating ecological environment, and the reversed world order, I long for a just society: charity, rather than oppression. A world where humans are respected: free, happy, and living in a pure natural environment…

In line with human life poetry is more modern in expression and more diverse in aesthetic conception. Poetry has made an important contribution by creating through the beauty of the individual heart, the spiritual world of man. And poetry only lasts as those who are faithful to create, are passionate about sharing their gift. On the contrary, for those who stand outside that particular school, poetry does not exist. When a poet’s words connect with the heart of a reader the poetry becomes the charm that connects human life. This connection creates happier relationships with the aspirations of human progress as well as uniting brave struggles to protect all human life.
The jury president, poet – Dr. Lars Vargö, stated in his press release, “The Cikada Award is given to East Asian poets whose poetic sensibilities point to the inviolability of life and ones who show in his/her poems such spirit. I am really happy with this statement and delighted to hear that the Cikada Prize was founded in 2004 on the 100thanniversary of Harry Martinson’s birth: the recipient of the 1974 Nobel Prize in Literature.
H. Martinson’s poetry, as well as the poetry of the great Swedish poets Karin Boye (1900-1941), Artur Lundvist (1906-1991), Gunnar Ekelof (1907-1968), Edith Sodergran (1892-1923), and in particular, Tomas Transtromer (1931-2015), is a blend of wisdom and the accuracy of Western poetry with the spiritual world of mysticism: the depths of the East.

In order to validate this hypothesis I will share a stanza from the poem titled “BUTTERFLY” written by H. Martinson.

“Moon rises; it is remote, I am not afraid,
I listen to its beams.
My eyes are protected by a thin film.
My wings glued together by dew.
I sit on the nettle.”

Through the above verse it is easy to see how the establishment of multidimensional space, with the assimilation of the image which H. Martinson used, is quite close and somewhat similar to the poetry of Asian poets: Sakon (Japan), North Island (China), Ko Un and Shin Kyong-Rim (South Korea), as well as some Vietnamese modernist poets.
Compared to other forms of art, poetry is usually restricted and bound by a language barrier when it comes to finding the essence of its meaning exclusive to each unique country. The language of each ethnic group has its distinct beauty which also contributes to the personal spirit and identity of the poetry of each unique heritage.

The poet and translator Erik Bergqvist, when speaking about his Swedish language wrote: “One phenomenon with Swedish, often claimed by foreigners: it has a “singing” tongue; the prosodic range is wide and elastic. Swedish speech can be like a rapidly shifting landscape, with hills, valleys, thick forests renouncing to open fields, dark cold lakes and irregular creeks: full of rising and sinking, lingering and stresses, jumps and ornaments, clusters of dense consonants and sudden areas of wide vocals. Many of these facets are actually more expressive than semantic, and change with the person speaking, the dialect, one’s mood of the day, etcetera. Foreigners learning Swedish often find the prosody one of the most difficult parts. In addition to this, Swedish also has this peculiarity – rare in Western languages – that some words with identical spelling mean different things, depending often on very subtle accents”. While, on the other hand, our Vietnamese language is monotone, multi-tone and expressive. Although written by any method, Vietnamese poets often use tone to express the sophisticated metamorphosis of the soul of the poetry. Some poets use puns or intentionally blur the semantics of the vocabulary in order to create the resonance of the verse. Using these distinctive tones and personal characteristics is how the poet expresses his unique style. I would like to talk more about the concept of “immersion” in Vietnamese poetry. More than likely you have a particular way of expressing this concept, but our Vietnamese poets, when writing, incarnate space into their poetry. In that space we return to our ego which is found in the characters of the poem. This is a unique concept associated with Mother Goddess worship, or “Đạo Mẫu”, which portrays the Vietnamese’s bold culture.

From the peculiarities of each language, it is most often difficult to translate a poem from its original meaning into another language and have it truly indicate what the poet wanted it to convey. The poet Tomas Tranströmer once said, “translating poetry must be regarded as absurd. But practically we must believe in it.” And further: “Writing a poem is a kind of translation in the first place.”

I would also like to express my gratitude to the translators, especially to the translator-poet- literary critic, Erik Bergqvist and translator literary critic, Maja Thrane who worked earnestly and passionately to overcome the barriers and difficulties of each language in order to fully translate my poetry to foreign readers; especially for Swedish readers.

I sincerely thank the Jury for the Cikada Prize; thanks to the Swedish Institute, and to the artist Gunilla Sundström for creating the beautiful pottery pictures for the winners. Thank You Mr. Styrbjörn Gustafsson, Editor-in-chief of Tranan Publishing House for publishing my work and other writings of Vietnamese poets, and especially to those who translated it into Swedish.

Thanks to Mr. Pereric Hogberg, Ambassador Extraordinary and Plenipotentiary of the Kingdom of Sweden in Vietnam for awarding me this honorable prize.

I would like to send my thanks to the Management Board of the Văn Miếu – Quốc Tử Giám for creating the best conditions for the ceremony to take place in a solemn and meaningful way.
I extend to all of you, best wishes, health, and happiness.
Thank you very much!

(Translated by Du Thuy Nguyen & Kathleen Martens)


https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10210539670829485&set=a.10202144085945110.1073741829.1277263613&type=3&theater

Comments are closed.