Sài Gòn không cô đơn

(Rút từ facebook của Ngô Thị Kim Cúc)

 

Chủ nhật 15 tháng 5, hình ảnh trên Facebook cho thấy một Sài Gòn – trung tâm quận I vắng lặng, căng thẳng ở mức độ cao.

Quá nhiều đồng phục các loại dưới những bóng cây công viên, bóng của các nhà cao tầng, ở những địa điểm người biểu tình “hẹn” rằng sẽ xuất hiện. Rào chắn kẽm gai đã dàn ra hoặc đang chờ sử dụng được nhìn thấy khắp mọi nơi.

Từ sáng sớm cho tới tận đêm, những cuộc “phục kích” phản biểu tình đã khiến Sài Gòn có hình ảnh của một thành phố thời chiến.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ, bùng binh Quách Thị Trang, khu phố Tây, công viên 30 tháng Tư, công viên 23 tháng Chín đều nằm trong “tầm ngắm” của những người mặc đồng phục.

Biểu tình quy mô lớn cả ngàn người như hai ngày 1 và 8 tháng Năm đã không thể xảy ra khi không gian bị chia cắt bởi kẽm gai và đồng phục. Hình ảnh và clip cũng không xuất hiện nhiều như trong hai cuộc biểu tình trước vì bị ngăn chặn gần như tuyệt đối.

Thế nhưng, sự giằng co giữa lực lượng phản biểu tình và người biểu tình kéo dài tới tận đêm cho thấy quyết tâm bày tỏ thái độ của người Sài Gòn mà đa số là thanh niên, rất lớn. Họ đã không trở về nhà cho dù bị bao vây bởi lực lượng phản biểu tình đông gấp nhiều lần so với hai Chủ nhật trước. Việc tận mắt nhìn thấy những người biểu tình khác bị tóm ghì chặt bởi cả toán người, bị lôi kéo ngã xuống đường và đẩy lên xe gắn máy chở đi không hề khiến họ sợ hãi, tháo lui.

Tất cả camera đưa lên chụp hình hay quay phim đều bị giật mất hoặc bị buộc phải lập tức xóa đi. Có những clip rất ngắn post lên chỉ nghe tiếng hét phản đối của người chủ máy mà không thấy được gì vì hình ảnh bị lộn nhào do giành giật. Việc làm này bộc lộ rất rõ ý muốn của nhà cầm quyền: quyết không để hình ảnh biểu tình ngày Chủ nhật 15 tháng Năm xuất hiện, ngay cả trên mạng chớ không phải chỉ trên đường phố.

Sau tuyên bố tọa kháng, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đã vượt qua sự canh giữ ở nhà riêng và có mặt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ vào buổi chiều đúng giờ hẹn. Trời nắng đổ lửa và thời gian anh ngồi tọa kháng trước tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ tính bằng giây. Một audio ghi lại cuộc giằng co cho thấy lập tức đã có người đến ngăn trở và bị anh quyết liệt phản đối. Cuối cùng, anh chấp nhận việc bị bắt giữ và sau đó bị chở về công an Thủ Đức. Đến 24 giờ đêm anh mới được trở về nhà.

Chàng thanh niên A Lầu, người đầu tiên hai lần tọa kháng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ đã cùng nhóm bạn trẻ của mình rời từ khu vực quận I sang quận Năm và đã tổ chức cuộc biểu tình mini ở chợ An Đông (trong nhóm biểu tình này có cả nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà). Sau khi tranh cãi, A Lầu đã bị bắt, và vào giờ khuya cũng được thả sau khi bị bể kiếng và lại bầm dập mình mẩy ở nơi giam giữ.

Nhà báo Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong khi ngồi ở sảnh khách sạn New World đã bị các nữ công an mặc thường phục ngồi quanh đó xông đến bắt giữ. Mẹ chị đã thông tin lên trên mạng, kêu gọi mọi người hỗ trợ. Như Quỳnh sau đó đã bị áp giải về lại Nha Trang.

Nhà báo Mạnh Kim ngồi trong quán cà phê khu vực phố Tây do đưa máy lên quay cảnh đàn áp người biểu tình cũng đã bị bắt đi và chỉ trở về nhà vào lúc 2.30 sáng ngày hôm sau 16 tháng Năm.

BIỂU TÌNH VÀ PHẢN BIỂU TÌNH

Là người biết tận dụng tối đa những sáng tạo bất ngờ của trí tuệ nhân dân trong cuộc đối đầu có tên gọi rất tự hào là chiến-tranh-nhân-dân, nhà cầm quyền Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong việc biểu tình và phản biểu tình.

Chủ nhật 15 tháng Năm, bằng cách “khóa” tất cả những con đường dẫn đến khu trung tâm, họ đã khiến cuộc biểu tình lớn không thể xảy ra. Nhưng, có lẽ họ đã bất ngờ trước việc các bạn trẻ vẫn tìm ra cách để biểu tình ngay ở công viên 23 tháng Chín, chưa kể sau đó các em còn nhân thêm địa điểm có mặt lên, bằng những cuộc biểu-tình-theo-nhóm ở một số nơi khác: chợ An Đông, quận 7, trong khu vực nhà ở…

Trong việc Formosa Vũng Áng xả chất độc khiến biển miền Trung (và có thể cả Việt Nam) đang trong nguy cơ bị hủy diệt, việc hợp lẽ nhứt và cần thiết nhứt để giúp đỡ ngư dân một cách rốt ráo là, nhà cầm quyền cần nhanh chóng hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết, bắt kẻ vi phạm phải bồi thường và tìm cách phục hồi môi trường biển sạch cho ngư dân Việt tiếp tục sinh sống bằng nghề đánh cá. Người dân sẽ không thể liều lĩnh hưởng ứng lời kêu gọi ăn cá khi không biết rõ con cá mình ăn có thể đưa những chất độc gì vào cơ thể, khiến bản thân mình có thể bị bệnh và còn đáng sợ hơn, là những đứa con sẽ sinh ra liệu có phát triển bình thường.

Tôi nghĩ, việc người tuổi trẻ đang tham gia biểu tình rất đông với thái độ rất kiên định có lẽ bắt nguồn từ chính suy nghĩ này.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÔNG CÔ ĐƠN – NHỮNG NGƯỜI TRẺ KHÔNG CÔ ĐƠN

Loạt ảnh chụp anh Huỳnh Ngọc Chênh tọa kháng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ nên được gọi tên là NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÔNG CÔ ĐƠN. Bởi vì, khi nhìn thấy hình ảnh anh một mình giữa con đường vắng ngắt do bị phong tỏa, mọi người đều mong muốn được có mặt bên anh. Anh một mình giữa những người xa lạ vì mọi đường đến đã bị rào bị cấm, chẳng phải bởi mọi người không muốn có mặt cùng anh.

Cảm ơn anh Huỳnh Ngọc Chênh đã cho thấy sức mạnh của sự quyết tâm và sức mạnh của những giá trị chỉ có thể nhìn thấy bằng những trái tim vừa yếu mềm mà cũng vừa dũng cảm.

Trong một clip tương đối hoàn chỉnh quay ở công viên 23 tháng Chín lọt được lên FB, hình ảnh cho thấy dù bị rất nhiều người mặc đồng phục ngăn cản đến mức tưởng con muỗi cũng không qua lọt, nhưng cuộc biểu tình đúng nghĩa vẫn nổ ra. Dưới bóng cây xanh, hình ảnh một đoàn biểu tình hàng trăm người được nhìn thấy từ xa (có lẽ do người quay đã phải vận dụng tối đa khả năng bảo vệ clip), đang bị vô số đồng phục vây quanh. Tiếng những người phản biểu tình yêu cầu giải tán. Tiếng vỗ tay cỗ vũ của những người trẻ đang ở vòng ngoài. Tiếng các biểu tình viên trẻ hô to: “Trả biển sạch cho nhân dân Việt Nam”, “Formosa cút khỏi Việt Nam”, “Cá cần biển sạch, dân cần minh bạch” lặp đi lặp lại tuần tự hết bằng giọng nữ tới giọng nam khiến người xem cảm động đến rơi nước mắt…

Xin cảm ơn các em. Tương lai của đất nước và dân tộc thuộc về các em. Các em đã biết mình phải làm gì để bảo vệ tổ quốc, cũng chính là bảo vệ cuộc sống của mình và con cái về sau.

Cảm ơn những công dân xứng đáng nhất với tên gọi của thành phố thân thương Sài Gòn. Chúng tôi đang nhìn về các em với rất nhiều tình yêu và sự ngưỡng vọng…

clip_image001

Phát biểu của một công dân Sài Gòn không thể chấp nhận việc đàn áp đánh đập phụ nữ và trẻ con đi biểu tình bảo vệ môi trường.

Người đàn ông không cô đơn Huỳnh Ngọc Chênh.

Ba người phản biểu tình đã ba chân bốn cẳng lao tới…

Người mẫu và hình nền rất hợp nhau

Các bạn cảnh sát cơ động hôm ni đã xuất hiện

Comments are closed.