Moon Palace – Mà nỗi buồn thì vô tận

Phan Thị Hà Dương

 

Moon Palace

 

Trong đời đọc truyện của mình, đã rất nhiều tiểu thuyết làm cho tôi buồn, điều này hiển nhiên. Những nỗi buồn có nhiều cách đi đến, có nỗi buồn đến như kết thúc cuối cùng của một niềm vui, có nỗi buồn len lỏi đến trong những dịu dàng khe khẽ, có nỗi buồn bàng bạc trong không gian như sương chiều, có nỗi buồn ẩn sau những hài hước cay độc.

Nỗi buồn của Moon Palace thì khác. Nó ngay lập tức đã choán lấy toàn bộ con người tôi. Không vòng vo, không kiểu cách, không len lỏi, nó đến trực diện, dội thẳng vào tim tôi. Và trong suốt quãng thời gian đọc truyện, lúc nào nó cũng ở đấy, giữa những trang sách.

Tôi cố tự hỏi mình vì sao như vậy, nỗi buồn ấy ở đâu ra. Bây giờ tôi tin là mình đã có câu trả lời. Không phải ở sự điên rồ, không phải ở sự thơ mộng, không phải ở sự ngây ngất.

Nỗi buồn ấy ở trong sự run rẩy. Từ đầu đến cuối, tôi đã lắng nghe sự run rẩy ấy trong từng bước đi của chàng trai, kể cả khi vui, kể cả khi buồn, lúc nào nó cũng run rẩy và vô cùng mong manh. Và toàn bộ tình cảm mạnh mẽ nhất của ta là vì sự thương cảm rung lên theo những run rẩy ấy.

Cuốn sách bắt đầu bằng việc chàng trai để cho mình rơi sau cái chết của người bác thân yêu, người cho đến lúc ấy là người thân duy nhất trên đời của chàng. Tôi vẫn luôn ngỡ ngàng với những trang sách về tình cảm của hai bác cháu, rất hiếm ai có thể viết về tình cảm của một người thân với một đứa trẻ chan chứa dịu dàng và thân thương đến vậy. Mà thực ra trong toàn bộ cuốn sách này, những người thân đã dành cho nhau những tình cảm vô cùng sâu thẳm, vô cùng dịu dàng, như để bù lại cho tất cả những đau thương mà họ đã gây cho nhau và cho tất cả những ám ảnh, những khao khát tình cảm đến tuyệt vọng mà họ đã có từ khi sinh ra.

Khi đã nghèo cùng kiệt, chàng trai đã phải bán đi từng cuốn sách từ hơn nghìn cuốn mà bác đã tặng mình như kỷ niệm duy nhất khi xa nhau, mỗi cuốn sách được bán sau khi được đọc, như một cách để lưu giữ lại. Trong những ngày kiệt sức vì đói, chàng trai không còn đọc sách được nữa, tất cả chỉ còn là "một mớ hỗn loạn giữa những đường thẳng và đường cong không phát ra gì ngoài sự câm lặng của chúng". Và giờ đây, với mỗi cuốn sách mới: "Tôi lấy cuốn sách từ trong thùng ra, mở trang đầu tiên, và lấy tay di theo từng dòng đầu tiên. Khi đã kết thúc, tôi tiếp tục dòng thứ hai, rồi dòng thứ ba, và cứ thế cho đến cuối trang. Tôi đi hết cuốn sách theo cách ấy: như một người mù đọc chữ nổi. Cho dù không còn nhìn được chữ nữa, tôi muốn ít nhất cũng chạm được vào chúng. Khi ấy mọi thứ với tôi đều tồi tệ đến mức tôi nghĩ cách đó là hoàn toàn chấp nhận được. Bằng cách chạm tay vào tất cả các từ của những cuốn sách, tôi xứng đáng có quyền bán chúng đi."

Chàng trai đã buông cho mình rơi, như một cách đi thẳng đến tận cùng sự chịu đựng của mình, như một cách đẩy mình đi xa nhất có thể. Chỉ có tuổi 18, 20 đầy điên rồ và thơ mộng, ngây ngất mới có thể như vậy.

" …Tâm trạng tôi cứ đột ngột chuyển bậc đi từ thái cực này sang thái cực khác, khiến tôi chơi vơi giữa niềm vui và niềm tuyệt vọng, liên tục đến mức đầu óc tôi trở nên mụ mị. Gần như bất kỳ điều gì cũng có thể trở thành ngòi nổ: một cuộc chạm trán bất ngờ với quá khứ, nụ cười của một người không quen, cách thức ánh sáng dội xuống vỉa hè vào một giờ nào đó. Tôi cố sức để đạt tới một hình thức thăng bằng bên trong, nhưng không thể: tất cả đều chênh vênh, rối loạn, hoang tưởng kỳ quặc. Trong một lúc tôi lao vào một cuộc truy tầm triết học, tưởng chừng cầm chắc sẽ nhanh chóng bước vào hàng ngũ những người được soi sáng; chỉ chốc lát sau tôi đã đầm đìa nước mắt oằn mình gánh chịu sức nặng của nỗi hoảng sợ. Tôi tự nhập vào chính mình sâu đến mức không còn nhìn mọi vật dưới dáng vẻ thật của chúng nữa: các thứ đồ vật trở thành các ý nghĩ, và mỗi ý nghĩ đóng một vai trò trong vở kịch đang diễn bên trong tôi.

Cuốn sách có tình yêu. Nhưng thật kỳ lạ là dẫu tình yêu đó rất đẹp, thì ngay từ đầu tôi đã có cảm giác tình yêu không phải là trung tâm câu chuyện. Toàn bộ những gì đã viết ra là để chuẩn bị cho một điều gì đó khác, sâu thẳm và xuyên suốt một tâm hồn, và tình yêu chỉ là một phần trong đó.

Cuốn sách là câu chuyện về hai người đi trong sa mạc.

Một người tự tìm đến với nỗi cô đơn tuyệt đối. Và đã thăng hoa trong sự cô tịch kéo dài. Như một mặt trời chói lọi và nung cháy bỏng cát.

Một người trong sự tan vỡ của hồn mình đã đi tìm một quá khứ với niềm hưng phấn là mình sẽ không tìm ra.

"Có lẽ chính tính chất vô phương hy vọng của cuộc phiêu lưu đã khiến tôi dính vào nó. Nếu nghĩ rằng vẫn có dù chỉ một khả năng nhỏ nhất cho việc tìm thấy cái hang, thì hẳn là tôi đã ngờ vào việc mình sẽ đi, nhưng ý nghĩ về một cuộc tìm kiếm vô ích, dựng lên cả một cuộc đi chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại, đã thu hút cái ý thức về sự vật của tôi vào thời điểm đó. Chúng tôi sẽ đi tìm, nhưng chúng tôi sẽ không tìm thấy. Chỉ bản thân việc bắt tay vào làm mới là quan trọng, và đến cuối cùng chúng tôi sẽ không còn lại gì ngoài tính phù phiếm của tham vọng của mình. Đó là một ẩn dụ mà tôi có thể sống cùng, bước nhảy vào sự trống rỗng mà tôi vẫn luôn mơ đến."

Sự trống rỗng ấy đã đến, đúng như mong đợi. Chỉ có điều nó đã ụp xuống quá nhanh chóng và tàn khốc, khiến ngay cả khi đã chờ đợi thì ta vẫn choáng váng.

Nỗi choáng váng đã tước đi tất cả, khiến mỗi bước chân cô đơn trên sa mạc, từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn, như một sự trừng phạt mặt đất dưới chân mình.

Và những bước chân ấy đã dịu lại, mỗi bước đi là một lần để lại chính mình ở sau lưng, là để con người ấy không còn là con người mà mình đã từng là nữa.

Suốt một tuần đọc sách, thời gian của tôi đã không tính bằng những buổi sáng, tối, mà được tính bằng những trang sách tôi đã đọc.

Tôi nhìn thấy ngoài kia, sa mạc, trên sa mạc có một vầng trăng, và nỗi cô đơn của từng bước chân, tất cả đã ra đi, không còn một người thân nào, không còn tình yêu, không còn ai,

Tôi đã biết ánh trăng trên sa mạc cô đơn đến thế nào, tôi đã biết trên sa mạc cát mênh mông và u buồn đến dường nào.

Nhưng ngay cả nếu tôi chưa bao giờ đi sa mạc, ngay cả nếu tôi chưa bao giờ đi đến biển, ngay cả nếu cả đời mình chưa bao giờ tôi nhìn thấy ánh trăng, thì tôi vẫn hiểu hết, vẫn cảm nhận được hết sự run rẩy kia.

image

 

Moon Palace (Paul Auster, Cao Việt Dũng dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 09- 2009). Paul Auster vừa mới qua đời ngày 30/4 ở tuổi 77 vì biến chứng của bệnh ung thư phổi.

Comments are closed.