2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 11)

Hoàng Hưng

101. Anosognosia: Sự mất khả năng (hoặc từ chối) nhận ra tình trạng khiếm khuyết về cảm giác hay vận động của bản thân, thậm chí không nhận ra một bộ phận của cơ thể mình.

102. Anticipatory socialization: Sự xã hội hoá tiên hành

Sự chấp thuận những thái độ và giá trị của một nhóm mà mình không thuộc về, có tác dụng vừa tạo thuận lợi cho việc di chuyển vào nhóm mới này vừa khiến cho diễn trình tự điều chỉnh sau khi trở thành thành viên của nhóm được dễ dàng. Khái niệm được phổ biến bởi nhà xã hội học người Mỹ Samuel Andrew Stouffer (1900-60) và các đồng tác giả công trình nghiên cứu “Người lính Mỹ” (1949), trong đó có những báo cáo cho thấy những người lính mới (binh nhì) chấp nhận những thái độ và giá trị của các cấp trên thì dễ được thăng tiến. Những nghiên cứu sau đó cũng cho thấy cha mẹ của các trẻ em trong giới cần lao có xu hướng chấp nhận và truyền cho con cái những thái độ và giá trị của giai cấp mà họ muốn cho con cái mình chuyển vào.

103. Anticonformity: Sự bất tuân thuận

Thái độ có chủ ý đi ngược lại các chuẩn mực hay sức ép xã hội. Khác với sự độc lập ở chỗ cá nhân phản ứng với sức ép của nhóm xã hội hơn là giữ cho mình không chịu tác động của nó.

104. Antipsychiatry: Phản tâm thần học

Sự phê phán triệt để những cách tiếp cận truyền thống (đặc biệt về y học) đối với các rối loạn tâm trí, chịu ảnh hưởng của thuyết hiện sinh và xã hội học, được phổ biến bởi các nhà tâm thần học người Scotland Ronald David Laing (1927-89), người Nam Phi David Graham Cooper (1931-86) và những người khác trong hai thập niên 1960 và 1970. Thuật ngữ được dùng lần đầu trong sách “Psychiatry and anti-psychiatry” của Cooper (1967).

105. Antisocial personality disorder: Rối loạn nhân cách phản xã hội

Có đặc điểm là một mẫu ứng xử bất chấp hay xâm phạm các quyền của người khác, bắt đầu từ tuổi ấu thơ hay thiếu nhi, tiếp tục sang tuổi trưởng thành. Dấu hiệu và triệu chứng: không tuân phục các chuẩn mực xã hội như có hành vi phi pháp lặp lại, lừa dối bịp bợm để đùa vui hay thủ lợi, cáu kỉnh và hung hăng bao gồm việc thường xuyên tấn công hay đánh lộn, bất chấp sự an toàn của bản thân hay của người khác, vô trách nhiệm thường hằng bao gồm không chịu thực hiện công việc nghề nghiệp hay tôn trọng các trách nhiệm về tài chính, thiếu ăn năn sau khi xử tệ với người khác.

Cũng gọi là sociopathy hay dissocial personality disorder.

106. Anxiety disorders: Các chứng rối loạn lo âu

Một hạng rối loạn tâm trí nổi bật là sự lo âu (lo âu là một trạng thái khó chịu kèm theo sự bồn chồn và những dấu hiệu về cơ thể và những triệu chứng căng thẳng mà tiêu điểm là sợ thất bại, bất hạnh hay nguy hiểm).

107. Apathy: Sự vô cảm

Không có cảm xúc, sự quan tâm hay nhiệt tình

108. Aphagia: Sự biếng ăn

109. Aphanisis: Sự mất ham muốn tính dục

Thuật ngữ dùng trong phân tâm học, do nhà phân tâm học xứ Wales là Ernest Jones (1879-1958) đặt ra năm 1927.

110. Aphasia: Khiếm khuyết ngôn ngữ

Khiếm khuyết về diễn đạt hay hiểu ngôn ngữ, do tổn thương hay bệnh lý ở các trung tâm ngôn ngữ trong não.

111. Aphrodisiac (danh/tính từ): Chất kích dục/Mang tính kích dục

112. Aphemia: Sự khiếm ngữ

Sự mất khả năng diễn đạt ý nghĩ thành lời

113. Apollonian (adj-tính từ): Thái dương tính

Có lý tính và có kiểm soát. Trong triết học của triết gia người Đức Friedrich Wilhem Nietzsche

(1844-1900), liên quan đến những phẩm chất không thay đổi của hình thức, lý trí, sự hài hoà, và tỉnh táo.

114. Apoplexy: Sự đột ngột mất ý thức

Thường kéo theo bại liệt, thường do đứt hay tắc mạch máu não.

115. Apperception: Tổng giác

Tiến trình hiểu một tri giác bằng cách tích hợp nó với những tri giác tương tự hay liên quan, hay với kiến thức thu nhận từ trước; cũng là sự nhận biết hành động hay trải nghiệm tri giác hay tự ý thức tương phản với tri giác – lần đầu tiên sử dụng theo nghĩa này bởi nhà triết và toán học Đức Gottfried Wilhem von Leibniz (1646-1716).

116. Appetitive behaviour: Hành vi háu ăn

Tiếng Mỹ: appetitive behavior

117. Applied psychology: Tâm lý học ứng dụng

Thuật ngữ bao trùm nhiều ngành Tâm lý học trong đó các kết quả tìm tòi được áp dụng vào những vấn đề thực hành (Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học giáo dục, Tâm lý học nghề nghiệp, Tâm lý học kỹ nghệ, Tâm lý học tổ chức, Tâm lý học tội phạm, Tâm lý học sức khoẻ…).

118. Approach-approach conflict: Xung đột tiếp cận-tiếp cận

Sự lựa chọn giữa hai hay nhiều mục tiêu hấp dẫn ngang nhau (con lừa giữa hai bó cỏ). Một trong ba kiểu xung đột chính được nhận dạng bởi nhà Tâm lý học Đức-Mỹ Kurt Lewin (1890-1947).

119. Approach-avoidance conflict: Xung đột tiếp cận-tránh né

Thái độ lưỡng lự giữa một mục tiêu chứa cả những nét tích cực lẫn tiêu cực. Người ta có xu hướng dao động ở một điểm gần nhưng không quá gần mục tiêu; xa mục tiêu hơn thì xu hướng lại gần mục tiêu thắng thế; gần mục tiêu hơn thì xu hướng tránh né lại thắng thế; sự quân bình diễn ra khi hai chức năng tiếp cận và tránh né giao nhau.

120. Apraxia: Sự giảm hay mất khả năng hành động

Do khiếm khuyết về hệ thần kinh thường ở bán cầu trái của não, nhưng không do bại liệt hay không hiểu. Giảm hay mất khả năng thực hiện các động tác hay cử chỉ cơ thể có mục đích cần thiết, mặc dù có vẻ không mất khả năng thực hiện chúng trong những hoàn cảnh tự nhiên (như khi phải vẫy chào ai đó). a

Comments are closed.