2000 thuật ngữ tâm lý học (kỳ 19)

Hoàng Hưng

191. Bottleneck theory: Thuyết cổ chai

Bất kì thuyết nào về sự chú ý, theo đó mọi thông tin đến với ta đều tới một mức độ nhất định sẽ được chọn lọc một phần để chú ý (giống như chỗ thắt cổ chai).

192. Bottom-up processing: (sự) Xử lí lộn ngược

Xử lí thông tin đi từ dữ liệu trong kích thích ở đầu vào đến các tiến trình cao hơn, như nhận ra lại, diễn giải và xếp loại. Ví dụ: Trong thị ảnh, các nét được kết hợp thành vật thể, vật thể kết hợp thành quang cảnh, việc nhận ra lại những cái ấy chỉ dựa trên thông tin trong kích thích ở đầu vào. Điển hình là các cơ chế tri nhận hay thức nhận (nhận thức) sử dụng việc xử lí lộn ngược khi thông tin không quen thuộc hay quá phức hợp.

193. Bounded rationality: Lí tính giới hạn

Một khái niệm được đưa vào những bài viết có ảnh hưởng trong năm 1955 và 1956 của nhà khoa học chính trị và lí thuyết gia về tiến trình ra quyết định Herbert Alexandre Simon (1916-2001), nói về những năng lực nhận thức và tiến trình ra quyết định của con người không mang lí tính một cách chặt chẽ, và do đó không bảo đảm có kết quả tối ưu. Các giới hạn đối với lí tính con người xuất phát từ những hạn chế về năng lực xử lí thông tin và cái giá phải trả cho việc tận lực so sánh những chọn lựa có thể có; hơn nữa, sự chọn lựa lí tính hoàn hảo thường không thể có trong thực hành, giả dụ như trong bài toán đi đường của người bán hàng. H. A. Simon đưa ra khái niệm này nhằm sửa lại thuyết kinh tế kinh điển vốn cho rằng các cá nhân có thể và sẽ có quyết định lí tính dựa trên thông tin lí tưởng.

194. Brain localization theory: Thuyết phân khu não

Bất kì thuyết nào cho rằng các địa hạt khác nhau của não bộ được sử dụng cho những chức năng khác nhau. Từ đầu thế kỷ 19, có những ý kiến khác nhau về việc phân khu chính xác cao độ của não bộ và việc não bộ hay phần lớn các phần của não bộ vận hành như một toàn thể. Năm 1861, thầy thuốc người Pháp Paul Broca (1824-1880) cho rằng trung tâm phát ngôn là thuỳ trán bên trái. Từ đó, nhiều kĩ thuật, trong đó việc kích điện vào từng khu vực của não, điện não đồ, và chụp ảnh não, đã bổ sung thông tin về việc phân khu chức năng trong não. Tuy nhiên nhiều nhà điều tra cho rằng khái niệm phân chia chức năng cực đoan đã nhường chỗ cho những khái niệm về sự kiểm soát được phân phối bởi hoạt động tập thể của những vùng khác nhau.

194. Brainstorming: (sự) Công não, Động não tập thể

Một phương pháp nảy nở ý tưởng và giải quyết vấn đề thông qua khuyến khích việc thảo luận sâu và tự phát trong nhóm mà không có bất kì sự phán xét phê bình tức thời nào về giá trị tiềm năng của những ý kiến được đưa ra.

195. Brainwashing: (sự) Tẩy não

Tiến trình toan tính tạo ra những thay đổi triệt để trong thái độ hay niềm tin của một người thông qua việc áp dụng những kĩ thuật [xét hỏi] như làm mất cảm giác, mất ngủ, bỏ đói, làm đau, và mất thoải mái cực độ về thể chất, và thay nhau thẩm vấn bởi những nhân viên tra hỏi tử tế và tàn bạo. Từ này được dùng trong văn bản lần đầu tiên bởi nhà báo và có thể là nhân viên CIA người Mĩ Edward Hunter (1902-78) trong một bài báo về Đảng Cộng sản Trung Hoa năm 1950 và sau đó trong sách Brain-washing in Red China: the Calculated Destruction of Men’s Minds – Ty não ở China Đỏ: Sự phá huỷ tâm trí con người có tính toán năm 1951.

[Sau này, được dùng với nghĩa mở rộng với mọi kỹ thuật tuyên truyền, tác động tâm lí đối với người dân trong cả xã hội (ND)].

196. Branching: Chia nhánh

Một hình thức dạy học chương trình hoá, cung cấp những bước đi hay những nhánh bổ sung để học sinh theo nếu các em không nắm vững một cách thích đáng học liệu đúng chuẩn. Những câu hỏi đúng và sai dẫn đến các nhánh câu hỏi khác nhau để cho học sinh học theo những chuỗi khác nhau tuỳ thuộc vào hiệu năng của các em. Cũng gọi là branching program – chương trình chia nhánh.

197. Bulimia nervosa: Chứng háu ăn bệnh lí

Một rối loạn về ăn uống, đặc trưng là trở đi trở lại những thời kì say sưa ăn uống, thường tiến hành bí mật, kèm theo cảm giác mất kiểm soát, rồi xấu hổ, rồi có hành vi bù trừ nhằm tránh tăng cân như tự nôn oẹ, lạm dụng thuốc xổ hay thuốc lợi tiểu, nhịn đói, hay tập luyện quá sức, đi cùng với sự quá nhấn mạnh đến thân hình và cân nặng trong việc tự đánh giá. Viết tắt: BN.

198. Buridan’s ass: Con lừa giữa hai bó cỏ

Một vấn đề về ra quyết định, điển hình là con lừa đói đứng giữa hai bó cỏ có cùng khoảng cách và cùng sức hấp dẫn như nhau, rốt cuộc chết đói vì không có cơ sở hợp lí để chọn bó này hơn bó kia. Cũng xem approach-approach conflict – xung đột tiếp cận-tiếp cận. Đặt theo tên triết gia kinh viện Pháp Jean Buridan (?1295-1358), được coi là tác giả của ví dụ trên.

199. Butterfly effect: Hiệu ứng cánh bướm

Xu hướng của một hệ thống phức hợp, năng động: nhạy cảm từ những điều kiện ban đầu, khiến cho sau một thời gian thì một nguyên cớ nhỏ có thể có những hiệu ứng lớn không thể dự đoán. Thuật ngữ nói đến một ví dụ trong đó một con bướm đập cánh ở một nơi này của thế giới được coi là góp phần tạo ra một cơn bão ở nơi kia. Thuật ngữ được sử dụng trong chaos theory – thuyết hỗn mang và rộng hơn, để mô tả những sự kết nối nhân quả phi tuyến tính.

200. Bystander effect: Hiệu ứng người ngoài cuộc

Xu hướng không sẵn sàng giúp đỡ khi biết rằng có những người khác có mặt và có thể giúp. Điều này thoạt tiên được nghĩ là kết quả của sự vô cảm và sự ích kỉ không muốn dính líu, nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy một số tiến trình nhận thức và xã hội đóng góp vào hiệu ứng này, trong đó có sự diễn giải sai lầm sự thiếu đáp ứng của mọi người là một chỉ dấu rằng sự giúp đỡ là không cần thiết. (Liên hệ với tâm lí “cha chung không ai khóc” của người Việt – ND).

Comments are closed.