2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 38)

Hoàng Hưng

381. Deontic reasoning: (sự) Suy lí về bổn phận

Suy lí về bổn phận và nghĩa vụ, phần lớn là trong quan hệ với những hành động đạo đức, luân lí, nhưng cũng trong một số hình thức giải quyết vấn đề không phải là đạo đức. Cần phân biệt với suy lí theo qui ước chừng nào nó không bị chi phối bởi các tiêu chí logic qui ước. Chẳng hạn: câu “nếu cô bé chưa đến 16 tuổi, cô không nên bôi son” không đúng hay sai theo cách hiểu quen thuộc nhưng nói lên luật lệ có điều kiện về hạnh kiểm mang tính bổn phận.

382. Dependent personality disorder: Rối loạn nhân cách phụ thuộc

Một rối loạn nhân cách có đặc trưng là nhu cầu rộng khắp và quá mức được chăm sóc, dẫn đến hành vi phục tùng, đeo bám và nỗi lo âu bị xa lìa, bắt đầu từ thuở ấu thơ và chỉ dấu là những dấu hiệu và triệu chứng như khó khăn trong những quyết định hằng ngày nếu không có sự cố vấn và đảm bảo từ những người khác; một nhu cầu có những người khác chịu trách nhiệm về những địa hạt quan trọng của cuộc sống; khó khăn trong việc thể hiện sự bất đồng với người khác hay sợ người khác không tán thành hay không ủng hộ; khó khăn trong việc khởi ra các dự án hay làm việc một mình; xu hướng dai dẳng quá mức trong việc cố tìm kiếm sự nuông chiều hay ủng hộ; khẩn thiết tìm kiếm một quan hệ mới làm nguồn chăm sóc hay ủng hộ ngay khi một nguồn khác chấm dứt; và bận tâm với nỗi sợ không thực tế là bị bỏ rơi một mình đối phó với mọi sự.

383. Depersonalization: (sự) Tách khỏi bản ngã

Một tình trạng tâm trí trong đó cái bản ngã có vẻ như không có thực. Cảm thức tách ra về mặt tình cảm hay xa lạ với tri nhận về bản ngã, như thể đang đóng một vở kịch hay quan sát các hoạt động thể xác và tâm trí từ bên ngoài. Nếu nó gây nên sự trầm cảm đến mức bệnh lí hay khiếm khuyết trong các địa hạt vận hành quan trọng như xã hội, nghề nghiệp, thì có thể được chẩn đoán là rối loạn tách khỏi bản ngã/ phi thực hoá (depersonalization/ derealization disorder).

384. Depth psychology: Tâm lý học chiều sâu

Một thuật ngữ được đưa vào bởi nhà Tâm lý học Thuỵ Sĩ Eugen Bleuler (1857-1939) để chỉ những cách tiếp cận Tâm lý học có tính đến những lực vô thức, đặc biệt là phân tâm học trong những hình thức đa dạng.

385. De-reflection: Giải phản tư

Một kỹ thuật logotherapy (liệu pháp ý nghĩa) nhằm chống lại sự phản tư (suy tư về những suy nghĩ, tâm trí của chính mình) quá mức, bằng cách đảo sự chú ý của người bệnh khỏi bản thân và hoạt động của bản thân. Được dùng chủ yếu trong việc trị chứng rối loạn cương dương, rối loạn cực khoái nam và bất lực.

386. Destrudo: Hoại năng

[trong phân tâm học]: Một thuật từ do nhà Tâm lý học người Ý Eduardo Weiss (1889-1971) tạo ra để chỉ hình thức năng lượng liên kết với Thatanos (năng lượng chết chóc), nhằm đối trọng với Libido (năng lượng sống, tính dục năng)

387. Developmental coordination disorder: Rối loạn điều phối phát triển

Một rối loạn về phát triển thần kinh, trước đây được xếp vào loại rối loạn kĩ năng vận động, có đặc trưng là điều phối vận động dưới trung bình (trong những hoạt động như trườn bò, ngồi, bước đi, bắt bóng, dùng dao kéo, viết, hay đạp xe) đối với một độ tuổi, một trí khôn và tình trạng giáo dục nhất định của đứa trẻ, và sự vụng về thể hiện ở việc làm rơi hay va đụng đồ vật, không đạt được thành tựu ở học đường hay cuộc sống hằng ngày mà không do thiếu khuyết về cảm giác, bại não, loạn dưỡng cơ (muscular dystrophy) hay bất kì rối loạn thần kinh hay rối loạn thoái hoá nào khác.

388. Developmental crisis: Khủng hoảng phát triển

Một khái niệm được đưa vào năm 1959 bởi nhà Tâm lý học người Mĩ gốc Đức Erik H. Erikson (1902-94) và trở thành phổ biến trong cuốn sách Childhood and Society (Tuổi thơ và xã hội) (1963), nói về 8 giai đoạn trong cuộc đời, mỗi giai đoạn thể hiện một sự đối lập căn bản cần được giải quyết. Early infancy (sơ kì ấu nhi): sự tin cậy căn bản vs. mất tin cậy căn bản; later infancy (hậu kì ấu nhi) (tập đi tiêu, tiểu): tự trị vs xấu hổ và hoài nghi; early childhood (sơ kì thiếu nhi) (khi tập đi): sáng kiến vs. tội lỗi; middle childhood (trung kì thiếu nhi) (thời kì âm thầm phát triển cá tính những năm học đầu tiên): siêng năng vs. tự ti; puberty and adolescence (dậy thì và thiếu niên): căn cước vs. nhầm lẫn vai trò; young adulthood (mới trưởng thành): thân tình vs. cô lập; mature adulthood (trưởng thành chín chắn): sinh sôi vs. tù đọng; late adulthood (hậu kì trưởng thành): sự toàn vẹn của cái tôi vs. tuyệt vọng. Erikson coi các “hạnh” của cái tôi cụ thể nổi lên qua việc giải quyết trong từng kì, đó là hi vọng, ý chí, mục đích, sự hữu năng, lòng trung thành, tình yêu, sự chăm sóc, và hiền minh (ứng với từng kì).

389. Developmental psychology: Tâm lý học phát triển

Ngành Tâm lý học quan tâm đến các hiện tượng Tâm lý học mọi loại ở trẻ thơ, thiếu nhi, thiếu niên, người trưởng thành và người già, và mọi thay đổi về Tâm lý học diễn ra trong suốt cuộc đời. Bao gồm nghiên cứu về sự phát triển tri giác, nhận thức, kĩ năng ngôn ngữ, thái độ đạo đức, và các quan hệ xã hội.

390. Deviation IQ: Chỉ số trí khôn chênh lệch

Quan niệm thống kê hiện đại về IQ, được đưa ra vào năm 1939 bởi nhà Tâm lý học người Mĩ gốc Rumani David Wechsler (1869-1981), theo đó IQ là một biến số được phân phối thông thường với điểm trung bình là 100 và một số chênh lệch tiêu chuẩn (thường là) 15. Theo định nghĩa, một IQ có số điểm 100 là trung bình, khoảng 69% số điểm IQ là từ 85 đến 115, khoảng 95% từ 70 đến 130, khoảng 99,74 từ 55 đến 145, và cứ thế…

Comments are closed.