2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 97)

Hoàng Hưng

971. Loser effect: Hiệu ứng kẻ thua

Sự giảm bớt khả năng một cá nhân sẽ đua tranh trong tương lai sau những trải nghiệm thua cuộc lặp lại. Thường có những thay đổi về sinh lí như gia tăng glucocorticoids (cortisone, cortisol) và giảm testosterone đi cùng hiệu ứng kẻ thua. So sánh với winner effect (hiệu ứng kẻ thắng).

972. Lost letter procedure: Qui trình lá thư bị mất

Một phép đo thái độ gián tiếp được sử dụng ở một trình độ nhóm kết tập. Hai bộ phong bì (bao thư) có dán tem được tạo ra, một bộ viết cho một nhóm dường như có lập trường thái độ cụ thể đối với một vấn đề nhắm tới, bộ kia viết cho một nhóm dường như có lập trường đối lập. Hai phiên bản được gửi với số lượng ngang nhau tới một cộng đồng. Qui trình dựa trên logic là một người nhận được lá thư ngẫu nhiên gửi cho mình sẽ dễ có động thái gửi chuyển tiếp lá thư vào hòm thư nếu nó viết cho nhóm có cùng lập trường với mình. Số phần trăm người trong cộng đồng ủng hộ hai lập trường sẽ được suy ra từ con số phong bì được gửi chuyển tiếp. Cũng gọi là lost letter technique (kĩ thuật lá thư bị mất). [được phát triển đầu tiên bởi Stanley Milgram].

973. Lovemap: Bản đồ tình ái

Hình ảnh tâm trí của một người về một người tình lí tưởng, quan hệ yêu đương lí tưởng và hoạt động tính dục lí tưởng đối với đối tác, được biểu hiện trong phóng (huyễn) tưởng và hành vi tính dục. Nó kết hợp các vấn đề về định hướng tính dục và cũng về các hành vi tà dâm được gọi là altered lovemaps. [được phát triển bởi nhà Tâm lý học New Zealand John Money (1921- )].

974. Love needs: (các) Nhu cầu yêu thương

[trong lí thuyết nhân văn của Abraham Maslow] Trình độ thứ 3 của thứ bậc nhu cầu, có đặc trưng là phấn đấu cho sự đặt quan hệ thân thuộc và sự chấp nhận. Cũng gọi là belongingness and love needs (nhu cầu thuộc về và yêu thương).

975. Love scale: Thước đo tình yêu

Một phép đo sức cảm nhận tình yêu của một người. Vì tình yêu là một trạng thái phức hợp diễn ra dưới những hình thức khác nhau, nên nhiều thước đo đa dạng không luôn luôn nhận ra những thành tố giống nhau trong cảm xúc đa diện này. Ví dụ, thước đo passionate love (tình yêu đam mê phát triển bởi nhà Tâm lý học xã hội Mĩ Elaine Hatfield (1937- ) tập trung vào những mục liên quan đến ham muốn tính dục cũng như những mục có hướng thức nhận (nhận thức), phản ánh sự bận tâm với đối tượng tình yêu và sự lí tưởng hoá người yêu; trong khi thước đo romantic love (tình yêu lãng mạn) của nhà Tâm lý học Mĩ Zick Rubin (1944- ) dính líu đến các yếu tố vừa của tình yêu đam mê vừa của companionate love (tình yêu hoà hợp) và bao gồm những mục về sự tự nguyện tin cậy và ham muốn ở bên bạn tình.

976. Lucid dream: Giấc mơ tỉnh táo

Một giấc mơ trong đó người ngủ mơ biết rõ là mình đang mơ và có thể ảnh hưởng đến bước tiến của câu chuyện trong mơ. Cũng có khả năng chủ ý báo hiệu những nét nổi bật của giấc mơ được định trước.

977. Lust murder: (sự) Sát nhân dâm dục

Một hình thức cực độ của bạo dâm, trong đó cá nhân trải nghiệm cơn hứng tình từ việc sát hại bạn tình trong lúc làm tình, thường bao gồm việc dàn dựng tinh vi và chặt xẻ cơ thể nạn nhân. Cũng gọi là erotophonophilia.

978. Machian positivism: Thuyết thực chứng Mach

Hình thức chủ quan luận của chủ nghĩa thực chứng được phát triển bởi Ernst Mach nhà vật lí học Áo gốc Czech (1838-1916). Mach cùng với các nhà thực chứng luận khác, cho rằng trải nghiệm giác cảm (cảm giác) là hòn đá thử của kiến thức; tuy nhiên, không như những nhà thực chứng luận khác, ông cho rằng giác cảm không thể hiện trung thực thực tại của một thế giới khách quan. Do đó, kiến thức quan nghiệm mang tính chủ quan.

979. Machiavellian hypothesis: Giả thuyết vị quyền lực

Giả thuyết cho rằng sự tiến hoá của trí khôn, đặc biệt trong các khía cạnh xã hội của nó, phụ thuộc nhiều vào hành vi ham muốn và phấn đấu vì quyền lực. Các cá nhân có hành vi mang nhiều tính vị quyền lực thì dễ thành công trong việc thích nghi và do đó dễ gieo rắc gien di truyền cho thế hệ sau. [Nicholo Machiavelli (1469-1527), lí thuyết gia chính trị người Ý, nổi tiếng vì chủ thuyết bất chấp thủ đoạn để giành quyền lực].

980. Macrosystem: Hệ thống vĩ mô

(trong Ecological Systems Theory – Thuyết Hệ thống Sinh thái) Trình độ ảnh hưởng của môi trường cách xa nhất cá nhân đang phát triển và tác động đến mọi hệ thống khác. Bao gồm các giá trị, truyền thống và đặc trưng văn hoá xã hội của xã hội rộng lớn. [được giới thiệu bởi nhà Tâm lý học Mĩ gốc Nga Urie Bronfenbenner (1917-2005).

Comments are closed.