CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (34): “VÀO ĐỜI” (5)

27/6/1963: báo “Thời mới”: Trọng Khiêm: Đọc sách “Vào đời” của Hà Minh Tuân (Nxb. Văn học, 1963):

Mới đọc đoạn đầu cuốn “Vào đời”, người đọc phấn khởi thấy tác phẩm không sơ lược như hai tác phẩm trước của tác giả, “Trong lòng Hà Nội” và “Hai trận tuyến”, mà đi sâu mô tả nội tâm nhân vật, khai thác một vấn đề lý thú: quá trình trưởng thành của một nữ sinh trong lao động ở công trường và nhà máy. Nhưng càng đọc ta càng thất vọng. Qua cách dẫn dắt và giải quyết câu chuyện, tác giả để lộ ra nhiều nhược điểm trầm trọng về nội dung tư tưởng và những chỗ yếu rõ rệt về hình thức nghệ thuật.

Nếu chỉ nhìn vào kết luận và những đoạn thuyết minh khô khan, ngắn ngủi, thì có thể nói, cô Sen, nhân vật trung tâm của tác phẩm, đã từ một nữ sinh ngây thơ, trong trắng trở thành một công nhân ưu tú, một “chiến sĩ thi đua hai năm liền” của nhà máy. Nhưng sự mô tả công phu, tỉ mỉ, hình tượng đối với nhân vật để lại một ấn tượng rõ nét, bao trùm, thì lại là một chuyện “vào đời” bất hạnh, dệt bằng nước mắt và đau khổ. Nếu muốn “tóm tắt cốt chuyện” thì không gì hơn là nối liền những dòng nước mắt lại với nhau: Sen khóc vì bố mẹ ép lấy một bác sĩ già; vì đang lao động ở công trường nghe tin mẹ ốm nặng đăng trên báo “Thời mới”; vì bị hai tên lưu manh hãm hiếp “một cách đột ngột và dã man”; vì sau khi bị hiếp lại có mang mà “bóp bụng”, “lăn lộn” mấy cũng vô hiệu quả; vì sau khi lấy chồng, đứa con thứ hai đang khỏe mạnh bỗng lăn đùng ra chết; vì người chồng là cán bộ quân đội chuyển ngành mà cô đặt nhiều hy vọng bỗng vì bất mãn chuyện cải cách ruộng đất mà trở thành một kẻ phá hoại, thậm chí có nhiều hành vi của một tên phản động, đồng thời cũng sa đọa hết mực trong đạo đức sinh hoạt: rượu chè, trai gái, bội bạc, tàn nhẫn, ác nghiệt với vợ và trẻ con, kể cả những hành vi vũ phu và đê tiện như “bóp cổ” vợ và “trả thù” vợ bằng cách trèo qua cửa sổ vào phòng “ôm ghì lấy” rồi “nhảy tọt ra”, “với khí thế của kẻ chiến thắng”!… Mỗi chặng gian truân ấy thường được kết bằng những câu đại loại như “khóc thầm mãi tưởng đến chảy máu mắt”, hoặc những chữ: “buồn nản, thất vọng”, “đau xót ê chề”, “uất ức đắng cay”, “bứt đầu vò tai tưởng sắp phát điên”, “như én bị gãy cánh chỉ còn giãy giụa trong bạo lực và vô vọng”, v.v. Một dấu hỏi lớn không thể không ám ảnh người đọc: giữa công trường xây dựng và nhà máy cơ khí đầu tiên của những năm cải tạo XHCN và xây dựng CNXH tại sao cuộc đời của cô nữ sinh trẻ đẹp, trong trắng, hồn nhiên này lại đau xót và ê chề đến như vậy? Những người hiểu biết đúng đắn về hiện thực có thể tự giải đáp ngay rằng: đó chẳng qua là kết quả của một cái nhìn lệch lạc, một sự phản ánh không trung thực cuộc sống hiện nay mà thôi.

Điều nói trên không phải chỉ bộc lộ ra từ một hình tượng mà từ rất nhiều mặt của tác phẩm. Đầu tiên phải nói tới sự thể hiện cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng tích cực và tiêu cực trong nhà máy. Tiêu biểu cho cái đúng, cái tốt là bí thư chi bộ Biền và bí thư chi đoàn Lưu. Nhưng trong những đoạn văn khô khan, không hình tượng và quá ít ỏi dành cho họ, lại không chỉ nói đến tinh thần lao động hăng say, luôn luôn tăng năng suất trong mọi việc, chống quan liêu… mà cả những cái bị động, thiếu cảnh giác, lẩm cẩm, ngô nghê, cùng tình yêu rất “thơ mộng” và “khắc khoải”… Còn tập thể công nhân, bộ đội phục viên, đoàn viên thanh niên, học sinh kỹ thuật… thì hầu như không có tác dụng gì, ngay khi biết rõ và thấy việc xấu diễn ra trước mắt cũng chỉ đứng nhìn một cách khách quan như những “trọng tài”! Đại diện cho cái xấu, cho bọn lưu manh và phản động là Mai, Song. Chúng gây chia rẽ và óc chống đối trong công nhân, tổ chức phá hoại, công nhiên lừa gạt phụ nữ, hiếp dâm, ăn cắp, đóng giả kỹ sư, đốc công, bác sĩ… một cách trắng trợn, phỉ chí tung hoành như vào chốn không người. Cán bộ lãnh đạo thì hầu hết là “vua liêu” (chứ quan liêu thì còn nhẹ!) như “các ông thống trị”, “ông chủ tư bản” đối lập với tổ chức của Đảng. Đấy, “hiện thực” được vẽ ra như vậy, hèn gì mà cuộc đời cô Sen không bị vùi dập, nhà máy không rối loạn, lực lượng tích cực không nhỏ nhoi, lúng túng một cách thảm hại!

Chống quan liêu cũng là một trong những chủ đề lớn của tác phẩm. Vì thiếu sự hiểu biết đúng đắn và sâu sắc về mặt này nên tác giả đã tả những cán bộ như một tập thể quan liêu, đối lập với tổ chức Đảng, đồng thời đả kích châm biếm họ một cách thẳng tay, mà quanh đi quẩn lại chỉ thấy họ, ngoài chuyện đuổi thợ (đối với bọn phá hoại, phản động thì nên và cần phải đuổi chứ?) còn toàn là những nét xấu xí về ngoại hình (như râu mọc tua tủa, đeo kính cóc gặm, …) thậm chí có cả khuyết điểm là mua quá nhiều sách kinh điển Mác –Lê-nin mà không có thì giờ đọc!

Tác phẩm còn nói đến cải cách ruộng đất và những khó khăn hiện còn trong cuộc sống. Về đề tài cải cách ruộng đất, trước nay ngoài những “tác phẩm” xuyên tạc ác ý của bọn Nhân văn-Giai phẩm ra, chưa có tác phẩm đánh giá đúng đắn và toàn diện về hiện thực này; còn trong “Vào đời”, tác giả tỏ ra thiếu hiểu biết sâu sắc, tùy tiện để cho nhân vật tranh cãi nhau “bất phân thắng phụ”. Hơn nữa, hình ảnh “người cha treo cổ” được lắp đi lắp lại nhiều lần làm cho người đọc hiểu rằng chính đó là nguyên nhân đẩy Hiếu từ một người tốt sa xuống vực của trụy lạc và sai lầm! Tất nhiên, với lối mô tả như vậy, không thể đem lại cho người đọc những nhận thức đúng đắn. Bên cạnh đó tác phẩm có một số đoạn nói tới tình trạng “nghèo nàn và lạc hậu”, tới những khó khăn của Hà Nội, thể hiện cách nhìn tùy tiện của tác giả, không phải là thái độ của người cách mạng. Đó là chưa nói tới tình cảm sai lệch của người viết thể hiện ở sự đồng tình, ca ngợi hết mực đối với tính tiêu cực, chịu đựng, “chung thủy” theo kiểu “xuất giá tòng phu” của nhân vật Sen. Chúng ta rất đề cao chủ nghĩa nhân đạo, nhưng nội dung của nó quyết không có gì giống với cái “đạo” của Khổng Mạnh.

Những nhược điểm như trên về nội dung tư tưởng cộng thêm những chỗ yếu rõ rệt về hình thức nghệ thuật: mô tả nhân vật một cách đơn giản, không lô-gic, theo một ý đồ có sẵn (để cho cuộc đời Sen nhiều gian truân, nhân vật Hiếu từ một con người chủ yếu là tốt bỗng trở nên xấu xa hết mực về mọi mặt…); sự bố trí những chi tiết rất ngẫu nhiên theo một dụng ý xếp đặt trước (để cho có cớ mà ghen và hành hạ Sen, tác giả để cho Sen và Lưu đi với nhau hai lần, lại vừa đúng vào quãng đường hẹp, đều bị Hiếu trông thấy; và đúng vào lần đi chơi ấy, đứa con thứ hai của Sen bỗng “bại liệt” mà chết…); dùng thủ thuật hài hước và châm biếm không đúng chỗ, những đoạn “trữ tình ngoại đề” nhạt nhẽo, ngôn ngữ không sinh động và cẩu thả (rất nhiều từ kỳ lạ như “mệt lử lả”, “khóc ri ran”, ngồi lặng tờ”, ngủ khè”, mặt phèng phèng”, v.v.).

“Vào đời” là một tác phẩm xuất bản sau Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III, đáng lẽ trước khi đưa in tác giả nên chú ý sửa chữa theo tinh thần nhiệm vụ của văn nghệ sĩ mà Đảng đã nêu rõ qua bức thư gửi Đại hội: “Văn nghệ XHCN của chúng ta phản ánh cái mới và đấu tranh cho cái mới thắng lợi. Không những nó chỉ thể hiện cuộc sống mới và con người mới mà còn tích cực góp phần thúc đẩy cuộc sống mới phát triển, góp phần sáng tạo và giáo dục con người mới”; trái lại, nó là một tác phẩm kém, có tác dụng xấu đối với người đọc, nhất là những thanh niên, học sinh đang sửa soạn bước vào đời.

TRỌNG KHIÊM

Nguồn:

Thời mới, Hà Nội, s. 3255 (27.6.1963), tr. 2.

28/6/1963. Báo “Tiền phong”: Đ.V.N.: “Vào đời” đã miêu tả lao động của thanh niên một cách tiêu cực và phiến diện:

Bài báo của đồng chí Thanh Bình đăng trên số báo trước đã phê phán nghiêm khắc những quan điểm sai lầm của nhà văn Hà Minh Tuân trong tác phẩm “Vào đời”. Tôi muốn phát biểu thêm một số ý kiến về những lệch lạc của tác giả khi miêu tả thanh niên trong lao động xây dựng đất nước.

Sau khi miêu tả những buổi Sen làm quen với lao động, tập gánh vữa trên công trường, tác giả đã gợi lên hình ảnh lao động khủng khiếp trong óc Sen qua một cơn mê sảng:

“Đó là chiếc đòn gánh với đôi sô vữa nặng. Hình ảnh đó là những vật tượng trưng cho ma quái, chúng cũng động đậy được như người, chúng nhún nhẩy, chúng lắc lư, chúng kêu lên loạch soạch, chúng xoay như chong chóng khiến Sen sây sẩm mặt mũi; rồi chúng chụp xuống đầu Sen, chiếc đòn gánh ngoạm lấy vai Sen nhay đi nhay lại cái nhọt bọc của Sen trong khi đôi sô nặng khủng khiếp cứ đu đưa như đùa rỡn mà hành hạ Sen kỳ cho chết rấp” (“Vào đời” tr. 16).

Lao động mà tác giả miêu tả ở đây thật là khủng khiếp! Và Sen đã dao động, nảy ra ý nghĩ bỏ trốn về nhà.

Tác giả đã diễn tả tập trung cái gian khổ của một nữ thanh niên mới bước vào đời bằng chiếc đòn gánh đè nặng lên đôi vai và trong một thời gian cũng tập trung là 2 tuần lễ. Gánh nặng “không phải chỉ rần sưng tấy một bên vai Sen. Gánh nặng còn đè sưng tấy cả óc cả tim Sen”. (“Vào đời”, tr. 25). Người đọc cảm thấy tác giả đã cường điệu quá mức cái gian khổ của một cô gái tập gánh và đã diễn tả cái gian khổ của một thanh niên bước vào đời một cách phiến diện. Là một nữ sinh Hà Nội bắt đầu đi vào lao động, theo chúng tôi nghĩ, cái gian khổ mà Sen gặp chủ yếu không phải là ở chỗ tập gánh, đành rằng việc đó cũng vất vả trong những ngày đầu lao động, mà là ở chỗ xác định được cho mình có thái độ đúng đắn đối với lao động, và rèn luyện mình trong quá trình lao động lâu dài. Và như vậy, rõ ràng hình ảnh lao động của Sen không phải là điển hình của thế hệ trẻ nước ta ngày nay. Hàng vạn thanh niên nam nữ nghe theo tiếng gọi của Đảng của Đoàn đang hăng hái đi đến những nơi khó khăn gian khổ để xây dựng đất nước. Gian khổ đối với họ không phải chỉ ở lúc tập gánh, tập làm công việc lao động chân tay mà là đi đến những nơi xa xôi, nơi khó khăn gian khổ, lao động quên mình để xây dựng đất nước, là ngày đêm gian khổ học tập văn hóa, khoa học kỹ thuật để làm chủ được khoa học kỹ thuật, v.v. Lao động có gian khổ nhưng lao động ngày nay là để xây dựng đất nước, xây dựng CNXH, nên lao động còn rất vinh quang. Tất cả những người nam nữ thanh niên ngày nay đã lớn lên cùng chế độ, ít nhiều đều hiểu điều đó và mang trong lòng họ niềm vinh dự và tự hào đó. Cho nên họ đi vào lao động có một ý thức giác ngộ XHCN nhất định. Họ hiểu công việc lao động là vất vả, cuộc sống nơi công trường, miền rừng núi còn có khó khăn. Họ lao vào khó khăn gian khổ, có khi rất gian khổ, nhưng lòng họ rất vui sướng, hào hứng. Và nhờ đó họ vượt qua được khó khăn… Dù có khi họ phải cắn răng lại chịu đau, nhưng miệng họ vẫn muốn say sưa ca hát (chứ không phải họ chỉ biết động viên nhau bằng những câu pha trò kiểu tiếu lâm tục tĩu!). Nhà văn Hà Minh Tuân đã thiếu đi sâu tìm hiểu để thấy một cách đầy đủ cái khí phách anh hùng tươi trẻ đó trong con người thanh niên mới ngày nay nên nhà văn chỉ mô tả lao động một mầu gian khổ đến khiếp sợ.

Chúng ta không phải là những người giấu giếm khó khăn, trái lại cần nói cho thanh niên hiểu rõ khó khăn của đất nước ta hiện nay, nhưng nói khó khăn để cổ vũ họ phấn khởi và tin tưởng đi lên chiến thắng khó khăn chứ không phải để làm nản lòng nhụt chí của họ.

Trong lúc hàng vạn học sinh đang hăng hái đi về nông thôn tham gia sản xuất, thanh niên các tỉnh và đô thị ở đồng bằng tình nguyện lên miền núi để phát triển kinh tế, việc miêu tả lao động khủng khiếp một cách giả tạo gắn liền với cuộc đời ảm đạm, đau đớn, chua xót của Sen không khỏi làm cho một số bạn trẻ nào đó lo lắng hoài nghi khi họ bước vào cuộc sống lao động. Đó là một trong những mặt tiêu cực của tác phẩm “Vào đời” đã có ảnh hưởng xấu trong quần chúng độc giả trẻ tuổi.

Lao động đối với thanh niên nam nữ ngày nay còn là một trường học lớn để rèn luyện thanh niên thành những con người mới của CNXH. Bài báo “Chúng tôi bước vào đời rất hào hứng, lao động rất say sưa” đăng trên số báo này [tức là báo “Tiền phong” s. 1055, ngày 28/6/1963 – ghi chú của người sưu tầm] nói về một đơn vị học sinh Hà Nội xung phong lên công tác ở công trường xây dựng khu gang thép Thái Nguyên và họ trưởng thành trong lao động một ví dụ rất cụ thể.

Tóm lại, bên cạnh những lệch lạc và thiếu sót khác, tác phẩm “Vào đời” đã miêu tả lao động của thanh niên mới bước vào đời một cách tiêu cực và phiến diện. Nó không giúp ích cho thanh niên mới lớn đang chuẩn bị bước vào đời có nhận thức và thái độ đúng đắn đối với lao động; trái lại nó có thể gây nên những ảnh hưởng xấu, làm giảm nhiệt tình của thế hệ trẻ đang hăng hái bước vào đời.

Ngày nay cả miền Bắc nước ta như một công trường xây dựng vĩ đại đang mở rộng đôi tay đón hàng vạn nam nữ thanh niên mới lớn đầy nhiệt tình và phấn khởi bước vào cuộc sống lao động. Lao động đối với chúng ta là một niềm vẻ vang và tự hào. Lao động là một trường học lớn rèn luyện thanh niên ta trưởng thành. Chúng ta mong đợi các nhà văn, nghệ sĩ có những tác phẩm nói lên được lao động chân chính của thế hệ trẻ ngày nay.

Đ.V.N.

Nguồn:

Tiền phong, Hà Nội, s. 1055 (28.6.1963), tr. 3, 4.

Comments are closed.