Làm cách gì cho hoa nở?

Phạm Toàn

Ngày 26 tháng 4 năm 2005, tôi hân hạnh được tham dự Hội thảo tại Đại học Sư phạm Hà Nội về đề tài “Văn học Việt Nam từ sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy”. Tôi đã gửi báo cáo trước, nhưng đến cuộc họp lại thấy không tiện súng sính trên diễn đàn, nên đã chọn cách nói vo. “Bài nói” của tôi được một giáo sư tóc bạc ngồi trên đoàn chủ tịch khen là… đúng giờ. Sau đây là “biên bản” của bài nói đó.

Chủ đề cuộc hội thảo có hai vế, văn học sau 1975, và những vấn đề liên quan đến nghiên cứu, giảng dạy các tác phẩm đó. Về vế thứ nhất, văn học Việt Nam từ sau 1975, thì cũng bao hàm hai ý, một là những tác phẩm chiến tranh ra đời sau cột mốc 1975 khi chiến tranh đã kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất non sông thu về một mối, và hai là cao trào đổi mới tác phẩm, phần nào gắn với “cây đũa thần” của ông Nguyễn Văn Linh. Theo lô gích tự nhiên, sau đó khi chuyển sang vế thứ hai, thì đó là nghiên cứu và giảng dạy văn học sau chiến tranh và văn học đổi mới.
Con người thường có hai loại thái độ đối với các thành tựu văn học. Một thái độ chờ đợi xem hoa nở, và một thái độ tìm cách làm cho hoa nở. Tôi nghĩ trong chuyện này tốt hơn là ta nên tham khảo ở bên Trung Hoa người ta đã làm cho hoa nở rộ ra sao.
Tại sao lại Trung Hoa? Không phải vì tôi là chuyên gia trong địa hạt văn học Trung Quốc, không phải thế. Mà bởi vì tình cờ vừa rồi tôi cùng Dương Tường được Đới Tư Kiệt (tác giả tiểu thuyết và phim Balzac và cô thợ may Trung Hoa) rủ đi đóng cho bộ phim ông ta quay tại Hà Nội. Dương Tường đóng một đoạn ông già tiếp tân khách sạn mang cặp lồng cơm vào phòng cho khách. Tôi đóng vai ông sư, trong hai ngày quay phải chờ nhiều, để sau đó cũng chỉ ngồi im, đầu cắt trọc, ra vẻ ngoan ngoãn như bất kỳ nhà sư nào chưa bị bắt lỗi.

Phạm Toàn, vai nhà sư, trong bộ phim mới của Đới Tư Kiệt

Thành thử những lúc thư nhàn trong hai ngày “làm phim”, tôi có dịp thảo luận với những người thích văn chương nghệ thuật trong đoàn làm phim này. Nhân việc họ hỏi tôi về giá trị bộ phim đang làm, tôi đã nói dài dòng và ngẫu hứng về nền văn học Trung Hoa sau Mao và sau Cách mạng Văn hoá. Mao và Cách mạng Văn hoá là sự kiện có người bảo là đã làm chết 50 triệu người Trung Hoa, có người bảo không đến thế, chỉ mươi mười lăm triệu thôi. Trong vụ thống kê với hai ba kiểu sự thật này, chỉ có một người nói được đúng một và chỉ một sự thật giữ sâu kín trong lòng người, đó là các nhà văn. Vì chỉ có nhà văn mới đủ sức chỉ ra cái tiếng sấm rền trong lòng mình cho nó cộng hưởng cái tiếng sấm tắc nghẹn vùi sâu trong nấm mồ tập thể những chục triệu con người. Vì chỉ có nhà văn mới nói lên được cái ngón tay đau trước khi cả cơ thể mục ruỗng trong quên lãng.
Thế nhưng trong cái xã hội Trung Hoa đầy cấm đoán sau Mao và sau Cách mạng Văn hoá, sĩ khí các nhà văn có thể không giống nhau. Thật lòng nghĩ đến sự nảy nở của một nền văn học hậu kỳ sự kiện lớn đó, thì phải có cách tổ chức cho hoa nở. Người Trung Hoa tài tình làm công việc đó theo ba giai đoạn (xin nói lại, theo tổng kết ngẫu hứng của riêng tôi).
Tại chặng thứ nhất, họ công bố rất nhiều hồi ký. Ở Việt Nam từ đầu những năm 1990 đã có thể mua được hồi ký dịch sang tiếng Việt của Hán Tuyết Anh, và hai cuốn khác có tên Xuân NguyệtĐỗ quyên đỏ. Rất nhiều cuốn khác chưa dịch sang tiếng Việt. Những hồi ký này có đặc điểm chung là nói sự thật không tô vẽ gì hết. Thậm chí nếu ai nói nó “phản động” cũng khó cãi. Chẳng hạn qua hồi ký của viên bác sĩ riêng của Mao ta biết được cách sống đế vương của con người hễ cất lời là nói đến nhân dân. Ta cũng còn biết cả việc khi ông được lấy từ tủ lạnh ra thì má ông bị bong một mảng. Trong nhiều hồi ký, không hiếm chuyện mẹ bỏ rơi con dọc đường để sống tháo thân. Đại loại các hồi ký như vậy đã ra mắt bạn đọc. Nó có tác dụng gì? Nó làm cho con người vốn coi văn học như chốn đền miếu sạch như lau như li, nay có thể thấy trong đền miếu có rác rưởi. Đó không chỉ là hồi ký, mà đó là một bài tập lớn cho toàn dân về chủ nghĩa hiện thực. Người Trung Hoa rất khôn, họ biết rằng cấm đoán loại hồi ký kiểu đó thì các cụ về hưu vẫn truyền nhau những gì họ viết ra, khi đó cái hồn nhiên lại thành cái ấm ức vô ích.
Giai đoạn thứ hai diễn ra sau khi nhân dân đã quen quen với những hồi ức đầy những sự thật kiêng cữ. Khi đó có cơ hội ra đời những tác phẩm nói về cái cuộc sống đầy những vết thương đã lên sẹo ấy. Trước đó, nếu người đọc chưa quen với những tình tiết còn bị coi là xa với một chủ nghĩa hiện thực theo đúng quy chế, thì mọi vết thương đều giấu kín và do đó mọi vết sẹo cũng chẳng phơi ra. Ở Việt Nam đã dịch và bán rầm rộ rất nhiều tác phẩm Trung Hoa thuộc giai đoạn hai này. Điều đáng buồn là nhiều người chỉ thấy thích thú với việc hoa nở rộ ở vườn nhà hàng xóm, song có bao nhiêu ban bệ mà vẫn chẳng thấy ai lên tiếng về cách làm cho hoa nở rộ ở vườn nhà mình.
Sau đó là giai đoạn thứ ba. Đây là thời kỳ đã nói đủ về những vết thương và những vết sẹo, nói nữa sẽ nhàm trừ phi có cách nói hoàn toàn khác hẳn. Đời sống vật chất vài ba chục năm đổi mới cũng tạo ra thế hệ độc giả có học và có của, tâm lý của họ dị ứng với cách nói năng kéo dài về những vết thương và những vết sẹo. Đến lúc đó, người ta sẽ viết ra cho bạn đọc những cuốn sách thiền hơn, đạo hơn, sang hơn, thoát hơn, rất đời mà lại ít bợn đời hơn, đắm đuối nhìn về chân trời xa hơn, và nhất là càng ngày càng cá nhân hơn. Các tác giả sẽ đáp ứng đòi hỏi đó một cách tự nhiên một khi cả nền văn học đã trải qua hai giai đoạn trước đó. Vì thế ở bên kia biên giới người ta mới có những Mạc Ngôn và Giả Bình Ao, người ta chấp nhận Cao Hành Kiện và người ta cũng dung cả Lý Nhuệ lẫn Vệ Tuệ. Đấy mới chỉ là vài thí dụ theo sự tổng kết nông cạn của tôi. Nhưng tôi nghĩ là mình không sai lắm khi hôm qua thấy trên mạng một cuộc trình diễn có tên “A còng 41” với 41 anh chị sinh viên Học viện Mỹ thuật Âm nhạc Thành Đô ngày 13-4-2005 nằm trần truồng đè nhau kiểu quân domino xếp thành hính chữ A-còng trên thảm cỏ xanh sân gôn Mục Mã Sơn.
Việt Nam đang ở chặng đường nào trong cuộc hành trình nở hoa dài dằng dặc đó?

*

Sang chuyện nghiên cứu và giảng dạy, điều kiện trước hết là cần phải có những tác phẩm sau 1975. Vì phải có những vật liệu ấy thì mới có cái mà đưa vào “nhà máy cháo phổi” giảng dạy văn chương chứ? Đến đây vẫn lại thấy nổi lên chuyện làm cách gì nghiên cứu và giảng dạy về những đoá hoa đã nở và còn nở.
Một lần nữa xin bạn đọc cho tôi gợi ý từ cách làm của người Mỹ đương thời. Họ đã làm gì để nghiên cứu và giảng dạy các tác phẩm văn học về cuộc chiến được họ đặt tên là Chiến tranh Việt Nam? Tôi không được đi Mỹ nghiên cứu, chỉ lướt trên các trang web để học hỏi, thấy gần như mỗi trường đại học danh tiếng ở Mỹ đều có trang web riêng cùng với bộ Bách khoa thư riêng của mình về Chiến tranh Việt Nam. Các tài liệu đó lại đều liên kết trên mạng, thành thử chỉ đọc của một trường thì cũng có cơ hội đọc tham khảo tài liệu những trường khác. Thử dừng lại ở một trong nhiều bộ sách đó, tôi gặp bộ ba tập của Đại học Oxford in năm 1998 có tên Bách khoa thư Chiến tranh Việt Nam: Lịch sử chính trị, xã hội và quân sự. Trong bộ sách đồ sộ này có phần về Văn học Chiến tranh Việt Nam và trong phần này lại có những tác giả và các nhóm khác nhau làm những thư mục riêng. Và mỗi nhóm hầu như đều có chung cách tổng kết như sau: •

  • Tư liệu riêng (hồi ức, ghi chép, thư tín chẳng hạn) là những thứ có thật để người đọc được đi vào nguồn tư liệu chưa nhào nặn;
  • Tài liệu lưu trữ (những tuyên ngôn chính trị của các nhóm chống chiến tranh thường nằm ở mục này);
  • Tiểu luận – nghiên cứu (về văn học Chiến tranh Việt Nam);
  • Văn xuôi (tiểu thuyết, tập truyện ngắn, bút ký);
  • Thơ;
  • Tài liệu bàn đến việc giảng dạy Văn học Chiến tranh Việt Nam (khá dầy dặn, gồm ba phần nhỏ sách, các bài báo, và các trang web liên quan);
  • Các kết nối từ những thư mục nói trên sang các địa chỉ có chứa những tác phẩm cùng chủng loại không chọn vào thư mục này;
  • Các trang web liên quan để người đọc rộng đường tra cứu.

Xin giới thiệu qua qua một nhóm do John Clark Pratt chủ trì. Ông này làm tiến sĩ về văn học Anh tại đại học Princeton, song lại đeo lon trung uý đi dạy môn hoa tiêu tại Học viện Không quân, rồi là phi công chiến đấu thời Chiến tranh Việt Nam và đến năm 1974 thì rời quân ngũ với lon đại tá và xuất bản tiểu thuyết Những mẩu chuyện Lào. Từ 1974 đến 1980, ông là chủ nhiệm khoa tiếng Anh Đại học Colorado ở Fort Collins, hiện vẫn là giáo sư tiếng Anh tại đây. Đường lối của Pratt có thể tóm tắt như sau “Chính là nhờ đọc tiểu thuyết – một hành động cần sự tham gia của thời giờ, suy tư và đồng cảm… mà có thể hiểu rõ được sự thật căn bản của cuộc Chiến tranh Việt Nam”.
Tôi thử đi vào phần tiểu thuyết của cái ông Pratt này. Ông giới thiệu 120 cuốn (những cuốn ông không chọn thì ông mời bạn đọc tìm kiếm ở địa chỉ khác do ông giới thiệu đàng hoàng, không thèm tường lửa người không cùng cánh). Lướt tên tác giả thấy có ba người mình biết tên tuổi, một là Bảo Ninh (1 cuốn) một là Dương Thu Hương (2 cuốn) còn một người nữa là Larry Heinemann. Tôi chú ý anh cựu binh Mỹ này vì anh đã sang lại Việt Nam, làm việc ở Huế cả năm dài, đã ra Hà Nội, đã uống chén rượu với nhau trong cuộc đón tiếp các nhà thơ hậu hiện đại, đã bô lô ba la với anh ta tại cuộc gặp gỡ ở Hội Nhà văn Hà Nội… Thế mà có 2 cuốn tiểu thuyết của anh ta thì mình lại không đọc! Vả chăng cũng không có sách đó mà đọc. Nhưng giá mà biết trước thì đã vào mạng và ít ra cũng được giới thiệu vắn tắt sách của Larry.
Quyển thứ nhất: Gần gụi (Close Quarters), Farrar, Strauss & Giroux xuất bản năm 1974, 336 trang. Philips Dosier đến một đơn vị chiến đấu ở Việt Nam để thay thế một người đã chết khi làm nhiệm vụ. Ngây thơ và kích động, anh tìm hiểu ý nghĩa công việc anh làm ở đây, bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành xe tải, xe bọc thép chuyên chở lính, và anh sớm quen với sự xù xì và phi nhân tính của chiến tranh qua những lời lẽ thô tục, những sự phân biệt chủng tộc, những cảnh đếm xác chết vô đạo lý, những thi thể bằm nát, và sự giết người. Cuối cùng, tất cả những gì anh muốn làm là… “Giết và đốt và hiếp và cướp…” cho tới khi chẳng còn gì sót lại.
Quyển thứ hai: Chuyện của Paco (Paco’s Story), Farrar, Strauss & Giroux xuất bản năm 1974, 336 trang. Một linh hồn còn sống sót của một trận đánh huỷ diệt quân Việt Cộng trở về đời sống dân sự làm nghề rửa chén bát tại quán cà phê một thành phố nhỏ. Anh thành một người kể chuyện nói lên mọi điều kinh hoàng một cách vô cùng chi tiết qua lời người kể là một tử sĩ nói từ dưới mồ vọng lên. Tác giả dùng ngôn ngữ như một thứ vũ khí, và tác động nhiều khi làm ta vô cùng đau đớn.

*

Xin hãy tạm viết đến đây, và bạn thừa biết tôi đã nêu sẵn câu hỏi, thử xem chúng ta đang ở khúc đường nào so với bạn bè năm châu bốn bể.
Tôi xin kể một kỷ niệm riêng tư. Năm 1994, sau rất nhiều năm bận bịu không theo dõi thời sự văn học, bỗng dưng bữa kia tại một cửa hàng sách ở Sydney tôi ngồi xổm đọc ngốn ngấu một Nỗi buồn chiến tranh bằng tiếng Anh của Bảo Ninh. Cuốn sách đã đem lại cho tôi một lời hứa với chính mình: từ nay phải nắm vững thời sự văn học hơn nữa. Thế nhưng, khi về nước, một “nỗi buồn chiến tranh” đẹp đẽ bao nhiêu lại bị đổi thành một “thân phận tình yêu” ngớ ngẩn (nhưng có thể là nhất thời được việc). Mà tại sao cũng tác phẩm tiếng mẹ đẻ đẹp đến thế của Bảo Ninh nhưng in tiếng nước mình thì khác mà in bằng tiếng nước ngoài thì vẫn trung thực được một “nỗi buồn”?
Tôi xin kể thêm một kỷ niệm thứ hai. Đi dự một cuộc bảo vệ luận án liên quan đến tác phẩm của Phạm Thị Hoài và Nguyễn Huy Thiệp, sau khi thí sinh đã đỗ đạt xong xuôi đầy đủ, khi ấy tôi mới nêu câu hỏi: có bao nhiêu người Việt Nam đã đọc họ? Có bao nhiêu người khen hoặc chê họ? Tầng lớp nào khen và khen thế nào, tầng lớp nào chê và chê thế nào? Trong trường có bao giờ tính đến lập ra một thư mục hoàn chỉnh để bất cứ ai muốn đào sâu nghiên cứu thì khỏi lúng túng? Ai sẽ đứng ra tổ chức những việc làm thực chứng đó?… Rồi trong chỗ riêng tư, tôi đã hỏi các bạn nghiên cứu sinh trẻ: Bạn chịu đựng tới bao giờ cái cung cách nghiên cứu (và giảng dạy) theo lối đèn xanh đèn đỏ đèn vàng?
Tôi tin rằng người Việt Nam cũng có thể có những nhà văn không kém Mạc Ngôn hoặc không thua cả em Vệ Tuệ điên rồ, vấn đề là chưa có cách làm cho hoa nở. Thế thôi.
Nguồn: Tham luận tại Hội thảo toàn quốc “Văn học Việt Nam sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy” tạI Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 26.4.2005

talawas ngày 11/5/2005

Comments are closed.