Lục chồng tư liệu cũ: Nhà thơ Hữu Loan nói về vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm

Lời dẫn của Bùi Minh Quốc:

Như tôi đã kể trong một status đưa lên cách nay đã lâu, nhà thơ Hữu Loan bất ngờ xuất hiện tại đại hội thành lập Hội Văn Nghệ Lâm Đồng, tháng 1.1988, như do một cơ duyên bí ẩn kỳ lạ để truyền lửa cho thế hệ chúng tôi (xin tìm đọc trên mạng bài HỮU LOAN – KHOẢNH KHẮC TRUYỀN LỬA KỲ LẠ). Sau đại hội, Hữu Loan trở thành khách mời của Hội Văn Nghệ do tôi làm Chủ tịch. Tôi làm việc này là để bày tỏ lòng yêu quý một bậc đàn anh đáng ngưỡng mộ cả về tác phẩm và nhân cách, đồng thời cũng với ý thức trách nhiệm đảng viên rằng đây là một cách thiết thực thể hiện chủ trương đổi mới của Đảng trong văn nghệ đã ghi rất rõ trong nghị quyết 05 vừa ban hành tháng 11.1967 (nhân đây nói luôn: có một cơ duyên kỳ lạ nữa là tại đại hội tôi vừa kể, người đại diện cơ quan văn nghệ ở trung ương về dự lại chính là Trưởng ban Văn hoá Văn Nghệ trung ương Trần Độ, tác giả thực sự của nghị quyết 05 – một sự kiện hiếm có hoặc gần như chưa hề có, khi một cán bộ cao cấp cỡ ấy về dự đại hội Hội văn nghệ một tỉnh nhỏ xa xôi như Lâm Đồng. Và tại đây cũng diễn ra một sự kiện gần như chưa hề có: lần đầu tiên uỷ viên trung ương Trần Độ thân mật bắt tay phần tử Nhân Văn sừng sỏ Hữu Loan). Tôi bố trí anh Hữu Loan ăn ở tại nhà sáng tác của Bộ Văn hoá ngay gần kề trụ sở Hội và đề nghị anh chép cho toàn bộ các sáng tác chưa công bố của anh trong suốt hơn 30 năm bị lưu đày ở làng quê. Trước hết, xin anh viết cho một bài về vụ Nhân Văn – Giai Phẩm dưới hình thức một cuộc trả lời phỏng vấn của tạp chí Lang Biang. (Dự định của tôi là bài này sẽ chuẩn bị cho Lang Biang số 4, đăng cùng với “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” của Hà Sĩ Phu mà tôi đã phác sơ một cái chapeau có trích dẫn Mác làm tấm khiên đỡ đạn. Nếu không vì cái chỉ thị rất độc/đểu của Bộ trưởng Thông tin Trần Hoàn, người mà có lần Bảo Cự đã gọi là Pôn-pốt trong văn hoá, cấm các sở văn hoá cấp giấy phép xuất bản cho các tạp chí văn nghệ địa phương dẫn đến sự kiện “Xuyên Việt” thì số 4 hẳn sẽ là một cú “bom tấn”).

Trước khi vào bài trả lời phỏng vấn của tạp chí Lang Biang, anh Hữu Loan tự viết mấy dòng tiểu sử như sau:

Nguyễn Hữu Loan còn có tên là Nguyễn Văn Dao, Sắt Đỏ, Tốt Đỏ, Binh Nhì. Tên chợ là Ông Già Vườn Lỗi, Phu Viên Lỗi. Sinh năm Bính Thìn – 1916, thôn Vân Hoàn, Nga Sơn, Thanh Hoá. Từ năm 1936-1942 làm cách mạng trong phong trào học sinh và nhà trường. Từ 1943 đến 1945 về đi cày và đi đánh cá. Tháng 8-1945 theo Việt Minh khởi nghĩa ở huyện nhà, cùng năm làm Uỷ Ban Lâm Thời tỉnh, phụ trách bốn Ty: Giáo Dục, Thông Tín, Công Chánh, Thương Chính. Sau lại chán, về đi cày và đánh cá nuôi bố mẹ già. Từ giữa năm 1946 đến 1951 được mời vào làm chủ bút báo Chiến Sĩ Quân Khu IV ở Huế, gặp Nguyễn Sơn ủng hộ đường lối ưu tiên với văn nghệ sĩ. Khi Nguyễn Sơn bị đình chỉ công tác trả về Trung Quốc, đường lối của Nguyễn Sơn bị Lê Chưởng, Hoàng Minh Thi phản đối. Hữu Loan đề nghị giữ Phạm Duy ở lại không được, lại về đi cày. Cho đến 1954 tiếp quản thủ đô lại được mời ra làm biên tập cho báo Văn Nghệ và làm hội viên Hội Nhà Văn. Sau đó tham gia Nhân Văn, bị quản thúc. Đi cày, đi thồ (đẩy xe đá) từ 1958 cho đến giờ.

Phóng viên: Từ mấy chục năm nay, trong dân gian và trong văn học thường hay nói đến Nhân Văn – Giai Phẩm, đến vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm như là chuyện gì ghê gớm lắm mà những người đã tham gia vào vụ án là những tên đầu trộm đuôi cướp lừa đảo không thể dung tha được, những bọn cặn bã xấu xa nhất của xã hội ta. Nhưng trong thực tế thì thơ, nhạc của họ đều được nhân dân truyền tụng ngầm rồi đến công khai, cấm cũng không xong, càng ngày càng lan tràn công khai. Ngay cả nhà nước cũng đã lại tuyên bố phục hồi cho họ, in lại thơ, nhạc. Như thế là trước kia không phải họ sai mà nhà nước sai hay sao? Nếu nhà nước sai thì làm gì còn có vụ án Nhân Văn?

Nhưng mới gần đây vẫn có người tuyên bố vụ Nhân Văn là một vụ án. Chúng tôi là những người cầm bút chuyên môn mà vẫn thấy mâu thuẫn khó hiểu, huống hồ người dân từ lâu nay chỉ được thông tin một chiều, họ thắc mắc hỏi chúng tôi, chúng tôi rất lúng túng không giải thích nổi.

Vậy thì thưa ông Hữu Loan, ông là người trong cuộc, xin ông giảng lại cho: Thế nào là Nhân Văn? Thế nào là vụ án Nhân Văn?

Hữu Loan: Tất cả mọi cái này tôi đã có ý kiến đầy đủ trong bản kiểm điểm của tôi ở trại chỉnh huấn Nhân Văn. Các anh nên đến Cục Công An Hà Nội tìm đọc thì hơn.

Phóng viên: Bác ngại sao?

Hữu Loan: Cũng ngại chứ.

Phóng viên: Vì sao vậy?

Hữu Loan: Vì tuổi tác cũng có. Nhất là vì mấy năm trước đây, hưởng ứng lời kêu gọi tự do báo chí, Nguyên Ngọc chỉ cho đăng một số bài của các nơi gửi về mà đã bị kết tội là sai phạm lệch lạc nghiêm trọng, rồi hết cuộc họp này đến cuộc họp khác để kiểm điểm, để bàn cách đối phó. Nhưng dù sao thì khắp nơi báo chí đều dám lên tiếng bảo vệ Nguyên Ngọc. Còn hồi tôi về thì không một người bạn nào dám đến đưa chân ngay ở nhà chứ đừng nói ra ga, mặc dù có những bạn, tôi đã đấu tranh cho được vào biên chế, được vào Hội Nhà văn mà mới mấy năm trước đây đi công tác qua nhà tôi cũng vẫn còn sợ liên quan không dám vào, nói là “tại chế độ”… (mất mấy dòng). Cái gì cũng có giới hạn của nó. Đấy là bè bạn, là người ngoài. Ruột thịt đối với tôi còn tàn nhẫn hơn nhiều.

Những năm 43-44-45, Nhật đánh pháp ở ta dữ dội, trường tư tôi dạy phải đóng cửa, tôi về quê vừa làm ruộng, đánh cá để nuôi bố mẹ vừa hoạt động Việt Minh bí mật. Mấy năm ấy đói to. Bố mẹ tôi vẫn phải nhịn cháo rau cho cán bộ Việt Minh bí mật về ăn. Những người cùng Ban khởi nghĩa với tôi làm to cả, gia đình nào bố mẹ cũng sung sướng, nguyên tôi lại về. Mẹ tôi buồn ốm chết. Bố tôi chửi tôi:

– Mày làm Việt Minh chặt hết của tao một rặng tre để rào làng, rào giếng.

Các cháu trong nhà, trong họ không đứa nào không chửi:

– Ông về là đúng. Trời làm tội ông. Lúc ông phụ trách bốn ty, còn ai nhiều chức hơn ông mà con cháu chả đứa nào được nhờ. Ông cho trong huyện hơn 40 người ra làm giáo viên, con cháu xin, ông bảo: “chúng mày rồi hẵng…”. Ông chỉ toàn khuyên các cháu đi bộ đội. Nghe ông, bốn đứa xung phong đi, giờ chỉ còn có một đứa về… Hồi Việt Minh còn đang bí mật, ông đứng ra bảo lãnh gạo, muối, diêm về phát cho dân. Ông phát cho dân trước, đến lượt ông và con cháu ông, lần nào cũng hụt, có lần hết sạch. Bây giờ ông coi, họ lãnh sữa bột, dầu cải của quốc tế cho trẻ em, họ chia nhau trước, đến lượt trẻ em thì hết. Không ai dại như ông. Khi ông có tiêu chuẩn đi xe con, đi các huyện khác thì ông đi xe, khi nào về huyện ta, ông toàn đi xe đạp, trong khi những người không có tiêu chuẩn xe, họ mượn xe của ông về vênh váo với làng nước. Ông bảo ông làm cách mạng để cho cả làng được đi học, khi cách mạng thành công thì thằng con ông thi đại học đậu thừa điểm đi nước ngoài, họ không cho học ngay cả trong nước, và chúng đã thay vào chỗ con ông một tên Cường không đậu, tên na ná với tên con ông là Cương…

Có đứa nó như phát điên và nó đã chửi tôi: Ông là loại ngu nhất, ông bảo ông mẫu mực, cái mẫu mực ấy đem vứt cho chó nó ăn. Chả đứa nào nó thương ông, ông tự làm khổ ông lại làm khổ lây đến con cháu…

Mỗi lần như thế tôi lại phải đấu dịu với chúng: Thôi tao van chúng mày. Nếu mẫu mực mà lại được ngay ô tô nhà lầu thì chúng tranh chết nhau để làm mẫu mực chứ chẳng đến phần tao.

Ngay ngày 2.9 bên xã mổ thịt lợn bán tự do cho dân về ăn quốc khánh, tao biết thân phải đến rất sớm mà cũng chả đến phần. Những ông Đảng uỷ, uỷ ban mua trước, đến mình hết phần…

Phóng viên: Như vậy là bác chán không muốn nói đến chuyện Nhân Văn nữa?

Hữu Loan: Ai mà chả phải chán. Mình đấu tranh cho họ, bênh vực họ, khổ vì họ, họ lại đè mình họ chửi, họ oán. Những kẻ gây tai hoạ cho họ, họ lại cho là đúng, là gương để cho họ noi theo.

Phóng viên: Xưa nay bác vẫn là người nói thẳng, nói thật, lúc trẻ bác còn dám nói, giờ già rồi không lý nào bác lại sợ, lại hèn?

Hữu Loan: Anh kích tôi đấy phỏng? Tôi là người không bị động bao giờ.

Phóng viên: Cháu không dám hỗn thế đâu, nhưng đây là một vấn đề lịch sử, trước sau rồi cũng phải đưa ra ánh sáng, chỉ có bác là người trong cuộc, bác giúp cho bọn cháu thì nó cụ thể hơn, sát hơn, để các cháu có thể hiểu được những cái vô cùng rắc rối của giai đoạn xã hội hiện nay.

Hữu Loan: Thật ra nếu bên Liên Xô không có ông Khơ-rút-sôp lật Xta-lin đưa ra phong trào chống sùng bái cá nhân thì bên Tàu không làm gì có Mao Trạch Đông đưa ra chuyện “Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng” và bên ta hưởng ứng tức thời bằng phong trào mang tên dịch lại nhãn hiệu Trung Quốc “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Tên nôm na của ta là “Chống sùng bái cá nhân”.

Trước đó thì ở ta có hiện tượng phổ biến này: khi gặp nhau, trước bất cứ câu đối đáp nào đều phải có nhỏm thành ngữ “ơn Đảng, ơn Bác” đứng đầu. Thí dụ:

– Ơn Đảng ơn Bác, lâu nay tôi ốm mãi, ơn Đảng ơn Bác, tôi mới xuất viện được hai hôm nay

– Ơn Đảng ơn Bác, thế mà em không hay biết gì…

Sau hàng tháng phát động đấu tranh, kiểm điểm ở từng cơ quan để bỏ chữ “Bác” đi để thay thế bằng “Ơn Đảng, ơn chính phủ”. Thí dụ:

– Ơn Đảng ơn chính phủ, vụ mùa này thu hoạch có đủ nộp không?

– Ơn Đảng ơn chính phủ, nhà em có con lợn độ 30kg đang lớn, thanh niên Cờ đỏ vào bắt nợ rồi, được bao đóng hết sạch mà còn thiếu phải bù bằng lợn…

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc liên tiếp bị đô hộ, hết Tàu đến Tây, đến Nhật, đến Mỹ… Cái khao khát, cái đói cố hữu của dân tộc này là đói độc lập, tự do, cơm áo. Khi thấy Đảng hứa đem lại những thứ ấy cho thì người dân tin tuyệt đối vào Đảng.

Đảng bảo gì họ theo nấy

Bảo phá nhà thì phá nhà

Bảo bỏ ruộng thì bỏ ruộng

Bảo bỏ bố bỏ mẹ

Bỏ vợ bỏ chồng

Bỏ Trời bỏ Phật

Bỏ được tất

Còn dễ hơn Khổng Tử bỏ đôi dép rách

Anh đội trưởng cải cách chỉ là một sứ giả của Đảng mà dân cũng đã tin hơn trời: “Nhất Đội nhì Trời”.

Lòng dân tin vào Đảng không thước nào đo được nên khi phát động để phủ nhận một điều gì Đảng đã chủ trương trước kia, thật là vô cùng khó khăn. Nguyên chỉ thay đổi câu “Ơn Đảng ơn Bác” và kiểm điểm những việc làm trước kia có tính chất sùng bái cá nhân mà cũng mất hàng tháng phát động ở mọi cơ quan.

Khẩu hiệu là “Nói thẳng, nói thật, nói hết” để xây dựng Đảng. Không những nói mồm mà còn viết lên các báo. Không những viết lên các báo Nhà nước mà còn khuyến khích mở báo tư nhân. Vì thế mới có “Nhân Văn”, “Giai Phẩm” của chúng tôi và “Trăm Hoa” của Nguyễn Bính.

Bài thơ “Màu tím hoa sim” của tôi (từ trước vẫn do dân tự tiện truyền tụng ngầm bất chấp lệnh nghiêm cấm của những tướng trấn ải giáo điều) được đăng công khai lần đầu tiên trên báo “Trăm Hoa”. Nguyễn Bính còn cho thuê taxi có loa phóng thanh đi quảng cáo khắp Hà Nội là “Trăm Hoa” số này có thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan.

Mấy tháng sau tôi đi cải cách ruộng đất, làm bài thơ “Hoa lúa”, 22 anh chị em nhà báo nhà văn đi cải cách truyền tay nhau chép. Chị Bạch Diệp ở báo Nhân Dân xin chép đầu tiên, nhưng ý trung nhân của chị là anh Xuân Diệu ở báo Văn Nghệ không đăng, bảo là thơ tình cảm hữu khuynh mất lập trường. Trần Lê Văn đến mách với Nguyễn Bính. Bính lên xin ngay “Hoa lúa” về đăng “Trăm Hoa’. Anh Bính còn làm một cử chỉ rất hào hùng là đem cho vợ tôi 15 đồng nhuận bút, trong khi đăng Văn Nghệ chỉ được 7 đồng. Anh bảo với vợ tôi: “Hữu Loan ở nhà thì tôi xin (tôi vẫn thường viết không lấy nhuận bút để giúp những tờ báo nghèo, mới ra), nhưng Hữu Loan đi cải cách, chị cũng cần tiêu (15 đồng lúc ấy bằng 150 ngàn bây giờ, một chỉ vàng lúc ấy mới 20 đồng). Nói ra điều này để thấy mức sống của người cầm bút hiện nay đã vô cùng xuống dốc. Nhuận bút của một cuốn sách hiện nay không bằng tiền một bài thơ Nguyễn Bính trả cho tôi. Nhà thơ Tố Hữu đã có dự báo thiên tài: “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng”. Từ ấy đến giờ xuống dốc tuồn tuột không phanh, không thắng. Chính sự xuống cấp thảm hại trong đời sống đã là nguyên nhân chính trong việc lưu manh hoá một số nhà văn phải uốn cong ngòi bút, cũng như trong việc in sách đen, sách trắng vừa rồi.

Phóng viên: Xin bác cho biết lại về vụ Nhân Văn?

Hữu Loan: “Nói thẳng, nói thật, nói hết” để xây dựng Đảng. Không những chỉ có “Nhân Văn” hay “Trăm Hoa” mới nói thật mà cả nước nói thật. Cả nước kêu oan. Những “ban giải oan” được thành lập để vào trong các nhà tù giải oan cho hàng vạn người bị cải cách quy oan.

Nhưng đã ăn thua gì. Đơn từ kêu oan từ các nơi gửi về toà soạn “Nhân Văn” thật đã cao bằng đầu, như đã cao “đống xương vô định”. Nhân Văn đã xếp thành văn kiện chuyển cho Trung ương Đảng nghiên cứu để thay đổi chính sách. Thật ra Nhân Văn chỉ khái quát tình hình để đúc thành lý luận. Bài báo bị cho là phản động, phản Đảng, phản dân nhất của Nhân Văn là bài “Vấn đề pháp trị” do Nguyễn Hữu Đang viết. Trong bài, ý nói sở dĩ chỗ nào cũng có áp bức, chà đạp lên con người là vì chưa có pháp luật rõ ràng. Toà án là một toà án tha hồ tuỳ tiện còn hơn “Tôn giáo pháp đình” của Giáo hội Trung cổ. Muốn bắt ai thì bắt, muốn xử ai thì xử, bịa ra luật nặng nhẹ tha hồ để xử… Bài báo kêu gọi cần phải phân quyền thì người dân mới có quyền bình đẳng trước pháp luật. Sau hơn 30 năm do tình trạng pháp luật tuỳ tiện mà xã hội mới xuống cấp một cách tệ hại như hiện nay. Vấn đề hàng đầu đang đặt ra để giải quyết cũng là vấn đề pháp trị mà Nguyễn Hữu Đang đã đặt ra cách đây hơn 30 năm (mà phải nói đây là vấn đề sống còn của chế độ). Không có cộng đồng nào mà thành viên nào cũng chứa toàn âm mưu đen tối để chủ hại người bên cạnh. Không người nào biết phải biết trái mà sống nổi lâu dài. Nhân loại sinh ra để hợp tác với nhau, để tin nhau là chính, mới sống được đến giờ. Ngày xưa, ngay hồi Pháp thuộc, cả một vùng lớn như một huyện mới có 5-6 tên trộm mà trộm không được pháp luật bênh như thế, mà dân chúng cũng còn lo ngay ngáy cho số phận trâu bò của cải của mình. Còn bây giờ chỉ một thôn thôi cũng có vài chục tên trộm cướp công khai, coi thường pháp luật thì hỏi người dân còn an cư thế nào để lạc nghiệp được?

Một vấn đề nữa mà Nhân Văn đặt ra là “Vấn đề Trần Dần” đăng ngay trang đầu Nhân Văn số 1 có chân dung Trần Dần to tướng với một vết dao lam cứa cổ to hoác do danh hoạ Nguyễn Sáng vẽ.

Từ trước ai cũng một lòng tin Đảng, cả trong lãnh vực văn học. Từ Liên Xô đưa về rồi từ Diên An đưa sang tài liệu “Hiện thực xã hội chủ nghĩa”, tức là con đường đi lên trong văn học nghệ thuật. Nghĩa là văn nghệ chỉ được nói đến xã hội thiên đường vô cùng đẹp chưa có, chưa biết bao giờ mới có, chỉ có không được nói đến những cảnh trộm cướp áp bức bóc lột đang diễn ra trước mắt. Rất hiếm những bí thư, chủ nhiệm, thủ kho, cửa hàng trưởng tốt, phải nói hầu hết là ăn cắp, thi nhau ăn cắp, nhưng văn học không được nói thật mà phải dựng lên toàn là những người lý tưởng. Luận điệu thuộc lòng là: không có ăn cắp mới lạ, có ăn cắp là tất nhiên. Đấy là thứ sốt vỡ da của nhân vật Khổng lồ, của một chế độ Khổng lồ.

Đường lối đó ở ta đã được ông Trường Chinh tiếp thu và bảo vệ, và truyền giáo như một thánh tông đồ xuất sắc.

Một người nhà báo hỏi ông:

– Như vậy là cách mạng đã cấm tự do ngôn luận?

Ông Trường Chinh sửng sốt:

– Anh nói sao? Các anh được tha hồ tự do chửi đế quốc đó thôi.

Như thế là hiện thực xã hội chủ nghĩa đã cấm hẳn hiện thực phê phán là thứ vũ khí sắc bén nhất của văn học và báo chí để cải tạo kịp thời xã hội. Lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa này được học tập ráo riết trong quân đội. Trung tâm đào tạo những tông đồ và áp dụng để đi phổ thuyết về “Con đường đi lên” là Tổng cục Chính Trị lúc bấy giờ do ông Nguyễn Chí Thanh làm tổng cục trưởng và ông Tố Hữu làm tổng cục phó. Trong số văn nghệ sĩ phản đối Hiện thực xã hội chủ nghĩa có Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Tử Phác… Có lẽ quyết liệt nhất là Trần Dần nên Trần Dần bị bắt giam và trong nhà giam Trần Dần đã dùng dao lam cắt ven cổ nhưng chỉ hoác da chưa đứt đến ven cổ thì đã kịp thời chặn lại.

Vì thế mà có bài “Vấn đề Trần Dần” ở trang đầu Nhân văn số 1 như đã nói trên. Đây là một vấn đề văn học, hoàn toàn văn học. Đây là một cử chỉ khí tiết của nho sĩ Việt Nam trước cường quyền không bao giờ là không có, dù cường quyền có thiên la địa võng đến đâu thì cái truyền thống đáng tự hào ấy, của sông núi ấy không tà khí nào làm mờ nổi.

Trần Dần chỉ là hậu thân của những người đã viết Vạn ngôn thư, Thất trảm thư…, cũng như “Vấn đề pháp trị” của Nguyễn Hữu Đang. Vấn đề văn học mà Trần Dần đặt ra cách đây hơn 30 năm hiện giờ cũng đang rất là thời sự. Cái tai hoạ lớn nhất hiện giờ vẫn là do khuyến khích tô hồng, đề cao con người giả, việc giả, hàng giả… Những người thấy trước tai hoạ muốn ngăn chặn tệ nạn tô hồng thì bị gán ngay cho cái tội bôi đen.

Đáng lẽ những người như Nguyễn Hữu Đang và Trần Dần phải được một cái giải thưởng Quốc gia, một cái giải vinh quang là những người đã đưa ra được giải pháp cứu nguy cho dân tộc. Nhưng trái lại, lại bị vu oan giá hoạ, đặt lên đầu họ cái án gọi là án Nhân Văn.

Thực ra Nhân Văn hưởng ứng lời Đảng gọi: “Nói thật, nói thẳng, nói hết” để xây dựng Đảng và chỉ đấu tranh cho tự do báo chí, tự do ngôn luận, mong thực hiện tự do bầu cử vào Quốc hội, vào chính phủ. Chỉ cần thực hiện thật sự dân chủ nội dung của Hiến pháp ta cũng đã là lý tưởng rồi.

Hiện nay báo Văn Nghệ cũng đang làm cái việc như Nhân Văn ngày xưa làm, cũng do được kêu gọi, được giao trách nhiệm Nguyên Ngọc mới dám làm, và báo Văn Nghệ cũng đang bị khép tội là mắc những lệch lạc nghiêm trọng.

Có điều khác là Nhân Văn ngày xưa đơn độc, khi bị đánh không ai dám bênh, cứ ngậm miệng cúi đầu mà mang án. Còn bây giờ thì hoàn cảnh trong nước và ngoài nước đã khác. Không thể đóng cửa mãi mãi trên những sai lầm vô định. Khi Nguyên Ngọc bị đánh, đã có báo chí khắp nơi lên tiếng, những bản kiến nghị đang tiếp tục gửi về. Nếu phong trào tự do báo chí, phong trào ủng hộ Nguyên Ngọc và báo Văn Nghệ mà bị dập tức là bọn quan liêu, cơ hội thắng thế, kết quả là xúc tiến sự sụp đổ toàn diện, tổng khủng hoảng kinh tế cũng như chính trị và uy tín của Đảng sẽ mất hoàn toàn vì bọn chúng. Quần chúng sẽ mất hết tin tưởng vào Đảng.

Từ trước đến giờ

Làm sai cũng là bọn cơ hội

Kêu gào sửa sai cũng là chúng

Rồi đàn áp sửa sai cũng lại là chúng

Khi sai quá rồi không sửa thì dân không chịu nổi phải nổ. Nhưng sửa đến triệt để thì cháy nhà lại ra mặt chuột nên cứ nửa chừng thì lại đàn áp sửa sai, họ vu cho những người đã từng làm theo họ tội rất nặng, càng nặng thì quần chúng càng dễ quên tội của chúng và cho rằng những rối loạn trước kia là do âm mưu bọn hưởng ứng sửa sai gây ra. Chúng bàn nhau mưu kế dựng chuyện theo bài bản, những ông trên không sát cũng phải tin như thật.

Chính Nguyễn Hữu Đang đã rơi vào trường hợp như vậy. Đang là người giác ngộ cách mạng sớm. Anh là linh hồn của Hội truyền bá Quốc ngữ mà cụ Nguyễn Văn Tố là danh nghĩa. Dựa vào truyền bá Quốc ngữ, Nguyễn Hữu Đang đã hoạt động cho Mặt trận Văn hoá Cứu quốc. Những nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi đều do Đang tổ chức vào Mặt trận. Khi chính phủ vào Hà Nội, Nguyễn Hữu Đang là trưởng ban tổ chức lễ Tuyên ngôn Độc lập, sau là bộ trưởng Thanh niên. Khi rút khỏi Hà Nội (52-53) vào Thanh Hoá, Nguyễn Hữu Đang là Tổng thanh tra Bình dân Học vụ. Năm 1954, tiếp quản thủ đô, Trung ương cho xe vào Thanh Hoá mời Đang ra muốn nhận bộ trưởng bộ nào thì nhận, mời sinh hoạt Đảng, anh cũng khước từ.

Tôi hỏi vì sao, anh bảo:

– Nội bộ bây giờ thiếu dân chủ trầm trọng, mình bây giờ chỉ một mình một Đảng.

Sau hỏi anh làm gì, anh bảo về làm nhà in, trình bày cho báo Văn Nghệ. Mãi đến gặp phong trào “Trăm hoa đua nở”, Đảng phát động cho viết báo tự do, lại cho mở báo riêng thì anh Đang mới ra làm Nhân Văn. Anh Đang là một người rất có khả năng về chính trị, cả về lý luận lẫn tổ chức, lại là một người đối với mọi người rất hay giúp đỡ anh em và rất giữ lời hứa.

Để một người có tài có đức như vậy thì bọn cơ hội hết đường xoay sở nên phải đánh. Một mặt phát động tố điêu dựng chuyện (như hồi cải cách dựng địa chủ) để đưa Nguyễn Hữu Đang lên thành phản động đầu sỏ. Một mặt điều động từ Thanh Hoá, từ các nơi về hàng sáu sư đoàn để vây thủ đô đề phòng bọn Nhân Văn trong khi Nhân Văn chỉ mấy thằng đi kháng chiến về, đói rách, trói gà không chặt. Việc điều động một lực lượng quân đội lớn như vậy mãi sau này tôi về quê gặp những người trong các đơn vị ấy nói mới biết.

Khi học tập dựng tội cho Nguyễn Hữu Đang xong, cả lớp học sát khí đằng đằng hò hét, nào là tên Đang, nào là thằng Đang phản động đầu sỏ. Mọi người ký vào kiến nghị lên Trung ương Đảng đòi xử tội đích đáng Nguyễn Hữu Đang.

Tôi là người duy nhất đã ký như sau:

“Khi Nguyễn Hữu Đang hoạt động chung với tôi, tôi thấy Nguyễn Hữu Đang là người có tài, có đức. Tội trạng mới đây của Nguyễn Hữu Đang, tôi chỉ tai nghe, mắt không thấy, tôi không dám kết luận. Ký tên Hữu Loan”.

Thế là Nguyễn Hữu Đang bị kết án 17 năm tù, mới đi được 7 năm thì nghe đâu có sự can thiệp của Nhân quyền quốc tế mới được tha. Đáng lẽ không thưởng không giải oan cho Nguyễn Hữu Đang thì im quách đi cho nó xong, đằng này nay gào, mai gào “Vụ Nhân Văn là một vụ án chính trị”. Gào thét như vậy nhưng có ai hỏi đến để tìm hiểu lịch sử thì lại bảo: “Đó là vụ án đã qua, bọn Nhân Văn đã nhận tội, không nên nhắc đến nữa”.

Nếu không nhắc Nhân Văn, sao người ta vẫn nhắc phát-xít, Hít-le, đến Xta-lin, đến Pôn-pốt… Thậm chí bọn vua chúa hay Pháp, Nhật, Mỹ đã đi từ lâu rồi mà bao nhiêu vụ ăn cắp cũng là do phong kiến, đế quốc, bao vụ cưỡng hiếp phụ nữ trong cơ quan cũng là do phong kiến đế quốc mặc dù những người thực hiện các vụ ấy đều thuần tuý xã hội chủ nghĩa gốc Việt.

Hít-le, Xta-lin, Mao Trạch Đông có cấm nói đến mình mãi được không dù đó là những nhà độc tài cỡ quốc tế?

Ngoài Nguyễn Hữu Đang, còn những người này. Phùng Cung, tác giả truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” bị 7 năm tù, giam cứu. Vũ Duy Lân (Bộ Nông Lâm) bị nghi là cho Nguyễn Hữu Đang một áo len khi Đang đi tù, bị giam 7 năm mới tha. Nhà xuất bản Minh Đức bị án 17 năm tù như Đang.

Nhà nước xuất bản thì lúc nào cũng kêu lỗ mặc dù in nhiều hơn Minh Đức mà trả quyền tác giả lại rất rẻ mạt. Một bài thơ của tôi, báo Văn Nghệ trả 8 đồng thì Minh Đức trả 110 đồng, trả 10% theo giá bìa. Nhà này xuất bản tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, mời con gái Vũ Trọng Phụng ra nhận nhuận bút, còn về Hà Đông xây mộ cho Vũ Trọng Phụng bằng tiền nhà xuất bản. Minh Đức định xuất bản Kiều để xây dựng mộ cho Nguyễn Du nhưng bị bắt nên phải dành việc này cho Vương Trọng. Ở đây ngụ ngôn “Tái ông thất mã” lại đúng. Nếu Minh Đức không phải tù, nếu mộ Nguyễn Du đã xây xong, thì văn học mất đứt bài thơ bất hủ của Vương Trọng:

Tưởng rằng đây mộ Đạm Tiên

Chẳng hay cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây

Ngoài ra, từ 1954 đến 1956, nhà Minh Đức còn mua được ½ nhà in trị giá 30.000 đồng (bằng 150 cây vàng). Nhà Minh Đức làm ăn lời lãi như vậy mà ngoài anh ta ra chỉ có thêm vài người giúp việc. Còn những nhà xuất bản của nhà nước thì nhà nào cũng rất đông người làm mà chả được bao nhiêu việc, nhà nào cũng kêu lỗ nhưng vẫn cứ cố bao nhiêu rơm cũng ôm.

Xưa nay bất cứ ai nhận công việc gì đều phải có trách nhiệm với công việc ấy, công việc càng khó khăn lớn lao, trách nhiệm càng nặng nề. Ở ta lại toàn chuyện ngược đời. Một lái xe chặn chết người, sửa sai không được, anh phải đi tù, phải bị tước bằng. Một bác sĩ chữa bệnh làm chết người cũng thế, phải tước bằng và đi tù. Đấy là những người làm chết ít người.

Còn những người cầm vận mệnh của cả nước đã làm cho đồng bạc mất giá hàng vạn lần, làm cho hầu hết công nông trường xí nghệp phá sản, làm cho 90% con cái các gia đình thành lưu manh, 50% trẻ em suy dinh dưỡng, còn giết oan bao nhiêu người có tài có đức, còn phá phách bao nhiêu công trình văn hoá lịch sử. Những con giun bị đạp gào lên: sai rồi! thì họ bình tĩnh trả lời: sai thì sửa! hoặc bất đắc dĩ phải sửa thì không sửa chân thành. Họ vẫn núp dưới cờ Đảng để đi từ sai lầm tày trời này đến sai lầm tày trời khác. Họ xúc phạm vào anh linh những đảng viên ưu tú đã nằm xuống. Họ coi thường những đảng viên ưu tú đang không ngớt đấu tranh để thể hiện những tính cách vô cùng cao quý của người cộng sản: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khổ trước sướng sau.

Hỡi những người Đảng viên lương thiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, người dân đau khổ lâu đời lúc nào cũng đứng bên các bạn!

Phóng viên: Xin cám ơn nhà thơ Hữu Loan

Đà Lạt, tháng 10.1988

Comments are closed.