Trên Kệ Sách

Ngu Yên

Bắt đầu hôm nay, Văn Việt mở một mục mới: TRÊN KỆ SÁCH, chuyên giới thiệu sách mới, mở đầu là bài dưới đây của Ngu Yên, để thay lời dẫn nhập mục.

Văn Việt

Nằm trong hộp giấy cứng tối đen, nghẹt thở. Di chuyển từ nhà in xuất bản đến tư gia của ông sáng tác, có lẽ, khoảng năm ngày đường (họ mua giá rẻ nhất của bưu điện, chở bằng xe vận tải, như kẻ nhập cư lậu.) Đoạn khởi đầu đã cho tôi cảm nhận được định mệnh của mình, y như lúc vượt biên, nằm sắp lớp dưới hầm tàu. Số mạng đó từ nằm, ngồi dậy, đứng lên, leo thang, khao khát một khoảng trời tự do qua lỗ vuông, nhưng leo hoài, cái thang dường như dài thêm, cao hơn, nhiều tay chân người khác bám víu, níu xuống, phấn đấu, gỡ gạc, cho đến lúc ló đầu lên được sàn tàu, tóc đã bạc. Khi ra đi tôi chỉ mới hai mươi mốt tuổi.

Người bỏ trốn khỏi quê hương, sống ở nước ngoài, thường kể lể sự khổ cực, lạc lõng, bất hạnh, để người khác thương hại? Không. Tự nhiên thôi, y như người ở tù, đương nhiên phải cực khổ, buồn rầu, nhớ nhà. Những chuyện như vậy sẽ xảy ra, tâm trạng như vậy sẽ cưu mang, bất kể là màu da nào, ngôn ngữ nào, nòi giống nào. Điều mà tôi muốn nói, nỗi gặm nhấm thường xuyên và lâu ngày là nhìn thấy, hiểu được, những thứ mà tinh thần thế giới bên ngoài tận hưởng, vươn cao, mà dân mình làm lơ khi có cơ hội. Nhận thức và cảm giác đó không có tên gọi. Khởi đầu thì bực bội, phê phán, dần dần, như khối nước đá lạnh tan chảy. Hết lạnh, chỉ ướt. Ướt quanh năm, khi gió thổi, sẽ lạnh.

Bù lại khoảng đường gian truân, ông sáng tác nâng niu chiếc hộp. Trang trọng đặt lên bàn. Tôi nghe được tiếng dao rọc giấy, nhưng nhỏ hơn tiếng đập con tim và mạch máu tay ở cổ tay ông. Hít thở vài hơi dài, bây giờ tôi thực sự đã ra khỏi hộp tối tăm (cảm tưởng như Papillon, Người Tù Khổ Sai, được kéo ra khỏi tù biệt giam. Bạn tôi, Phan Nhật Nam, cũng đã từng kể nghe chuyện tù, cảm giác tương tự, có lẽ, tệ hơn.)

Ông xoay tôi vòng tròn, lật ngửa lật sấp, ngắm nghía mặt mày, lưng, đầu, đáy, rồi đưa ra xa, nghiêng mặt qua lại nhìn, nheo nheo đôi mắt. Ánh mắt thâm trầm nhưng thấy được sự hài lòng. Có một lúc ông nín thở, rồi như chợt nhớ, thở phụt ra rất nhanh. Hơi gật gù như người cha đang hãnh diện về đứa con một cách giấu giếm.

Mang tôi đến bàn viết, đặt xuống, kéo ghế ngồi. Không, ông đứng lên, rót nửa ly rượu đỏ, trở lại, đang đi từ tốn, chợt ông dang hai tay xoay một vòng, rượu sóng sánh xém đổ ra ngoài. Phải rồi, người trí thức vui một cách kềm chế.

Bây giờ, ông lau sạch cặp kính lão, lật tôi ra, nhìn vào thân thể một cách soi mói và cẩn thận. Thỉnh thoảng lại ừ lên một tiếng trong miệng, vẫn ngậm, âm thanh thích thú đó nhỏ nhoi mà mãi đến già mới có thể tìm thấy.

Ông sáng tác là nhà thơ. Một tên gọi mà người Việt ngấm ngầm thỏa thuận bất thành văn, phân biệt giữa người làm thơ, nhà thơ và thi sĩ. Nhà văn Mai Thảo nói với tôi, không phải ai làm thơ cũng gọi thi sĩ. Tôi biết ông nói đúng, nhưng mãi phân vân, vì tôi thấy người nào biết hát đều được giới thiệu là ca sĩ. Còn thi sĩ và văn sĩ tôi suy đoán số lượng nhiều hơn tổng số tựa sách in (từ đầu bài đến giờ, tôi có thể gây hiểu lầm cho bạn đọc, tôi đang tự sự và lý luận về khung cảnh văn học hải ngoại.)

Nhận định chung hơn hai mươi năm đầu thế kỷ 21, văn chương tiếng Việt hải ngoại như dòng sông chảy vào sa mạc, càng ngày càng cạn dần, nếu không có một biến chuyển nào, có lẽ, thế thôi. Biến chuyển bắt đầu từ biến cố, từ phong trào, từ cách mạng, nhìn chung quanh văn thi sĩ Việt hải ngoại: Lớn tuổi thì đuối hơi, trẻ tuổi thì chưa đủ hơi, dù có thể tràn trề sức mạnh đối phó với tiền bạc, đầu tư. Không có hơi, hy vọng như cái bong bóng thổi hoài vẫn xẹp. (Theo luật tự nhiên, không có gì mà không có sự bù trừ.)

Ai cũng biết dòng văn chương Việt hải ngoại mạnh hay yếu là do phẩm và lượng của sáng tác. Sáng tác mạnh hay yếu, nhiều hay ít là do lòng có yêu văn chương đủ hay không? Câu trả lời là không. Phũ phàng nhưng khó biện minh. Yêu luôn luôn có thứ tự, bất kỳ là yêu ai, yêu thứ gì. Trong danh sách yêu của người Việt trí thức hải ngoại, văn chương đứng từ hàng thứ mười trở xuống. (Nếu bằng chứng chưa minh bạch, cứ nghĩ đến chuyện truyền tiếng Việt lại cho con cháu thì biết. Dân Do Thái, dân Trung Hoa di dân, tản mác, bao nhiêu đời ở xứ lạ quê người, vẫn giữ được tiếng nói, chữ viết. Còn người Việt hải ngoại, đến đời thứ hai, tiếng bản xứ chen lấn nhiều hơn tiếng Việt. Những thế hệ tiếp theo thì sao? Không có tiếng nói, chữ viết làm sao có văn chương Việt?)

Ông sáng tác xếp tôi lại. Uống ngụm rượu cuối trong ly. Đứng lên, sắp tôi lên kệ, vào dãy sách do ông sáng tác. Bên trái là hai cuốn nghiên cứu phê bình văn học, 803 và 817 trang, bên phải là cuốn thơ, khoảng 207 trang. Tôi, 459 trang.

Văn chương, theo tôi hiểu, mỗi thời có mỗi tính từ khác nhau, tuy danh từ và động từ vẫn giống như vậy. Thời này, ở đây, là “lãng quên”. Tôi không có ý định phê phán vật chất hoặc lòng say mê tiền tài danh vọng, vì chúng ta không thể chống đối, tẩy chay chúng nó. Thiếu chúng nó, đời thiếu đi một số những gì đóng góp vào hạnh phúc. Phải sống với chúng nó, nếu không thể sống như sống với tình nhân, thì phải tập sống như sống với vi khuẩn COVID 19, Delta, Omicron và vô số vi khuẩn về sau. Nhưng đối với một số người thiếu bản lãnh, thiếu nội lực, thì chúng nó sẽ kéo mờ trí tuệ, bẫy sập tâm tình, xô đẩy văn chương vào một nơi dùng để trang trí và tráng miệng. Nhưng thực tế, chiếm đa số chỗ văn chương hải ngoại không phải chúng nó, mà là chính trị, một loại vi trùng phải sống với.

Bây giờ khoảng 9 giờ tối. Đêm 20 tháng 12, trời có trăng. Những cửa gương lớn như vách tường theo phong cách kiến trúc tân thời cho phép ánh trăng tự do đi vào nhà như lang thang sông biển núi rừng. (Bạn có tin văn minh cho phép thiên nhiên tự do tiếp xúc với con người không?) Ánh sáng chiếu lên kệ sách, đủ màu, đủ loại thiết kế, không cuốn nào giống cuốn nào. Cái hay của văn chương ở chỗ đó: chữ thì giới hạn mà sách thì vô hạn. Vì sao sáng tác có giới hạn mà sáng tạo lại vô hạn? Trí não tâm tư của một người bị giới hạn, trí não tâm tư của nhân loại là vô hạn. Sao lại dùng cái giới hạn mà phê phán cái vô hạn? Ông sáng tác lúc này đang trở lại bàn viết, mang theo ly rượu mới, whiskey Nhật không đá lạnh. (Xưa kia, Nhật chỉ nổi tiếng Sake, ngon không bằng rượu đế. Bây giờ, Nhật nổi tiếng Whiskey, đoạt giải hàng đầu thế giới hai, ba năm liên tiếp. Ngon hơn rượu đế. Bể dâu nào phải tại trời?)

Cô thơ bên phải nói với tôi: “Ông ta sẽ viết cho đến khoảng 1 giờ khuya. Đêm nào hứng khởi, ông có thể viết đến sáng, hoặc ngủ ngay trên chiếc ghế dài cạnh bên.”

“Chị biết ông này lâu chưa?”

“Từ khi xuất bản năm 2016.”

“Chen lấn sát quá, tôi không thấy tên chị. Chị tên gì?”

“Độc Quạnh.”

“Một mình?”

“Không phải. Độc là duy nhất. Một loại hiu quạnh không có bản sao.”

“Thơ thật phức tạp.”

Thơ, theo như tôi biết, từ khởi đầu đến hôm nay, đã thay đổi quá nhiều và sắp có thay đổi lớn, vượt qua sức tưởng tượng của những thi sĩ hiện tại (mặc dù thi sĩ được xem là loại người giàu tưởng tượng cao rộng và bay biến nhất.) Trăng chưa đến ngày tròn, nhưng ánh sáng đã vàng đủ, rực màu trên sân cỏ mênh mông. Nếu tôi có đôi chân, sẽ đi dạo chơi dưới ánh vàng. Đẹp như vậy, không thể trách Hàn Mặc Tử đang bệnh mà chạy rượt trăng sáng như trẻ con, xém rơi xuống giếng. Thơ là như vậy. Thấy thôi, không thể bắt giữ. Không ai có thể bắt được ánh trăng, vì vậy, không nên cố gắng định nghĩa thơ. Thấy thôi. Cảm thôi. Say mê thôi. Rồi diễn lại ánh trăng bằng chữ sáng gần giống ánh trăng.

Nhưng ánh trăng là ánh sáng mặt trời phản chiếu lại trái đất. Ngày xưa người không biết. Người thời nay biết điều này rất rõ. Vậy thì, thơ phản chiếu từ cái gì? Chuyện giải đáp để cho các nhà nghiên cứu văn học giải mã. Còn chúng ta, chỉ cần biết thơ chạm đến thứ gì, thứ đó sẽ sáng lên, kể cả những bí hiểm sâu thẳm trong lòng hoặc trốn núp trong vô thức. Quan điểm từ hơn giữa thế kỷ 20 kéo sang thế kỷ 21, nếu ánh trăng chiếu xuyên qua hộp sọ chạm lên não bộ thì sao? Khi thơ chạm vào trí tuệ, trí tuệ sáng như thế nào? Trí tuệ sáng trăng không còn là trí tuệ luận lý của tri thức, mà là trí tuệ của cái đẹp cái hay về trí tuệ. Thẩm mỹ và thẩm mỹ về ý nghĩa thẩm mỹ, khác nhau. Một bên là đẹp, một bên là ý nghĩa đẹp về cái đẹp.

“Chúng ta không có mắt để ngủ, không có miệng để ồn ào, nhưng suy nghĩ cũng tạo ra tiếng động, bạn đừng suy nghĩ nhiều quá, làm kinh động kẻ bên cạnh.” Anh bên trái lên tiếng. Anh này mặt mày màu sắc lòe loẹt khác với chị Độc Quạnh dung nhan u ám, nhưng lời nói, giọng nói, nghe ra rất nghiêm túc.

“Xin lỗi nha. Tôi mới đến. Xin lỗi anh tên gì?”

“Ý Thức Sáng Tác Truyện. Tôi nghe, anh hay hỏi tên sách khác. Trong giới sách, chúng tôi không hỏi tên nhau.”

Hèn gì, anh này nghiêm túc, đạo mạo là đúng rồi. Ai làm việc nghiên cứu nhiều cũng sẽ se sắt dần. Hiểu rộng, biết sâu nhưng không dám vui thả cửa. (Có điều gì không đúng từ DNA trở đi. Nghiêm túc và vui chơi thường thuộc vào hai loại khác nhau, nhưng tôi có cả hai. Một sự hỗn loạn đôi khi tạo ra hành vi khó giải thích. Một khuyết điểm làm tôi không giống các sách khác.)

“Tôi mới ra đời tháng trước, không hiểu tại sao trong giới sách không hỏi tên nhau?”

Anh Ý Thức không trả lời.

Trong lúc viết tôi, ông sáng tác có nhắc đến tên anh ta nhiều lần. Thậm chí, ông còn trích một số lời của anh liên quan đến sáng tác truyện. Có lúc, ông sáng tác thở dài, thương cho thân thế anh ta cưu mang trên 1.600 trang mà người đọc chưa có ai đọc hết. Người duy nhất đọc từ đầu đến cuối, đọc ba lần, là anh sửa lỗi chính tả. Chấm chính tả, không cần hiểu rõ nghĩa, chỉ cần thấy lỗi. Như bắt sâu, chỉ thấy sâu, ngửi hương hoa thơm làm gì? (Cũng giống như chấm dịch: chấm dịch là cố tìm cái sai, trong khi dịch là cố tìm cái hay, cái đẹp.)

Có lẽ, đời người là phức tạp, nhưng chắc chắc có đời này phức tạp hơn đời kia. Đời ông sáng tạo vô cùng phức tạp. Sở dĩ tôi biết được vì ông đã viết nhiều cảnh đời, tâm trạng, ý nghĩ, kể cả những gì kỳ hoặc, đen tối, điên loạn vào tôi. Tuy về sau, khi kiểm soát lại, đã bỏ đi rất nhiều, không còn ai biết, ngoài trừ tôi, vẫn nhớ. Đời người là một câu chuyện dài, rất dài, sống động, ý nghĩa, tình cảm nhất, không có tiểu thuyết nào qua mặt. Nhưng tiểu thuyết, truyện ngắn không phải là kể lại những phần đời người. Kể truyện không phải là sáng tác truyện nghệ thuật. Dựng truyện, hư cấu truyện không chắc đã là sáng tác nghệ thuật thành truyện. Đầu thế kỷ 18, nhà văn Henry Fielding cho rằng, tiểu thuyết luôn luôn là nghệ thuật mới. Ông không công nhận tác phẩm của mình là tiểu thuyết hoặc truyện dài, ông tự diễn đặt thành một thể loại mới, “prosai-comi-epic writing” (tác phẩm văn xuôi sử thi hài hước.) Sáng tác truyện nghệ thuật luôn kèm theo ý niệm “làm mới”. (Mới có nghĩa không cũ hoặc chưa có. Không cũ thì dễ hơn chưa có.) Thực tế, mỗi nhà văn đều phải xác định bản sắc của truyện hoặc tiểu thuyết trong nhãn quan chung dọc theo lịch sử sáng tác và bản sắc riêng của truyện hoặc tiểu thuyết của cá nhân. Nếu hai bản sắc hoàn toàn khác nhau, đó là “chưa có”. Nếu hai bản sắc giống nhau mà không giống, tức là “không cũ”. Cả hai khái niệm này đều phát xuất từ chỗ phức tạp của đời người. Ông Hemingway đơn giản hóa sự phức tạp, cắt bỏ những thứ phức tạp giống nhau, chỉ để lại những gì ông chưa nhìn thấy, rồi giấu đi ba phần tư, chỉ trình bày một phần (kỹ thuật Băng trôi iceberg), khiến cho những gì trong truyện của ông, “không cũ.” Trong khi Cervantes tạo ra nhân vật Don Quixote hoàn toàn không giống định nghĩa “hiệp si” thời đó, người không giống, đương nhiên ý nghĩ, hành vi sẽ không giống. Don Quixote, tức cười, vụng về, ngu xuẩn, nhưng “mới.” Tiểu thuyết đó mới. Ông sáng tạo nói với tôi, mới dễ nhất là trộn lẫn nhiều cái cũ, như pha trắng với đỏ sẽ có hồng. Tôi nghĩ, ông muốn nói cái không cũ. Muốn mới hoàn toàn phải phá vỡ thần tượng, đi ngược với quan niệm đã gần như cố định, dựng ra một khái niệm khác trong hình thức thực tế một cách tận phẩm chất sáng tạo và tận phẩm chất mỹ thuật. Không biết bằng cách nào, Cervantes đã nhìn ra đường lối này. Sự phức tạp luôn luôn làm cho tâm trí mù mờ nhưng nó chứa đựng nhiều bí ẩn. Đơn giản luôn luôn sáng tỏ nhưng bình thường, đôi khi tầm thường. Những truyện không thành công vì tác giả dùng những phức tạp sáng tác sự đơn giản. Đáng lẽ, phải ngược lại, dùng đơn giản sáng tác phức tạp.

Cách đó mấy dãy sách, có tiếng vọng qua hỏi: “Anh bạn mới, tôi tên Ý Thức Chính Trị Đông Tây, lúc mới đến hình như anh có nói gì về vi trùng chính trị. Quan điểm này chưa có trong nội dung của tôi. Anh muốn nói như thế nào?”

“Không phải ý của tôi. Tôi nghe được trong một cuộc tranh luận giữa ông sáng tác và bạn ông qua điện thoại. Tôi không biết bạn ông nói gì, chỉ nghe được ý kiến của ông.”

“Anh có thể tóm tắc cho tôi biết không?”

“Đại khái chắc bạn ông đưa ra những quyết đoán chính trị ở mức cực đoan, khiến ông phải lên tiếng. Thường ngày, ông quí trọng văn chương hơn chính trị. Ông đã từng nhận xét, ‘chính trị làm con người xấu đi. Dù một chính trị gia tốt, vẫn muốn đối phương chính trị của mình phải thua sút hoặc biến đi. Trong khi văn chương làm con người đẹp hơn. Nếu có hơn thua, một tác giả chân chính sẽ tự hơn thua với bản thân.’

Ông sáng tác đứng lên, đi đến cạnh kệ sách, đẩy một chiếc xe có bánh lăn, hình dạng như cái ghế. Ngồi bên trên là một cuốn từ điển dày, nặng nề, phồng to như một người mập quá khổ, bị tê liệt, phải ngồi xe lăn. (Nói đúng đắn, từ điển mập hay ốm đều tê liệt, đều cần xe lăn). Chữ nghĩa tuy vô số nhưng bị giới hạn của thời gian, không hợp thời đại, và giới hạn lớn nhất là sự lãng quên, tiếp theo là thói quen. Mỗi người, dù thông thái cách mấy, cũng sẽ quên dần những chữ không thường dùng và có thói quen dùng đi dùng lại một số chữ. Thói quen đó trở thành thói xấu khi đọc chữ không quen, sẽ cảm thấy khó chấp nhận, đôi khi nghĩ là sai. Lãng quên trở thành thảm bại khi không đủ chữ để diễn tả ý. Từ điển không tự động đến tìm người, nó bị tê liệt. Người phải đi tìm chữ, trộn lẫn chữ cũ để có câu viết mới.

“Tôi nghe ông sáng tác hỏi bạn ông: “Mỗi sáng sớm, anh có nghe CIA tường trình những biến cố chính trị và quân sự quan trọng đang xảy ra trên thế giới?” Anh có nghe FBI phân tích những những hồ sơ bí mật tối cao và những tình hình khúc mắc núp lén trong bóng tối? Anh có bàn thảo về những tin tức khẩn trương, nguy hiểm cho quốc gia và dân chúng bởi Bộ Nội an? Tôi tin là không. Anh cũng là thường dân như tôi, đọc báo này báo nọ, xem truyền hình đài này đài kia, lục lạo tin tức trên internet. Anh dư biết mỗi cơ quan truyền thông đều có chính sách riêng và họ được lệnh chung, thứ gì nên cho biết, thứ gì nên thủ tiêu. Chẳng có cơ quan truyền thông nào chân thật cả, Tin vào cơ quan truyền thông 100% là tin vào kẻ cắp hoặc bà già. Bà già khôn lanh có bao giờ nói hết sự thật? Tóm lại, anh và tôi suy nghĩ, phán đoán chính trị nhiều nhất là 50% sự thật và 50% còn lại là sự không thật. Nghĩa là sự hiểu biết của chúng ta về tình hình, về chính trị, về quân sự, về kinh tế đều đại khái. Nếu anh đồng ý với tôi như vậy, thì chúng ta ra phố chợ, chốn công cộng, quán cà phê hoặc về nhà tụm năm tụm bảy tranh cãi chính trị một cách ăn thua đủ, chẳng phải là khôi hài sao? Khôi hài hơn nữa khi những người cả tin mình quá đúng, mạt sát người khác, không thèm nhìn mặt, thậm chí oán hận nhau, chẳng phải điên khùng sao? Tôi chứng kiến nhiều gia đình chia đôi chiến tuyến như Nam Bắc phân tranh chỉ vì một ông tổng thống (xa lạ, không cùng máu huyết, không anh em bà con, không giống màu da, khác lạ tên họ). Sao lại có chuyện lạ lùng, anh chị em ruột từ bỏ nhau hoặc ngấm ngầm tức giận nhau chỉ vì ông hàng xóm (chữ hàng xóm dùng không đúng, ông này ở xa lắc.) Dường như sau đó, bạn ông bớt gọi điện thoại. Ông sáng tác thường than thở một mình, ‘Thứ vi trùng này không có thuốc chữa.’ Đúng hay sai tôi không biết nhưng tôi biết người Việt hải ngoại dùng nhiều thời giờ, giấy mực, computer, facebook, internet… khi bị con vi trùng này hành hạ.”

“Theo như Ý Thức Chính Trị Đông Tây mà ông nhà tôi nghiên cứu, có lẽ đây là chứng ‘Nobody and Somebody’, nôm na gọi là ‘vô danh và hữu danh.” Một chứng, không phải bệnh, mà là tật (bệnh còn có thể chữa, tật là hết cách,) chứng tâm lý. Tất cả chúng ta sinh ra đều vô danh, nobody. Trước vì nhu cầu tự nhiên của tập đoàn xã hội, sau vì quyền lực của hiểu biết (dù không biết), của nổi bật (dù chìm), của lãnh đạo (dù không chính đáng), của hữu danh (dù tiếng xấu), ai cũng muốn trở thành somebody (phải có danh gì với núi sông). Nếu không trở thành somebody mà mình mong muốn, thì cần phải chứng minh với người khác ‘tôi là somebody’. Nếu người khác không chịu công nhận, tức là kẻ thù tâm lý. Ông tổng thống chẳng qua là cái cớ. Tuy ông có xách động và khuếch đại cái chứng này, nhưng nó đã có sẵn, chỉ chờ đúng lúc, sẽ bộc phát. Khổ thay, ít ai biết, nhân vật ‘somebody’ là một thần tượng ảo, nó thay đổi và luôn luôn muốn thành somebody cao hơn somebody ngày hôm qua.”

“Có lẽ đây là một loại vi trùng đặc thù có từ lúc con khỉ trở thành người. Loại vi trùng muốn thăng tiến này, ẩn trong DNA, lây lan qua thế hệ, lúc đầu có lợi, về sau có hại. Loại vi trùng bắt buộc phải sống với.”

“Ai mà chẳng có vi trùng này trong người. Ông nhà tôi cho rằng, muốn giảm bớt hoạt động, hiệu quả của chúng nó chỉ có văn chương, nghệ thuật là là cách phổ biến nhất.”

“Ý anh muốn nói đến vẻ đẹp điều hay của ý nghĩa thẩm mỹ sẽ thuần hóa chúng nó?”

“Đúng. Như anh đã nói, họ dành hầu hết tâm trí giờ và thời giờ cho chính trị. Chọn gần bỏ xa. Chọn danh ‘mì ăn liền’ không quan tâm giá trị quan trọng. Như vậy, văn chương hải ngoại đi vào ngỏ cụt. Anh nói có luật bù trừ, bù trừ là sao?”

“Không có văn học hải ngoại chết dần thì làm sao có những thế hệ nhà văn Việt mai sau trở thành nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ Mỹ, Pháp, Anh, Đức, và nhiều nữa. Cả một hai thế hệ văn chương Việt lót đường, rồi mục nát, mới xanh tươi sáng tác ngoại quốc trong nhiều ngôn ngữ bởi tác giả gốc Việt. Chuyện này chẳng phải ngẫu nhiên mà có. Nếu để tự nhiên, thì chừng nào mới có?”

Căn phòng trở nên im lặng.

Ông sáng tác, lúc này, đang nằm co ro, cuộn người trên chiếc ghế dài. Ông nằm chỉ một đầu còn đâu kia chìm vào bóng đen, cứ tưởng như chiếc ghế kéo dài vô tận. Thỉnh thoảng nghe tiếng ông rên lên, hoặc giấc mơ không được vui, hoặc cơ thể ngấm ngầm báo động. Thỉnh thoảng ông nghiến răng, có lúc nghe dữ dội. Những người ngủ nghiến răng thường khi thức họ có nỗi niềm không thể nói ra. Sống lâu ngày với khổ tâm không nói, đêm đêm nó trào lên, nhai lại.

“Ông này vừa rên vừa nghiến răng nghe ghê quá, dường như nội tâm ông bị tổn thương.”

“Ông sáng tác đã từng viết trong tôi về sự khác biệt giữa thức và ngủ. Ông cho rằng, hầu hết người ngủ, nếu nhìn kỹ, ít ai có khuôn mặt thoải mái, đẹp đẽ. Hầu hết nhìn buồn bã, đau khổ, méo mó, hả miệng thở khò khè, chảy nước miếng, hoặc ngáy kinh dị. Trông dáng điệu một anh hùng ngủ hả miệng chảy nước miếng tự nhiên bớt kính trọng. Một mỹ nhân mà ngáy rền vang rợn người, nghe thấy e rằng cũng tránh xa. (Vì vậy, khi lấy vợ lấy chồng, không ngủ trước làm sao biết có nhểu nước miếng, có ngáy rền rĩ hay không?) Ông quả quyết, thức và ngủ là hai mặt biểu lộ cho một người. Mặt ngủ trung thực hơn.

Đời mỗi người đều có những chuyện không thể nói. Chuyện người này có thể ghê gớm hơn chuyện người khác. Chuyện bí ẩn, chuyện tày trời, chuyện phá đạo đức, chuyện tồi bại, chuyện xấu xa, chuyện ghê tởm, đôi khi chuyện chẳng đáng gì họ vẫn giấu kín. Tựu trung, chỉ giấu được khi thức. Lúc ngủ say, nó sẽ lộ dạng, bằng một hình thức nào đó, hiện lên nét mặt. Đây là lý do hầu hết mặt ngủ xấu hơn mặt thức.”

“Điều hay nhất xảy ra cho sách là chúng ta không ngủ. Nếu ngủ, có thể sẽ lộ hình.”

Trên tường treo một chiếc đầu con tê giác mà ông đã bắn được trong lần đi săn ở Nam Phi. Thợ thuộc da làm cho ông chiếc đầu thật mỹ thuật. Chiếc sừng ở giữa nghếch lên nghênh chiến, hai con mắt nhìn sững vẫn còn hồn. Chiếc đầu tê giác là nơi ông chia sẻ nỗi trống không. Không phải, một nơi dọn trống để đựng đầy hiu quạnh. Hiu quạnh có thật còn cô đơn chỉ là danh từ, nghĩa từ điển. Mỗi khi cảm thấy lòng khó ở mà không định rõ chuyện gì, ông thường đến đứng nhìn đôi mắt con tê giác, bất động, đã từng trải bao nhiêu kinh nghiệm đời sống rừng rú. Giờ đây, nghĩa là sao? Chiếc sừng có dạng bất tử, dù đôi mắt từ chối giá trị này. Ánh trăng nghiêng nghiêng, sụp bóng cái đầu tê giác xuống nơi ông nằm. Khi ông duỗi chân, lật ngửa lại, nằm thẳng ra, ráp vào cái bóng đầu tê giác, trong giống như con quỉ một sừng mà ông sáng tác đã kể lại kinh nghiệm đen tối, bí mật, còn ghi trong dạ dày tôi.

“Cho phép tôi tự giới thiệu, tên tôi là Hồi Ký.”

Ngu Yên. Cuối năm Tân Sửu.

Mời quí bạn đọc Tuyển Tập Truyện Ngắn Thế Giới, cuốn hai. 214 trang 19 truyện. Ngu Yên dịch và giới thiệu. Đọc và tải xuống miễn phí.

https://www.academia.edu/66142956/Tuy%E1%BB%83n

clip_image002

Comments are closed.