Minh triết phương Tây (kỳ 21)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Khai minh và Lãng mạn (tiếp theo)

Immanuel Kant (1724-1804) sinh ở Konigsberg miền Đông nước Phổ và suốt đời chưa hề rời nơi sinh nhau cắt rốn. Ngay thuở thiếu thời, ông tỏ ra mộ đạo, tính cách ảnh hưởng lối sống cũng như những trước tác của ông về Đạo đức.

Kant học ở Đại Học Konigsberg, ban đầu theo Thần học nhưng sau học Triết mà ông thấy đúng là quan tâm của mình. Trong một khoảng thời gian, ông kiếm sống bằng cách giảng dạy cho đám hậu duệ của địa chủ, và đến 1755, ông được bổ nhiệm làm giảng viên Triết học tại Konigsberg. Năm 1770, ông được thụ phong chức danh Giáo sư về Lôgíc và Siêu hình học, vị trí ông giữ cho đến hết đời.

clip_image002 I.Kant

Mặc dầu không sống khổ hạnh, Kant rất kỷ luật và chăm chỉ. Ông có những thói quen đều đặn đến mức người ta đợi ông đi qua để chỉnh lại đồng hồ. Không phải là người lực lưỡng, nhưng một đời sống khuôn khổ khiến ông chẳng bệnh tật gì. Ông là người hoạt bát, thường được mến chuộng trong những cuộc hội họp. Về mặt chính trị, ông có khuynh hướng tự do ở nghĩa trung thực nhất thời Khai Minh, và về tôn giáo, ông có cách nhìn không chính thống về Tin Lành. Ông hoan hô Cách Mạng Pháp và cổ võ những nguyên tắc Cộng hòa. Mặc dầu công trình Triết học của ông đồ sộ, danh tiếng ông không được vậy. Những năm cuối đời, trí lực của ông có giảm; nhưng cư dân Konigsberg rất hãnh diện và khi ông mất người ta tổ chức một đám tang trọng thể, điều ít triết gia được tôn vinh như vậy.

Công trình của Kant dàn trải trên nhiều vấn đề, tất cả ông đều có giảng dạy. Trừ lý thuyết về nguồn gốc vũ trụ (cosmogonic theory) dựa trên Vật lý Newton và sau được Laplace[1] tiếp nhận, rất ít những bài giảng còn được truyền tụng. Chúng ta quan tâm nhất ở đây là đóng góp của ông trong Triết lý Phê phán (Critical Philosophy). Người đầu tiên đặt vấn đề là Locke, nhưng sau thì quan điểm hoài nghi của Hume khiến mọi sự chựng lại. Kant tiếp nối và gọi việc ông làm là một cuộc cách mạng Copernicus trong Triết học. Thay vì giải thích khái niệm dựa vào cơ sở Duy nghiệm như Hume, Kant đi ngược lại, giải thích kinh nghiệm trên cơ sở quan niệm. Trong chừng mực nào đó, ta có thể nói triết lý của Kant nằm ở sự cân bằng giữa hai thái cực, một là Duy nghiệm ở Anh,và hai là những nguyên lý bẩm sinh theo truyền thống Duy lý Descartes. Lý thuyết của Kant khó và có những phần ta cần thảo luận. Tuy thế, rất cần nắm một số quan điểm nếu như ta muốn hiểu ảnh hưởng rộng lớn của lý thuyết này trên sự khai triển của Triết học về sau.

Đồng điệu với Hume và trường phái Duy Nghiệm, Kant cũng cho rằng tri thức đến từ kinh nghiệm, nhưng ông thêm vào một điều vô cùng quan trọng. Ta phải phân định giữa cái gì tạo ra tri thức và hình thể (form) tri thức đó thủ đắc. Vì vậy, dẫu tri thức đến từ kinh nghiệm nhưng nó không chỉ thuần dựa trên kinh nghiệm. Có thể nói cách khác, kinh nghiệm là điều cần, nhưng chưa đủ, cho tri thức. Hình thể của nó, là nguyên tắc tổ chức đã chuyển chất liệu thô lấy từ kinh nghiệm đến cái chúng ta coi là tri thức, điều không đến trực tiếp từ bất cứ kinh nghiệm nào. Điều này, dẫu Kant không nói rõ, chính là những ý niệm bẩm sinh trong nghĩa Descartes đề xuất.

Khái niệm tồng quát của lý tính mà trí tuệ chuyển hóa kinh nghiệm thành tri thức theo Kant là những phạm trù, theo cách gọi của Aristotle. Vì trí thức được đặt dưới dạng những đề xuất (proposition), những phạm trù này ắt liên quan đến hình thể của nó. Trước khi ta xem Kant suy ra những phạm trù này, ta phải đề cập đến cách thức xếp đặt những đề xuất. Theo chân Leibniz, Kant chấp nhận Lôgíc Aristotle truyền thống về liên hệ chủ thể-vị từ (subject-predicate). Một đề xuất có thể được phân biệt như có, hay không, vị từ ngay trong chủ thể. Như thế, “mọi bộ phận cơ thể đều giãn ra được” là hình thể có vị từ vì ta định nghĩa bộ phận là gì. Trường hợp này đề xuất được kêu là giải tích và nó chủ đích làm sao cho ngữ nghỉa rõ ràng. Nhưng phát biểu “mọi bộ phận đều có sức nặng” thì lại khác. Khái niệm bộ phận không tự nó có gì liên quan đến trọng lượng. Đề xuất này có tính tổng hợp (synthetic proposition), và nó có thể bị phủ nhận mà chẳng có một cái gì có thể cho là mâu thuẫn tự tại.

Cùng với sự phân biệt đề xuất nói trên, Kant đưa thêm một tiêu chuẩn sắp xếp. Tri thức nếu trên nguyên tắc là độc lập với kinh nghiệm được ông gọi là “tiên nghiệm” (a priori). Còn lại, tất cả những gì có kiểm chứng được gọi là “hậu chứng” (a posteriori). Hai cách sắp xếp của tri thức và đề xuất cắt lẫn nhau và có những phần chung. Điều này cho phép Kant thoát khỏi những khó khăn của Hume, người cho rằng hai cách sắp xếp trên chỉ là một. Kant nhấn mạnh trên những đề xuất tiên nghiệm tổng hợp (a priori synthetic proposition). Mục đích của tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy” (Critique of Pure Reason) nhằm xác định cách phán đoán về loại đề xuất này là khả đắc. Bởi Kant coi những đề xuất trong toán học như tiên nghiệm tổng hợp, điều quan trọng là chứng minh sự khả thể của Toán Thuần túy (Pure Mathematics). Thí dụ ông đưa ra, cộng 5 và 7, chắc được gợi từ đối thoại “Theaetetus” của Plato. Đề xuất 5+7=12 là tiên nghiệm bởi chẳng có tí Duy nghiệm nào, nhưng cũng đồng thời là tổng hợp vì khái niệm 12 không nằm trong những khái niệm 5, 7 và phép + , và như vậy, ông kết luận rằng Toán gồm những đề xuất tiên nghiệm tổng hợp.

Một thảo luận quan trọng khác là về nguyên tắc nhân quả. Cách nhìn của Hume vấp vào lỗ hổng trong những liên hợp cần thiết mà ta không thể rút tỉa được từ lý thuyết về cảm tưởng và về ý niệm. Với Kant, nhân quả là một nguyên tắc tiên nghiệm tổng hợp. Tiên nghiệm vì tương quan nhân quả không đến từ cơ sở kinh nghiệm, nhưng ông không coi chúng là thói quen như Hume, Kant cho rằng đó là một hình thể nhận thức (recognition). Và chúng có tính tổng hợp vì ta có thể phủ nhận chúng mà không sa đà vào mâu thuẫn tự tại. Không có nguyên lý tiên nghiệm tổng hợp này, mọi tri thức là không thể có được, như chúng ta sẽ bàn sau.

Chúng ta nay thảo luận lý thuyết về phạm trù của Kant. Phạm trù là một khái niệm tiên nghiệm về tri thức khác với tri thức toán học. Chúng được cấu kết như những đề xuất, và với cách thế nhìn của Kant, tập hợp những phạm trù này suy diễn ra được một cách rất tự nhiên. Ở điểm này, Kant đã tin rằng mình tìm ra phuơng pháp cho phép có được một hạng loại đầy đủ những phạm trù. Ông bắt đầu phân loại những đề xuất theo tính hình thức truyền thống. Đó là lượng, phẩm, liên hệ, và phương thức (modality). Với lượng tính, triết gia từ Aristotle trở đi đều nhân định nó có thể là những đề xuất phổ quát, đặc thù, hoặc độc nhất (singular). Tương ứng với chúng, ta phân loại chúng là đơn nhất (unity), đa phương (plurality), hay toàn bộ (totality). Về phẩm tính, một đề xuất có thể là khẳng định, phủ định hoặc hạn chế, tương hợp vói phạm trù thực tại, phủ nhận, và giới hạn. Về liên hệ, đề xuất được chia thành ba loại, tuyệt đối, giả định và phân cách, với những phạm trù thực thể – phụ thể, nguyên nhân – hậu quả, và sự tương tác. Cuối cùng, một đề xuất có thể có những phương thức nan giải (problematic), xác quyết (assertoric) và chân xác (apodeietic) [2]. Phạm trù liên quan tới chúng là khả thể và bất khả thể, tồn tại và sự bất tồn, cần thiết và tính ngẫu nhiên. Chúng ta không cần đi vào chi tiết cách suy diễn cũng như quan điểm Lôgíc hạn hẹp của Kant để thấy những phạm trù ông đề nghị không được đầy đủ. Nhưng quan điểm của ông về khái niệm tổng quan, tuy không suy từ Duy nghiệm nhưng lại vận hành tác động trên kinh nghiệm, là một ý niệm đáng ghi nhận trong Triết học. Ý niệm này giải quyết khó khăn Hume đề đạt, dẫu không phải ai cũng đồng thuận chấp thủ đề đạt của Kant.

Sau khi trình bày những phạm trù suy diễn một cách hình thức, Kant chứng minh rằng nếu không có chúng thì ta không thể có được những cơ sở Duy nghiệm có thể thông tri được. Trước khi một cảm tưởng cấu tạo qua cảm quan trở thành tri thức, chúng phải được sắp đặt thế nào bởi những hoạt động não bộ. Ở đây, vấn đề là một vấn đề trong Nhận thức luận. Để hiểu cách thế Kant đề nghị, chúng ta buộc phải hiểu một số thuật ngữ của ông. Quá trình nhận thức một mặt liên quan đến cảm quan (sense) đến từ tác động của kinh nghiệm, mặt khác là sự kết cấu những cảm quan đó qua hoạt động trí năng nhằm thấu hiểu (understanding) chúng. Sự ta gọi là hiểu được khác với lý tính. Hegel sau này cho rằng lý tính là gì kết hợp con người, và sự hiểu được lại là cái tách biệt họ ra. Ta có thể nói, con người bình đẳng ở điểm họ đều có lý tính nhưng lại bất bình đẳng về sự hiểu được nói trên: điều này đến từ thông tuệ (intelligence), và chính đây là chỗ họ bất bình đẳng. Để có những kinh nghiệm có thể được thể hiện dưới dạng phán đoán (judgement), Kant cho rằng phải có cái ông gọi là tính thống nhất tổng giác (unity of aperception). Rõ ràng, những cảm tưởng rời rạc của Hume không có thuộc tính đó, mặc dầu chúng có thể tiếp nối nhau rất nhanh. Với Kant, chúng liên tục. Không thể có kinh nghiệm nào về ngoại vật mà không qua khuôn khổ những phạm trù đã nói trên. Vận hành của chúng là điều kiện cần cho kinh nghiệm. Nhưng cần mà không đủ, vì cảm quan giữ vai trò riêng. Có vẻ như, trừ khi quan tâm đến những dòng ý thức mù mờ không nói được gì, Kant phủ nhận sự khả thể của kinh nghiệm thuần túy như những cảm tưởng thụ động.

clip_image004

Tượng I. Kant ở Konigsberg

Về không gian và thời gian, đây là hai khái niệm tiên nghiệm đặc biệt thuộc trực giác về cảm quan ngoại giới (outer) và nội thể (inner). Thảo luận của Kant trên vấn đề này khá phức tạp với những luận điểm chẳng mấy thuyết phục. Ý chính trong lý thuyết của ông là nếu không có khái niệm tiên nghiệm về không và thời gian thì nguyên tắc Duy nghiệm là bất khả hữu.Trong thế cách này, không và thời gian đều na ná như những phạm trù, và kinh nghiệm được đúc nặn bởi khái niệm tiên nghiệm. Nhưng điều làm nên kinh nghiệm đến từ sự thể ở bên ngoài trí tuệ. Đây là cái Kant gọi là ‘sự vật như chúng là’ (things in themselves), hay noumena [3], tương phản với hiện tượng bề ngoài. Không thể có kinh nghiệm gì về ‘sự vật như chúng là’, bởi mọi kinh nghiệm trong lý thuyết của Kant xảy ra đồng thời với không gian, thời gian, và các phạm trù liên đới. Ta tốt nhất coi như có những sự vật như thế từ một nguồn cảm tưởng mặc định từ bên ngoài. Nhưng nếu thật nghiêm túc, điều này cũng chẳng thể có được vì ta không có một phương cách độc lập nào để tìm ra nguốn ấy. Và ngay cả khi giả thử rằng có nó, ta chẳng thể có bằng chứng gì cho rằng nó tạo được những cảm tưởng. Nói đến nhân quả, ta đã ở trong màng lưới của những khái niệm tiên nghiệm trong vận hành của tri thức. Ở đây, thêm một lần, những khó khăn của Locke lại hiện diện. Bởi theo lý thuyết của ông thì không thể nói về một thế giới bên ngoài đã tạo tác ra ý niệm và cảm quan. Tương tự, Kant cũng không thể bảo những ‘sự vật như chúng là’ tạo tác ra hiện tượng.

‘Sự vật như chúng là’, ở ngoài không gian và thời gian, là một sự vật siêu hình bảo đảm rằng ta có thể tránh được hoài nghi và xác nhận những kinh nghiệm có tính liên-chủ thể (inter-subjective). Kant buộc phải nhận như vậy vì ông không cho rằng không gian và thời gian tồn tại độc lập với nhau. Bỏ đi hai khái niệm này như tiên nghiệm, ‘sự vật như chúng là’ thành ra thừa thãi. Điều này chắc chắn làm được mà không ảnh hưởng đến lý thuyết của Kant về phạm trù. Tuy nhiên, có một lý do khác khiến ông cần đến ‘sự vật như chúng là’. Đó là lý thuyết của ông về Đạo đức học. Trước khi đề cập đến vấn đề này, nhắc rằng ‘sự vật như chúng là’ ở ngoài phạm vi những nguyên lý và khái niệm tiên nghiệm. Một nguy cơ trong cách dùng những khái niệm này là ta thường dẵm lên ranh giới khả dụng của chúng. Giới hạn của khái niệm tiên nghiệm là giới hạn của lĩnh vực kinh nghiệm. Nếu đi xa hơn thế, ta có khả năng rơi vào những ‘biện chứng’ (dialectic) và ‘siêu hình vô bổ’ (fruitless metaphysics) mà Kant không coi là có giá trị.

Trong “Phê phán Lý Tính Thuần Túy”, Kant giải trình một trong ba câu hỏi chính buộc ta phải quan tâm. Đó là giới hạn của nhận thức (cognition). Nó cho phép ta tự do thủ đắc ý muốn riêng tư (volition), và cho ta xử dụng quan niệm Kant gọi là phán đoán (judgement). Điều đầu (- Nd. gọi gọn là sở cầu), một yếu tố trong Đạo đức học, được thảo luận trong “Phê phán Lý Tính Thực Hành”. Về phán đoán, ý nghĩa ở cứu cánh hay mục đích. Đó là chủ đề của “Phê phán Năng lực Phán đoán” mà chúng ta không bàn ở đây. Chúng ta sẽ đi sâu vào lý thuyết Đạo đức của Kant trong “Phê phán Lý tính Thực hành” và trong “Siêu hình Đạo đức học” (Metaphysics of Morals).

Sở cầu được coi là thực dụng ở ý nghĩa hành động, tương phản với quá trình lý thuyết của nhận thức. Hai từ thực dụng và lý thuyết phải được hiểu theo ngữ nghĩa Hy Lạp, gắn với ‘nhìn ra’ (seing) và ‘làm ra’ (doing). Câu hỏi chủ yếu về Lý tính Thực hành là: làm sao mà ta phải hành động? Ở đây, Kant tiên phong dẫn độ cho một cuộc Cách mạng. Nếu xưa nay Đạo đức học thường cho rằng ý chí được qui định từ ảnh hưởng ngoại lai, Kant giả định rằng tự thân nó có qui luật riêng của chính nó. Trong ý nghĩa này, ý chí có tính tự trị (autonomous). Và nếu ta muốn đi đến một nguyên lý tổng quát nào về hành động, ta không thể tìm ra nó qua những lý do, mục tiêu ngoại tại. Ngược lại, ta phải nhìn vào ‘trong ta’, nếu ta muốn khám phá ra điều mà Kant gọi là Qui luật Đạo đức (moral laws). Nhưng hiển nhiên qui luật này không gồm những huấn thị đặc biệt. Nó không bảo ta là phải hành động gì trong trường hợp nào. Điều này trái nghịch với nguyên tắc tự trị. Như vậy, còn lại là những nguyên tắc trừu tượng, thuần hình thức, không có nội dung thực nghiệm, và là điều Kant gọi là mệnh lệnh tuyệt đối (categorical imperatives). Trong thực hành lý tính, đây là một đề xuất tổng hợp tiên nghiệm nói theo lý thuyết của Kant. Với Lôgíc truyền thống, mệnh lệnh và tuyệt đối tách biệt. Nhưng Kant cho rằng có những mệnh đề mà từ ‘phải’ là vô điều kiện, và gọi chúng là mệnh lệnh tuyệt đối. Nguyên tắc tối thượng trong Đạo đức có thể truy tìm trong mệnh lệnh tuyệt đối: luôn luôn hành động với nguyên tắc dẫn giắt ý chí làm cơ sở của qui luật phổ quát (universal law). Cách thế biện giải vừa nói đơn giản là hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho bạn. Nguyên tắc này phủ nhận công lý đến từ những đòi hỏi cầu xin cá biệt.

Chúng ta đã ghi nhận mệnh lệnh tuyệt đối trong Đạo đức học của Kant là một nguyên tắc hình thức. Như thế, nó không thuộc phạm vi lý thuyết Duy lý, bởi nó chỉ quan tâm đến hiện tượng. Ý chí có thiện tính (goodwill), là một mệnh lệnh tuyệt đối, phải là ‘sự vật như chúng là’. Và từ đấy, ta sẽ xem chúng vận hành ra sao. Hiện tượng phù hợp với phạm trù, đặc biệt là với phạm trù nhân quả. ‘Sự vật như chúng là’ không chịu ràng buộc như vậy, và đây là thế cách cho phép Kant thoát được vấn nạn về ý chí tự do (free will) đối nghịch với sự tất định. Trong chừng mực con người thuộc vào thế giới hiện tượng, con người đó được qui định bởi luật lệ tự nhiên. Nhưng như một con người có Đạo đức, con người là một ‘sự vật như nó là’, và vì vậy nó khả đắc ý chí tự do. Giải pháp Kant đề đạt khá linh động, mặc dầu ta phải dùng khái niệm ‘sự vật như chúng là’. Đạo đức theo đó có dấu vết của lòng chính trực trong truyền thống Calvin của thần học Tin Lành. Điều độc nhất quan hệ trong hành động của chúng ta là phải khởi phát từ những nguyên tắc đúng đắn. Với cách thế này, làm những gì ta tin là đúng đều là những hành động có Đạo đức. Chẳng hạn ta thích người hàng xóm và sẵn lòng cứu giúp khi anh ta gặp khó. Thái độ này theo Kant chẳng có gì đáng khuyến khích hơn hành động cứu giúp cho một người ta ghét thuần là do lòng nhân ái. Toàn bộ hành động như vậy không là ước muốn mà đều đến từ nguyên tắc, là bổn phận, và chẳng tạo ra hứng thú gì cả. Ngưởi hành xử theo ý chí có thiện tính làm những điều tốt đẹp một cách vô điều kiện.

Dĩ nhiên có nhiều trường hợp ta hành xử theo nguyên tắc dẫu có đi ngược với sở thích, và chẳng phải lúc nào ta cũng làm những gì ngẫu hứng. Nhưng chẳng phải vì vậy mà ta buộc phải ứng xử cứng ngắc. Cách nhìn của Kant như thế, có lẽ vì ngay trong cuộc sống ông rất lý thuyết. Nếu khác đi, ông có thể thấy những tình cảm trìu mến riêng tư cũng là điều thiện mà chẳng có gì đặt ra như một qui luật tổng quát. Nhưng ngoài vậy, Đạo đức theo Kant còn gặp một phản biện nghiêm trọng hơn. Nếu những gì quan thiết đều từ ý hướng (intention), và khi ta tin chúng là bổn phận, ta có thể bỏ mặc cho mình rơi vào những tình thế lộn xộn hoảng loạn. Hậu quả của chúng là hành động trong trường hợp đó đôi khi chẳng còn gì gọi là Đạo đức. Có lẽ vì như vậy mà Socrates đã cảnh báo rằng sự ngu xuẩn là tội lỗi lớn nhất trong Đạo đức học.

Về chức năng đạo đức của ‘sự vật như chúng là’, còn có những hậu quả khác đáng bàn. Trong “Phê phán Lý tính Thuần túy”, Kant cho rằng không thể chứng minh rằng Thượng Đế hiện tồn trên mặt lý thuyết. Hoạt năng tư biện (activity of speculative) của lý tính thuần túy lại hướng về điều ngược lại, và lý tính thực dụng cũng cho những cơ sở củng cố niềm tin Thượng Đế hiện tồn. Chúng ta buộc phải nhận như thế trong thực tế, vì nếu không, chẳng còn có gì có thể gọi là hành động mang tính đạo đức. Và chính khả năng làm theo những mệnh lệnh tuyệt đối trong phạm trù Đạo đức, theo Kant, là hệ quả thực dụng chứng tỏ Thượng Đế hiện tồn.

Trong một ý nghĩa rõ rệt, Kant đã xử dụng lưỡi dao Occam. Phê phán về Lý tính Thuần túy cho phép xác định giới hạn của tri thức, và cái ngoài giới hạn đó niềm tin có chỗ đứng. Thượng Đế hiện tồn không phải là một đề xuất lý thuyết, nhưng đặt để niềm tin như một thế cách thực dụng. Tuy vậy, Đạo đức theo Kant không theo một giáo điều nào. Những giáo điều đạo đức trong nhiều tôn giáo thường mắc sai lầm qua cách tự biện minh bằng Thượng Đế. Cho dù Kant nói rằng Công giáo là tôn giáo duy nhất phù hợp với Đạo đức, Nhà Nước Phổ vẫn kiểm duyệt và cấm đoán quan điểm của ông.

Một trước tác khác của Kant về hoà bình và quan hệ hợp tác quốc tế, cuốn “Hoà bình muôn thuở” (Perpetual Peace) in năm 1795, cũng đưa ra những cách nhìn khá cực đoan. Nhà Nước đại diện, và Liên bang quốc tế, là hai khái niệm được đề xuất mà cho đến nay ta còn thấy.

Triết học của Kant, như ta thấy, trả lời phần nào những vấn đề Hume đặt ra, nhưng lại phải dưa vào khái niệm ‘sự vật như chúng là’. Những người theo trường phái Lý Tưởng ở Đức chỉ ra sự bất toàn của khái niệm này, nhưng rồi lý thuyết về tri thức của họ cũng lại có vấn đề. Một phương thức để tránh tính nhị nguyên (vật thể-trí năng) là cho rằng, như những triết gia Duy vật, trí não đồng song với thế cách tổ chức của thế giới vật chất. Cách khác, đi vòng, cho rằng thế giới ngoại tại chỉ là một sản phẩm của trí tuệ. Kant không chấp nhận điều này, nhưng Fichte thì khác.

Fichte (1762-1814) nhà nghèo và được đi học đến Đại học là nhờ lòng hảo tâm của chủ. Sau đó, ông sống bấp bênh bằng cách dạy kèm ở tư gia. Khi ông đọc những trước tác của Kant, ông xin gặp và được giúp đỡ in một luận đề phê phán trên vấn đề hiển lộ thiên khải. Thành công tức thì, ông trở thành Giáo sư ở Jena. Cách thế ông nhìn tôn giáo không phù hợp với những người có quyền, ông bỏ dạy học, đi Berlin và trở thành công chức.

Năm 1808, ông viết “Kiến nghị gửi quốc gia Đức”, kêu gọi mọi công dân chống lại Napoleon. Trong văn bản này, tinh thần quốc gia Đức phát huy cao độ. “Cá tính và là người Đức có nghĩa là một, và đồng nhất” theo Fichte. Không thật rõ ràng ông coi đây là một sự kiện Duy nghiệm hay chỉ là thứ định nghĩa câu chữ. Nếu là điều đầu, hẳn nó gây tranh cãi. Còn như một định nghĩa, thì nó chẳng qua chỉ là một phát biểu lập dị.

clip_image006

Fichte

Đại học Berlin được thành lập năm 1810, và Fichte trở thành Giáo sư ở đấy cho đến khi lìa đời. Khi chiến tranh giải phóng chống quân đội Pháp năm 1813, ông gửi sinh viên của mình ra chiến trường. Giống như nhiều người, ông ủng hộ Cách Mạng Pháp nhưng chống lại chế độ chuyên quyền nhũng nhiễu của Napoleon.

Trong tư duy chính trị, Fichte phủ bóng lên khái niệm Mác-xít về một nền kinh tế xã hội với sự kiểm soát của Nhà Nước trong sản xuất và phân bố nguồn lực. Về mặt triết lý, có lẽ học thuyết về Ego[4] của ông để chống lại thuyết nhị nguyên của Kant là quan trọng hơn cả. Ego theo Fichte gần giống như đơn vị tổng giác (aperception) của Kant, có tính sinh động và tự trị. Thế giới của kinh nghiệm Duy nghiệm là một thứ phóng chiếu vô ý thức của Ego mà Fichte gọi là phi-Ego. Chính bởi tính vô ý thức của phóng chiếu này mà ta nhầm tưởng là ta bị giới hạn bởi thế giới ngoại tại. Về ‘sự vật như chúng là’, vấn đề này không thể đặt ra, bởi cái chúng ta biết chỉ là cái hiển thực bên ngoài. Nói về chúng, tất mâu thuẫn như biết điều mà ngay tự định nghĩa là không thể biết được. Sự phóng chiếu nói trên chẳng những vô ý thức mà còn vô điều kiện. Vì chúng không thể kiểm nghiệm, chúng không phải thuộc phạm trù nhân quả. Như một quá trình, chúng khởi động từ bản chất thực dụng và đạo đức của Ego, thực dụng được hiểu trong ý nghĩa nhận thức. Và từ đó, nguyên lý điều hành và vận động Ego phải được gắn bó cho phù hợp với những phóng chiếu.

Lý thuyết khá kỳ lạ vừa trình bày vẫn không tránh được những khó khăn từ khái niệm nhị nguyên, nhưng nó báo hiệu sự khai sinh Triết học Hegel như chúng ta sẽ thấy. Một hậu quả của lý thuyết của Fichte là ta thấy rất có thể quay thế giới quanh Ego. Đây là thử nghiệm của Schelling (1775-1845) mà triết lý về tự nhiên đã là nguồn cảm hứng cho Hegel sau này.

Giống như Hegel và nhà thơ lãng mạn Holderlin, Schelling cùng bản quán, là bạn của họ khi Schelling vào học ở Đại Học Tubingen ở tuổi 15. Ông đọc Kant và Fichte, nhưng tài hoa văn chương cho ông cơ may thành Giáo sư ở Jena trước khi ông 23 tuổi. Ở địa vị đó, ông quen hai nhà thơ lãng mạn Tieck, Novalis và anh em Schlegel là Frederich và August. Người sau đã cùng Tieck dịch Shakespeare sang Đức ngữ, và bà vợ cũ ông này đi tái hôn với Fichte dẫu ông trẻ hơn bà trên 12 tuổi. Fichte quan tâm đến khoa học và tiếp cận với những triển khai mới nhất. Ở tuổi 25, ông xuất bản “Triết lý về Tự nhiên” ( Philosophy of Nature) trong đó ông đưa ra một giải trình tiên nghiệm của Tự nhiên. Dẫu ông không coi nhẹ phần Duy nghiệm của khoa học thực nghiệm, nhưng ông tin ta có thể diễn dịch ra chúng từ những nguyên tắc bao quát. Điều này mang dấu vết của cách thế Duy lý theo Spinoza, hỗn hợp với khái niệm hoạt năng của Fichte.

clip_image008

Schelling

Thế giới tiên nghiệm mà Fichte suy giải sinh động, trong khi thế giới thực nghiệm đối với ông là thế giới chết. Phương pháp này được Hegel tái xử dụng. Cho những bạn đọc thời hiện đại hôm nay, tư biện về những vấn đề này gần như không thể hiểu được. Đúng là có không biết bao nhiêu lời lẽ thừa thãi và những chi tiết lố lăng buồn cười. Và chính vì thế mà triết lý kiểu lãng mạn không thể khác là tàn lụn đi.

Điều đáng chú ý là chính Schelling về sau bác bỏ thể loại triết lý lãng mạn này. Ông chuyển quan tâm qua địa hạt huyền nhiệm tôn giáo. Sau khi vợ chết, ông giữ khoảng cách với Hegel. Khi được mời viết tựa cho công trình của triết gia Pháp Victor Cousin sang viếng Đức năm 1841, ông lấy cơ hội này để đả phá triết lý về tự nhiên của Hegel. Dẫu tên Hegel không hề được nêu ra, bị cáo đã chết, nhưng ý đồ thì rất rõ. Schelling bác bỏ một cách quyết liệt khả năng suy diễn sự kiện thực nghiệm từ những nguyên lý tiên nghiệm. Viết như vậy, Schelling có hiểu chính ông đã làm suy yếu triết lý của ông về tự nhiên hay không là chuyện rất khó luận giải.

Trong trước tác của cả Fichte lẫn Schelling, chúng ta thấy những ý thể sau này Hegel dùng trong biện chứng pháp. Với Fichte, Ego phải đối mặt vói nhiệm vụ chiến thắng phi-Ego. Trong triết luận Schelling về tự nhiên, khái niệm cơ bản những đối kháng và đơn nhất phủ bóng rõ ràng trên phép biện chứng. Tuy nhiên, gốc cội của phép này có từ những phạm trù mà Kant liệt kê và giải thích rằng cái thứ ba trong mỗi hạng loại là tổng hợp của cái thứ nhất và cái thứ nhì khi chúng đối kháng nhau. Như vậy, đơn nhất trái nghịch với đa phần, trong khi cái tổng thể bao gồm rất nhiều đơn nhất tạo ra từ tổng hợp của những đối kháng.

Triết học Lý tưởng ở Đức được xác lập dưới dạng hoàn hảo và có hệ thống bởi Hegel. Dùng những gợi ý từ Fichte và Schelling, ông kiến tạo một tòa lâu đài triết học và dẫu có những bất toàn, nó vẫn còn rất đáng học hỏi. Ngoài ra, triết học Hegel tạo những ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều thế hệ triết gia chẳng những ở Đức mà còn ở Anh. Triết gia Pháp không mấy mặn mà với Hegel, có lẽ vì tính cách đôi khi tối tăm trong phương pháp giải trình của Hegel không hợp với tính rành mạch vốn có trong triết học Pháp. Triết học Hegel tiếp tục sống mạnh mẽ qua biện chứng Duy Vật của Marx và Engel, nhưng đây là thí dụ nghịch lý của một luận điểm không thể bảo vệ được.


[1] Laplace (1749-1827) là nhà toán học và thiên văn học, công trình được báo cáo trong tác phẩm “Cơ học Vũ trụ”, là kẻ tiên phong đưa ngành thiên văn vào quĩ đạo toán và thống kê học.

[2] Trong Lôgích Aristotle, một đề xuất xác quyết chỉ một cái gì đó là, hoặc không là. Một đề xuất nan giải chỉ khả năng cái gì đó có thể đúng, và một đề xuất xác thực chỉ cái gì đó hoặc đúng hoặc sai. Thí dụ, Sài Gòn lớn hơn Biên Hòa là một đề xuất xác quyết. Một doanh nghiệp có thể giầu hơn quốc gia là đề xuất nan giải, và 2+2 bằng 4 là đề xuất chân xác (ND)

[3] Noumena là những vật thể hay biến cố có thể nhận biết mà không qua cảm quan. Noumena tương phản với hiện tượng, chỉ cái gì hiển hiện với cảm quan. Trong Triết học cổ đại, thực thể noumenon, hay ‘sự vật như nó là’, đồng nghĩa với thế giới những ý thể, khác thế giới hiện tượng đến từ cảm quan. Triết học hiện đại, đặc biệt từ Kant, phủ nhận là tri thức có thể độc lập với cảm quan. Noumeno – sự vật như nó là ( Ding an sich)- tồn tại nhưng tri thức không thể thủ đắc được.

[4] Bản sắc, cái ‘tôi’.

Comments are closed.