Sự gặp gỡ của các tư tưởng

Nguyễn Đình Đăng

dịch từ “Meeting of the minds“, wordvietnam.com, November 2014, pp. 82 – 83.

Read English version online.

Hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng đã sửng sốt khi lần đầu tiên đọc Nguyễn Huy Thiệp, người đại náo văn đàn thời hậu Đổi Mới. Sau khi ông lần ra Nguyễn Huy Thiệp làm việc trong một nhà xuất bản, một sự hợp tác có một không hai đã diễn ra. Lời và tranh của Nguyễn Đình Đăng.

Năm 1989, khi tôi làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna, Nga, một người bạn cho tôi xem mấy số báo Việt Nam, trong đó tôi đọc được vài truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng tôi được đọc một nhà văn Việt Nam đầy phấn khích đến như thế. Tôi đã đọc tất cả các truyện ngắn mới của ông Thiệp với một cảm giác tựa như đọc truyện trinh thám của Conan Doyle – tức là, đọc một mạch không dứt từ đầu đến cuối. Hồi đó, nếu ai đó nói về văn học Việt Nam đương đại, thì cái tên đầu tiên và duy nhất hiện ra trong tâm trí tôi là Nguyễn Huy Thiệp.

Tôi thích vẽ chân dung những người mà sắc đẹp và/hoặc tài năng của họ khiến tôi ngưỡng mộ. Vì thế,  sau khi tôi từ Nga về Hà Nội vào tháng Giêng 1990, việc đầu tiên tôi làm là đi tìm Nguyễn Huy Thiệp để vẽ chân dung.

Tôi tìm ra ông đang làm công việc của một người can lại các hình minh hoạ để in sách giáo khoa tại nhà xuất bản Bộ Giáo dục.

Giấc mơ nghệ sĩ

Tôi mời ông Thiệp đến nhà tôi để vẽ ký hoạ chi tiết chân dung ông bằng bút chì. Tôi cũng vẽ ký hoạ nghiên cứu hai bàn tay, bàn chân của ông, chân dung ông ngồi trên ghế bành. Tôi còn đến cả quán cà-phê ông thường lui tới để vẽ cái ghế bành ông hay ngồi tại đó.

Nguyễn Đình Đăng Giấc mơ nghệ sĩ (Chân dungg nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) (1990) sơn dầu trên canvas, 97 x 130 cm (sưu tập tư nhân)

Nguyễn Đình Đăng
Giấc mơ nghệ sĩ (Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) (1990)
sơn dầu trên canvas, 97 x 130 cm
(sưu tập tư nhân)

Phần còn lại của bố cục sơn dầu là tưởng tượng của tôi. Trên nền sau lưng ông tôi vẽ các nhân vật từ các truyện ngắn nổi tiếng của ông, trong đó có cả vua Quang Trung, mà tôi vẽ đầu lộn xuống dưới, và vua Gia Long có bộ mặt được tạo bởi hình một phụ nữ khỏa thân. Ở góc trên bên trái bức tranh, tôi vẽ chân dung các bậc thầy văn chương và văn hóa thế kỷ XIX và XX, Victor Hugo, Sigmund Freud, Anatole France, Guy de Maupassant, Alexander Solzhenitsyn, Fyodor Dostoevsky, và Boris Pasternak – những người mà tôi thấy có sự tương đồng trong tác phẩm của họ và tác phẩm của ông Thiệp.

Các chân dung của các vĩ nhân này hiện ra như những đám mây. Ở phía bên phải tôi vẽ cảnh đoàn lạc đà đi trên sa mạc với mấy con chó chạy đằng sau (Chó cứ sủa, đoàn lạc đà cứ đi). Đàn lạc đà biến dần thành đàn chim bay lên trời.

Nguyễn Đình Đăng Chân dung Nguyễn Huy Thiệp (1990) ký họa chì

Nguyễn Đình Đăng
Chân dung Nguyễn Huy Thiệp (1990)
ký họa chì

Trong tranh, ông Thiệp ngồi trên ghế salon nhà tôi. Cái ghế bay lơ lửng trên một bậc tam cấp làm bằng đá hoa cương như thể đó là những bậc thang dẫn lên đỉnh Parnassus. Sóng biển đập vào một phía bậc tam cấp. Bên kia là đại dương mênh mông đưa những gợn sóng dài và hùng vĩ đến một bức tường đầy những lỗ đạn đang rỉ máu. Ếch nhái, rắn rết bò dưới chân ông.

Tên gốc của bức tranh chỉ đơn giản là Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng vào đầu những năm 1990, ông Thiệp là một nhà văn ‘có vấn đề’. Các truyện ngắn của ông gây ra các tranh cãi nảy lửa trong làng văn và báo giới, cũng như trong công chúng nói chung. Vì thế trước buổi khai mạc triển lãm cá nhân của tôi tại Hà Nội năm 1991, các đồng nghiệp hoạ sĩ trong Hội Mỹ thuật Việt Nam đã đề nghị tôi đổi tên bức tranh. Thế là tên bức tranh trở thành Giấc mơ nghệ sĩ.

Tôi không chắc công chúng xúc động vì bức tranh lắm, vì tôi nghĩ ít người biết mặt ông Thiệp. Bà vợ đại sứ Anh quốc tại Hà Nội khi đó muốn mua bức tranh này nhưng chúng tôi không thỏa thuận được về giá.

Bức tranh này hiện thuộc sở hữu của một nhà sưu tập mỹ thuật người Pháp.

Các minh họa

Khi Nguyễn Huy Thiệp nhận được lời mời sang Pháp năm 1990, ông đề nghị tôi vẽ minh hoạ cho một số truyện ngắn của ông để ông triển lãm cùng với sách của ông tại Paris. Sau khi vẽ xong, tôi đưa cho ông nguyên bản, chỉ giữ lại photocopy.

Ông có vẻ hơi thất vọng khi nhìn thấy các ký hoạ của tôi bằng bút sắt trên giấy. Ông trích dẫn một hoạ sĩ danh tiếng, mà tôi quên tên, cũng đã minh họa truyện ngắn của ông, nhưng bằng màu và kích thước lớn. Tôi nói đó là những gì tôi cảm thấy từ các truyện ngắn của ông.

Nguyễn Đình Đăng Minh họa cho truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp (1990) bút sắt

Nguyễn Đình Đăng
Minh họa truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp (1990)
bút sắt

Nguyễn Đình Đăng Minh họa cho truyện ngắn "Phẩm tiết" của Nguyễn Huy Thiệp (1990) bút sắt

Nguyễn Đình Đăng
Minh họa truyện ngắn “Phẩm tiết” của Nguyễn Huy Thiệp (1990)
bút sắt

Nguyễn Đình Đăng Minh họa cho truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp (1990) bút sắt

Nguyễn Đình Đăng
Minh họa truyện ngắn “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp (1990)
bút sắt

Nguyễn Đình Đăng Minh họa cho truyện ngắn Cún của Nguyễn Huy Thiệp (1990) bút sắt

Nguyễn Đình Đăng
Minh họa truyện ngắn “Cún” của Nguyễn Huy Thiệp (1990)
bút sắt

Dù sao, chuyến đi Pháp đó đã không xảy ra. Nguyên nhân cực vớ vẩn. Vào khoảng thời gian này, tờ tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur có một cuộc phỏng vấn ông Thiệp. Nhà báo hỏi ông Thiệp có từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam không. Ông nói: “Chưa bao giờ.” Tờ Le Nouvel Observateur viết thành “Jamais“.  Báo chí Việt Nam dịch ngược lại thành “Không bao giờ,“- như một phủ nhận dứt khoát và khinh bỉ.

Hậu quả của vụ này là các ký hoạ của tôi đã bị thất lạc. Chúng cũng chưa từng được in [trừ một minh hoạ tôi vẽ năm 2004 cho truyện ngắn Quan Âm chỉ lộ của ông.]

Nguyễn Đình Đăng Minh họa cho truyện ngắn Quan Âm chỉ lộ của Nguyễn Huy Thiệp (1990) bút sắt

Nguyễn Đình Đăng
Minh họa truyện ngắn “Quan Âm chỉ lộ” của Nguyễn Huy Thiệp (2004)
bút sắt

Nông dân, đồ tể, sao chổi

Khi tôi gặp Nguyễn Huy Thiệp lần đầu tiên – trong một căn phòng thiếu sáng, cửa sổ có chấn song trông như phòng giam – tôi có cảm giác ông trông như một nông dân. Ông không lập dị hoặc cố tỏ ra lập dị như vài văn nghệ sĩ khác mắc chứng vĩ cuồng mà tôi từng gặp trong đời. Chúng tôi nói về nhiều chuyện, và các nhận xét độc đáo của ông luôn khiến tôi ngạc nhiên, ví dụ:

– Tôi như người đồ tể xẻ thịt con lợn, chỉ moi lấy tim, còn tất cả thịt, xương, lòng thì vứt đi.

Nguyễn Huy Thiệp giống như một ngôi sao chổi bay vụt qua vòm trời văn học Việt Nam. Văn phong của ông không để cho người khác yên. Một cố nhà văn nổi tiếng sinh thời từng nói: “Sau Nguyễn Huy Thiệp, không ai có thể viết như trước được nữa.”

Cá nhân tôi nghĩ rằng sự vĩ đại của Nguyễn Huy Thiệp trong văn đàn Việt Nam là ở chỗ không ai có thể bắt chước được các truyện ngắn của ông. Một số nhà văn kém tài hơn từng vay mượn từ ông, cố sao chép cấu trúc thậm chí cả chi tiết từ các truyện ngắn của ông. Nhưng dù cố gắng thế nào đi chăng nữa, họ vẫn không thể đạt được chất lượng và vẻ đẹp chỉ có trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Tác phẩm của ông là độc nhất vô nhị.

Nguồn: https://nguyendinhdang.wordpress.com/tag/nguyen-huy-thiep/

Comments are closed.