Thư Gửi Tăng Sinh Thừa Thiên – Huế (Nhân đọc Tâm thư của Tăng sinh dâng Hòa thượng Thiện Hạnh)

PL 2547
Quảng Hương Già Lam
Ngày 28-10-2003

Các con thương quý,

Trong những ngày gần đây những biến động tuy làm sửng sốt cả thế giới nhưng hầu như chỉ làm gợn sóng một ít nơi đây để giữ yên cho giấc ngủ đông miên kéo dài qua hai thập kỷ của Phật tử Việt Nam.

Trong không khí được bao trùm bởi trạng thái ứ đọng của vũng nước ao tù, bị cắt đứt với mạch nguồn quá khứ, bị che chắn khuất tầm nhìn tương lai; trong không khí đó, tâm tư ước nguyện của thế hệ non trẻ, của thế hệ tăng ni sinh mới lớn, như được bộc lộ trong những ngày vừa qua, từ Bình Định cho đến Thừa Thiên – Huế, là dấu hiệu của nguồn mạch ngầm vẫn luân lưu bất tuyệt trong dòng lịch sử truyền thừa của Phật Giáo Việt Nam. So với khối lượng tăng ni sinh trong cả nước, các con chỉ là một nhóm nhỏ. Ít, nhưng đấy là những hạt lúa chắc. Nhiều, nhưng chỉ là vỏ trấu, và là những hạt chưa được ủ mầm đã mục rỗng bên trong.

Các con hãy tự hào, với niềm tự hào trong trắng và vô tư của tuổi trẻ, từ thời điểm cột mốc này, đã một lần và mãi mãi đứng thẳng trên đôi chân của chính mình, bằng đôi mắt trí tuệ và hùng lực mà nhìn thẳng mà không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự định hướng đi cho bản thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người.

Thế hệ của Thầy, những thanh niên trang lứa được nuôi dưỡng để đưa vào chiến trường của cuộc chiến tranh ý thức hệ, được giáo dục để biết hận thù giai cấp. Nhưng may thay, dòng suối Từ vẫn âm thầm tuôn chảy, để xoa dịu những đau thương mất mát; để hàn gắn những đổ vỡ điêu tàn của dân tộc.

Các con lớn lên trong thời đại thanh bình, nhưng các con lại bị ném vào giữa một xã hội mất hướng. Quê hương và đạo pháp, là những mỹ từ thân thương nhưng đã trở thành sáo rỗng. Các bậc cao tăng thạc đức, một thời đã đánh thức lương tâm nhân loại trước cuộc chiến hung tàn, đã giữ vững con thuyền đạo pháp trong lòng dân tộc, nay chỉ còn lại bóng mờ và quên lãng.

Thế hệ các con được giáo dục để quên đi quá khứ. Nhiều người trong các con không biết đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là gì; đã làm gì và cống hiến những gì cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, hòa bình dân tộc, trong nhưng giai đoạn hiểm nghèo của lịch sử dân tộc và đạo pháp của đất nước – Một quá khứ chỉ mới như ngày hôm qua, di sản vẫn còn đó nhưng đã bị chối bỏ một cách vội vàng – Di sản được tích lũy ròng rã hằng thế kỷ, bằng bao tâm tư khổ lụy đau thương bằng máu và nước mắt của biết bao Tăng Ni, Phật tử; mà những người gây dựng nên di sản đó bằng bi nguyện và hùng lực của mình, có vị bị bức tử bởi bạo quyền, có vị suốt năm tháng dài chịu tù đày, bị lăng nhục. Nhưng sống hay chết, vinh hay nhục, không làmdao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia.

Người xuất gia, khi cất bước ra đi, là hướng đến phương trời cao rộng, tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình chiều theo mọi giá trị hư dối của thế gian, không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền bạo lực. Một chút phù danh, một chút lợi thế, một chút an nhàn tự tại; đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy, mà ngay cả người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc nuối để giữ tròn danh tiết. Chớ khoa trương bảo vệ Chánh pháp, mà thực tế chỉ ôm giữ Chùa Tháp làm chỗ ẩn núp cho Ma vương, làm nơi hội tụ của cặn bã xã hội. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán tước. Xưa kia, khi vua chúa bắt sư tăng cúi đầu nhận tước lộc của triều đình để làm tôi tớ cho vương hầu, chư Tổ đã sẵn sàng đặt đầu mình trước gươm bén, giữ vững khí tiết của người xuất gia, bước theo dấu chân vô úy, vô cầu, của các Thánh Đệ tử, được gói gọn trong thanh quy: Sa Môn bất kỉnh Vương giả.

Nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong vòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lựctự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng.

Mỗi thế hệ có vấn đề riêng của nó, do những biến thiên của xã hội chung quanh, do những biến cố giao động mang tính thời đại. Thế hệ của Thầy thừa hưởng được nhiều từ Thầy Tổ, nhưng chưa hề báo đáp ân đức giáo dưỡng cao dày trong muôn một. Chỉ mới tròn ba mươi tuổi, đã phải khép cổng chùa, xách cuốc lên rừng, xuống biển, cũng mưu sinh lao nhọc như mọi người. Rồi lại vào tù, ra khám lênh đênh theo vận nước thăng trầm. Sở học và sơ tri cũng cùn mòn theo tuổi đời, năm tháng. Duy, chưa có điều gì thất tiết để điếm nhục tông môn, uổng công Sư trưởng tài bồi. Một chút niềm tin chưa hề thoái thất, chỉ mong cùng chia sẻ với thế hệ kế thừa. Một thế hệ đang trưởng thành để khơi tỏ ngọn đèn Chánh pháp giữa một đất nước thấm nhuần phong hóa.

Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình.

Thầy,
Tuệ Sỹ
(Ấn ký)

PHỤ LỤC:

TÂM THƯ CỦA CÁC TĂNG SINH ĐẢNH LỄ
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HẠNH

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Hòa Thượng,

Kể từ khi Đức Thế Tôn thành đạo dưới cội Bồ Đề và bắt đầu vận chuyển bánh xe Chánh pháp, Đạo Phật đã có mặt và tồn tại đến nay đã hơn hai mươi lăm thế kỷ. Đạo Phật đã đem lại ánh sáng chân lý soi sáng cho thế gian, đem lại hạnh phúc an lành cho muôn loài. Suốt dòng lịch sử lâu dài ấy, Đạo Phật đã từng trải qua bao nỗi thăng trầm; có nhiều khi xán lạn vinh quang, nhưng cũng có lắm lúc đau thương tủi nhục. Trên những bước thăng trầm đó, nếu không nhờ vào hùng tâm cao cả và nguyện lực sâu dày của các bậc Đại Đức Cao Tăng qua các thời đại, thì làm sao ngọn đèn Chánh pháp có thể tồn tại và soi chiếu mãi cho đến ngày nay. Hạnh đức một đời hy sinh cao cả của Hòa thượng đối với sự trường tồn của Chánh pháp đã có lịch sử ghi nhận, đặc biệt việc làm của Hòa thượng trong những ngày qua đã thể hiện rõ hùng tâm và đức hy sinh cao cả đó.

Song, chúng con, toàn thể những học trò của Hòa thượng, thiết nghĩ rằng, Hòa thượng là bậc đống lương trong ngôi nhà Chánh pháp, mà ngôi nhà đó chúng con đang cần sự nâng đỡ của Hòa thượng để còn có nơi nương nhờ tu học và trưởng dưỡng đạo tâm. Nếu giờ này Hòa thượng mất đi, thì chúng con sẽ hết sức bơ vơ, lạc lõng, không nơi nương tựa; ngôi nhà chánh pháp sẽ lung lay bởi mất đi một trụ cột quan trọng.

Đàn hậu tấn chúng con may mắn được sinh trong ngôi nhà Chánh pháp, và được thấm nhuần ân giáo dưỡng tận tình của Hòa thượng. Nhưng tuổi đời chúng con chưa đủ, đạo lực của chúng con chưa được vững vàng, chúng con cảm thấy phải luôn cần có Hòa thượng để làm nơi nương tựa. Vì vậy, chúng con xin thành kính đảnh lễ Hòa thượng, thỉnh cầu Hòa thượng thương tưởng đến chúng con mà tạm ngưng việc phản kháng bất bạo động bằng cách tuyệt thực, quyết hy sinh cho chánh pháp trong thời điểm này, vì Phật sự còn lâu dài, và rất cần sự chỉ đạo, dẫn dắt của Hòa thượng. Lại nữa, sự có mặt của Hòa thượng bên cạnh chúng con, dạy dỗ chúng con, dẫn đường chỉ lối cho chúng con cùng tứ chúng cũng chính là một sự hy sinh cao cả không gì sánh được. Chúng con xin thành tâm sám hối vì đã bộc bạch những lời trái với tâm nguyện của Hòa thượng, nhưng thiết nghĩ chúng con không thể làm gì khác hơn trong lúc này.

Ngưỡng mong Hòa thượng xót thương chứng minh mà đáp ứng lời thỉnh cầu thành khẩn của chúng con.

Nam mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.

Chúng con thành kính đảnh lễ Hòa thượng.


image

Nguồn: https://thuvienphatviet.com/tang-sinh-thua-thien-hue-tam-thu-cua-cac-tang-sinh-danh-le-ht-thich-thien-hanh/

Comments are closed.