Thuật ngữ chính trị (39)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

111. Despotism – Chế độ chuyên quyền (tiếng Hy Lạp: Δεσποτισμός, despotismós) là hình thức chính phủ, trong đó, một thực thể duy nhất cai trị với quyền lực tuyệt đối. Thông thường, thực thể đó là một cá nhân – một despot – như trong chế độ chuyên chế (autocracy), nhưng các xã hội trao quyền lực cho những nhóm người cụ thể cũng được gọi là chuyên chế.

Thông thường, từ kẻ chuyên chế (despot) được dùng theo lối miệt thị để nói về những người sử dụng quyền lực để đàn áp dân chúng, thần dân hoặc cấp dưới của mình, thường để nói về những người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ. Theo nghĩa này, nó tương đương với các từ bạo chúa (tyrant) và độc tài (dictator).
112. Deterrence – Răn đe. Răn đe là chính sách duy trì lực lượng quân sự và kho vũ khí lớn nhằm ngăn cản bất kỳ kẻ xâm lược tiềm tàng nào, làm cho họ không dám hành động; các quốc gia cam kết trừng phạt quốc gia xâm lược. Tuy nhiên, răn đe trở thành khái niệm thường được sử dụng bởi các chiến lược gia trong thời đại vũ khí nguyên; và người ta đã tạo ra một số lý thuyết rất phức tạp xung quanh khái niệm này. Sau năm 1945, các nhà lãnh đạo chính trị các cường quốc ở cả phương Tây lẫn phương Đông đều khẳng định rằng đất nước họ cần vũ khí hạt nhân hoặc chí ít cũng cần các lực lượng vũ trang thông thường thật mạnh nhằm duy trì hòa bình. Luận cứ được họ đưa ra là khi kẻ thù tiềm tàng nhận thức được rằng bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ buộc họ phải trả giá đắt thì họ sẽ không dám tấn công. Một loạt các khái niệm khác đã được đưa vào để giải thích một cách chi tiết khái niệm đơn giản này, trong đó có tiêu diệt lẫn nhau, khả năng thực hiện cuộc tấn công đáp trả, đòn phủ đầu, trả đũa ồ ạt và phản ứng linh hoạt. Có lẽ điểm quan trọng nhất là tiềm năng quân sự dường như được biện hộ nhằm bảo đảm khả năng răn đe chứ không phải là khả năng tấn công nước khác.
Suy cho cùng, răn đe là vấn đề tâm lý: Ta không bao giờ biết sức mạnh nào đủ sức răn đe kẻ thù tiềm năng, ta chỉ biết cái gì đủ sức răn đe mình mà thôi. Những hoạt động quân sự trong thời gian trước đây, ví dụ, Anh giành lại quần đảo Falkland từ tay Argentina hoặc Chiến tranh vùng Vịnh do Liên Hợp Quốc bảo trợ nhằm chống lại Iraq, là những cuộc chiến không cần thiết, vì, dựa vào lý trí mà nói, những kẻ xâm lược phải biết rằng đối thủ của mình có lực lượng vũ trang lớn hơn hẳn. Trong cả hai trường hợp, những kẻ xâm lược đã sai khi tính toán rằng phía bên kia sẽ không sử dụng sức mạnh vượt trội của mình. Dường như răn đe hạt nhân, với mức độ hủy diệt cực kì cao ngay sau hành động gây hấn, không cho phép tính toán sai phản ứng của đối thủ, sẽ hiệu quả hơn là vũ khí thông thường. Trong cả hai ví dụ vừa nêu, không bên nào thực sự đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
113. Development – Phát triển. Phát triển là khái niệm có tính quy phạm để nói về quá trình đa chiều. Một số người khẳng định rằng phải có ý nghĩa tương đối về thời gian, địa điểm và hoàn cảnh và bác bỏ mọi công thức mang tính phổ quát.
Hiệu quả kinh tế được nâng lên, tiềm lực kinh tế của đất nước gia tăng và tiến bộ về công nghệ, cũng như sự đa dạng về kinh tế và công nghiệp và khả năng thích ứng với những cú sốc được coi là những điều kiện cần cho phát triển bền vững. Những điều kiện khác, do những người cầm bút thuộc những môn hoa học xã hội khác nhau thêm vào, bao gồm: thay đổi trong cơ cấu xã hội, thái độ và động cơ, mục đích của cải thiện về kinh tế. Tổng sản phẩm quốc gia (GNP) và thu nhập bình quân đầu người là phương tiện chứ không phải mục đích. Trong một số tác phẩm, gia tăng phúc lợi xã hội nói chung còn bao gồm thành tích trong lĩnh vực văn hóa và tinh thần, phẩm giá cá nhân và giá trị của các nhóm người; phát triển được định nghĩa là có đủ những điều kiện cần cho việc hiện thực hóa tiềm năng của từng cá nhân trong xã hội. Ở mức độ đơn giản nhất, phát triển là thỏa mãn ngày càng tốt hơn những nhu cầu căn bản của con người, ví dụ như lương thực, thực phẩm. Có những quan điểm trái ngược nhau về những nhu cầu này. Giáo dục có phải là nhu cầu hay không? Phát triển thường được coi là cải thiện trong một số chỉ số xã hội và chất lượng của đời sống, ví dụ như tuổi thọ trung bình. Ý tưởng về phát triển giới thảo luận những vấn đề lý thuyết và thực tiễn của quan hệ giới, mô hình phát triển kinh tế, phân phối thu nhập và công bằng.
Phát triển còn bao gồm quyền tự quyết dân tộc gia tăng, ám chỉ khái niệm cho rằng phát triển là đất nước làm được điều gì đó cho chính mình và bớt phụ thuộc vào bên ngoài. Hiện nay người ta hay nói tới phát triển bền vững về môi trường, hay phát triển đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không cản trở các thế hệ tương lai đáp ứng các nhu cầu của họ và lý thuyết phát triển của phái nữ quyền đặc biệt nhấn mạnh những vấn đề giới và phụ nữ. Dân chủ hóa, chính phủ có trách nhiệm giải trình và tôn trọng nhân quyền cũng là những vấn đề nổi bật khi bàn tới phát triển.
Phát triển còn là quyền tự do ngày càng gia tăng. Nói cho cùng, nhu cầu cơ bản nhất có thể là quyền tự do quyết định tương lai của mỗi cá nhân, là quyền được tham gia vào việc ban hành những quyết định có ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi người. Phát triển kinh tế không thể tách rời với những khía cạnh khác của đời sống. Đóng góp quan trọng nhất của phát triển là những lĩnh vực mà tất cả các thành viên của xã hội được tham gia lựa chọn, mà không bị phân biệt đối xử, ngày càng gia tăng. Các nhà bình luận hiện nay khắng định rằng, nói đến phát triển là phải nói tới tham gia – tức là những người dân bình thường hiểu, đề xướng và kiểm soát tiến trình. Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho rằng phát triển con người không chỉ là thúc đẩy thịnh vượng về vật chất mà còn thúc đẩy tự do và phẩm giá của con người. Hàng năm UNDP đều khảo sát về phát triển con người trong tất cả các nước trên thế giới, mặc dù họ chỉ sử dụng các chỉ số như tuổi thọ trung bình, tỉ lệ người biết đọc biết viết, giáo dục và mức sống.
114. Devolution – Phân quyền. Phân quyền là quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền trung ương cho cấp dưới hoặc khu vực; một trong những những lý do được đưa làm làm như thế sẽ tăng hiệu quả của chính phủ và đáp ứng những nhu cầu của những khu vực đặc biệt trong cộng đồng trong việc kiểm soát những vấn đề của riêng họ. Cuối những năm 1970, từ này trở nên thịnh hành ở Vương quốc Anh, đấy là khi người ta đề nghị thành lập nghị viện riêng cho Scotland và xứ Wales, mỗi nghị viện có một loạt quyền lực trước những vấn đề nội bộ của mình. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý về những đề xuất chứng tỏ phần lớn cử tri ở xứ Wales phản đối việc chuyển giao quyền lực như thế. Ở Scotland, phần lớn những người tham gia cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ những đề xuất này, nhưng lại chưa chiếm đến 40% tổng số cử tri theo quy định, và những đề xuất này đã bị xóa bỏ. Mãi gần cuối thế kỷ XX, việc phân quyền mới diễn ra một cách nghiêm túc, đấy là khi chính phủ Lao động, năm 1997, cho Scotland lập quốc hội riêng với quyền lực hạn chế, và trao cho Wales nghị viện với quyền lực của chính quyền địa phương. Trong lần trưng cầu dân ý thứ hai, người xứ Wales ủng hộ phân quyền nhiều hơn so với lần trước, nhưng người Scotland muốn độc lập với London.

Comments are closed.