Thuật ngữ chính trị (58)

Phạm Nguyên Trường


180. Exchange valueGiá trị trao đổi. Giá trị trao đổi là quan hệ tỷ lệ về lượng giữa những giá trị sử dụng của các hàng hóa khác nhau có thể trao đổi cho nhau. Ví dụ, một đôi giày có thể đổi được hai cái ghế thì giá trị trao đổi của một đôi giày là hai cái ghế, và giá trị trao đổi của hai cái ghế là một đôi giày. Khi tỉ lệ trao đổi này được thể hiện bằng tiền (2 cái ghế = 500.000 đồng) thì giá trị trao đổi là giá tính bằng tiền của món hàng hóa cụ thể nào đó. Từ Aristotle, người đầu tiên phát triển khái niệm này, đến những nhà kinh tế học cổ điển như Adam Smith (1723-1790) và David Ricardo (1772-1823), vấn đề chính là cố gắng tìm những yếu tố quyết định giá trị trao đổi của hàng hóa. Tính hữu dụng, khan hiếm, giá lao động và tư bản là những giải pháp được đưa ra. Cuộc tranh luận đạt đỉnh điểm khi Karl Marx (1818-1883) lập luận rằng “giá trị” tự nó là lao động xã hội mà xã hội cần để làm ra món hàng, nghĩa là đấy là một phần của thời gian làm việc của xã hội, như một tổng thể, sẽ không thể được thể hiện cho đến khi nó được đem ra thị trường để trao đổi. Điều này hàm ý rằng việc trao đổi một món hàng lấy một món hàng khác là quan hệ xã hội giữa người với người, quan hệ ‘được coi” là quan hệ mang tính định lượng giữa các đồ vật, nghĩa là hàng hóa. Nhưng, các lý thuyết gia bên ngoài trường phái Marxist không chấp nhận nền tảng xã hội của trao đổi, họ cho rằng giá trị trao đổi chỉ đơn giản là giá, được quyết định bởi cung và cầu.

181. Executive – Nhánh hành pháp (chính phủ).

Lý thuyết gia chính trị người Pháp, Montesquieu (1689-1755) chia hệ thống chính trị thành ba nhánh riêng biệt: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỗi nhánh thực hiện một chức năng khác nhau và theo quan điểm của Montesquieu, phải tách biệt với các nhánh khác của chính quyền (xem tam quyền phân lập). Hành pháp được định nghĩa là thành phần của hệ thống chính quyền, có chức năng quyết định và thực thi ý chí của nhà nước, chứ không ban hành luật pháp, mặc dù, trên thực tế, các hệ thống chính trị hiện đại cho pháp quyền lập pháp. Ở những nước như Pháp, hành pháp quyền, mặc dù không phải cơ quan lập pháp, thông qua các sắc lệnh có tính ràng buộc. Ở tất cả các nước trên thế giới, hành pháp có nhiều ảnh hưởng đến các đạo luật mà cơ quan lập pháp sẽ thông qua.

Ở Vương quốc Anh, các thành viên chính phủ cũng là các nghị sĩ, trong khi ở Mỹ và Pháp, không người nào có thể đồng thời vừa là nghị sĩ, vừa là bộ trưởng. Trong nhiều hệ thống, thuật ngữ “hành pháp” bao gồm cả các chính gia dân cử và bộ máy quan liêu của chính phủ không do người dân bầu ra. Trong các hệ thống dân chủ hiện đại, thường có ba hình thức chính phủ: tổng thống, chế độ bán tổng thống, như ở Pháp, và nội các. Có sự mơ hồ, cả về lý thuyết cũng như thực tế, về câu hỏi hành pháp bao gồm những gì – đấy có phải chỉ những người lãnh đạo chính trị của bộ máy nhà nước, hay còn bao gồm ví dụ, lĩnh vực dân chính? Kỳ lạ là, có lẽ được định nghĩa tốt nhất về hành pháp là định nghĩa theo lối tiêu cực — hành pháp là một phần của hệ thống chính trị chính thức và có tổ chức, nhưng không phải là cơ quan lập pháp và cũng không phải là cơ quan tư pháp.

Ở những nước độc đảng như Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; tức là chỉ có phân công chứ không có phân lập, đối trọng và kiểm soát lẫn nhau của ba nhánh quyền lực.

182. Executive agreement – Thỏa thuận điều hành. Thỏa thuận điều hành là thỏa thuận giữa những người đứng đầu chính phủ của hai hoặc nhiều quốc gia có hiệu lực khi chưa được/không cần cơ quan lập pháp phê chuẩn. Các thỏa thuận điều hành được coi là ràng buộc về mặt chính trị, tức là khác với các thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý. Ở Hoa Kỳ, chỉ có tổng thống mới có quyền kí các thỏa thuận điều hành. Đây là một trong ba cơ chế để Hoa Kỳ chấp những các nghĩa vụ có tính rang buộc trên trường quốc tế.

183. Executive office of president (EOP – Văn phòng điều hành của tổng thống Hoa Kỉ. Văn phòng điều hành của tổng thống Hoa Kì là những cơ quan cao cấp của chính phủ Hoa Kì, trong đó có Phòng quản lí và ngân sách, Hội đồng an ninh quốc gia, Phòng chính sách kiểm soát ma túy quốc gia, Văn phòng Nhà Trắng… có nhiệm vụ phối hợp các hoạt động của chính phủ, tập trung chủ yếu vào xây dựng chương trình hành động và chính sách. Đứng đầu EOP là Chánh văn phòng Nhà Trắng.

Comments are closed.