Thuật ngữ chính trị (73)

Phạm Nguyên Trường

 

233. Freedom – Tự do. Tự do là không bị can thiệp hoặc cản trở. Đáng tiếc là, dù tư tưởng về tự do được nhiều người gán cho vai trò quan trọng, hầu như tất cả những khía cạnh của những định nghĩa, hoặc mô tả về nó đều có thể gây tranh cãi. Geranld MacCallum (1925-1987) cho rằng tất cả những lời tuyên bố về tự do đều có thể được trình bày theo cùng một công thức: A tự do với B để p (p là viết tắt của bất cứ động từ hành động nào) – và, vì vậy, tranh cãi về tự do là tranh cãi về ba thuật ngữ: tác nhân, trở ngại và hành động hay mục tiêu được nhắm tới. Công thức này có thể giúp dự đoán được bất đồng và cung cấp khuôn khổ xây dựng các quan niệm. Có thể có một khái niệm về tự do, nhưng có nhiều quan niệm về nó. Isaah Berlin (1909-1987), trong một bài giảng nổi tiếng, đã đề xuất hai khái niệm về tự do: tự do mang tính phủ định – không có sự can thiệp của những người khác và tự do mang tính khẳng định – khả năng của tác nhân thực hiện p. Có thể đưa ra ba vấn đề cho thấy các khái niệm về tự do khác nhau tới mức nào. Thứ nhất, những cố gắng đã được thực hiện nhằm phân biệt quyền tự do và khả năng. Trong hầu hết các bối cảnh xã hội, người ta quan tâm tới sự can thiệp hoặc cản trở do những người khác gây ra, ám chỉ sự khác biệt giữa khả năng của một người trong việc tiến hành một hành động nào đó và quyền tự do làm việc đó của người đó. Do đó, tôi được tự do bay như chim (không ai can thiệp hay cản trở tôi), nhưng tôi không thể bay; tôi có khả năng làm nhiều việc mà, theo luật pháp, tôi không được tự do làm. Nếu tôi vô tình làm gãy tay mình, tôi không thể viết; nhưng nếu bạn còng tay tôi, tôi sẽ không được tự do viết. Trong hai ví dụ cuối, khác biệt giữa khả năng và quyền tự do không rõ ràng như hai ví dụ đầu vì trong hai ví dụ này tác nhân vật lý là cản trở trực tiếp. Mô tả rõ ràng của trường hợp trói tay là tôi không được tự do viết vì bạn đã làm cho tôi mất khả năng viết, ám chỉ khả năng là điều kiện của tự do. Nếu khả năng là điều kiện của tự do, thì việc tôi không có khả năng bay cũng có nghĩa là tôi không được tự do bay như chim. Rõ rang là, cả tác nhân và những người khác đều có thể gây ảnh hưởng tới khả năng vật lý, và ảnh hưởng theo những cách khác nhau: trói tay là cản trở tạm thời, nhưng một số biện pháp làm mất khả năng có thể là không thể đảo ngược được; cả tác nhân và những người khác đều có thể vô tình hay có cố ý gây ảnh hưởng tới khả năng của cá nhân. (Giả sử tôi cố ý làm gãy tay mình: quan hệ giữa khả năng viết và quyền tự do của tôi có tương tự như khi bạn còng tay tôi hay không?) Trong quan niệm của Hillel Stainer (1942-) về tự do, người ta chỉ không được tự do khi bị người khác cản trở hành động. Do đó, một người chỉ không được tự do thực hiện p khi người đó không có khả năng thực hiện p vì bị một người nào đó cản trở – tự do phụ thuộc vào khả năng, nhưng là trong quan hệ giữa các cá nhân.

Khó khăn thứ hai xuất hiện khi so sánh những trường hợp liên cá nhân và thuộc phạm vi cá nhân. Một số người, tương tự như Stainer, cho rằng quyền tự do chỉ liên quan tới quan hệ liên cá nhân. Nhưng một số người khác lại muốn mở rộng phạm vi của quyền tự do – cản trở hoặc chướng ngại vật mà cá nhân gặp, bao gồm cả những đặc điểm và tính khí của người đó. Giả sử, tôi sợ đám đông. Không có ai phải chịu trách nhiệm về hoàn cảnh của tôi – không ai áp đặt cho tôi hoàn cảnh đó, mặc dù họ có thể giúp tôi vượt qua. Nếu chúng ta nói rằng quyền tự do của tôi có thể được tăng cường bằng cách loại bỏ những sợ hãi như thế, thì chúng ta phải chấp nhận rằng tự do có thể là thuộc phạm vi cá nhân. Nhưng nếu chúng ta coi quyền tự do là thuộc lĩnh vực liên cá nhân, thì chúng ta có thể nói rằng tôi có quyền tự do đi lại, nhưng rõ ràng là về mặt tâm lý, tôi không thể làm như thế.

Vấn đề thứ ba: quan hệ giữa quyền tự do và nguồn lực. Để có thể đạt được mục tiêu nào đó, hay thậm chí làm một hành động cụ thể nào đó, người ta cần phải tiếp cận được một số điều kiện hành động – quan trọng nhất là không gian và tiền bạc. Nói rằng một người nào đó không có nguồn lực để làm p trở thành tự do để làm p là nói rằng nếu cung cấp cho người đó nguồn lực thì đây không phải là gia tăng tự do mà chỉ là gia tăng nguồn lực, và nhiều người cầm bút coi đây là tính chất của hoàn cảnh. Một số người cho rằng cần phân biệt giữa tự do hình thức và tự do thực chất. Trong trường hợp này, tự do hình thức không thay đổi, nhưng tự do thực chất của người đó đã gia tăng (quyền cũng tương tự như thế). Tự do mà người ta quan tâm ở đây là tự do thực chất.

234. Freedom house index – Chỉ số của Freedom House. Chỉ số của Freedom House là đánh giá về các quyền chính trị và quyền tự do dân sự. Chỉ số này được viện nghiên cứu có trụ sở ở Hoa Kì (Freedom House) thu thập từ những năm 1970. Chỉ số này đánh giá các nước theo một loạt tiêu chí liên quan tới thành tích dân chủ và hoạt động của chính phủ các nước trên thế giới. Chỉ số cung cấp chỉ dấu về những thay đổi theo thời gian và được sử dụng để đánh giá những thay đổi về mức độ dân chủ và nhân quyền và quan hệ của chúng với cơ cấu hiến định và phát triển kinh tế.

Comments are closed.