Tiếp tục dấn thân cho sự nghiệp làm người

Bùi Minh Quốc

“… ngày nay các nhà văn chúng ta phải tiếp tục dấn thân cho sự nghiệp làm người, cho sự nghiệp dân chủ hoá đất nước …”

Trước hết tôi hoan nghênh ban tổ chức đã có chút đổi mới cách tiến hành những buổi lễ như thế này. Khi đi dự, tôi hình dung chắc cũng lại nghi lễ tẻ nhạt như mọi khi thôi, nên lúc vừa tới đây tôi đã nói ngay với anh Lê Văn Thảo, phó chủ tịch Hội: 
“Cậu để cho mình phát biểu 10 phút nhé!”.
“Tụi nó đăng ký tùm lum hết trơn rồi”.
“Thì bây giờ tớ đăng ký, phải để cho tớ nói”.
“Nói gì, hôm nay kỷ niệm thành lập Hội, chỉ nói kỷ niệm thành lập Hội thôi” 
“Qui định thế à?” 
“Qui định chớ, tổ chức nào mà không có qui định, cậu có kỷ niệm gì mà nói?” 
“Sao cậu biết là tớ không có kỷ niệm?”.
“Mà việc này phải hỏi thằng Thỉnh”.
“Thỉnh đâu?”.
“Nó chưa tới.” 
Cuối cùng thì yêu cầu của tôi cũng được đáp ứng và tôi lên đây phát biểu.

1. 
Năm 1957 khi thành lập Hội tôi mới mười bảy tuổi, cái tuổi bây giờ thường gọi là chíp hôi, tôi chỉ mới có một bài thơ đăng trên tuần báo Văn của Hội. Điều tôi vui sướng nhất và nhớ mãi đến tận giờ là bài thơ được đăng trong một cái khung chỉ có hai bài, là bài “Một ngày bình thường” của tôi và bài “Những nét mặt” của anh Văn Cao. Năm 1962, Đại hội lần thứ 2 của Hội, tôi chưa phải hội viên, nhưng được mời làm đại biểu dự thính, đến để nghe các bậc đàn anh. Bấy giờ tôi cũng chỉ mới có cái truyện ngắn “Cô thợ nề” đăng báo và bài thơ “Lên miền Tây” sau khi đăng báo thì được đưa vào Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960 và đưa vào dạy trong nhà trường, trích làm đề thi tốt nghiệp cho học sinh cấp 2. Nhưng kỷ niệm đậm nét nhất là tháng 4 năm 1959 khi tôi đang học lớp 10 phổ thông thì được mời đi dự hội nghị những người viết văn trẻ, đây là hội nghị đầu tiên trên miền Bắc dành cho người víết trẻ. Tôi nhớ mãi một lời phát biểu của nhà văn Nguyễn Đình Thi, tổng thư ký Hội, đại ý: muốn làm văn, trước hết phải làm người, làm người là cái gốc của sự làm văn. Lời ấy ngày ấy của nhà văn tổng thư ký đã ghi sâu trong tâm khảm tôi suốt cuộc đời cầm bút.

Khi tôi vào chiến trường, gặp nhà văn Nguyên Ngọc, một bậc đàn anh, một cán bộ lãnh đạo, một người hướng đạo về tư tưởng đối với tôi thời đó. Anh Nguyên Ngọc đã từng một thời gian dài xuống tận vùng vành đai diệt Mỹ trực tiếp làm bí thư xã, chỉ đạo cuộc chiến đấu ở đó. Theo gương anh Ngọc, anh chị em trẻ chúng tôi luôn đến những nơi “mũi nhọn của mũi nhọn”. Tôi nhớ mãi trong bài tùy bút “Mùa xuân ra trận”, anh Nguyên Ngọc viết trước cuộc tổng tấn công Mậu Thân (1968) có một câu rất hay, tôi rất tâm đắc: “Cuộc chiến đấu của chúng ta là cuộc chiến đấu để làm người!” Anh Nguyên Ngọc đã nhân rộng câu nói của anh Nguyễn Đình Thi trong phạm vi các nhà văn để khái quát rất đúng rất hay ý nghĩa cuộc chiến đấu của toàn dân ta, chiến đấu không những chỉ để giành độc lập thống nhất mà còn là để làm người, giành lấy quyền làm người, xây dựng một cuộc sống xứng đáng với con người. BMQ

Nhà văn Bùi Minh Quốc phát biểu trong lễ kỷ niệm 50 năm Hội Nhà văn Việt Nam

Mấy thế hệ nhà văn đã dấn thân cho cuộc chiến đấu ấy, nhiều anh chị em đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường, vậy nên ngày nay các nhà văn chúng ta phải tiếp tục dấn thân cho sự nghiệp làm người, cho sự nghiệp dân chủ hoá đất nước. Trước khi qua đời, anh Nguyễn Minh Châu viết trong thư gửi nhà thơ Nguyễn Trung Thu (tác giả bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”): “Làm thằng nhà văn Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách”. Tôi đã sưu tầm ý kiến rất quan trọng đó của anh Nguyễn Minh Châu gửi cho báo Văn nghệ để đăng trong mục “Tiếng nói nhà văn”, nhưng gửi tới 5 lần mà báo vẫn không chịu đăng, sau phải đưa đăng ở báo Tiền phong. Sau cuộc họp mặt này tôi sẽ tiếp tục gửi cho anh Nguyễn Trí Huân, yêu cầu đăng  Văn nghệ đăng. Đại hội lần thứ 9 của Đảng 6 năm trước đã đưa DÂN CHỦ thành mục tiêu chiến lược. Tôi đề nghị phải đưa DÂN CHỦ lên hàng đầu, hoàn chỉnh như thế này: DÂN CHỦ HOÁ – CÔNG NGHIỆP HOÁ – HIỆN ĐẠI HOÁ, ba cái HOÁ ấy phải gắn chặt với nhau, mà DÂN CHỦ là hàng đầu, bởi không gắn với dân chủ thì công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ lệch lạc, không lành mạnh, không bền vững. Ở đây có chị Hà, ủy viên thường vụ thành ủy, phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố, tôi nhờ chị báo cáo với thành ủy ỷ kiến của tôi đề nghị kẻ pa-nô áp-phích thật to ở khắp các nơi để người dân hàng ngày nhìn thấy 3 cặp chữ: DÂN CHỦ HOÁ – CÔNG NGHIỆP HOÁ – HIỆN ĐẠI HOÁ. 
2. 
Hàng ngày các nhà văn chúng ta luôn lên tiếng về tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, nhưng còn tình trạng đạo đức, nhân cách của các nhà văn trong Hội ta thì sao, có xuống cấp không? Chúng ta phải tự xem lại mình, phải xem lại nhân cách nhà văn trong Hội ta, từ Ban chấp hành trở xuống. Nhà văn là người đưa đến người đọc những giá trị nhân văn cao quý nhưng bản thân nhà văn thì nhiều khi sống ngược lại những giá trị ấy, mê muội lao theo những tham vọng tầm thường mà không biết xấu hổ, điều đó người đọc không chấp nhận được. Tôi thuộc trường phái hướng đến những tác phẩm lớn được sản sinh từ một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn trong một tài năng lớn (cũng có trường hợp một nhân cách tồi mạt vẫn đẻ ra được tác phẩm hay, nhưng đó chỉ là hãn hữu). 
3. 
Xin nhắc lại một ý kiến tôi đã phát biểu cách đây mấy năm: Hội ta cần đổi mới về tổ chức. Hơn 800 hội viên là quá đông, cần tách ra làm ba: Hội nghiên cứu, lý luận phê bình văn học nghệ thuật, Hội dịch văn học nghệ thuật, Hội nhà văn, để mỗi hội có điều kiện đi sâu vào chuyên môn hơn. Tôi nghĩ đây cũng là nhu cầu bức thiết của anh chị em nghiên cứu, lý luận, phê bình, dịch thuật, nhu cầu này cần được đáp ứng ngay. 
4. 
Sau cùng tôi xin nhắc lại một ý kiến đã phát biểu cách đây 12 năm trên diễn đàn đại hội lần thứ 5 (tháng 3 năm 1995): cần sớm có luật về tự do lập hội. Từ năm 1993, Quốc hội đã có dự thảo luật về quyền tự do lập hội của công dân mà Hiến pháp đã qui định, nhưng dự thảo sửa đi sửa lại tới 13 lần vẫn chưa thông qua được vì vẫn tồn tại một khuynh hướng muốn dùng một thứ mang tiếng là luật về hội mà thực chất là để thủ tiêu quyền tự do lập hội. Dứt khoát phải sớm có luật đảm bảo quyền tự do lập hội của công dân, Nhà nước thích có hội của mình thì cứ bỏ tiền ra nuôi Hội Nhà văn quốc doanh, còn các nhà văn không thích hội quốc doanh thì ra lập hội riêng tự nuôi tự quản, không cần xin một xu công quỹ, như thế đời mới vui, xã hội mới sinh động, mới thực là xã hội công dân.

Bùi Minh Quốc
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Hội Nhà văn Việt Nam
tổ chức cho khu vực phía Nam ngày 4.6.2007
tại Bảo tàng Phụ nữ TPHCM
Nguồn: talawas, ngày 14/06/2007

Phụ lục:

Nguyễn Minh Châu nói về
nhà văn và sự nghiệp dân chủ hoá đất nước

Tháng 4 năm 1988, khi đang chữa bệnh ở chùa Pháp Hoa (Đồng Nai), trong một bức thư gửi nhà thơ Nguyễn Trung Thu, nhà văn Nguyễn Minh Châu tâm sự rằng ông vẫn thèm viết tiếp một bài về vấn đề “Nhà văn và sự nghiệp dân chủ hoá đất nước”, nhưng rồi bệnh ngày càng nặng khiến cho đến khi qua đời ông vẫn chưa thực hiện xong dự định. Tuy vậy đồng nghiệp và bạn đọc vẫn may mắn biết được ý kiến của ông về vấn đề này. 
Cũng trong bức thư trên, Nguyễn Minh Châu viết:

“Nhà văn nước nào cũng vậy, ngoài tiếng nói trong tác phẩm, phải có tiếng nói xã hội, tiếng nói trước công bằng và bất công, trước chiến tranh và hoà bình. 
Theo tôi, làm một thằng nhà văn Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách, [1] kể cả việc anh núp sau lập luận rằng văn học là cái gì sâu xa để đời (…) Ở cái chỗ này tôi thấy có cái gì đang thử thách, lại thử thách từng người rất tinh vi, ai ra sao nó lại lộ ra như thế… 
… Tôi nghĩ rằng có khi mình phải quên mình đi cho sự nghiệp dân chủ (mình đây là tính văn học), và có ai như thế, tôi kính trọng vô cùng.” [2]

Trước khi qua đời không lâu, trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ ngày 3/12/1988, từ trên giường bệnh, nhà văn Nguyễn Minh Châu lại nhấn mạnh một lần nữa rằng nhà văn phải dùng “tiếng nói xã hội” của mình để bày tỏ thái độ trước bất công, trước cái ác, trước nỗi oan khiên của con người. Ông nói:

“Tôi nghĩ rằng thời nào và ở đâu cũng vậy, các nhà văn chỉ có một việc chính và duy nhất là viết cho hay; ngoài ra, bằng uy tín của mình, anh phải tham gia tiếng nói vào những vấn đề của con người, trước những bất công, trước cái ác, anh không có quyền dửng dưng, thây kệ khi con người bị đày đoạ và chà đạp (…) Cái lỗi lớn nhất của mỗi chúng ta là đã khiếp hãi trước cái ác. Và lâu dần, dường như không làm gì được thì chúng ta coi như không có nó – cuộc đời không có cái xấu và cái ác đang hoành hành, đang chi phối số phận con người, coi như cuộc đời không có oan khiên, oan khuất…”

[1] BMQ ghi đậm
[2] Có thể có người sẽ vin vào câu này mà bảo rằng Nguyễn Minh Châu không coi trọng tính văn học. Nhưng đọc văn ông, ai cũng thấy ông coi trọng tính văn học nghiêm cẩn đến thế nào. Tôi nghĩ, Nguyễn Minh Châu viết như vậy chẳng qua cũng là để nhấn mạnh tầm hệ trọng và tính bức thiết của sự nghiệp dân chủ hoá đất nước và trách nhiệm xã hội của nhà văn (BMQ).

Comments are closed.