Tuyển Frankfurt (kỳ 5)

Phạm Kỳ Đăng dịch

Bài thơ „Tháng Chín“ của Hermann Hesse

Gerhard Stadelmaier

Dưới giác độ trữ tình, tháng Chín đang lại gần là thời điểm lý tưởng để chết. Và bài thơ này là một đồng thuận tuyệt vời bình thản với kết thúc, nơi Hermann Hesse thế đấy vẫn còn nấn ná lại một hồi.

Hãy hôn vào cánh tay già héo đi! Thần chết là một hiệp sĩ hoa hồng. Với một nhành hoa chết nở điều kỳ diệu trong lẵng an ủi của người mang hoa dành cho đôi mắt „thấm mỏi mệt“ và tựu trung cho tất cả những ai khát khao an nghỉ cuối cùng muốn thu xếp việc này với một gout thẩm mỹ tinh tế và phong thái trầm tĩnh. Và như thế, vào ngày 23.09.1927, Hermann Hesse, khi đó là người đàn ông „ trạc ngũ tuần“, trên những chân thơ ba bốn nhịp lên nhẹ nhàng và lả lướt, đã để cho mùa hè trở thành một ngữ hình rất có nhân tính, vượt qua tầng đời rạng chiếu, nóng hổi – chín muồi, và „ngỡ ngàng và thâm u“, sao mà như sẵn đợi, kiêu hãnh buồn thương trong không khí lạnh rùng mình của tuổi già chầm chậm bước những dốc xuống đi về vĩnh biệt.

Tháng Chín – nhìn ở khía cạnh thơ ca là thời điểm thuận nhất để chết, nếu như hoa vẫn còn hiện diện. Mưa rỏ xuống lòng hoa và hàng ngàn bông phấn bụi nhỏ sắc vàng nhỏ xuống từ cây keo hoang dại với những cành xoáy khá vút lên cao ngỡ hồ dâng tặng đất mồ nghĩa trang trong một cơn cuồng phong mưa vàng cuối cùng những chiếc lá xếp dẻ quạt đối hàng trút xuống.

Người ta không chết trong tháng Tám

Nhưng mà trước đó còn một chương trình đối lại rõ rệt. Sự điên cuồng. Có thể nói như thế trong tháng Tám của đời ông, cũng trong năm 1927, Hesse, hợp với thiên chất, đã đưa Krisis (1) thành thi tập vào tâm điểm cuộc đời và với 56 bài thơ ông lăn lộn trong đất vô cơ của khu vườn đời hoang dã và nghịch ngợm và một lần nữa, một cách cay đắng và trào lộng (và cả một chút gì đó tự thương cảm) buông ra sự bực tức và đớn đau cũng như tiếng reo vui đã trở nên mong manh: “Họ buông xuôi, họ chán đời/ họ bị bỏ rơi, họ lỡ dở/ Và quỉ ơi mái tóc rụng đi”, nhưng rồi những tưởng ” trước khi kết cuộc” một cô gái sà vào cánh tay, ông cởi “áo và quần cô ra/ Và sau đó nhân danh Đức Chúa/ Thần chết đón ta đi. Amen”. Nhưng mà không trong tháng Tám. Trong một thứ kiểu như lên cơn sám hối cuồng nộ trước khi sập cửa ông đã đeo lên mặt chiếc mặt nạ phóng đãng trước giá treo cổ của Villon (2): „A mà tôi nốc và ngấu nghiến/ Không còn tên là gã Hesse/ Nằm bên những mụ đàn bà/ Chà thân mình vào cơ thể họ/ Không thỏa độ bóp cho chết nghẹt/ Rồi sau đó gã đao phủ tới/ và mang tôi đến nơi yên nghỉ“, bởi vì: „Gã Hesse nổi tiếng ấy biến rồi/ Duy ông chủ nhà in nhờ khách hàng mà sống“ (Điều ai cũng biết sau cái chết thực của Hesse vào năm 1962, nhà xuất bản Siegfried Unselds Suhrkamp tiếp tục thoải mái làm và vớ bẫm cho tới hôm nay…). Và „ Tới tai Đức thánh Gioan Rửa tội, gã Herrmann Say khướt cất tiếng“ về tinh cồn của sự tiêu thụ cô-nhắc cấp cao: „Ai biết hoan lạc của cuộc đời/Hẳn liếm vào mõm mình/ Ngoài ra chúng tôi đáng hưởng/ chết đi trong thê thảm ngày mai“. Nhưng không trong tháng Tám. Ngày mai là „Tháng Chín“.

Nhưng trong khi những bài thơ tập Krisis bướng bỉnh thứ nhạc mèo kêu lảnh lói, bài thơ Tháng Chín với những bộ kèn sáo bằng gỗ (sáo, kèn, oboe) vút cao như cây keo, với âm sắc của đàn celesta, của những biến đổi âm run rẩy của bộ dây và xúc cảm từ tạ mãnh liệt của giọng soprano đã gióng lên một thanh âm giao hưởng khác: tương tự thế, cũng như Richard Strauss (3) trong phần hai của „Bốn bài hát cuối“ đã phổ nhạc „giấc mơ vườn hấp hối“. Và mặc dầu Hesse không thích thú nghệ thuật âm nhạc của Strauss, coi là thứ „điêu luyện, tinh vi, đầy vẻ đẹp thủ công nhưng mà không có trung tâm, chỉ là mục đích tự thân“, thì trong những điệu hò đơn âm và những bước đong đưa giai điệu nhúng hoa vào đó, nơi cơn mưa cung thứ thương cảm ngọt ngào hắt xuống cũng như hát lên ở đây, thì Strauss đã hoàn toàn tuyệt vời bắt trúng vào âm hưởng của từ trần, của cái chết và sự an ủi của bài thơ này: như một sự đồng cảm tuyệt vời và bình thản với kết thúc. Của một ngữ hình quan trọng. Nó có thể nói về bản thân mình:“Kính Cha, thực đã đến thì/ Mùa hạ vô cùng rộng lớn“(4). Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Nguồn: FAZ – Frankfurter Anthologie– Hợp tuyển Frankfurt

Tháng Chín

Hermann Hesse (1877-1962)

Khu vườn buồn tưởng
Mưa đổ xuống lạnh lòng hoa
Mùa hè đương đầu hồi kết
im lặng nổi phong ba

Từ cây keo cao
Rỏ xuống vàng ròng, lá theo lá
Ngỡ ngàng và thâm u, mùa hạ
Mỉm cười vào giấc mơ vườn hấp hối

Khát khao yên nghỉ, bên những đóa hồng
Lâu chút nữa mùa hạ dừng chân.
Rồi khép lại chậm dần
Đôi mắt lớn thấm màu mỏi mệt.

© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức

September

Hermann Hesse (1877-1962)

Der Garten trauert,
Kühl sinkt in die Blumen der Regen.
Der Sommer schauert
Still seinem Ende entgegen.

Golden tropft Blatt um Blatt
Nieder vom hohen Akazienbaum.
Sommer lächelt erstaunt und matt
In den sterbenden Gartentraum.

Lange noch bei den Rosen
Bleibt er stehen, sehnt sich nach Ruh.
Langsam tut er die großen
Müdgewordenen Augen zu.

Chú thích của người dịch:

Hermann Karl Hesse (1877-1962): Nhà thơ, nhà văn, họa sĩ Đức, nhận giải thưởng Nobel văn chương cho tác phẩm văn xuôi và thơ của mình.

Gerhard Stadelmaier: (sinh năm 1950): Nhà báo, nhà phê bình sân khấu Đức.

(1) Krisis: Tác phẩm nhật ký thơ xuất bản năm 1928 sáng tác trong thời gian Hermann Hesse viết Sói đồng hoang.
(2) François Villon ( 1431-1463): Nhà thơ Pháp, tác giả quan trọng nhất của thời Trung cổ hậu kỳ.
(3) Richard Georg Strauss (1864-1949): Nhạc sĩ Đức, được tính về trào Lãng mạn, con trai của nhạc sĩ Franz Strauss, ông nổi tiếng vì nhạc opera, phổ thơ và sáng tác bài hát.
(4) Câu mở đầu bài thơ Mùa thu của Rainer Maria Rilke, thi sĩ Đức.

clip_image002

Bài thơ “Mùa thu“ của Hölderlin

Hans-Joachim Simm

Những bài thơ về sau này của Hölderlin có phải chăng là cấp bậc hao mòn của những tụng ca và bi ca từ những năm tháng tuổi trẻ? Dẫu sao bài thơ „Mùa thu gây ngạc nhiên bởi bút lực thơ và sự lạc quan minh triết.

Hồi tưởng là tài sản cao quí, và mùa thu là thời khắc của năm. Đã ba chục năm, sau khi ra khỏi bệnh viện thuộc trường Tổng hợp với ghi chú bệnh án „không chữa được“, Hölderlin sống trong sự đùm bọc của gia đình người thợ mộc Zimmer ở vùng Tübingen, khi bài thơ ra đời vào năm 1837.

Trong cú pháp, phong cách, vận luật và đề tài, với những mô-típ và hình ảnh giống như vậy, phần lớn các bài thơ viết sau này hầu như không có thể sánh được với chất nhân tạo của những bài tụng ca và bi ca đầy ước vọng viết từ những năm tháng trước đây, nhưng hoàn toàn chúng không đơn điệu, như đôi lúc người ta nói, và không hề là một cấp bậc hao hụt về thơ, nhiều trong số những bài thơ sau này ra đời từ một thi lực sống động ở mức cao nhất.

Với những khổ bốn dòng, trong thể thơ jambơ năm và sáu nhịp, trong sự hoán đổi các vần đôi và vần chéo, về hình thức bài thơ Mùa thu đứng gần gũi với những bài thơ mùa của quãng đời này, và gần như trong từng chữ nó chỉ ra những mô-típ trung tâm không chỉ có trong tác phẩm về sau này. Nhưng khác với Eichendorff (1), Lenau (2) hoặc Keller (3), mật ngữ của mùa thu không chỉ được dùng để gọi lên một cách bi quan cái đã qua và của cái chết, mà là mở sang hướng đầy diệu ảnh về mặt lịch sử nhân loại và sinh tồn. Trong một bài thơ khác viết ở giai đoạn sau cũng mang tiêu đề như vậy, tác giả nói tới „ Ngày thu“ một cách „ dịu dàng“, và cũng như vậy, vững tin vào „ý nghĩa“ của bức tranh sáng màu“, „ rực rỡ ánh vàng bao bọc“. Trong tác phẩm „Hyperion“ (4), Hölderlin đã từng gọi Mùa thu là „Người anh em của mùa xuân“.

Bài thơ gồm bốn khổ, khổ đầu truy về mối quan tâm về truyền thuyết đeo đẳng nhà thơ cả đời, tới các thần thoại về sự sáng tạo nên thế giới và con người. Trí nhớ của nhân loại được lưu giữ trong những „truyền thuyết“, như trong bài thơ viết vào năm 1880 „Vâng chính thế/ Truyền thuyết hay ư, ký ức là chúng vậy, ở tầng cao nhất“. Ngay cả khi chúng qua đi, bị quên lãng, thì thế đấy như tình tự của tinh thần, chúng quay trở về. Và nếu cả khi bản thân Tinh thần biến đi – có thể đọc thấy trong tiểu sử tác giả – thì còn đó ước vọng muốn hồi tưởng càng mạnh mẽ hơn. Chính là từ „thời gian, đang hối hả biến đi”.

Quá khứ lịch sử, vang lên như trong khổ thứ hai, là thầy dậy của cuộc đời „ Những gì nó tạo nên bằng đức hạnh, và những gì nó hoàn tất ở tầm cao/ Sẽ đứng tháp tùng rạng rỡ cho quá khứ “, như Hölderlin nói trong bài thơ „Mùa hè“ được viết trong cùng năm với bài thơ „Mùa thu“. Nhưng những ảnh hình của quá khứ không đứng đó một mình tự thân, và chúng cũng không là những công cụ thuần túy cho hiện tại, nhiều hơn thế, chúng là thuộc phần của tự nhiên không rời xa chúng đi. Khác vậy, ngày mờ tối đi trong đơn tẻ thường nhật. Dẫu rằng mùa trong năm trôi qua, và cuối mùa hạ mùa thu xuống thế trở về trái đất, thì „thần mưa giông“, cơn mưa giông vần vũ hay là“ cơn giông mưa thần thánh“ lại „ hiện trên trời“.

Thời gian của cá nhân con người, được đề cập tới trong khổ thứ ba, trôi qua nhanh, ấy bởi nhà thơ biết tới sự tàn lụi nhanh của mình. Nhưng ông đón nhận số phận này, bởi mãi tới khi nhìn chăm chú về cái đã qua, cái năm mới hướng về kết cục „vui vầy“. Trong những hình ảnh này – trường từ ngữ liên kết thường được sử dụng trong tác phẩm sau này được huy động hai lần – sự hoàn tất hiển lộ, tất cả đều đi về một đích, một mục đích tối hậu.

Những vách đá trong khổ cuối cùng – xưa Hölderlin gọi chúng là những vách đá „kiêu hùng“ và „gan góc“- là biểu hiệu của sự vững bền, và khác với những hình dáng mây xốp, chúng không biến đi. Hành tinh trường tồn, sáng bởi mặt trời, và trong hình cầu của trái đất mở phơi „ với một ngày vàng son“, sự hoàn hảo dần hiển thị. Vậy thì không có lý do gì để ta thán về số phận riêng và số phận của thế giới.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: FAZ – Frankfurter Anthologie – Hợp tuyển Frankfurt

Mùa thu

Friedrich Hölderlin (1770 – 1843)

Những truyền thuyết, rời xa trái đất
từ Tinh thần từng hiện hữu và lại trở về
Chúng quay lại với loài người, và ta học được nhiều bề
từ Thời gian, hối hả đi hút mất

Những bức tranh của quá vãng không rời đi
từ Thiên nhiên, như ngày dần nhợt tắt
trong đỉnh cao mùa hạ, mùa thu lại xuống trần
Ở trên trời thần mưa gió lại vụ vần

Trong khoảnh khắc nhiều thứ đà kết thúc
Người đồng hương, hiện ra bên luống cày
Nhìn cái năm hướng kết thúc vui vầy
Trong ảnh hình ấy, ngày của người hoàn kết

Vành tròn của địa cầu trang hoàng với những vách đá
Không như đám mây, biến mất đêm đêm
Với một ngày vàng chói hiện lên
Vẻ tuyệt hảo không lời ta thán.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Der Herbst

Friedrich Hölderlin (1770 – 1843)

Die Sagen, die der Erde sich entfernen,
Vom Geiste, der gewesen ist und wiederkehret,
Sie kehren zu der Menschheit sich, und vieles lernen
Wir aus der Zeit, die eilends sich verzehret.

Die Bilder der Vergangenheit sind nicht verlassen
Von der Natur, als wie die Tag’ verblassen
Im hohen Sommer, kehrt der Herbst zur Erde nieder,
Der Geist der Schauer findet sich am Himmel wieder.

In kurzer Zeit hat vieles sich geendet,
Der Landmann, der am Pfluge sich gezeiget,
Er siehet, wie das Jahr sich frohem Ende neiget,
In solchen Bildern ist des Menschen Tag vollendet.

Der Erde Rund mit Felsen ausgezieret
Ist wie die Wolke nicht, die abends sich verlieret,
Es zeiget sich mit einem goldnen Tage,
Und die Vollkommenheit ist ohne Klage.

Tham khảo bài thơ cùng tên khác được nhắc tới trong bàì viết :

Mùa thu

Friedrich Hölderlin (1770 – 1843)

Thiên nhiên rạng rỡ: sự xuất thế trên tầm cao hơn
nơi ngày kết với bao niềm hoan hỉ,
quả là năm huy hoàng đang hòan mĩ,
trái quả quyện hòa trong ánh hào quang.

Trái đất tròn, như thế đấy điểm trang, và hiếm khi
âm thanh dội vọng vang qua đồng vắng, mặt trời
ấm ngày thu tỏa nắng, bao đồng trải
rộng dài một viễn cảnh, làn không khí vờn qua

những cành nhánh cùng rì rào niềm phấn chấn,
rồi sau những cánh đồng trong thinh không đan chuyển sang nhau,
sống trọn ý nghĩa hình ảnh sáng màu
như một bức tranh rực rỡ ánh vàng bao bọc.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Der Herbst

Friedrich Hölderlin (1770 – 1843)

Das Glänzen der Natur ist höheres Erscheinen,
Wo sich der Tag mit vielen Freuden endet,
Es ist das Jahr, das sich mit Pracht vollendet,
Wo Früchte sich mit frohem Glanz vereinen.

Das Erdenrund ist so geschmückt, und selten lärmet
Der Schall durchs offne Feld, die Sonne wärmet
Den Tag des Herbstes mild, die Felder stehen
Als eine Aussicht weit, die Lüfte wehen

Die Zweig’ und Äste durch mit frohem Rauschen,
Wenn schon mit Leere sich die Felder dann vertauschen,
Der ganze Sinn des hellen Bildes lebet
Als wie ein Bild, das goldne Pracht umschwebet.

Chú thích của người dịch:

Johann Christian Friedrich Hölderlin (1770 – 1843) đứng vào hàng những nhà thơ quan trọng nhất trong tiếng Đức. Tác phẩm độc đáo của thi sĩ, chiếm một vị trí độc lập bên trào lưu Cổ điển Weimar và Lãng mạn, là một đỉnh cao của văn chương Đức nói riêng và văn chương phương Tây nói chung.

Đôi nét tiểu sử: Friedrich Hölderlin sinh ngày 20.03.1770 tại Lauffen am Neckar, cha là lao công tu viện, mẹ là con gái linh mục. Năm ông lên hai cha mất, mẹ gửi ông vào một trường dạy tiếng Latinh ở Nürtingen, sau vào một trường học dòng tin lành của tu viện, đào tạo ông thành mục sư tin lành. *Từ 1788 – 1793 Hölderlin nghiên cứu Thần học tại trường Tổng hợp Tübingen. Thời gian này ông kết bạn với Friedrich Hegel và Friedrich Wilhelm Joseph Schelling (hai triết gia đại diện của chủ nghĩa Duy tâm Đức). * Năm 1796 làm gia sư trong gia đình chủ nhà băng Gontard, đem lòng yêu người vợ chủ nhân là Susette, và đuợc bà đáp lại. Mối tính chấm dứt vì Gontard đuổi việc ông.* Năm 1797 có cuộc gặp gỡ Johann Wolfgang von Goethe* Trên đường rong ruổi làm gia sư ở nhiều nơi tới 1802, ông trở về nhà được mẹ nuôi dưỡng* Hai năm sau được chẩn đóan bệnh điên (y học ngày nay chẩn đóan sang chấn thần kinh và tâm thần phân liệt), năm 1806 người ta đưa ông vào viện điều trị tâm thần Tübing. *Sau nhiều lần trốn ra không thành, 1807 ông được một đôi vợ chồng thợ mộc nhận về nhà nuôi dưỡng, nơi ông tiếp tục 36 năm sống trong trạng thái mộng du thần trí, tiếp tục sáng tác. Friedrich Hölderlin mất ngày 07.06.1843.

Tiến sĩ Hans-Joachim Simm, sinh năm 1946, giám đốc các nhà xuất bản Insel Verlag và Verlag der Weltreligionen. Ông là tác giả của nhiều ấn phẩm nghiên cứu về quan hệ giữa Văn chương và Tôn giáo, về trào lưu Cổ điển và Thơ ca Đức.

(1) Joseph Freiherr von Eichendorff (1788-1857) Nhà thơ quan trọng của trào Lãng mạn Đức.
(2) Nikolaus Lenau (1802-1850): Nhà thơ nhà văn Áo của thời Biedermeier.
(3) Gottfried Keller (1819-1890): Nhà thơ và nhà văn người Thụy Sĩ có ảnh hưởng lớn ở thế kỷ 19, viết tiếng Đức.
(4) Hyperion: Một trong 12 vị thần khổng lồ trong thần thọai Hy Lạp, con của thần Uranus (bầu trời) và nữ thần Gaia (đất mẹ), đồng thời là tên tác phẩm của Friedrich Hölderlin.

clip_image003

Bài thơ “Nürnberg năm 1935” của Hans Magnus Enzensberger

Sandra Kerschbaumer

Nền độc tài đùn lên khủng khiếp và trò chơi của một cậu bé vô tội: Với bài thơ „ Nürnberg năm 1935“, Hans Magnus Enzensberger đã đánh thức ma lực của sự cô đọng.

Địa điểm và thời điểm lịch sử – cả hai đều là những yếu tố quyết định để hiểu bài thơ: Nürnberg, quê hương ra đời của nhà thơ Hans Magnus Enzensberger, vào năm 1935 mang phụ danh „Thành phố của những kỳ họp quốc hội Đế chế“. „Dạo đó“, – cái tôi hồi tưởng đã bắt đầu nhìn lại như vậy – „ mặt trời tháng Chín/ hắt bóng rất dài trên đồng cỏ Wöhrder“.

Tháng Chín được nhấn mạnh qua sự định vị khác thường trong câu, và sự xác định về mặt thời gian chỉ dẫn ta về việc thông qua những „đạo luật Nürnberg về nòi chủng“ (1) nhân dịp Đại hội Đảng NSDAP (2) lần thứ bảy của Đế chế. Cái gọi là đạo luật „nhằm bảo vệ dòng máu Đức và danh dự Đức“, luật công dân của Đế chế và đạo luật Quốc kỳ đế chế đã củng cố nền móng cho hệ tư tưởng bài Do thái của những người theo đường lối Quốc Xã.

Trong tháng Chín đầu mùa thu, mặt trời của bài thơ hắt những bóng rất dài. Gây ngỡ ngàng là tự thân mặt trời hắt bóng, ở đây không thấy nói gì về những đồ vật đổ bóng xuống cả. Tức là một cách trực tiếp, ánh sáng được kết nối với bóng tối, những bóng đổ đón nhận chất lượng ẩn dụ, người đọc liên hệ tới tình cảnh chính trị và nhân thế đang dần tối. Những bóng tối này đổ xuống đồng cỏ miền Wöhrder, một khu thiên nhiên thắng cảnh được hai nhánh sông Pegnitz vòng ôm lấy, ngày hôm nay còn là nơi nghỉ ngơi, an lạc gần cho người dân thành phố. Một đứa bé đứng trên đồng cỏ này.

„Khi tôi sáu tuổi“. Rất hiếm khi rõ nét nơi Enzensberger, trong nửa đầu của bài thơ một cái tôi tự nói về mình. Cái tôi đó nối kết hai thời đại và hai tầng ý thức cái tôi thơ ấu của năm 1935 và cái tôi đương nói của hiện tại. Nó nhìn về cậu bé sáu tuổi, đang sợ hãi trước cái bóng chiếu khổng lồ của mình, một hiện tượng thường gặp cuối mùa hạ không thể nhập cuộc bằng một trò chơi của con trẻ tức là nhảy qua cái bóng của chính mình. Những người lớn tuổi biết tới điều đó như một câu thành ngữ, Enzensberg đã chơi chữ ở đây. Nhưng sau đó, đột nhiên cái bóng này thoắt biến đi mất.

Một đám mây kéo đến trước mặt trời? Đúng hơn bài thơ chỉ dẫn về một câu chuyện cổ tích của Adelbert von Chamissos (3), anh chàng „Peter Schlehmil“ nọ, xưa đã bán cho quỷ cái bóng của mình lấy một bao tải vàng ròng không ngừng tuôn ra. Khi chàng đòi lại cái bóng, thì con quỷ muốn lấy linh hồn chàng. Nhưng cậu bé trong bài thơ đã chịu số phận khác hơn chàng Schlehmil, hơn là Faust (4) và tất cả những người đã từng bị quỷ cám dỗ: „ Không một ai muốn mua lại linh hồn cho ta“. Đại từ nhân xưng được nhấn mạnh về nhịp điệu và cú pháp của câu thơ đập vào mắt người đọc. Lứa tuổi bảo vệ cho đứa bé lên sáu, cậu bé không bị dẫn dụ vào cám dỗ. Nhưng sự phủ định cho phép nghĩ về những kẻ nọ đã trở thành người hiệp thông với những con quỷ theo chủ nghĩa Quốc Xã.

Cảnh trí trên đồng Wöhrder khép lại với một ấn tượng gợi cảm trong trắng và ngây thơ: sự hít ngửi mùi rơm rạ và lá mục. Sau những câu thơ phong cách rải dòng, thông qua một cấu thơ vắt dòng, câu và thời gian bị kéo giãn ra: cho tới mùa thu năm 39, bắt đầu đại chiến thế giới thứ hai. Quãng thời gian này được người xướng ngôn tổng kết của bài thơ cấp cho ba phẩm chất: với sự không ngờ, sự vô Chúa và lạnh lẽo. Không ngờ là hòa bình được nhân cách hóa và yếu ớt – không ngờ như đứa bé, những người Đức không tin vào chiến tranh, không ngờ như nền chính trị xoa dịu (5).

Dạo đó không có những cột lửa bốc lên như những cột lửa Chúa dùng dẫn dắt những người dân Israel trên hành trình kéo qua sa mạc lúc trời đêm. Trong màn đêm của những năm ấy không có dấu hiệu của Chúa, chỉ có ánh sáng lầm lạc, những trò chơi ánh sáng cùng với chúng những kẻ theo Chủ nghĩa Quốc Xã đã tự tung hô trong những đại hội Đảng của Đế chế. Kể cả ở chỗ này của bài thơ sự đảo ngược, cách sắp xếp vị trí cụm câu thoát khỏi thông lệ ngôn ngữ dẫn tới sự nhấn mạnh từng từ. Sự phủ định được nhấn mạnh cho người đọc nghĩ cùng với điều không nêu trong bài thơ. Enzensberger không chỉ là một bậc thầy của ngắn gọn mà còn của sự kiệm lời. Trí tưởng tượng của người đọc bổ sung vào bức tranh còn thiếu những cột lửa, mãi tận tới lúc xuất hiện những chùm ánh sáng và sau này những đêm bom rơi trên thành phố.

Ở phần kết thúc của hồi tưởng, sự lạnh lẽo còn đứng lại trong bóng đổ của những tháp cao. Sự lạnh lẽo và bóng râm bao trùm lên bài thơ làm ta cảm nhận được sự vấy bẩn của hồi tưởng về thời thơ ấu trong chế độ Quốc xã. Trong tháng Chín hồi niệm dẫn bước người Do thái đến bờ vực thẳm gần thêm một bước, bóng đen của thời đại đã bao vây đứa bé ngây thơ không làm gì nên tình nên tội và đã để cho một bóng đen của bé tự thân xuất hiện, đe dọa và hàm nhiều nghĩa: „ Tôi lên sáu, cái bóng chiếu của tôi thế mà lù lù kéo đi tít tắp, làm tôi hoảng hồn.“

Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Frankfurter Anthologie : FAZ.NET

Nürnberg năm 1935

Hans Magnus Enzensberger

Dạo đó mặt trời tháng Chín
hắt bóng rất dài xuống đồng Wöhrder
Tôi lên sáu, thế đó cái bóng chiếu của mình
lù lù kéo tít đi, làm tôi hoảng hốt
Tôi không sao nhảy qua được nó.
Thoắt một lần bóng biến đi sau đó
Linh hồn tôi không ai muốn mua cho
Trời sực mùi lá ngái và rạ khô
Còn lâu nữa mới đến mùa thu
năm ba mươi chín. Chẳng ngờ
hòa bình kéo lết lê tới đó
Không cột lửa nào bốc lên cao
trên thành phố. Trời lạnh
trong bóng râm của những tháp chọc trời.

©® Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức

Nürnberg 1935

Hans Magnus Enzensberger

Damals warf im September die Sonne
sehr lange Schatten über die Wöhrder Wiese.
Ich war sechs, doch mein Schemen
zog sich so riesig hin, daß ich erschrak.
Über ihn springen konnte ich nicht.
Dann war er auf einmal verschwunden.
Die Seele wollte mir niemand abkaufen.
Es roch nach Laub und nach Heu.
Bis zum Herbst neununddreißig
war es noch weit. Ahnungslos
schleppte der Frieden sich hin.
Keine Feuersäulen stiegen auf
über der Stadt. Es war kalt
im Schatten der hohen Türme.

Chú thích của người dịch:

Hans Magnus Enzensberger (sinh năm 1929): Nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, dịch giả và biên tập viên Đức * Nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học * Tham gia vào Nhóm 47* Nhận các Giải thưởng Phê bình Đức (1962), Giải thưởng Georg-Büchner (1963), Giải thưởng Heinrich-Böll (1985), Giải thưởng Heinrich-Heine (1998) và Premio d’Annunzio (2006) cho toàn bộ tác phẩm. Ông thuộc về những nhà thơ và nhà tiểu luận hàng đầu của nước Đức sau chiến tranh. Ghi dấu ấn vào các cuộc thảo luận chính trị của những năm 60, cũng như Günter Gras và Jürgen Habermas, tiếng nói của ông luôn gây được tiếng vang ngoài phạm vi nước Đức.

Sandra Kerschbaumer (sinh năm 1971): Nhà báo và phê bình văn học. Bà nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học. Làm luận án tiến sĩ với công trình nghiên cứu về Heinrich-Heine và trào Lãng mạn. Từ 1999 bà làm cho Đài truyền thanh và viết bài cho báo Frankfurter Allgemeine Zeitung”. Trong những năm 2007-2009 bà làm cộng tác viên và giảng dậy tại Tổng hợp Universität des Saarlandes.

(1) Với ba đạo luật, những người Quốc Xã đã thể chế hóa tư tưởng Bài Do thái bằng cơ sở pháp lý. Vào đêm 15.09.1935, Quốc hội đã thông qua ba đạo luật này nhân kỳ Đại hội Đảng Đế chế lần thứ 7 của Đảng NSDAP, còn được gọi là Đại hội Đảng của Tự do.

(2) Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei: Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Dân tộc Đức (đảng Quốc Xã), có cương lĩnh tư tưởng bài Do thái và theo chủ nghĩa Dân tộc, bác bỏ Dân chủ và Chủ nghĩa Marx.

(3) Adelbert von Chamisso (1781 -1838): Nhà nghiên cứu Tự nhiên và nhà thơ người Đức viết nên Câu chuyện kỳ lạ của Peter Schlemihl, là tên truyện cổ tích về anh chàng bán cái bóng của mình cho quỷ lấy một bao tải vàng không ngừng tuôn ra. Chẳng bao lâu anh ta nhận ra mình không có bóng tức là bị loại trừ ra khỏi xã hội con người. Sau nhiều sự kiện anh chàng gặp con quỷ đòi lại cái bóng, và con quỷ gạ sẽ trả lại, nếu Schlemihl nhượng lại cho quỷ linh hồn.

(4) Dr. Heinrich Faust, nhân vật trung tâm trong tác phẩm kịch Faust của thi hào Đức Johann Wolfgang von Goethe.

(5) Chính sách nhân nhượng và thỏa hiệp (policy of appeasement), đặc tả chính sách của Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đối với nước Đức quốc xã – phát xít, nhường Sudetenland cho Hitler và làm ngơ trước sự cưỡng chiếm Tiệp Khắc. Chính sách này dẫn đến sự ký kết Hiệp ước München (Muy-ních) năm 1938.

clip_image004

Comments are closed.