Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 5): Nguyễn Thị Vinh


NTVSinh ngày 15.7.1924 tại làng Vân Hoàng tỉnh Hà Ðông;

chủ bút tạp chí Tân Phong (Sài Gòn).

Chủ nhiệm báo Ðông Phương (Sài Gòn).

Ðịnh cư tại Na Uy từ năm 1984.

Tác phẩm đã xuất bản:

· Hai Chị Em (truyện dài, Phượng Giang, Sài Gòn 1953)

· Thương Yêu (truyện dài, Phượng Giang, Sài Gòn 1955)

· Xóm Nghèo (truyện dài, Phượng Giang, Sài Gòn 1958)

· Men Chiều (truyện dài, Phượng Giang, Sài Gòn 1960)

· Thơ Nguyễn Thị Vinh (1972)

. Cô Mai (1972)

· Vết Chàm (1973)

· Na Uy Và Tôi (1994)

Biệt ly đình

Chiếc tàu nhỏ chạy chậm dần, chậm dần, tiếng máy cũ kỹ kêu xình xịch, từng hồi còi khàn khàn “hú… hụ… hú… hụ” như giọng người già giục giã khẩn thiết…
Lúc ghé bờ, nó va mạnh vào phao cầu tàu, mọi người nhốn nháo sửa soạn lên bến, đám phu gò người, níu chặt sợi dây “cáp”, quấn nhanh vào cây trụ sắt. Hai cha con cụ Lê lẫn trong đám hành khách lũ lượt lên bờ. Việt lơ đãng nắm tay cha. Lần đầu tiên trên đất nước Tàu anh cảm thấy lạc lõng giữa cảnh sinh hoạt ồn ào của người Tàu.

Nhớ lại bác Trần gái từ Việt Nam sang đã kể biết bao nhiêu chuyện ở quê nhà. Nơi Việt đã sinh ra, rồi rời bỏ từ lúc sáu tuổi, đến nay đã mười bốn năm. Kỷ niệm cũ đứt quãng và loáng thoáng như một giấc mơ, chỉ có hình ảnh của mẹ là Việt nhớ rõ, nhớ từ giọng nói đến ánh mắt hiền hậu. Việt cũng không quên thằng Nam, em trai anh. “Không biết bây giờ nó ra sao, chắc lớn lắm rồi?… Kém mình có hai tuổi chứ mấy.”
Qua khỏi cầu tàu, cụ Lê lên cơn ho rũ rượi, ho gập người lại, đổ nước mắt. Việt đỡ cha và hơi khó chịu vì những con mắt tò mò bao quanh người hai cha con. May mà ai cũng vội vã, tất tưởi. Ngớt cơn ho, cụ Lê nói lạc cả giọng: “Chắc hôm qua thầy ăn phải cái mắm tép, bác Trần gái mang ở Việt Nam sang, ăn thì ngon thật nhưng cũng độc. Gớm, mười mấy năm nay, giờ mới lại được chấm đũa vào cái món ấy. Hồi trước mẹ con làm mắm tép là khéo lắm cơ đấy…”.

Nghe cha nói, Việt càng nhớ mẹ, lòng buồn thắt lại, ngày còn bé Việt chỉ được sống với mẹ và em, cha anh thường xuyên vắng nhà. Thỉnh thoảng ông mới lén lút về thăm gia đình, nhưng phải trốn không dám bước chân ra khỏi cửa, trong suốt thời gian ở nhà. Sợ lộ sẽ bị bắt tù, chỉ vì ông mắc tội yêu nước, dám chống đối nhà cầm quyền thực dân Pháp.
Việt nhớ cả lời mẹ dặn: “Không được nói cho ai biết thầy đã về, để trong bụng này này, nghe không? Con mà nói người ta bắt thầy đi tù và đánh thầy đấy, đánh đau lắm, nghe không.” Dù Việt không hiểu cũng gật đầu, nhưng chỉ đôi ba ngày cha lại vắng nhà từ lúc nào. Nhiều bận, buổi tối Việt lên giường đi ngủ với cha, sáng trở dậy đã không thấy ông đâu, Việt khóc. Mẹ nghẹn ngào:
“Thầy lại đi rồi con ạ.”
“Sao thầy không ở nhà với u với con, thầy đi mãi thế?”
“Thầy đi thăm các bác, các chú của con… Thầy sẽ về, mua quà cho con. Con đừng khóc nữa.”
Tuy bảo con đừng khóc, nhưng lúc đó mắt mẹ cũng đỏ hoe.
Cho đến ngày được sống bên cha, lần lần Việt mới hiểu: “Các bác, các chú” là các bạn đồng chí của cha anh. Rồi một lần cha về đón Việt đi, suốt mấy ngày còn ở nhà, cha mẹ bàn tán xầm xì, Việt phải dắt em đi chơi, không biết cha mẹ nói gì.
Một hôm, vào lúc nửa đêm. Mẹ gọi Việt dậy mặc thêm áo lạnh cho Việt, rồi mẹ vừa khóc, vừa bắt Việt phải ăn hết bát cháo nhỏ. Mẹ không dám khóc lớn, hàm răng trên cắn chặt vào môi dưới. Việt ăn xong, mẹ ôm vào lòng nói nhỏ:
“Thầy cho con đi theo, đến với các bác, các chú. Rồi mai kia con lại về nhà với mẹ với em. Phải ngoan, không được quấy thầy…”
Việt đâu ngờ mười bốn năm rồi, cha con anh chưa một lần về thăm mẹ, thăm em!
Ra khỏi nhà, cha cõng Việt đi trong ngõ vắng, lạnh, tránh những xóm có người ở. Ðêm ấy trời nhiều sao nhỏ li ti và lấp lánh, mỗi vì sao như một giọt nước mắt của mẹ. Lúc ngồi dưới thuyền, Việt hỏi cha:
“Nhà mình đâu rồi thầy?”
“Kia kìa con!”
Việt nhìn theo tay cha, xóm lá vùi trong cái lạnh của ánh trăng lúc sắp tàn, chỉ có tiếng chó sủa thoảng hoặc vọng lên, rồi tất cả im hẳn… Im hẳn cho đến bây giờ, đứa trẻ sáu tuổi trở thành thanh niên hai mươi, đã theo cha qua bao ngả đường trên đất nước Tàu, từ Thượng Hải sang Quảng Châu…
Việt đã được “đi thăm” rất nhiều “các bác, các chú” là đồng chí của cụ Lê, niềm tôn kính của họ đối với cụ Lê, lúc nào Việt cũng thấy đầy ắp trong ánh mắt họ. Nhưng trong túi hai cha con cụ thường xuyên không có tiền.
Ngoài giờ học Quốc Ngữ kèm theo chữ Hán do cha dạy, Việt phải phụ các đồng chí của cha làm bánh đậu xanh, bán cho mấy tiệm “cao lâu”. Chú Tảo cho Việt theo chú đi húi tóc rong, để Việt học nghề. Chú Hùng dạy tiếng Pháp cho mấy người Tàu khá giả. Tất cả những số tiền mọi người kiếm được cùng góp lại để anh em “đồng chí” ăn tiêu chung. Chú Châu và chú Tưởng ở nhà lo việc nấu cơm nước, chợ búa. Cụ Lê thường xuống bếp phụ với các chú làm cơm. Lâu lâu, từ bên nước nhà, có người trong tổ chức “cách mạng” sang Tàu liên lạc. Việt vẫn nhận được thư và quà của mẹ, một vài lần mẹ đan áo len gửi cho hai bố con.
Nhưng từ ngày làn sóng Cộng Sản Trung Hoa ùa tới Thượng Hải và Quảng Châu, tình thế đổi khác, khác hẳn. Nhóm đồng chí của cụ Lê, có vài người tìm đường trở về Việt Nam, một số theo Tưởng Giới Thạch sang Ðài Loan. Cụ Lê cùng với các đồng chí còn lại, trôi xuống Hồng Kông. Tan tác, mỗi người một ngả, hoạt động chính trị lơi dần.
Lúc mới đến Hồng Kông, hai cha con cụ Lê ở cùng nhà của bác Trần. Sau lại rời ra đảo Cheung Chau cách Hồng Kông hai giờ tàu thủy, trú ngụ tại nhà họ Woòng. Hai cha con sinh sống bằng cách Việt đi rong các ngõ húi đầu (1) cho đám dân nghèo. Hằng ngày, cụ Lê gượng vui với sách vở, hai mí mắt xụp xuống, gò má nhão, làm nhăn hết da mặt. Cụ mới sáu mươi nhăm mà ngỡ như già thêm mười tuổi. Ðầu bạc trắng như tuyết ở Thượng Hải mùa đông ngày nào. Vẻ trầm ngâm của cụ trở thành chiếc mặt nạ che giấu sự bất đắc chí, lâu ngày chùng xuống, như giọng rao trầm của người bán quà rong trong đêm ế khách.
Thỉnh thoảng Việt nghỉ một buổi húi đầu, cùng cha sang thăm bác Trần và mấy đồng chí của cụ Lê còn ở Hồng Kông. Việt thấy cha anh sinh động, hoạt bát, ánh mắt rực sáng trong câu chuyện chính trị, thời sự thế giới và Việt Nam. Lâu lâu bác Trần cũng ra đảo thăm cụ Lê. Trong số anh em, cuộc sống của bác Trần thư thả nhất, vì bắt liên lạc được với gia đình ở Hà Nội và thường nhận được tiền giúp đỡ của gia đình. Cụ Lê yêu mến bác Trần hơn vì bác đã cương quyết từ chối lời mời tham gia nội các của chính phủ Hà Nội lúc đó do Pháp thành lập.
Cách đây vài hôm, bác Trần gái lại từ Hà Nội qua Hồng Kông. Cha con cụ Lê được mời sang để bàn luận tình hình đất nước, luôn tiện dùng cơm với những thức ăn đặc biệt Việt Nam. Ðêm qua cụ Lê ở lại Hồng Kông họp bàn cùng anh em (về) dự tính cử người về nước cộng tác với chính phủ Bảo Ðại. Nhưng cụ Lê không đồng ý. Sáng nay trở về Cheung Chau. Khi ra khỏi bến tàu, từng bước chân của hai cha con cụ Lê nặng trĩu buồn phiền, kéo lê suốt con đường lát gạch thẻ, xây nghiêng dọc theo bờ biển hơn cây số, về nhà.
Ngôi nhà họ Woòng ở tận cuối đường, liền bên bãi cát rộng, sát bờ biển, nơi đa số dân chài tụ tập. Những chiếc thuyền úp sấp, nằm ngổn ngang trên bãi cát, để chờ cạo và đốt cỏ, lấy lửa hơ cho những con hà bám vào đáy thuyền rụng ra. Các gia đình chài lưới tấp nập làm việc, những người đàn ông lực lưỡng cởi trần, phơi nước da rám nắng, vừa cạo đáy thuyền vừa nghêu ngao hát những bài dân ca. Còn đàn bà, người nào cũng mặc quần áo vải dầy, màu xanh lam, tóc cắt ngắn phủ kín gáy. Một số vẫn còn giữ được mái tóc dài, kết thành hai bím đuôi sam. Nhiều bà vừa địu con bé sau lưng, vừa ngồi vá lưới, thổi cơm, hoặc đi lại phơi lưới. Họ nấu ăn ngay giữa trời, trẻ con nô đùa, đuổi nhau chạy trên bãi cát, có đứa bế em lếch thếch. Một vài bà mẹ tự nhiên hơn, vừa ngồi ăn cơm vừa vạch vú cho con bú.

Ðến trưa, trời nắng gắt, đàn bà, trẻ con rút vào trong những chiếc lều cỏ, rải rác ở ven đồi, may vá quần áo cho chồng con. Kế bên bãi cát là một dãy nhà gạch năm gian, mái ngói của gia đình họ Woòng dựng sát vào triền núi đá. Cách khoảng sân gạch rộng phía trước nhà có bức tường cao chừng ba thước, bên ngoài là con đường lát gạch chạy dọc theo bờ biển. Mùa xuân, nhà họ Woòng mua cỏ tươi về phơi khô. Rồi chứa vào dẫy nhà kho ở cuối sân, để dành bán cho dân chài trên đảo un thuyền. Thuyền nào đậu ở bến, hay trên bãi cát thuộc về nhà họ Woòng đều phải đóng thuế chỗ. Gần trọn một thế kỷ cha truyền, con nối nhà họ Woòng sinh sống với dân chài trên đảo Cheung Chau bằng cách đó. Hằng năm, họ chỉ bận rộn có hai mùa: Mua cỏ tươi và bán cỏ khô.
Nhờ một người quen giới thiệu, cha con cụ Lê về đây đã non hai năm, ở trong căn phòng nhỏ, vẫn dành cho khách của nhà họ Woòng. Ông Woòng mến mộ cụ Lê là nhà chí sĩ Việt Nam lưu lạc ở Trung Hoa. Cũng như ông đã kính trọng vị anh hùng Phạm Hồng Thái.(2)
Hai cha con về đến nhà trời đã xế trưa, bà Biểu Cô, chị họ ông Woòng, đang thu dọn bên gian nhà chứa cỏ, lên tiếng hỏi thăm vài câu lấy lệ. Vào đến phòng mình, cụ Lê mệt nhọc không kịp thay áo, ngả lưng trên chiếc giường sắt nhỏ, kê đối diện với cái ghế bố của Việt. Ðem quần áo lại cho cha thay xong, Việt nhóm bếp dầu hỏa, vo gạo nấu soong cơm nhỏ.
Hồi mới đến đây, Việt chưa nghĩ ra nghề đi húi đầu, nhiều bữa hai cha con thường âm thầm nhịn đói mà ông Woòng không biết. Một lần, cụ Lê sai Việt ra chợ bán chiếc bút máy của một đồng chí Quốc Dân Ðảng người Trung Hoa ở Thượng Hải đã tặng cụ. Hai cha con dùng tiền đó mua vé Tàu sang Hồng Kông, đến nhà ông Phú, một người Việt Nam sang làm việc cho nhà băng Pháp đã hơn mười năm. Ông Phú không làm cách mạng, không là đồng chí với cụ Lê, nhưng mến mộ sĩ khí của cụ và vì tình đồng bào ruột thịt. Lần nào thấy cụ đến thăm mình, ông Phú cũng vồn vã đón tiếp. Nhưng cụ không hề ở lại đến hai ngày, tuy cụ rất thèm được gặp gỡ xum họp với người Việt Nam.
Lần đó, khi cha con cụ Lê tới, gặp bà Phú ra mở cửa. Bà Phú đang làm cơm cho kịp giờ chồng sắp về ăn trưa. Tuy không được bà mời, cụ Lê vẫn làm ra vẻ tự nhiên nói: “Hai cha con tôi ăn cơm rồi, nhưng tí nữa ăn thêm với chú thím cho vui thôi, thím đừng thổi cơm nhiều quá nhé!”.
Việt cảm thấy người mình như bị kiến đốt, chưa hẳn vì bụng đói cồn cào, mà ngượng vì nghe cha nói dối. Cụ Lê cầm tờ báo, nhưng Việt biết chắc chắn cha anh không đọc nổi một chữ. Các ngón tay cụ run run, hàng râu mép cũng run run, mồ hôi hai bên thái dương nhỏ giọt, lăn chậm. Việt xúc động và thương cha vô cùng… May mà ông Phú về ngay, mang theo cả sự vồn vã vào phòng khách làm cho cha con cụ Lê đỡ khổ. Ông Phú lấy đĩa bánh ngọt, rót rượu khai vị mời cụ Lê. Ðã cố giữ vẻ điềm đạm mà cụ vẫn không giữ được khỏi hấp tấp khi cầm bánh đưa lên miệng, và cốc rượu cũng mau cạn.
Trong bữa cơm, Việt mải ăn quên cả cha, hết bát nọ đến bát kia, cụ Lê cũng thế. Khi hai cha con nhận ra điều này thì quá muộn, trong nồi chỉ còn một ít cơm, cụ buông đũa tần ngần. Nhìn nét mặt cha lúc ấy Việt xuýt bật khóc. Ông Phú tế nhị:
“Chà hôm nay mát trời lại vui gặp cụ, nên ăn được bữa cơm ngon miệng quá.”
Giờ phút này nhớ đến chuyện ấy, Việt vẫn còn thấy hai tai mình nóng bừng.

Hơn tháng sau, ông Phú sang tận Cheung Chau báo tin, đã xin được cho Việt làm tùy phái ở nhà băng Pháp. Cụ Lê chỉ cảm ơn ông, mà không hề đả động đến chuyện cho Việt đi làm. Ông Phú về rồi, Việt mới hỏi cha. Cụ Lê buồn bã:
“Hồi trước ở nước nhà, bọn Pháp đã từng mời thầy làm những chức vụ lớn. Nếu thầy nhận thì gia đình mình đã ở nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp rồi. Việc gì thầy lại phải đem con sang đây để đi làm công cho chúng.”
Việt tự hỏi: “Nếu ngày nay anh không học được nghề húi đầu, tình cảnh cha con anh sẽ ra sao?” Việt đứng lên dọn cơm, thức ăn chỉ có lát cá khô bữa trước ăn còn, Việt đã hấp lại vào lại vào soong cơm. Bữa ăn cụ Lê nhai chậm, có vẻ suy nghĩ điều gì, Việt đắn đo mãi mới dám hỏi:
“Thầy có nghĩ rằng bác Trần sẽ về nước không?”
Cụ Lê lắc đầu nhè nhẹ, giọng buồn buồn:
“Nhưng chú Tấn và chú Hùng…”
Cụ ngần ngừ rồi im. Việt ngạc nhiên:
“Thưa thầy, chú Hùng… Chú Hùng ngày trước ở Thượng Hải? Nhưng thưa thầy, sao cơ?”
“Bây giờ chú Hùng đang làm Bộ trưởng Thông tin của chính phủ bù nhìn. Chú Tấn từ Ðài Loan về tham chính được mấy tháng, đã được cử đi làm đại sứ ở nước Anh.”
Việt hỏi: “Họ có nhắc đến… mời thầy không?”
“Có, nhưng đời nào thầy hợp tác với một chính phủ do bàn tay sắp xếp của Pháp.”
Việt bâng khuâng, mai mốt các đồng chí của cha anh, những người yêu nước, đã phải rời bỏ đất nước, ra đi làm cách mạng, sẽ lần lượt trở về Việt Nam. Chỉ còn lại một số người quyết liệt chống Pháp, có lập trường chính trị vững mạnh, hoặc những người lấy vợ Tàu, đã lập nghiệp ở đây. Cha con anh sẽ ra sao! Danh từ yêu nước, lúc này đối với Việt thật gần, mà cũng thật xa. Gần như anh đang ở gần bên cha, và xa như anh đã xa đất nước đằng đẵng từ năm lên sáu.
Mới ăn hết bát cơm, cụ Lê đã buông đũa, nói với Việt:
“Con ạ, giờ phút này thầy mới thấm thía. Cách mạng phát sinh từ những tấm lòng yêu nước, nhưng nếu xa rời đất nước từ nhỏ như con, không chung sống và không cùng chịu chung nỗi thống khổ với đồng bào, như thế làm sao nảy sinh được lòng thương yêu dân tộc đến xót xa. Không lớn lên trong đất nước mình, làm sao có được lòng yêu nước mãnh liệt. Khi thầy đem con theo, là cốt để con gần gũi và học tập ý chí của thầy và các đồng chí thầy. Tình hình chính trị lúc ấy khác xa bây giờ. Thầy cũng không ngờ thoáng cái đã mười bốn năm!”
Việt nhìn cha, cảm thấy hình như cụ Lê thấu hiểu ý nghĩ của anh. Ðã từ lâu, Việt không dám thú thật với cha về lòng rung cảm yếu ớt của anh đối với đất nước và đối với lý tưởng cách mạng mà cha anh đã truyền dạy. Trừ ánh mắt của bà mẹ và hình ảnh người em ruột, Việt không sao hình dung nổi cái xã hội Việt Nam giờ ra sao. Còn anh sẽ phải làm gì nếu năm mười năm nữa, tình trạng vẫn nguyên vẹn như thế này? Cha anh vẫn giữ lập trường… Hoặc đến lúc cha anh chết ở đây!
Bữa cơm đã xong, cả hai cha con đều buồn, cụ Lê chậm rãi ra cổng ngồi trên mỏm đá ngắm biển. Cụ nghĩ biển cũng như đất nước cụ, sẽ tồn tại mãi mãi. Còn tuổi cụ, đến một ngày nào đó thôi, cũng tàn, cũng hết!
Xế trước cửa nhà họ Woòng có một cây cầu xây, dài chừng hai chục thước, bắt đầu từ bờ biển tới ngôi nhà bát giác, mái ngói uốn cong, bốn bề trống. Từ mé ngoài cầu đi vào, ngay trên cổng, ba chữ Biệt Ly Ðình xây nổi. Lúc cụ mới đến ở đây, ông Woòng đã kể chuyện về cái nhà Biệt Ly Ðình đó, có từ lâu đời rồi. Theo tục lệ của dân trên đảo, gia đình nào có người từ trần, khi cất đám phải đưa linh cữu đến đây trước, tang quyến và khách điếu, từng người một, tới thắp nhang và uống nửa chén rượu, nửa còn lại đổ xuống biển tiễn biệt người khuất mặt.
Không hiểu sao cụ Lê rất chuộng tục lệ nửa chén rượu cho mình, nửa chén rượu cho người quá cố. Những buổi chiều buồn, cụ thường ra đây ngồi nghĩ ngợi. Nghĩ đến con người, nghĩ đến đất nước. Lòng hoài hương nhớ vợ, thương con, như ngọn sóng dậy trong lòng cụ. Những chuyện cỏn con ấy, so với đại sự, lâu ngày tưởng đã lắng dịu như bếp lửa âm ỷ, ai ngờ nhiều lúc vẫn bừng lên.
Cụ sợ mình không đạt được bao nhiêu công trình đã theo đuổi, đã đấu tranh. Cụ sợ Việt đi lạc con đường cụ đã chọn. Tất cả những nỗi sợ hãi vẫn âm thầm trong lòng cụ, như lớp tro bao vây lý tưởng của cụ.
Lý tưởng gần giống với cục than tàn, cụ Lê cố thổi những hơi hào khí, chỉ trừ khi ngồi đối diện “Biệt Ly Ðình” cụ mới thành thật với mọi ý nghĩ của mình.
Thấy trời đã xế chiều, Việt sợ cha nhuốm lạnh, vội vã ra mời cụ Lê vào nhà. Cụ lắc đầu chỉ mỏm đá bên cạnh bảo Việt ngồi, rồi lên tiếng hết sức dịu dàng:
“Con có muốn về Việt Nam bây giờ không? Thầy có thể nhờ các chú, các bác, cho con đi theo.”
Việt ấp úng:
“Thế còn… thầy?”
Cụ Lê ngước mắt hướng ra biển, giọng đột nhiên đanh thép:
“Không, thầy chưa thể về bây giờ!”
Giây lát cụ cúi xuống gần Việt, giọng trầm buồn:
“Sao, con có về không?”
Việt nói chậm, nhưng dịu, sau cái chớp mắt:
“Không, con là con… thầy mà.”
Cụ Lê mỉm cười. Ráng chiều xuống thấp, mặt trời chiếu hồng nước biển, hắt lên khuôn mặt già. Ðôi mắt long lanh. Lần đầu tiên Việt thấy hình như cha khóc.


___________________________
(1) Húi đầu: Hớt tóc. (NTV)

(2) Phần lớn người Trung Hoa rất tôn kính, trọng vọng vị anh hùng Việt Nam Phạm Hồng Thái, người đã ám sát hụt Toàn quyền Pháp Merlin ở Sa Ðiện. Việc lớn không thành, ông nhảy xuống sông tự trầm, mộ được táng tại đồi Hoàng Hoa Cương, nơi an nghỉ của các liệt sĩ Trung Hoa. (NTV)

Nguồn: http://gocnhin.net/cgi-bin/viewitem.pl?925

NTV

Comments are closed.