Nhìn lại những gì còn khuất tất sau một bản án tử hình

Lê Công Tư

Bản án tử hình dành cho Đặng Văn Hiến là dành cho những người dân đã bị dồn ép, bức bách tới cùng đường. Nói cách khác là họ chỉ còn mỗi một con đường tao chết hay là mày chết.

Thử nhìn lại những gì còn khuất tất, tăm tối, mịt mờ: Sau cái bản án tử hình này là ai? Thế lực nào đã chống lưng cho công ty Long Sơn được chính quyền Đăk Nông giao cho 1079 hec ta đất để làm dự án nông lâm nghiệp?

Trong suốt thời gian xảy ra sự kiện này, chẳng ai thấy bóng dáng công an lẫn chính quyền địa phương ở đâu cả. Chỉ đến khi có ba người của công ty Long Sơn bị chết cùng với 13 người bị thương, còn về phía người dân thì một người bị chém nứt sọ với một phụ nữ bị đạp trụy thai, thì chính quyền địa phương mới vào cuộc. Trong khi chỉ cần nghe loáng thoáng ở đâu đó sắp có một cuộc biểu tình chống đối Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông là công an đủ mọi sắc phục, hình tướng dưới đủ mọi dạng thức đã được huy động cùng đường, chật phố. Chẳng lẽ chính quyền địa phương không hay biết gì hay là giả đui, giả điếc để mặc công ty Long Sơn muốn làm gì tùy ý? Vẫn chưa ngừng ở đó, nghe nói Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thay mặt chính quyền trung ương đề nghị chính quyền Đăk Nông ngăn chặn cưỡng chế, phải rà soát lại toàn bộ vụ việc thì chính quyền sở tại cũng chẳng buồn nghe. Dễ khiến người ta nhớ lại một câu nói của Thủ tướng Phan Văn Khải dạo nào: “Trên nói mà dưới có thèm nghe đâu”.

Sự kiện xảy ra giữa công ty Long Sơn với người dân ở Đăk Nông khiến người dân đất nước này liên tưởng đến cái thời kỳ cải cách ruộng đất ở một chiều ngược lại. Cứ tạm cho rằng thời kỳ cải cách ruộng đất là lấy đất của địa chủ để trả lại cho cái đám bần cố nông. Sự kiện ở Đăk Nông thì ngược lại. Họ lấy đất của bần cố nông để trao cho địa chủ. Mọi thứ vừa đủ để cả cái dân tộc này đắng lòng khi phải đối diện với một thứ quyền lực xám ngắt, một thứ kỷ cương, phép nước không có lấy một chút tình người. Khẩu hiệu “Lấy dân làm gốc” trở thành lố bịch, trơ tráo.

Với quyền lực đang có sẵn trong tay, chẳng có gì nhanh và dễ cho bằng mang Đặng Văn Hiến ra pháp trường cho một phát đạn vào đầu. Và cũng chẳng có gì dễ và khó cho bằng nhìn cho ra cái nông nổi nào đã đẩy những người dân tới cái hành động không đáng có này, những con người quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng vườn, miếng cơm manh áo này.

Những hành động mang tính tự phát của Đặng Văn Hiến với những nông dân Đăk Nông đúng hay sai, lịch sử sau này sẽ đánh giá lại, bởi lịch sử của bất kỳ một dân tộc nào trên quả đất này cũng chỉ có được một chút cơ may gì đó khách quan khi cái guồng máy cai trị đó không còn nữa. Còn với riêng tôi, nếu rơi vào một trường hợp như thế này, tôi cũng sẽ phản ứng giống hệt như vậy, bất kể hậu quả sau đó ra sao. Không phải cơn điên nào cũng có thể giúp đời sống thăng hoa để cho cái chết trở thành một sự cứu chuộc. Dù vậy tôi vẫn tin rằng có những cơn điên tháp cánh cho những cái chết bay về trời mà không cần sự có mặt của bất kỳ một thứ tôn giáo nào, nếu không muốn nói là Phật, Chúa cũng phải nghiêng mình.

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, tất cả mọi chế độ, thể chế đều kết thúc, tự thắp lên ngọn lửa đốt rụi nó khi mà người dân bị đẩy vào những bước đường cùng, bị bức bách trăm chiều. Chính những sự kiện mới thoáng nhìn tưởng là nhỏ như là Đoàn Văn Vươn, đất đai ở Đồng Tâm cùng những cái BOT mọc đầy trên cái đất nước này … đã không còn cho phép người dân có được bất cứ một sự lựa chọn nào khác. Trừ nổi điên. Khi những cơn điên biến thành ngọn lửa, cái bị hủy táng đầu tiên chính là chế độ. Mới thoạt nhìn cứ ngỡ đó là những ngọn lửa của người điên thắp, nhìn kỹ lại thì chính những cái chế độ coi người dân như cỏ rác đã bật những que diêm quăng vào thùng dầu.

Hôm qua có đọc một bài viết của ông Trương Tấn Sang, trong bài viết đó có một câu như vầy: “Nếu tình trạng tham nhũng, suy thoái không được loại trừ thì cái đảng này, đất nước này sẽ đi về đâu?”. Còn đi về đâu nữa nếu không phải là đi vào cái lò than của hủy diệt. Cái ý tưởng của một người từng là Chủ tịch nước khiến kẻ viết bài này có suy nghĩ là chế độ này nên bày tỏ lòng biết ơn với người vừa bị tòa án Đăk Nông kết án tử hình vì ít ra, anh ta cũng hé lộ cho những ai đang cai trị đất nước này biết là người dân muốn gì, nghĩ gì. Họ có muốn gì đâu ngoại trừ được bình yên cày cuốc trên chính mảnh đất mà họ đã đổ mồ hôi công sức.

Với tư cách là một người dân, tôi đề nghị nhà nước hãy xem lại cái bản án mà chính quyền Đăk Nông đã dành cho Đặng Văn Hiến. Đừng để cho người dân nghi ngờ vào cái tính minh bạch, thiếu khách quan. Có quá nhiều nguyên nhân chưa được làm rõ nếu không muốn nói là đã bị cố tình bỏ quên, cái cố tình của một thứ luật pháp tật nguyền.

Năm 1974, tôi có ghé đến Đăk Nông, thủa đó có tên là tỉnh Quảng Đức. Từ trên một chiếc trực thăng nhìn xuống, nơi đây chỉ là bạt ngàn rừng núi, heo hút giữa những cánh rừng sâu là thôn bản của những người dân tộc được ủ kín giữa những đại ngàn. Cách đây hai tháng tôi cũng có dịp ghé lại chốn này. Không khó để nhận ra nơi đây đã có sự phát triển. Thấp thoáng đây đó là những ngôi nhà, những ô cửa sổ sau những lùm cây cạnh những bờ núi, những đứa trẻ con đang chạy chơi đâu đó trước sân nhà bên những bìa rừng. Nhưng nhìn tổng quát thì chốn này vẫn còn là một nơi khá hoang dã, rừng núi vẫn còn rất nhiều, khiến cho kẻ viết bài này có cảm tưởng cái bản án tử hình dành cho Đặng Văn Hiến vẫn còn là thứ luật pháp được phủ kín dưới những tán lá rừng, tự tung, tự tác, vô cảm.

Bài viết này thay cho một chữ ký trong bản Tuyên bố về bản án tử hình tại Đăk Nông của các tổ chức quan tâm đến vận mệnh của dân tộc mà tôi mới đọc trên trang Văn Việt chiều hôm qua.

Đã không biết có bao nhiêu người góp ý xây dựng, chỉ với một ước nguyện duy nhất là mong cái đất nước này được sống trong yên bình, xã hội trở nên tốt đẹp, minh bạch hơn đều bị quy chụp là phản động, những phần tử xấu xa, muốn lật đổ chế độ, bị theo dõi, rình rập, hù họa ngày đêm. Chính điều này đã cho phép tôi tự hỏi cái đất nước này đang thuộc về ai, của ai?

Sẽ là một lỗi lầm vô cùng lớn với lịch sử của dân tộc này bằng một đường lối cai trị chỉ muốn cả một dân tộc khuất thân như một bầy cừu, ai nói gì cũng nghe, cái gì cũng dạ. Bốn ngàn năm làm nên lịch sử của đất nước này là một minh chứng ngược lại. Cái hào khí, anh linh của cả một dân tộc được hun đúc bằng ngang tàng, khách khí chứ chưa bao giờ bằng quỳ gối, khom lưng.

Ngang tàng, bất khuất, dũng khí vốn là máu bao đời của dân tộc này. Hãy nuôi dưỡng nó thay vì bào mòn nó.

Riêng tôi, chỉ thực sự tâm phục, khẩu phục một guồng máy cai trị, một chế độ có đủ can đảm rà soát lại tất cả những gì liên quan đến đất đai đã dẫn đến sự nổi loạn của người dân, và có đủ dũng khí để phanh phơi tất cả những gì vẫn còn khuất tất sau cái án tử hình này.

Dalat 10-1-2018

Comments are closed.