Bài nói chuyện của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại phiên họp 74 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc

Lê Học Lãnh Vân

Ngày 29/9/2019, VOV.VN đăng toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, tại phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 28/9/2019. Bài nói dài 2.262 chữ (https://vov.vn/chinh-tri/toan-van-bai-phat-bieu-ptt-pham-binh-minh-tai-lien-hop-quoc-961146.vov).

Bài nói của ông Phạm Bình Minh có thể được chia làm năm phần:

Phần 1 gồm 106 chữ: Chào mừng

Phần 2 gồm 298 chữ: Vai trò của hợp tác đa phương và luật pháp quốc tế trong việc giữ hòa bình thế giới

Phần 3 gồm 549 chữ: Bối cảnh thế giới

Phần 4 gồm 487 chữ: Chính sách đối ngoại của Việt Nam với hợp tác đa phương

Phần 5 gồm 1.222 chữ: Các giải pháp đề nghị

Chủ đề của bài nói chuyện là “Tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương vì hoà bình và phát triển bền vững”, do đó cụm từ Hợp Tác Đa Phương được đề cập xuyên suốt bài nói. Bài viết 2.262 chữ mà chở 20 từ đa phương cho thấy mức độ tập trung cao vào chủ đề. Phụ họa với cụm từ đa phương là cụm từ luật pháp quốc tế được lặp lại 8 lần.

Trong vài chục năm trở lại đây, trong mối quan hệ Việt – Trung, tinh thần song phương áp đảo đa phương. Rất nhiều lần, các nhà quan sát chính trị, các chính khách khuyên Việt Nam nên đưa tranh chấp Biển Đông từ song phương Việt – Trung ra đa phương quốc tế nhưng đều bị Việt Nam từ chối. Ai cũng thấy, trong quan hệ song phương này, Việt Nam ở thế yếu và thế khó ra sao. Ngoài ra, hai nước còn có mối quan hệ đặc biệt: quan hệ giữa hai đảng anh em bao trùm quan hệ hai quốc gia; quan hệ tình đồng chí 4 tốt 16 chữ vàng, quan hệ vì “đại cục” nhiều khi đứng trên và đứng ngoài các ứng xử chuẩn mực quốc tế…

Tôi nhìn chủ đề của bài nói chuyện, nhìn cách nhấn mạnh các ý nghĩa của hợp tác đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế mà cảm nhận một sự thay đổi quan điểm căn bản. Sự thay đổi này lâu dài hay chỉ có tính thời thế? Nó sẽ dẫn tới động thái gì, hành động gì giúp vào bảo vệ chủ quyền và phát triển dân tộc lâu dài về sau?

Một điều được trông chờ là quan điểm chính thức của Việt Nam về Biển Đông, về hành vi lấn chiếm của Trung Cộng trên vùng biển Tư Chính. Có lẽ đối với nhiều người trong và ngoài nước, những việc dưới đây tương đối rõ ràng:

1) Trung Cộng hiện nay là nguy cơ lớn nhất và duy nhất đe dọa chủ quyền quốc gia, Hơn nữa, Trung Cộng đang xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam.

2) Các quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nhật, Úc… có cùng hướng quyền lợi với Việt Nam trên nhiều mặt, nhất là trên Biển Đông.

3) Việc Trung Cộng đưa tàu tới xâm lấn bãi Tư Chính là sự kiện nóng nhất của khu vực trong thời điểm mấy tháng nay, và vẫn đang tiếp diễn.

Trong hoàn cảnh này, dễ hiểu là đa số dân chúng mong chờ một quan điểm rõ ràng và cứng rắn hơn, mong muốn nêu tên Trung Cộng trước diễn đàn quốc tế như là kẻ đang xâm lăng. Vừa để bảo vệ nền tự chủ quốc gia, cũng vừa bảo vệ những giá trị cốt lõi trong giao thiệp quốc gia – quốc gia, trong tuân thủ luật pháp quốc tế. Tôi nghĩ đó là điều không chỉ người Việt mà các quốc gia khác cũng chờ nghe. Vừa để biết lập trường chính thức của Việt Nam, vừa để biết diễn biến tình hình từ một người trong cuộc.

Người mong đợi đã thất vọng. Bài diễn văn dài 2662 từ, chỉ có 198 từ đề cập tới Biển Đông! Chỉ 7.4% chiều dài của diễn văn! Chiều dài so với toàn bài đã ngắn, vị trí của nó trong bài cũng khiêm tốn. 198 chữ đó nằm gọn trong phần 5 gồm 1.222 chữ là phần nêu lên bốn giải pháp để khẳng định, củng cố chủ nghĩa, hợp tác đa phương.

Giải pháp thứ nhất, 394 chữ: “khẳng định vai trò và tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ”.

Giải pháp thứ hai, 337 chữ: “tăng cường kết nối giữa chủ nghĩa đa phương ở cấp độ toàn cầu và khu vực

Giải pháp thứ ba, 338 chữ: “các nỗ lực đa phương cần coi con người là trung tâm

Giải pháp thứ tư, 153 chữ: “cam kết chính trị mạnh mẽ của mỗi chính phủ, mỗi nhà lãnh đạo có ý nghĩa then chốt đối với mọi nỗ lực tăng cường chủ nghĩa đa phương

198 chữ nhắc tới Biển Đông năm cuối giải pháp thứ nhất, chiếm phân nửa chiều dài của giải pháp này với đề nghị “Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”.

Như vậy, nhìn từ bên ngoài, ta thấy đoạn nói về Biển Đông rất ngắn, chỉ chiếm 7.4% toàn bài và chỉ dài hơn phần chào mừng (4%). Nằm ở vị trí 2/3 bài diễn văn là nơi dễ bị chìm, chỉ là một phần nhỏ trong một tiểu mục. Tên của quốc gia dùng vũ lực xâm lấn là Trung Cộng cũng không được nhắc tới.

Theo dõi các bình luận viết và nói, tôi thấy những tranh luận về bài nói của ông Phạm Bình Minh nằm trong hai lãnh vực có liên quan nhau:

1) Bài nói có hợp với lòng mong muốn của đa số dân không? Có hợp với hoàn cảnh một nước đang bị xâm lấn không?

2) Bài nói sẽ đem lại lợi ích gì cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, thoát khỏi áp lực xâm lấn và xâm lăng của Trung Cộng? Và xa hơn nữa, lợi ích gì trong việc phát triển đất nước lâu dài?

Khó có thể cùng lúc đáp ứng các yêu cầu cho cả hai lãnh vực. Về tình cảm dân tộc, tôi muốn bài phát biểu cứng rắn hơn và nêu đích danh Trung Cộng. Tuy nhiên, về mặt lợi ích thật sự cho Việt Nam, tôi hiểu còn những góc khuất mình chưa biết để có thể nhận xét bài nói của ông Phạm Bình Minh đã đúng mức chưa và có thể gây bất lợi hay không! Thực sự, bản thân hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam trên thế giới, trong khu vực, đối diện với Trung Cộng đã là bất lợi và hàm chứa rất nhiều nguy cơ. Cho nên, bất kỳ sự thận trọng nào cũng cần thiết và cần được thông cảm!

Cần thêm thời gian quan sát các diễn biến tiếp theo. Trong khi đó, các thảo luận chắc chắn còn tiếp tục, và điều quan trọng là người dân quan tâm tới và học hỏi lẫn nhau về các đề tài chính trị, kinh tế, ngoại giao của đất nước. Nền dân chủ đất nước không được bổ bề ngang cũng bổ bề dọc!

Ngày 29 tháng 9 năm 2019

Comments are closed.