Cuộc trốn chạy của trí thức vào ‘cõi đạo đức’

Có người lý luận rằng, “Một ông trưởng phòng nội vụ, ngày ngày có người mang “quà” tới nhà để xin việc, ông ta không nhận thì thôi, ai dí dao vào cổ bắt phải cầm tiền đâu mà đổ lỗi cho cơ chế”! Nói như thế là thiếu hiểu biết.

Anh phải hỏi thêm rằng, “Tại sao ông trưởng phòng nội vụ đó lại có quyền “ban lộc” cho người này, người kia?”. Trong một hệ thống tốt thì không một cá nhân hay bộ phận đơn lẻ nào có quyền quyết định thay cho tất cả. Nay một ông trưởng phòng có cái quyền ấy, thì anh phải coi lại hệ thống và sửa nó đi.

Phải nhớ rằng, quan hệ giữa người xin việc và ông trưởng phòng là mối quan hệ hành chính/chính trị, chứ không phải là tình cảm vợ chồng để mà mang đạo đức thủy chung trong sáng này nọ ra mà rao giảng. Lòng tham là bản chất của con người, một hệ thống tốt không phải là triệt tiêu cái lòng tham ấy, mà là không cho nó có cơ hội tham dự vào sự điều hành. Dù ham muốn đến đâu lòng tham ấy cũng đành thúc thủ và vẫn buộc phải hoàn thành trách nhiệm theo đúng “quy trình”. Đằng này, việc có nhận tiền của người chạy việc hay không chỉ còn phụ thuộc vào đạo đức của một ông quan, thì phải nhìn ra cái điều tối thiểu rằng, bộ máy đó đang hỏng hóc. Không đòi sửa nó mà chỉ đi phê phán từng ông quan, thì thật là thiểu não và thảm hại cho cái nhận thức của “nhân sĩ trí thức”.

Nhưng tại sao người ta vẫn thích phê phán những ông quan hơn? Có nhiều lý do như tôi đã chỉ ra trong mấy bài liền trước, và còn một nguyên nhân này nữa: trốn chạy. Người ta, đặc biệt là kẻ được gọi là “trí thức” đang cao giọng dạy dỗ những ông Tuấn kia, đã tự vướng vào một mâu thuẫn nội tâm không thể giải quyết được: vừa thấy mình bất lực trước hệ thống nhưng lại cũng vừa muốn được thừa nhận rằng “ta đây đạo đức đầy mình”.

Họ đi làm trong cơ hệ thống và cũng đồng thời luôn phải sống trong mối quan hệ với nhà nước ở đủ mọi lĩnh vực. Ngày ngày, họ chịu những bất công và bất lực, chứng kiến những điều sai trái tai ương mà không làm gì được, ngoài việc tỏ ra khinh ghét một cách vô vọng và đành tự an ủi rằng bản thân mình trong sạch. Cái cao ngạo của họ là thứ cao ngạo được sinh ra do thất bại, nó là một phản vệ tâm lý để trấn an. Họ căm ghét cái hệ thống ấy nhưng không làm gì được nó, và họ “đành nhủ lòng mình vậy”: “nho còn non và xanh lắm”!

342218613_787827436065273_5054359564235283442_n

Xe bò khoai của một “trí thức trong sạch” đang tự hào “Thiên hạ đục chỉ mình ta trong/ Thiên hạ say chỉ mình ta tỉnh”!

Cuộc trốn chạy vào cõi đạo đức của những tâm hồn thất bại ấy, sẽ giúp nó luôn luôn cảm thấy sung sướng mỗi khi vồ được một con mồi kiểu “Tuấn tim”. Lúc này, họ sẽ dùng tất cả sức bình sinh và lòng kiêu hãnh tội nghiệp của mình để tuôn ra những lời rao giảng tưởng đầy lòng mãn nguyện. Càng rao giảng chừng nào, càng đê mê chừng ấy; buồn thay, kẻ có con mắt biết nhìn thì chỉ thấy tội nghiệp.

Ở những người đó, nhận thức về chính trị – xã hội có thể có hạn chế hoặc không, nhưng sự tự dối gạt thì luôn thừa mứa. Đây mới chính là chỗ thảm hại nhất của trí thức giả hình trong các xã hội chuyên chế. Đáng thương thay.

T.H

Comments are closed.