Ngày 17-2-2020 và dịch cúm Vũ Hán

Lê Học Lãnh Vân

1) Tôi còn nhớ một ngày đầu năm 1979, không khí đối địch giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam đang rất cao. Các sinh viên lớp trưởng lớp phó, tổ trưởng tổ phó của trường Đại học Tổng hợp Tp HCM được nghe buổi nói chuyện về thời sự.

Tại buổi nói chuyện đó, một cán bộ không nhỏ của thành phố tuyên bố với cử tọa đại ý rằng trong lịch sử đỏ của Trung Quốc thì tư tưởng bành trướng của Mao Trạch Động là sợi chỉ đen xuyên suốt! Cũng người cán bộ đó, hơn hai mươi năm sau, vào những năm trước và sau năm 2005, vận động các đồng chí cũ của mình đừng biểu tình chống Trung Quốc. Đó chỉ là các cuộc biểu tình ôn hòa nhắc nhở đồng bào không quên trận chiến xâm lược rất lớn và rất dã man nhắm vào dân Việt mà hơn hai mươi năm trước chính anh kêu gọi phải đập tan!

Suốt nhiều năm dân chúng kiên trì nhắc nhở cần có những buổi tưởng niệm người dân Việt bị giết hại trong cuộc chiến đó và cuộc chiến cần được biết tới rộng rãi, rất gần đây vào ngày 17/2, những giọt lệ khóc cuộc chiến mới bắt đầu được bày tỏ trên một số tờ báo chính thống!

Ngày kỷ niệm cuộc chiến, ngày khóc thương chung, là ngày cần có.

Cuộc chiến này thực sự lớn, không chỉ trong năm 1979, mà còn kéo dài về sau bằng cuộc xâm lăng địa chiến năm 1984 với ước tính trăm ngàn dân quân Việt bị tàn sát, bằng cuộc xâm lăng hải chiến 1988 khiến Việt Nam mất thêm 64 chiến sĩ và một số đảo và vùng biển chiến lược nữa. Vậy thì cuộc chiến 1979 chỉ là một phần trong mưu đồ chiếm đất, chiếm biển Việt Nam lâu dài. Và qua các sự kiện đó, có thể nghĩ tới được không, một mưu đồ thôn tính Việt Nam có bài bản? Cuộc chiến đó, với tầm vóc của mưu đồ đó, có nên được nhắc nhở thường xuyên cho toàn dân hay không? Có nên đưa vào bài học trong chương trình lịch sử cho học sinh các cấp phổ thông hay không? Thay vì chỉ lên tiếng trong một ngày kỷ niệm?

2) Không nền bóng đá nào phát triển bền vững nếu không có thế hệ bóng đá trẻ, bóng đá học đường, bóng đá khu phố phát triển…

Quốc gia cũng vậy, không thể có những người công dân yêu mến, sống lương thiện xây dựng, phát triển và sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc nếu thế hệ trẻ không được tắm mình trong tình yêu xã hội, yêu tổ quốc. Điều này chỉ có thể khi thế hệ trẻ được sống trong một môi trường đầy ắp giá trị nhân bản và cao đẹp, trong môi trường có bộ máy công quyền với tinh thần phụng sự và liêm chính. Môi trường mà ngoài nhân loại ra thì Tổ Quốc, Quốc Gia có giá trị cao hơn hết thảy những thành viên của nó, quyền lợi quốc gia phải là quyền lợi tối thượng. Môi trường cần thông tin minh bạch, khai phóng, đa chiều. Trong một thời gian rất dài, báo chí chính thống không hề nhắc tới những cuộc chiến Việt Nam bị Trung Cộng tấn công vào lãnh thổ như cuộc xâm lăng ngày 17/2. Những dòng chữ khắc trên đá ghi nhớ cuộc chiến bị đục bỏ. Tôi có nghe đồn rằng một thời chưa xa, một số vị giám đốc công ty quốc doanh được dặn phải ngăn chặn, không cho công nhân biểu tình, một số vị hiệu trưởng phải ngăn chặn, không cho sinh viên biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng. Không biết những đồn đãi này có đúng sự thực không, nhưng những lời đồn loại đó có ảnh hưởng gì tới sự thờ ơ của giới trẻ đối với vận nước, liên quan gì tới sự suy thoái tinh thần dân tộc và lòng ái quốc nơi người dân? Phải chăng, trận chiến này với những gì xảy ra tiếp theo không chỉ lấy mất của Việt Nam một phần lãnh thổ mà còn lấy cả lòng yêu nước nhiệt thành không vụ lợi của một số thành phần dân tộc? Đất đai quốc gia rất quí, một tấc đất tiền nhân cũng không được để mất. Và so với đất đai, có phải lòng yêu nước của người dân còn quí hơn nhiều?

3) Ngày 17/2/2020 năm nay nằm trong cơn bùng phát dịch cúm do vi rút Corona, xuất phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Cho tới nay, dịch bệnh đã lan rộng toàn Trung Quốc, lây nhiễm gần như tất cả các thành phố lớn nhất nước này. Và nó cũng có mặt trên rất nhiều quốc gia khác, dù với số người nhiễm rất ít so với Trung Quốc.

Dịch cúm Vũ Hán, xin được gọi vậy, làm rúng động thế giới, gieo rắc mối lo sợ cùng khắp và gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Hệ thống cung ứng toàn cầu và hệ thống logistic toàn cầu đang chịu xáo trộn dữ dội. Hàng hóa vận chuyển tới các nước trong vùng ảnh hưởng dịch bệnh bị chậm trễ nhiều so với trước. Các nhà kinh tế và kinh doanh đều biết tác hại ghê gớm của sự xáo trộn hai hệ thống này. Thiệt hại chung rất lớn, thiệt hại cho Trung Quốc càng lớn hơn nếu tính trên đầu người!

Cùng với việc Trung Quốc, trung tâm dịch bệnh, đang mệt mỏi, không đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho nền kinh tế Việt Nam, Việt Nam sẽ có những cựa quẫy để thoát lệ thuộc vào một đầu mối là Trung Quốc. EVFTA vừa mới ký chắc chắn là một chỗ dựa để Việt Nam đa phương hóa hơn nền kinh tế, do đó tự chủ hơn trong các quyết sách về kinh tế và cả về những mặt khác.

Bài viết này nhìn thấy cơ hội lớn đang mở ra cho Việt Nam. Việt Nam cần nhìn về hướng chiếm lấy một thị phần nào đó của sản phẩm Trung Quốc trên thị trường thế giới, chiếm lấy vài chỗ của Trung Quốc trong hệ thống cung ứng toàn cầu. Để tận dụng thời cơ, trước mắt chắc chắn Việt Nam cần ngăn chặn dịch cúm hữu hiệu. Cùng lúc, Việt Nam cần minh bạch thông tin, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư doanh, thực hiện các cam kết quốc tế, cải tạo cách quản lý xã hội theo hướng tiến về mô hình đa số các nước phương Tây đang áp dụng…

Ngoài ra, sự bùng phát dịch cúm do virút corona cho thấy những bất cập trong hệ thống và phương cách quản lý xã hội của Trung Quốc. Việt Nam, nước tương đồng với Trung Quốc về mặt này, có thể rút những bài học gì để xây dựng xã hội mình hữu hiệu hơn, đất nước mình phát triển nhanh hơn?

Ngày 17/2/1979 là ngày quân Trung Cộng đánh qua biên giới. Mỗi năm, ngày này, lòng dân phẫn hận kêu gọi nhau ghi nhớ căm thù. Tôi nghĩ lòng căm phẫn đó một phần cũng do sự cấm đoán thông tin. Nếu mọi việc được minh bạch, nếu việc biểu hiện tinh thần chống xâm lăng không bị cấm đoán, lòng căm thù không bùng nổ như lò xo bị nén.

Quan điểm của riêng tôi là lòng căm thù chuyện xưa không còn cần thiết. Không đáng mất thì giờ để căm thù. Nhưng phải ghi nhớ chuyện qua. Ghi nhớ, ghi nhớ và ghi nhớ để chúng ta và con cháu sau này không lầm lạc, thấy rõ đâu là nguy cơ cho đất nước, cho xã hội. Để chúng ta quyết tâm tách khỏi sự phụ thuộc vào Trung Cộng. Nếu cơ hội mở ra trên đây được tận dụng, một bước tiến về tự chủ hơn, về Thoát Trung hơn, Việt Nam sẽ tự tin hơn khi giao thiệp với Trung Quốc. Vị thế bình đẳng hơn thì tình hữu nghị mới lâu dài hơn và nguy cơ chiến tranh mới lùi xa hơn.

Lãnh thổ và truyền thống dân tộc mới được bảo vệ vững vàng hơn!

Ngày 17 thàng 2 năm 2020

Comments are closed.