Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha – phần 5C

Nguyễn Cung Thông[1]

Có lẽ nên viết thêm vài hàng về các hệ luận quan trọng từ loạt bài viết “Tiếng Việt thời de Rhodes”, cụ thể là bài “Tiếng Việt thời de Rhodes – Kinh Lạy Cha/KLC – phần 5” trong loạt bài trên. Nguyên nhân chính là vì khi người viết (Nguyễn Cung Thông/NCT) trải nghiệm các buổi họp mặt ở Đà Nẵng (Hội thảo tôn vinh chữ quốc ngữ 28-29/12/2019), Hà Nội (Viện Ngôn Ngữ – 6/1/2020) và Sài Gòn (Đại Học KHXHNV – Thành phố HCM 10/1/2020) thì thấy ít có người nhận ra được các liên hệ (xin lỗi nếu bạn nào thấy có những điểm lặp lại – nhiều khi nói thẳng ra thì cũng không hay, phải để cho óc sáng tạo của người đọc hoạt động nữa chứ!) – một cách tóm tắt (dù KLC vỏn vẹn có vài chục chữ):

(1) Ảnh hưởng của các tiếng Bồ Đào Nha, Ý… (td. Bồ Hán tự điển) dam > danh, cũ > cùng, cium > chưng, cia > cha

(2) Cách dùng thay đổi: td. nhân xưng đại từ chúng tôi > chúng con, của ăn > đồ ăn

(3) Một số thay đổi lớn hơn như không còn dùng trong tiếng Việt hiện đại nữa: td. chưng, bèn, ít, rày. Bản KLC năm 1632 dùng 4 chữ chưng, tài liệu chữ Nôm (Maiorica) dùng 3 chữ chưng so với các bản KLC đầu TK 18 dùng 2 chữ chưng, bản KLC (LM Halario de Jesu/thập niên 1750) dùng 1 chữ chưng so với tài liệu “Thiên Chúa Giáo Lý Quốc Ngữ” (LM Béhaine/1774- đầu TK 19) không thấy dùng chưng nữa cũng như các bản KLC hiện đại.

(4) Một số thay đổi vì khả năng đến từ một gốc: td. *hwiok 或 (hoặc) > *kwiok > cuốc (quốc) hay khuynh hướng ngạc cứng hóa *hwiok 或 > *wiok > vực – dớt – nhớt – nước; *miaŋ 名 > *jiaŋ > danh và 名 có một cách đọc khác là tên (so với hai từ bụtPhật song hành vào thời VBL dù cùng có một gốc Phạn là *budh – LM de Rhodes chỉ thấy ghi cách dùng đạo bụt vào thời này).

(5) Ngữ pháp tiếng Việt vào TK 17: khả năng tính từ hay trạng từ đứng trước động từ hay danh từ: danh cha cả sáng, tục ngữ: cả vú lấp miệng em, VBL: cả tiếng, xấu tiếng, xanh mặt, bạc tóc, bạc râu… Một số bản KLC bắt đầu dùng dạng bị động như “Danh Cha được sáng, nước Cha được đến, ý Cha được nên” (KLC năm 1925/1934), v.v.

(6) Dễ nhận ra nhất là chính tả thay đổi và thanh điệu ghi sơ sài: cia > cha, tlên > trên, blời > trời, daim > danh, cũ > cùng, cium > chưng, bum > vâng (tương quan b-v), v.v.

(7) Tên gọi Kinh Lạy Cha thay đổi theo thời gian: tên gọi KLC thay đổi từ kinh Tại Thiên, kinh Đức Chúa Giê Su, kinh Chúa, kinh Thiên Chúa và sau cùng là kinh Lạy Cha (tiếng Việt hiện đại). Đàng Ngoài[2] có khuynh hướng dùng tên gọi cổ hơn (kinh Tại Thiên) so với Đàng Trong (kinh Lạy Cha). Phương ngữ trong các tài liệu Công giáo là một vấn đề rất thú vị và đáng được tra cứu sâu xa hơn, v.v.

(8) Không những chữ quốc ngữ thay đổi hình dạng ban đầu, chữ Nôm cũng có khuynh hướng thay đổi khi so sánh các bản Nôm của KLC: thí dụ như bằng (trong “ý Cha vâng dưới đất bằng chưng trời vậy”) thì các bản Nôm cổ dùng bình HV 平, các bản Nôm sau này dùng bằng HV 朋, dỗ (trong “chớ để sa cám dỗ” thì các bản Nôm cổ dùng đỗ bộ mộc 杜 (đ ~ d thời VBL) so với các bản Nôm gần đây dùng chữ dụ HV 誘 (dụ ~ dỗ), v.v.

(9) LM Cao Vĩnh Phan đã ghi lại bản KLC năm 1853 ở Đàng Ngoài (trang 187 trong tài liệu in roneo “Năm 2000 đọc và học Kinh Thánh – qua các bản dịch tiếng Việt”): “Lịch sử địa phận Hà Nội của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Paris 1994, ở chương bảy trang 183, trích một đoạn trong lá thư Đức Cha Retord Liêu trả lời cho một người bạn Pháp muốn biết về Kinh hạt Việt Nam đọc như thế nào…

Chúng tôi lạy thiên địa chân chúa, ở trên trời, là cha chúng tôi

Chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng

Cuốc Cha trị đến

Vâng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy

Chúng tôi xin Cha hằng ngày dùng đủ

Mà tha nợ chúng tôi

Bằng chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi vậy

Xin chớ để chúng tôi sa chưng cám dỗ

Bèn chữa chúng tôi chưng sự dữ Amen

Nghĩa là Kinh ấy đã được dùng lâu đến 153 năm trước…” (hết trích).

Câu nguyện “quốc (nước) cha trị đến” rất quan trọng cho niềm tin tôn giáo (Công giáo) lại không hiện diện trong KLC bản Nôm năm 1855, ghi trong tài liệu “Notice sur la langue annamique” của học giả Léon de Rosny. Nếu đếm số chữ trong KLC năm 1855 (bản Nôm) thì có tất cả 49 chữ, bằng số chữ La Tinh[3] của KLC (Vulgate). Đây cũng là số chữ quốc ngữ ít nhất (cực tiểu) trong các bản KLC dịch ra tiếng Việt từ trước đến nay – xem biểu đồ số chữ KLC theo dòng thời gian (năm) – bắt đầu từ bản KLC năm 1632 có 70 chữ cho đến bản KLC năm 2017 có 71 chữ so với bản tiếng Trung hiện đại (Chinese Union Version) có 95 chữ! Đây là một trong những nguyên nhân hay điểm tác động (trigger point) cho Pháp xâm lăng Việt Nam rất dễ nhớ qua sơ đồ sau (visual perception) – người viết thường nhắc nhở học trò bên Úc của mình là “A picture tells a thousand words” (tạm dịch: một hình vẽ ra bằng vạn lời nói).

clip_image002

Chuỗi sự kiện đáng chú ý

– Năm 1855, bản KLC (Nôm) có 49 chữ, ít nhất trong các bản dịch ra tiếng Việt cho đến nay (năm 2019)

– Năm 1856 (16/9/1856) chiến hạm Catinat đưa quốc thư của vua Napoléon III đến Đà Nẵng

– Năm 1856 (24/20/1856) chiến hạm Capricieuse cập bến Đà Nẵng cũng bị triều đình từ chối gặp

– Năm 1857 (23/1/1857) sứ thần Montigny của Napoléon III cập bến Đà Nẵng yêu cầu chính phủ phải cho tự do truyền đạo và buôn bán – cũng bị từ chối gặp

– Năm 1858, sau hòa ước Thiên Tân (28/6/1858) liên quân viễn chinh Pháp – Tây Ban Nha di chuyển xuống phương Nam và đánh phá Đà Nẵng

– Năm 1859 (18/2/1859) đô đốc Rigault de Genouilly chiếm được thành Gia Định, bắt đầu giai đoạn xâm lăng Việt Nam!

Ngoài ra cũng có những nguyên nhân (sâu) xa hơn tại sao Pháp lại muốn thôn tính Việt Nam – như ảnh hưởng của Pháp trên Thái Bình Dương: bảo hộ Tahiti/1840, New Caledonia – thuộc địa/1853, v.v.

Ngoài ra, sự kiện KLC chữ quốc ngữ năm 1855 có câu “cuốc (quốc) cha trị đến” so với KLC chữ Nôm không có câu này cho thấy chính quyền thời này không đọc được chữ quốc ngữ, một hình thức dùng “mật mã” (code) trong cộng đồng Công giáo – chữ viết “chính mạch” vẫn còn là chữ Hán và chữ Nôm.

(10) Từ góc độ Ngôn Ngữ Tri Nhận (Cognitive Linguistics), các từ chức năng (function words) cho thấy nhiều thay đổi như chúng tôi, chưng, rày khi so sánh các bản KLC…

(11) Ngôn ngữ cũng thay đổi theo nhận thức xã hội[4]: một số nước đã thay câu “lạy cha trên trời” trong KLC bằng “lạy cha và mẹ ở trên trời”, và “kingdom” thành “dominion” (giới tính quân bằng/gender neutrality, ai biết Thượng Đế có giới tính nào, v.v.).

Hi vọng loạt bài viết này gợi ý cho người đọc, nếu cảm thấy thích thú, sẽ tìm hiểu sâu xa hơn về quá trình hình thành tiếng Việt cũng như các tương quan của ngôn ngữ và lịch sử.

Tài liệu tham khảo chính

Nguyễn Cung Thông (2018) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha – phần 5A” có thể đọc toàn bài trên trang này http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/242899.htm

clip_image003 (2019) “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha – phần 5B” có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn http://conggiao.info/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes—kinh-lay-cha-phan-5b-d-45232, v.v.


[1] Nghiên cứu tiếng Việt độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Cách dùng Đàng NgoàiĐàng Trong có khuynh hướng khác nhau: Đầy tớ cả (VBL) ~ tông đồ, tràng hột ~ chuỗi (lần hột), Jesuit/Giê Su Hội Sĩ ~ (Thầy) Dòng Đức Chúa Giê Su ~ Dòng Tên (Đàng Ngoài), bổn ~ sách phần, sách bổn, bà mụ ~ bà nhà dòng, bà phước (bà sơ/sœur)…

[3] Bản KLC bằng La Tinh (có 49 chữ) hầu như không thay đổi trong những thế kỉ gần đây nên dùng làm “bản mẫu” để so sánh các bản dịch KLC bằng tiếng Anh, Pháp, Việt… Tiếng La Tinh lại khác với loại hình hình đơn lập (Isolating language – td. tiếng Việt): thí dụ như một chữ decalogus có bốn âm tiết nhập vào tiếng Anh thành decalogue (hay thường gọi là The Ten Commandments) khi dịch ra tiếng Việt có khi phải dùng 6 chữ cho rõ nghĩa “Mười điều răn Đức Chúa Trời” (Đàng Ngoài) hay “Mười giới răn Đức Chúa Trời”, “Mười giới răn” (Đàng Trong). 49 chữ La Tinh khó mà chuyển (dịch) thành 49 chữ quốc ngữ hay chữ Nôm (có vấn đề).

[4] Thời người viết (NCT) học tiếng Anh, khoảng thập niên 1960, người đưa thư là postman, mailman nhưng bây giờ (thập niên 2010) thường gọi là mail carrier, headmaster (hiệu trưởng) bây giờ thường gọi là principal

Comments are closed.