Phật tính của… đồng chí

Nguyễn Hoàng Văn

“Đồng chí”, tôi xin nói ngay, chỉ là một đơn vị ngôn ngữ, một danh xưng; còn “Phật tính” lại là ý niệm vay mượn từ sử gia Trần Quốc Vượng, khi ông nêu ra một đặc điểm trong tiếng nói của chúng ta để bàn về yếu tố bác học và dân gian trong văn hóa Việt.

Ngôn ngữ chúng ta, theo ông, không chỉ thể hiện Phật tính qua nhiều điển cố từ kinh Phật như “hằng hà sa số” với gốc gác từ Kinh Lăng Nghiêm mà, nhiều khi, còn toát ra… tính chất vô thường ở cách sử dụng trái ngược nước-lửa với nhau của những từ lẽ ra phải như nhau như “làm ồn” với “làm thinh” hay, trong trường hợp ngược lại, như “bất thình lình” với “thình lình”, “chợt” với “bất chợt” mà, từ đó, chúng ta có thể nhìn ra bao nhiêu thí dụ khác, như “áo ấm” và “áo lạnh”, “đánh thắng” và “đánh bại”, v.v. [1]

“Đồng chí”, xem ra, cũng thế. Khởi đi từ cái thuở ban đầu vốn đem lại cho người trong cuộc một cảm giác thiêng liêng, cao quý, “đồng chí” cũng thăng trầm và biến đổi rất… vô thường, tự mình nước-lửa với mình.

Đầu tiên, “đồng chí” rất cao quý, thiêng liêng, có thể thấy qua tâm trạng của Chế Lan Viên, trong thời đánh đuổi thực dân, trong bài thơ “Kết nạp đảng trên quê mẹ”:

Mẹ ơi! mẹ không là đồng chí

Nhưng Đảng kỳ đây chính là của mẹ

Mang vào hình hài mẹ, nhà thơ lồng thêm bóng quê hương:

Ôi tiếng đầu tiên gọi ta "đồng chí"

Là tiếng quê hương ấm lành Quảng Trị

Không cao-thiêng thì, ít ra, nhìn ở bề ngoài, cũng rạch ròi xấu tốt, đến tận bây giờ, như trường hợp mới đây của Phạm Xuân Thăng, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khi bước ngoặt số phận nằm ngay trong danh xưng của y. Oai vệ là lãnh chúa một vùng là “đồng chí Thăng”. Chưa đợi đến lúc bị còng tay thì Thăng đã đẫn đờ sụm xuống như thể mất hồn bởi bị tước mất danh hiệu “đồng chí” qua thủ tục “đình chỉ sinh hoạt đảng”. [2]

Không rõ có phải cái lệ đình chỉ / khai trừ rồi mới còng tay / truy tố này có phải bắt đầu từ đầu năm 1969 hay không, sau khi nạn nhân Lê Trọng Nghĩa vặn ngược “Đồng chí mà bắt!”. Ông Nghĩa, vốn là Cục trưởng Quân báo, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng và, hơn nữa, còn là nhân vật lịch sử với vai trò trọng yếu trong cuộc cướp chính quyền ở Hà Nội vào tháng Tám năm 1945 trong khi những nhà lãnh đạo cao cấp nhất vẫn còn mù mờ tình hình và yên ổn ở an toàn khu. Năm ấy ông bị “đồng chí” Văn Tiến Dũng lừa, bảo sang gặp “đồng chí” Phạm Ngọc Mậu để rồi nghe chính “đồng chí” này tuyên bố “Đồng chí bị bắt”, bắt đầu cho một chuỗi đời oan khiên mà không thể phản biện, chỉ kịp vặn vẹo bắt bẻ một câu duy nhất, với bốn từ trên. [3]

Cùng số phận có ông Lê Liêm, từng là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị rồi Thứ trưởng Bộ Văn hóa, một người rất được lòng giới nghệ sĩ và, theo diễn tả, chưa từng hạ bút bêu xấu bất cứ ai bị sa cơ trong vụ Nhân văn – Giai phẩm. Không rõ khi bắt ông những sai nha Maoist thời ấy có tuyên bố “Đồng chí bị bắt” hay không nhưng, đến khi qua đời vào giữa thập niên 1980, dù đã ra mặt chống lại Maoist rồi, hệ thống quyền lực ấy vẫn ban lệnh cấm, không cho phép gọi ông là “đồng chí” [4].

Thế nhưng không hẳn “đồng chí” và “phi đồng chí” đều rạch ròi đen trắng cả. Cũng vào thời ấy, cũng là nhân vật với án “xét lại – chống đảng” ấy, ông Đặng Kim Giang, lại có sự lộn sòng, mà là “lộn” ngay trong mồm ông Lê Đức Thọ, khi lên lớp với chính vợ của nạn nhân này một cách xách mé và bề trên, bảo là “nó” thay vì “đồng chí ấy”! [5]

Nhìn cảnh quân Nga thảm bại tại Ukraine hôm nay mới thấy công trạng của ông Giang. Quân Nga thua nặng là do sự yếu kém của công tác hậu cần mà ông Giang là người đảm trách việc này trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đáp lời khi bà vợ trên đòi hỏi rằng nếu chồng mình thực sự có tội thì phải đưa ra tòa xét xử, Lê Đức Thọ lạnh lùng rằng không thể bởi đây là “cuộc đấu tranh nội bộ”. Nnếu vẫn còn xem là “nội bộ” thì có nghĩa là vẫn xem nhau là “đồng chí” vậy mà, trong xưng hô, ông ta lại tước bỏ cái danh xưng này: “Thuyết phục nó không được thì phải áp dụng biện pháp hành chánh.”

Gần thời chúng ta hơn là quan hệ giữa Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Công Khế, khi ông Khế vẫn nắm báo Thanh Niên còn ông Triết vẫn là Bí thư Thành ủy tại Sài Gòn, nghĩa là một ủy viên Bộ Chính trị. Ông chủ báo muốn phanh phui băng đảng Năm Cam nhưng bộ sậu bảo kê cho Năm Cam có đến hai ủy viên trung ương đảng, trong đó có một Thứ trưởng Công an nên lo xa chạy quanh tham vấn hay, nói một cách khác, tìm ô che chắn. Và ủy viên Bộ Chính trị Triết, cao hơn hẳn ông Thứ trưởng kia về mặt đảng, đã phải bỏ ra đến hai tiếng đồng hồ để săm soi mỗi một bài báo dài chỉ hai trang mà Hoàng Hải Vân, tay chân ông Khế, viết từ tài liệu của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. Cẩn thận thế tưởng xong, ông còn cẩn thận tiếp khi nhùng nhằng giữa “đồng chí” và “bạn”: là “đồng chí”, ông muốn đăng để… xây dựng đảng; là “bạn”, ông muốn dẹp qua một bên để chắc chắn chữ an bởi tên Thứ trưởng kia có thừa phương tiện bịt miệng, trả thù! [6]

Nhưng kịch tích và… phi tuyến tính hơn là quan hệ của Trần Mạnh Hảo với những đồng chí của mình khi bài thơ “Khóc Nguyên Hồng”, viết năm 1982 tại trại sáng tác ở Vũng Tàu, bị rọi kính chiếu yêu. Chứng kiến hàng trăm xác chết từ hai tàu vượt biên bị chìm dạt vào bờ, rồi chứng kiến “chút thổ phần bò xéo cuối thôn” (Phùng Cung) mà báo Nhân Dân dành cho sự ra đi của một nhà văn tên tuổi, Trần Mạnh Hảo đã uất lên với đề từ “Kính tặng hương hồn anh Nguyên Hồng – Và hương hồn của lũ chúng ta”:

Một mẩu giấy bằng bàn tay đứa bé
Báo Nhân Dân đăng một tin buồn:
– Nhà văn Nguyên Hồng vừa mất
Không có quê hương
Không một dòng sự nghiệp
Thôi thế là may!
Vẫn còn một chỗ chôn trên báo đảng

….

Kính chiếu được soi từ tận Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đảng mà, theo đó, tác giả đã “quay súng bắn vào Đảng”, phải tóm cổ, phải trị và, do đó, đầu tiên, phải khai trừ đảng. Tại chi bộ đảng của Hội Văn nghệ tại Sài Gòn “đồng chí Hảo” đã trở thành “anh Hảo” tuy nhiên nhà thơ đã, theo lời khuyên của người bạn đồng hương Thép Mới, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, sử dựng tất cả ngón võ có thể sử dụng để trì hoãn thủ tục khai trừ trước khi những nhà chính trị khổng lồ khác can thiệp. [7] Trần Mạnh Hảo kể:

"Thời ở trong rừng, tôi có biết ông Võ Trần Chí và ông Võ Văn Kiệt, mà ông Hoài Vũ lại là bạn thân của hai ông này. Hoài Vũ là cố vấn riêng cho Võ Trần Chí. Mà Nguyễn Quang Sáng và Hoài Vũ, Thép Mới đều biết rõ "sự kiện" bài thơ này. Ông Thép Mới có bảo với ông Võ Văn Kiệt và Võ Trần Chí sai Hoài Vũ đến gọi tôi lên.

Đúng vào tối 19/5/1983 tôi vào gặp hai ông ở văn phòng Bí thư thành ủy. Câu đầu tiên ông Kiệt nói là:

-Hảo à! Đù má… Mày làm cái gì mà dữ vậy?

Anh phải hiểu rằng tính cách người Nam Bộ là thế. Sống với nhau trong cơ quan hay lúc sinh hoạt thường hay dùng câu ĐM kèm theo. Thân tình mới có câu ĐM. Còn đã gọi nhau bằng đồng chí là "có chuyện". Nghe được lời mắng của anh Sáu (Võ Văn Kiệt) lại có kèm ĐM, tôi biết ngay là "thoát". [8]

Chỉ vỏn vẹn một danh xưng thôi mà bao nhiêu là ý nghĩa hay tâm trạng nước-lửa với nhau. Gọi “đồng chí” thì toàn là có chuyện với nhau, những thứ “chuyện” mà Tô Hoài đã tóm tắt như là “những cái đúng và những cái sai và phương hướng sửa chữa” ở đó những đồng chí của nhau “dội lên đầu nhau những chữ nhưng, chữ tuy nhiên, chữ mặc dầu đã..” [9]. Những thứ chuyện đã dồn ép Nguyên Hồng đến chỗ uất lên trút bỏ tất cả, danh phận và quyền lợi, dắt díu đàn con nheo nhóc lui về vùng rừng núi mà thời nào Đề Thám tung hoành: “Đủ, đủ lắm rồi. Ông đéo chơi với chúng mày nữa.” [10].

Xem ra, làm “đồng chí” với nhau có nghĩa là không thể sống như là những con người tử tế với nhau và, có như vậy, ông ủy viên Bộ Chính trị trên mới lửng lơ ba phải nửa bạn nửa đồng chí với nhà báo Khế trước cái uy của tên Thứ trưởng công an ăn tiền tội phạm. Đến Trần Mạnh Hảo thì ý nghĩa “đồng chí” mới thực sự… “diễn biến phức tạp”: trong chi bộ của mình, nhà thơ này phải già mồm, phải chua ngoa đanh đá để bảo vệ tư cách “đồng chí” của mình, đến thế nhưng khi gặp nguyên Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, nhà thơ lại thở phào khi không còn nghe tiếng “đồng chí” mà chỉ đơn giản là “mày”, sau từ “ĐM”!

Xem ra, “đồng chí” đã vô thường đến đỗi lôi cả tiếng chửi thề “ĐM” vào… cõi vô thường. So sánh tiếng “ĐM” trong miệng ông Võ Văn Kiệt và trong mồm Nguyễn Công Khế theo tường thuật của Hoàng Hải Vân:

“Tối ngày 1-5, tôi chuẩn bị trang báo đã dàn sẵn đợi anh đến. Anh đến tòa soạn cầm trang báo đọc kỹ, đi tới đi lui, đọc thêm một lần nữa, rồi đi tới đi lui. Cuối cùng, anh cầm máy điện thoại giơ lên, đưa trang báo cho tôi, nói: “ĐM, đăng!”, vừa nói vừa tắt máy điện thoại, đút túi quần lên xe đi thẳng về nhà. Đó là hình ảnh hào sảng oai phong nhất của một Tổng Biên tập mà tôi không bao giờ quên được.” [11]

chúng ta thấy ngay cái khoảng cách nước-lửa của cùng một tiếng chửi thề. Ông chủ báo Khế đi tới đi lui trong trạng thái phân vân để rồi, cuối cùng, quyết định vượt sông Rubicon với tuyên bố sắc lạnh “ĐM, đăng” và, ở đây, chữ “ĐM” này, là sự quyết đoán, là chấp nhận chơi láng, tới bến. Còn ông Kiệt, giữa những cáo buộc kinh hồn ập lên đầu Trần Mạnh Hảo, thì tiếng “ĐM” kia lại nhẹ nhàng như một lời mắng yêu với tên đàn em bị tai nạn nghề nghiệp, gì gì vẫn còn có anh đây.

“Đồng chí” đã cực kỳ… vô thường như một danh xưng, một đơn vị ngôn ngữ hay, nói hàn lâm hơn, là “cái biểu đạt”. Nhưng vấn đề là chính “cái được biểu đạt”, là những con người xương thịt với những mưu toan và ý đồ sau cái danh xưng ấy?

Xem ra, gốc gác của vấn đề không hẳn huyền nhiệm hay sâu sắc triết lý “sắc tức thị không” như kinh Phật mà chỉ là những những éo le, những mập mờ trong những mưu toan và ý đồ xương thịt ấy.

Những người Việt đang sống tại nước ngoài, có lẽ, ai cũng… vô thường trong ý nghĩa đi-về bởi chặng đường nào trong chuyến bay hai chiều cũng đều mang ý nghĩa “trở về” cả: “về Việt Nam” và “về Mỹ”, “về Úc” hay “về Canada”, v.v. “Về” Việt Nam vì miền đất ấy đã là “câu chuyện” của họ, nơi cái nhau họ và hài cốt của bao tổ tiên đã tan trong lòng đất. “Về” lại Mỹ, Úc hay Canada vì những vùng đất ấy cũng là “câu chuyện” của họ, câu chuyện họ bôn ba làm lại cuộc đời, câu chuyện lập thân xây dựng tương lai, và câu chuyện về những thế hệ tiếp nối.

Sự “vô thường” của đồng chí, có lẽ, cũng xuất phát từ một nền tảng như vậy nhưng gắt gao và đẫm máu hơn. Người ta gọi nhau là “đồng chí” khi cùng chia sẻ một chí hướng, một lý tưởng hay, rộng hơn, là một ý thức hệ, một thế giới quan nhưng còn có một mẫu số chung đơn giản hơn là “kẻ thù chung”. Nói theo ông Kofi Annan, nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ngay sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001, là chúng ta được phẩm định bởi chính… kẻ thù của chúng ta. [12]

Sự “vô thường” trong danh xưng đồng chí ở những câu chuyện kể trên – giữa Lê Đức Thọ với Lê Trọng Nghĩa, Đặng Kim Giang và Lê Liêm – cũng chính là sự “vô thường” trong việc xác định bạn-thù, hoặc theo nước Nga xét lại của ông Khrushchev, hoặc chọn nước Tàu của ông Mao. Mà, như một lời nguyền lịch sử, sự mập mờ “bạn-thù” đó vẫn tiếp tục “vô thường” trong ngôn ngữ ngày hôm nay khi “tàu cướp”, “tàu lạ”, “tàu bạn” rồi “tàu lạ”, dù rất quen, cũng đều một nghĩa như nhau. Nhưng không chỉ là lời nguyền ngôn ngữ bởi sự “vô thường” đó còn là những thái độ và những chính sách đau lòng và nhức nhối, là lối hành xử nhũn nhặn, đầy “Phật tính” trước kẻ thù đang chực nuốt sống mình, là sự khắc khe đến ác nghiệt với chính nhân dân của mình, như thể ông Ác canh giữ cửa Phật; là những dự án “hợp tác – hữu nghị” tiềm tàng những mối họa lâu dài, như cái dự án nhức nhối trên mái nhà của tổ quốc, không hề mang lại một ích lợi kinh tế nào mà chỉ thấy những thảm họa xã hội và môi sinh, những mối nguy chiến lược lâu dài.

Không thể hay không dám nhận diện rõ ràng kẻ thù hay mối đe dọa chung thì sẽ không bao giờ xây dựng được một dự án chung, một tương lai chung và một câu chuyện chung. Và đó cũng chính là một trong những lý do khiến người Việt tiếp nối nhau viết tiếp “câu chuyện” của mình trên những vùng đất khác. Chưa ai làm một cuộc thống kê chính xác nhưng, qua những gì đang diễn ra, có lẽ ước mơ lớn nhất của rất đông người Việt là… thôi làm người Việt Nam để làm công dân của nước ngoài. Khi người Việt tiếp nối nhau bỏ đi, hay mưu đồ chuyện ra đi thì, cách này hay cách khác, có lẽ họ cũng đang lặp lại lời của Nguyên Hồng năm nào, khi ông tuyên bố với những người từng gọi là đồng chí:

– “Đủ, đủ lắm rồi. Ông đéo chơi với chúng mày nữa.”

Tham khảo:

[1] Trần Quốc Vượng (1993) Trong Cõi, NXBTrăm Hoa, Chương 13, “Dân gian và bác học”

“Trạng từ Việt ngữ Hằng Hà sa bắt nguồn từ Kinh Lăng Già (Lankavatara Sutra). Lời kinh viết:

"Khi ấy bồ tát Đại Huệ lại bạch đấng Thế Tôn: "Trong kinh chép Đức Thế Tôn dậy rằng các đấng Như Lai (Tathagata), quá khứ, hiện tại và vị lai nhiều như cát sông Hằng. Bạch Thế Tôn, câu ấy có thể hiểu theo nghĩa đen được chăng hay nó có nghĩa biện biệt khác? Cug thỉnh Đức Thế Tôn giảng giải cho" (Chơn Pháp dịch theo bản dịch từ Phạn ngữ của Suzuki).

[2] https://www.datviet.com/pham-xuan-thang-bi-bat-vi-dinh-vu-viet-a/

[3] “8-1.1969 Nghĩa họp giao ban xong thì được Văn Tiến Dũng bảo sang bên Phạm Ngọc Mậu có việc. Nghĩa lái xe sang Mậu nói luôn: Đồng chí bị bắt!- Đồng chí mà bắt, Nghĩa văn”

Trần Đĩnh (2014), Đèn Cù, Người Việt Books, trang 545

[4] Trần Đĩnh, sđd, trang 163

‘Lê Liêm chết năm 1984. “Một, không cho phép gọi (Lê Liêm) là đồng chí! Hai không cho phép quàng ở Bộ Văn Hóa. Ba, các quan chức đang công tác không được đi đưa.”

[5]

https://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-042/don-khieu-oan-cua-ba-qua-phu-dang-kim-giang

“Tôi đã có đến ông Lê Ðức Thọ và ông Trần Quốc Hoàn. Ông Trần Quốc Hoàn tránh không tiếp. Tôi nói với ông Lê Ðức Thọ: ‘Anh Giang phạm tội gì mà các anh còng tay còng chân mang đi? Sao đối xử với nhau tệ thế? Có phải gián điệp của đế quốc không? Nếu phải, đem xử bắn. Mẹ con tôi tán thành’. Ông Thọ nói: ‘Không phải, đây là cuộc đấu tranh nội bộ, không đem ra xử công khai được. Chị cứ yên tâm. Chúng tôi không bỏ tù nhau đâu. Thuyết phục nó không được, phải dùng biện pháp hành chính. Khi nào nó nghe ra sẽ về thôi. Cửa nhà tôi lúc nào cũng rộng mở. Chị có khó khăn gì cứ đến’.

Thật ra cánh cửa đó đã vĩnh viễn sập lại sau lưng tôi kể từ ngày đó.”

[6] “Với sự thận trọng vốn có, anh chân thành nói với tôi: “Với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị, tôi hoan nghênh việc các anh đăng bài báo này vì rất có lợi cho quá trình kiểm điểm những đồng chí lãnh đạo cấp cao. Nhưng với tư cách là bạn, tôi khuyên anh chưa nên đăng vì sẽ rất nguy hiểm cho anh. Cho tới lúc này không phải cán bộ cấp cao nào cũng hiểu đúng sự việc này".”

https://1thegioi.vn/nha-bao-nguyen-cong-khe-noi-ve-nhung-dieu-cam-ky-14411.html

[7] http://trannhuong.top/tin-tuc-55032/loi-boc-bach-cuoi-cua-tran-manh-hao-ve-bai-tho–%E2%80%9C-cho-mot-nha-van-nam-xuong%E2%80%9D–khoc-nguyen-hong-1.vhtm

“Ngày khai trừ đảng tên phản động TMH của chi bộ hội nhà văn TP.HCM đã đến. […] Sáng họp chi bộ. Họ cho người đọc bài “Khóc Nguyên Hồng” và hỏi bài thơ này có phải của anh không không gọi đồng chí nữa, vì thằng chống đảng thì chúng tao không đồng chí đồng rận với mày).”

[8] Phạm Xuân Nguyên, “Much Ado About Nothing”

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1621&rb=0102

[9] Tô Hoài ( 2013), Cát bụi chân ai, NXB Hội Nhà văn, trang 113-114

[10] Tô Hoài, sđd, trang 137,

[11] Hoàng Hải Vân, “Những chuyện kinh hãi về vụ Năm Cam”:

https://tongkhothocao.blogspot.com/2017/10/nhung-chuyen-kinh-hai-ve-vu-nam-cam.html

[12]“We must recognise our common enemies. At a time like this, the world is defined not only by what it is for but by what it is against.” (Tạm dịch: Chúng ta phải nhận diện cho ra kẻ thù chung. Vào một thời điểm như thế này thì thế giới được xác định không chỉ bằng những gì chúng ta theo đuổi mà cả những gì chúng ta chống lại).

https://www.independent.co.uk/voices/commentators/kofi-annan-we-must-recognise-our-common-enemies-9258139.html

Comments are closed.