Quyền được treo tranh

 Phạm Xuân Nguyên

 

Vụ việc cuộc triển lãm tranh chân dung gò đồng văn nghệ sĩ của nhà thơ – nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường gây sóng dư luận là liên quan đến quyền được treo tranh. Đó là quyền tự do sáng tạo và quyền tự do trưng bày tác phẩm. Đây là vấn đề thuộc phạm vi pháp lý.

Ông Trường có quyền làm tranh về những người ông yêu mến. Ông có quyền xin phép bày tranh triển lãm. Còn cơ quan chức năng có quyền cấp phép cho triển lãm hay không.

Vấn đề ở đây là ông Trường xin phép bày 184 bức gò đồng và Sở VH-TT Hà Nội đã cấp phép, nhưng chỉ cho treo 154 bức, còn cấm treo 30 bức, mà không nêu rõ lý do. Nên dư luận bức xúc muốn biết tại sao có sự cấm treo tranh như thế. Đó là câu hỏi mà Sở VH-TT HN phải trả lời rõ ràng cho dư luận.

Còn chuyện tranh đẹp hay xấu lại là vấn đề khác. Đó là quyền tự do thưởng thức nghệ thuật. Ông Trường được quyền treo tranh triển lãm chính đáng thì khán giả đến xem được quyền bình phẩm khen chê đánh giá chất lượng tác phẩm. Đó là chuyện bình thường. Công chúng có cái quyền ấy. Triển lãm nào chẳng vậy. Tác phẩm văn chương nghệ thuật nào chẳng vậy. Đều là phải chịu quyền phán xét của công chúng thưởng thức.

Tôi là một nhân vật được ông Trường làm tranh và là một trong 30 nhân vật không được treo tranh. Xem triển lãm của ông có bức tôi thích, có bức tôi không thích. Có những bức tôi thích hơn bức ông ấy làm cho tôi. Thế có sao đâu! Thích hay không thích là quyền của tôi. Cũng như nếu bức về tôi được treo mà bạn xem chê xấu thì đó là quyền của bạn. Nhưng nếu bạn bảo xấu thế mà tôi vẫn để cho treo thì bạn lại sai vì đó không phải là quyền của tôi hay của bạn. Thế nên tôi đấu tranh cho quyền của ông Trường được treo tranh của ông ấy. Như một câu nói nổi tiếng của một danh nhân nước ngoài thường được trích dẫn: “Tôi hoàn toàn đối lập với quan điểm của anh, nhưng tôi sẵn sàng chiến đấu đến chết để bảo vệ cho anh quyền nói lên quan điểm ấy.”

Cho nên không thể nhập nhằng ở đây. Vấn đề mấu chốt là Sở VH-TT Hà Nội phải nói rõ với công luận và các nhân vật của 30 bức tranh không được treo là tại sao lại cấm chúng. Còn khán giả cứ việc đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam xem 154 bức gò đồng chân dung văn nghệ sĩ của Phạm Xuân Trường đã được treo và thoải mái bình luận khen chê. Chỉ có điều chê tranh thì được nhưng không nên xúc phạm cá nhân người làm tranh. Và đừng lấy việc khen chê đó “chạy tội” cho Sở VH-TT Hà Nội. “Chạy tội” vin vào sự xấu đẹp thì làm sao lại đã cấp phép cho 154 bức?

(Ảnh: Bức gò đồng chân dung tôi được anh Trường làm năm 2018 và tặng tôi năm 2019 trong dịp tôi cùng mấy bạn văn được anh mời xuống Hải Phòng chứng kiến lễ trao cho đại diện Đại sứ quán Mỹ bức gò đồng Donald Trump và Kim Jong Un bắt tay nhau trong cuộc hội kiến tại Hà Nội (2019). Mặt sau tranh có chữ ký của những người tham dự cuộc hồi ấy. Tôi vẫn giữ bức gò này trong nhà như một kỷ niệm tình cảm của hai anh em ngẫu nhiên đồng Phạm đồng Xuân bên cạnh nhiều kiểu loại chân dung tôi được bạn bè tặng. Tôi còn có ý định một dịp nào đó sẽ bày chơi các chân dung tranh ảnh này vui với bạn bè. Có sao đâu!)

Hà Nội, 5/12/2023

image

Comments are closed.