Suy nghĩ về một hành động đáng chê trách

Lê Học Lãnh Vân

1) Hành động của một du học sinh Việt Nam giật lá cờ vàng ba sọc đỏ tại nơi công cộng bên Úc, giày xéo lên và tự nhận thay mặt chín mươi triệu dân Việt để mắng chửi “đám cờ vàng” đã và đang lan truyền trên mạng. Sự việc không đẹp này sẽ không được chú ý tới vậy nếu chỉ là hành động riêng lẻ của một cá nhân. Tiếc thay, nhiều người cảm nhận hành động đó thuận chiều với khuynh hướng của không ít người trong xã hội Việt Nam hiện nay…

Hành động căm giận hung hãn của du học sinh kia phải xuất phát từ một nhận thức căm thù được hằn rất sâu trong óc. Anh sinh ra gần ba chục năm sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hoà không còn nữa, hẳn anh chưa từng trải nghiệm thực tế với chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Những gì anh biết về chế độ đó để mà căm thù nó tất nhiên do được nghe, được đọc lại.

Với hệ thống mạng xã hội hiện nay, với thực tế đang diễn ra trong đời sống quốc gia, không khó để kiểm chứng xem những lời tuyên truyền và giáo dục về chế độ Việt Nam Cộng Hoà bán nước và đày đoạ, bóc lột người dân tàn tệ là gần hay xa với sự thực. Biết, để có nhận xét, suy nghĩ đúng, để từ đó mới có thể là người công dân đóng góp hữu hiệu cho sự phát triển của quốc gia theo hướng tiến bộ, văn minh.

Sự mù quáng căm thù Việt Nam Cộng Hoà luôn gắn liền với sự căm thù các quốc gia tư bản chủ nghĩa như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc… Không quên rằng ngày đó Úc đã gởi quân qua tham chiến giúp Việt Nam Cộng Hoà chống lại quân đội Miền Bắc, do đó nếu vì mù quáng mà căm thù Việt Nam Cộng Hoà như vậy ắt phải căm thù Úc không kém.

Nếu cứ căm thù và ngoảnh mặt như vậy thì cho dù không cùng quan điểm chính trị nhưng người ta không thể chê trách vì mỗi người có quyền chọn khuynh hướng chính trị hay sự ủng hộ của mình. Nhưng, trong khi căm thù lá cờ vàng ba sọc đỏ, anh lại chọn qua Úc du học nơi phần lớn cộng đồng người Việt tại Úc là hậu duệ của Việt Nam Cộng Hoà, nếu căm thù Việt Nam Cộng Hoà tới vậy, người du học sinh kia chọn qua Úc làm gì? Anh có trung thực với lòng căm thù của mình không?

Qua Úc, điều đầu tiên là phải tôn trọng người tại chỗ. Người tại chỗ gần nhất là cộng đồng người Việt tị nạn. Cửa hàng, khu phố và có khi cả một quận… đi từ sự nghiệp, tài sản của những người Việt tại đó. Họ đã ở đó từ gần nửa thế kỷ, họ tôn trọng lá cờ ba sọc đỏ thì người mới tới cũng phải tôn trọng. Một trong những cách hành xử căn bản là tôn trọng điều mà chủ nhân tôn trọng, ít nhất khi đang đứng trong nhà người ta.

Qua Úc, phải tôn trọng nếp sống của dân tại chỗ. Không được xúc phạm tới thói quen, tâm lý, niềm tin… của người tại chỗ. Đây không chỉ vì lý do ngoại giao mà sâu hơn là vì cái nền giáo dục nhân bản: tôn trọng con người, tôn trọng chủ nhân đã khai phá và sống trên vùng đất đó từ trước.

Giật và chà đạp lá cờ nơi công cộng là xúc phạm chủ nhân lá cờ, là công khai xúc phạm tâm lý, thói quen và niềm tin vào quyền sở hữu của xứ Úc.

Vậy thì, một hành động mà xâm phạm tới mấy giá trị căn bản như tôn trọng con người, tôn trọng chủ nhân, tôn trọng văn hoá bản địa, bao dung, ôn hoà… chứng tỏ sự thiếu vắng văn hoá nhân bản nền tảng. Hành động đó tạc một hình ảnh chống hoà giải giữa những người Việt và cùng lúc hình ảnh lạc hậu, lạc lõng giữa thế giới tiến bộ văn minh!

3) Suy nghĩ về sự hoà giải của người Việt

Một cá nhân chưa đại diện cho cộng đồng, người du học sinh kia không đại diện cho người Việt trong nước. Tuy nhiên, khi nhìn những hành động đó, và khi nhìn khuynh hướng tuyên truyền, chương trình giáo dục cùng cách tổ chức xã hội Việt Nam có vẻ như chưa chặn đứng việc đào tạo những người như anh du học sinh kia, người Việt có thấy lo sợ cho tương lai không?

Hành động của bạn du học sinh kia đáng trách là một lẽ. Nhưng, nhìn bức tranh chung về tinh thần hoà giải của người Việt hiện nay, cả trong nước lẫn ngoài nước, chúng ta thấy nhiều điều đau lòng. Bài viết nhìn hành động kia như là một hậu quả.

Thế hệ đã trải qua cuộc chiến có muốn buông bỏ cuộc chiến chưa?

Làm cha mẹ, ai không muốn con cái mình sống trong môi trường tư do, dân chủ, hạnh phúc, ấm no? Ai không muốn con cái mình sống an lành, rạng rỡ trong môi trường đùm bọc, thương yêu không hận thù?

Tấm lòng thế hệ trước nên như thế với thế hệ sau. Cuộc chiến đã lùi quá xa, vinh hoa muốn hưởng, đã hưởng và đau khổ phải chịu, đã chịu. Người viết này mong muốn thế hệ đàn anh mình và thế hệ mình vì thế hệ con em mà buông bỏ hận thù. Nếu thế hệ mình không buông được, cũng xin đừng gieo vào đầu con em lòng thù hận.

Mong ước này không khó thực hiện lắm đâu. Bước đầu tiên chỉ xin một chữ THẬT. THẬT với lòng mình, THẬT với chuyện đã qua, THẬT với quyền lợi và trách nhiệm của mình, THẬT với từng lời, từng chữ nói ra… Thủ tướng vừa nói mong ước của ông đối với ngành Giáo dục và Đào tạo là “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Nếu chữ THẬT được tôn trọng, xiển dương trong xã hội thì mong ước của Thủ tướng mới khả thi.

Và, với chữ THẬT làm giá trị cốt lõi cho xã hội, bài viết tin rằng người Việt sẽ lắng nghe nhau hơn, tôn trọng nhau hơn, dần dần tin nhau hơn, thương yêu và đoàn kết nhau vì quyền lợi chung. Đó mới là nền tảng để những hình ảnh hung hãn chống lại sự hoà giải trong lòng quốc gia không còn xảy ra!

Ngày 6 tháng 5 năm 2021

Comments are closed.