Truyền thông thổ tả (2)

Nguyễn Xuân Thọ

Người ta nhận ra rằng: Chỉ một khi báo chí không phụ thuộc vào nhà nước cũng như các tập đoàn tư bản, độc lập về tài chính và nhân sự thì mới không bị lợi dụng. Mô hình truyền thông công cộng ra đời.

Mô hình này chỉ bao gồm các đài phát thanh và truyền hình. Báo giấy, in ấn, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, hội họa, v.v. vẫn tiếp tục nằm trong tay tư nhân và xã hội.

Truyền thông công cộng đảm nhiệm những nhiệm vụ chính trong nước: Thông tin, giáo dục công dân, phát triển văn hóa và giải trí, cũng như đại diện cho quốc gia ra quốc tế. Đó vẫn là các nhiệm vụ mà các đài nhà nước đảm nhiệm.

Nhưng khi nhà nước không rót tiền cho nó, không chỉ định các ông tổng biên tập, không có bộ truyền thông để quản lý nội dung thì vị thế của nó đối với nhà nước khác hẳn. Nó đủ độc lập để kiểm tra và phê phán hoạt động của nhà nước, từ Tổng thống, Thủ tướng, Quốc hội (Hạ viện), Hội đồng Liên bang (Thượng viện) đến các bộ và chính quyền địa phương.

Vậy ai sẽ chỉ định tổng biên tập các đài này? Mỗi một đài đều chịu sự kiểm soát của một hội đồng. Hội đồng này bao gồm đại diện của các chính đảng trong quốc hội, của các bang và của các tổ chức ngoài quốc hội, ví dụ như hội đồng quân nhân, công đoàn, các tôn giáo, hội nghề nghiệp, hội bảo về người tàn tật, tổ chức môi trường, v.v. Ví dụ “Hội đồng truyền hình” của đài ZDF (Kênh 2 của Đức) bao gồm 60 người[1]. Họ hưởng phụ cấp chỉ để theo dõi các hoạt động của đài và bầu hoặc phế truất tổng giám đốc đài. 60 vị này đại diện cho các khuynh hướng chính trị và các nhóm quyền lợi trong xã hội Đức nên vị Tổng biên tập nào được họ thống nhất lựa chọn phải có quan điểm chính trị hài hòa với tất cả. Vì được hội đồng này bầu ra nên tổng biên tập chỉ chịu trách nhiệm trước họ, chứ không phải trước thủ tướng hay bộ trưởng nào.

Bên cạnh sự độc lập về chính trị, các đài công cộng cần độc lập về tài chính.

Không được phép ăn tiền của chính phủ để khỏi nịnh chính phủ đã đành, nhưng ăn tiền tài trợ cũng như phụ thuộc vào tiền quảng cáo cũng không được phép. Như vậy mới tránh được ảnh hưởng của giới tài phiệt và công nghiệp lên nội dung của đài. Khi xem chương trình y tế hay kinh tế của các đài công cộng như ZDF hay ARD người xem cảm nhận được tính khách quan so với chương trình của đài tư nhân. Vì đài tư nhân sống bằng quảng cáo nên đứng phía sau mỗi chương trình chữa bệnh hay giới thiệu công nghệ thường là các hãng y dược, công nghiêp nên bóng dáng của chúng khá đậm. Đã có trường hợp người sản xuất chương trình của đài công cộng bị đuổi việc vì tội “quảng cáo ngầm” (Schleichwerbung).

Đài công cộng nếu là của dân thì chỉ được ăn tiền của dân. Dân nuôi hệ thống phát thanh truyền hình công cộng thông qua “Cước truyền thông” (Rundfunkgebühr). Tất cả gia đình nào có máy thu thanh, thu hình đều có nghĩa vụ đóng cước này hàng tháng để nuôi “cỗ máy thông tin quốc gia”. Đừng chày cối là tôi chỉ xem kênh tư nhân, không xem kênh công cộng! Khi có thiên tai, địch họa, khủng hoảng chính trị, ai rồi cũng sẽ cần đến nó. Anh có ghét thì cũng phải góp tiền nuôi nó. Hiện nay mỗi gia đình đóng 18,35 EUR/tháng để nuôi hệ thống này. Đầu thế kỷ, con số này chỉ khoảng 15 EUR.

Vài năm một lần, “Hội đồng tuyền hình quốc gia” (khác với hội đồng của từng đài), sẽ bàn xem nên tăng hay giảm cước, tùy theo lạm phát, theo nhu cầu xã hội. Hội đồng này cũng quyết định chia cái bánh “cước truyền thông” cho các đài phát thanh và truyền hình công cộng. Tỷ lệ chia phụ thuộc yêu cầu chi tiêu của từng đài, vào lượng khán thính giả (qua công cụ thăm dò). Thường thì họ cãi nhau cả tháng mới đi đến thỏa thuận.

Cơ quan quản lý cước GEZ[2] giải trình thu chi năm 2020 như sau: Toàn quốc có 45.938.729 hộ đăng ký máy thu, trong đó có 3,06 triệu hộ thu nhập thấp đươc miễn phí. Nếu nhân với 17,5 EUR (cước 2020) rồi nhân với 12 tháng thì mỗi năm toàn dân đóng khoảng 8,2 tỷ EUR cho hệ thống truyền thông công cộng. Chương trình 1 (ARD) gồm 9 đài được 5,7 tỷ, đài ZDF (chương trình 2) được 2,02 tỷ, đài phát thanh Đức được 231 triệu, v.v.[3]

Trên thế giới hiện có khoảng 40 nước áp dụng mô hình truyền thông công cộng [4], ở Mỹ có VOA, PBS, ở anh có BBC, ở Pháp có TF1 chẳng hạn, là những đài không phụ thuộc cả vào chính phủ lẫn tư nhân.

Ở Đức, các đài công cộng than phiền rằng kinh phí eo hẹp, nhưng dân không chịu tăng cước vô hạn. Do đó các đài được thu thêm 15% ngân sách qua quảng cáo. Nhưng quảng cáo không được phát vào các giờ cao điểm, vào các ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ và không được ngắt các chương trình.

Các đài tư nhân không bị hạn chế này, vì họ sống bằng quảng cáo. Xem đua xe F1 trên RTL tức như bị bò đá, vì đúng lúc Schumacher bị Häkkinen vượt thì màn ảnh chui vào góc, nhường chỗ cho quảng cáo. Mô hình đài công cộng đã khiến các đài tư nhân gặp muôn vàn khó khăn. Khán giả muốn có thông tin khách quan đều không xem các chương trình thông tin của đài tư nhân, do đó các đài tư nhân thường tập trung vào giải trí, phim truyện.

Đài, báo tư nhân bị thao túng bởi các nhóm quyền lợi khác nhau, phải phản ảnh quan điểm chính trị của ông chủ, nhưng vì không ông nào giống ông kia nên tổng thể lại, các báo chí tư nhân nhân cũng phản ánh một quang phổ rất rộng, giúp người đọc có nhiều lựa chọn. Dù ở Đức, Mỹ hay Thụy Điển thì báo chí tư nhân đều đại diện cho tất cả các quan điểm từ cực tả đến cực hữu.

Đó chính là cái hay của truyền thông tự do. Mọi quan điểm đều có chỗ phát biểu và có người nghe, vì nó đại diện cho mọi nhóm trong xã hội. Do đó, dù có xây dựng được hệ thống truyền thông công cộng hoàn hảo đến mấy, cũng không thể từ bỏ truyền thông tư nhân.

Vậy trong truyền thông tự do có tồn tại kiểm duyệt hay không? Có chứ!

Mỗi tờ báo tư nhân đều có màu sắc riêng. Chính nhờ vậy mà nó mới được ông chủ chi tiền và quan trọng nhất: giữ được được những bạn đọc cùng quan điểm. Rời khỏi đường ray này sớm muộn sẽ sập tiệm.

Báo “Nước Đức Mới” (Neues Deutschland) có thể coi là báo “Nhân Dân” của CHDC Đức. Đến hôm nay, nhờ giữ nguyên lập trường cộng sản và số độc giả trung thành mà mỗi ngày vẫn ra 17.000 tờ báo in [5]. Ông biên tập viên nào trót dại ca ngợi CNTB thì sớm về đuổi gà clip_image001.

Tuy nhiên báo nào thì cũng có giai đoạn nhuộm màu khác. Lý do là tư chất của ông Tổng biên tập hoặc các nhân vật ảnh hưởng đến nó. Vai trò và trách nhiệm cá nhân của ông Tổng biên tập thường được coi trọng, cho đến lúc… giọt nước tràn ly khiến ông chủ phải ra tay.

Các đài công cộng cũng vậy. Chúng không thể trung lập tuyệt đối, vì cách nhìn của từng nhà báo, từng ban biên tập khác nhau. Tuy không có ban tuyên huấn chỉ đạo đường lối tuyên truyền, nhưng các toà soạn sợ nhất là mất khán giả. Đài nào cũng bị đo chất lượng bởi số người xem. Khi đám đông đang thích A mà anh nói ra sự thật B ắt “không có lợi”. Tôi có người bạn, đang ở địa vị tốt trong một đài công cộng ở miền nam Đức mà phải bỏ ra ngoài làm để phản đối kiểm duyệt là vậy.

Nhưng vì kiểm duyệt không đến từ một nơi, không theo một khuôn, mà tùy thuộc từng ông chủ, từng ông tổng biên tập nên vẫn ra kết quả khác nhau. Nơi này cắt bài bênh lão Trump vì sợ khán giả bất bình thì nơi kia bài chê bác Trump lại bị cắt.

Có thể ví nền truyền thông tự do là một khu rừng đa dạng sinh học, có cây quả ngọt, có cây độc, có cây lim tạo bóng mát, có cỏ dại chống xói mòn. Rừng cây này tạo điều kiện cho nhiều thú vật, côn trùng sinh sống. Cây này chết đi, cây khác mọc lên. Đó chính là điều khác biệt với khu rừng mà chỉ một loại cây được sống.

Đối với thiên nhiên độc canh là cách phá hủy môi sinh khủng khiếp nhất. Đối với xã hội, độc quyền ý kiến cũng vậy.

(còn tiếp)

[1] https://www.zdf.de/zdfunternehmen/zdf-fernsehrat-mitglieder-100.html

[2] GEZ: Gebühreneinzugzentrale = Trung tâm thu cước phí. Cơ quan này có gần 1000 nhân viên và các cơ sở thu cước phí trong toàn quốc. Hàng năm GEZ tiêu từ 2,5%-2,7% số cước phí thu được. Mỗi năm nó phát hiện vài triệu trường hợp không khai báo máy thu để trốn cước.

[4] https://de.wikipedia.org/wiki/%C3%96ffentlich-rechtlicher_Rundfunk#Weitere_L%C3%A4nder

[3] https://www.rundfunkbeitrag.de/e175/e7364/Jahresbericht_2020.pdf

[5] https://de.wikipedia.org/wiki/Neues_Deutschland#Auflage

Comments are closed.