VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (125): Con Thúy (kỳ 24)

Duyên Anh

Chương 24

Thế là hết hy vọng giữ Hà Nội. Giặc Pháp đã chiếm gọn thủ đô. Quân ta không kịp tiêu thổ kháng chiến. Tự Vệ Thành bị đánh bật khỏi thành phố kỷ niệm của mình. Dân Hà Nội tưởng chạy giặc năm bữa, nửa tháng sẽ hồi cư. Đành ngước mắt đẫm lệ nhìn Hà Nội trong tay thù rồi tản cư sống đời áo nâu, biệt ly gấm hoa, làm những chuyến phiêu lưu vô định. Giã từ Hà Nội. Theo thác lũ người Hà Nội giao thành phố cho giặc chiếm đống, có kẻ cảm khái hẹn về:

Rách tả tơi rồi đôi giầy vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hao

Mái đầu xanh hẹn mãi tới khi già

Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại

Theo tiếng gọi của những người Hà Nội

Trở về trở về chiếm lại quê hương

Hà Nội mất, khắp nơi xúc động. Hải Phòng cũng mất luôn. Các chiến sĩ thành Tô tạm biệt dòng sông Cấm. Những thành phố chưa bị giặc kéo tới được lệnh tiêu thổ kháng chiến. Nam Định rục rịch phá nhà, đốt cháy dinh thự. Những cây cầu quan trọng, những khúc đường rầy bị giật sập, lột lên. Thái Bình còn ở quá xa nên chỉ chuẩn bị tiêu thổ kháng chiến và chờ đợi chiến đấu tiêu diệt giặc. Thái Bình là mồ chôn thực dân Pháp. Khẩu hiệu đầy lửa và tin tưởng. Sinh hoạt không có gì thay đổi. Phố xá vẫn buôn bán tấp nập. Trường học vẫn mở cửa. Báo Cứu Quốc kêu gọi toàn dân đoàn kết kháng chiến chống Pháp và cho rằng mất Hà Nội không thể mất Việt Nam. Quân ta sẽ tống cổ giặc Pháp khỏi thủ đô ngày gần đây.

Hôm nghe tin Hà Nội thất thủ, Vũ thả bộ đến nhà Thúy. Hai tay thọc túi quần, Vũ cúi đầu lặng lẽ đi. Nhiều sợi khói buồn vướng ở mắt Vũ. Hà Nội chiến đấu anh dũng thế mà còn bị mất thì dễ gì Thái Bình giữ nổi? Câu hỏi luẩn quẩn trong đầu óc Vũ. Nhất là lệnh tiêu thổ kháng chiến. Không để một căn nhà, một hàng cây, một viên gạch nào lọt vào tay giặc. Phá đổ, đốt cháy hết trước khi giặc tới.Giặc tới với những đống gạch hoang tàn, với những hàng cây ngã gục thê lương. Giặc đến với đồng không, nhà trống. Như vậy, thị xã của Vũ sẽ bị thiêu hủy. Con đường số 10 từ bến đò Tân Đệ xuyên qua phố chính, qua cầu Bo sang Hải Phòng sắp bị đào xẻ. Và những cây cầu sắp bị gài mìn cho nổ tung. Vũ thương cầu Bo vô vàn. Chắc rồi cầu Bo cũng bị giật tung. Vũ sẽ khóc hết nước mắt.Sự chia lìa, ngăn cách, đổ vỡ, mất mát không còn mơ hồ cảm thấy nữa. Nó đã hiện dần, rõ ràng, đắng cay và ác nghiệt. Nỗi ám ảnh tưởng đã trốn mất, lại xuất hiện. Vũ không thể tin rằng thị xã của Vũ vẫn nguyên vẹn những hình ảnh thân yêu khi chiến tranh lướt qua.Vũ chớp mắt nghe lòng dậy lên những xót xa, bùi ngùi.

Đã đến cửa nhà Thúy.Vũ không muốn gặp Thúy ngay. Vũ đứng dựa lưng vào thân cây hồi quen thuộc, ngẩn ngơ như cậu trai vừa biết yêu đã thất tình. Cánh cửa sổ mở rộng. Thúy đang mong Vũ, chờ Vũ tới sớm hơn giờ hẹn. Thúy xuýt phì cười thấy Vũ lim dim đôi mắt.

– Vũ ngủ gật đấy à?

Vũ mở mắt. Khuôn mặt Thúy hiện giữa khung cửa sổ một sáng nắng hiền tỉnh lỵ đẹp tựa chiêm bao. Gió ngoan bỗng luồn qua lá hồi. Gió yêu lá. Gió và lá thầm thì tình tự. Chẳng biết gió và lá có nghĩ ngày xa nhau, ngày tiêu thổ kháng chiến, ngày cây gục đổc, lá úa vàng chết và gió đậu trên những đống gạch vụn nát tương tư lá?

Thúy giơ tay vẫy:

– Lại đây, Vũ.

Vũ dời thân cây hồi, chậm chạp bước tới. Cánh tay Thúy vẫn để ra ngoài song cửa. Vũ cầm cánh tay nõn nà của Thúy bằng cả hai tay mình. Và một bàn tay Vũ mơn man bàn tay Thúy. Vũ nâng niu bàn tay Thúy, nâng niu mùa xuân của mình.

– Vào nhà với Thúy đi!

– Vũ đứng ngoài được rồi.

– Sao hôm nay Vũ buồn thế?

– Vũ buồn à?

– Ừ, buồn ghê. Mắt Vũ như dính nước mắt. Vũ vừa khóc, hở?

– Không.

Vũ cười. Nụ cười không giống nụ cười hôm qua:

– Thúy bảo Vũ không biết buồn mà?

Thúy nói:

– Nhưng hôm nay Vũ buồn.

Vũ nhớ vụ lụt năm ngoái, một mình chống bè vào phố nhà Thúy. Vũ buông sào, ngồi giữa bè thổi “ác mô ni ca”. Tiếng nhạc lan tỏa trên mặt nước. Một vùng ánh sáng từ khung cửa sổ nhà Thúy đủ soi sáng lối dẫn Vũ tới thế giới thần tiên của Vũ. Tay Vũ lạnh. Tay Thúy làm ấm tay Vũ. Mùa xuân Thúy làm ấm mùa đời Vũ. Ngọn cỏ Vũ ngậm giọt sương Thúy long lanh. Và giọt sương đó, bây giờ, muốn tan biến muốn bắt ngọn cỏ héo hắt, úa vàng. Nắng lửa thích làm tan rã những giọt sương mai. Chiến tranh thích làm cuộc đời héo hắt, mòn mỏi.

– Dạo ấy vui, Thúy nhỉ?

– Dạo nào?

– Dạo Vũ nhốt con chim khuyên vào túi quần “xoóc” đem cho Thúy ấy. Thúy nuôi chim bằng cái ấm tích. Vũ ăn cắp cái lồng bẫy chim khuyên của thằng Hội, nhớ chưa?

Giọng Vũ chìm trong xa vắng:

– Dạo ấy chưa có đảo chính, cách mạng… Dạo ấy chẳng ai nghĩ chuyện chiến tranh, chẳng ai nghĩ có ngày thị xã mình sẽ bị tiêu thổ kháng chiến.

Thúy hỏi:

– Tiêu thổ kháng chiến là gì?

Vũ buồn buồn:

– Là mình phải đập phá nhà mình, chặt cây hồi trước cửa nhà mình, giật đổ cầu Bo.

Thúy chớp mắt:

– Rồi mình ở đâu?

Vũ thẫn thờ:

– Mình dời thị xã mà đi như dân Hà Nội bỏ Hà Nội mà đi. Gọi là tản cư đó, Thúy ạ! Tản cư là yêu nước.

– Mình tản cư đi đâu?

– Không biết.

– Thúy không muốn đi đâu. Tại sao mình phải bỏ nhà mình?

Thúy quên mất lời ông Chủ tịch Thái Bình mà hôm nào ở bờ sông, Thúy đã nhắc Vũ. Đôi mắt Thúy cũng đã vướng khói buồn.

– Không giữ thị xã mình à?

Vũ khẽ lắc đầu:

– Chỉ còn hy vọng.

– Hy vọng gì?

– Pháp đừng về Nam Định. Pháp về Nam Định là Thái Bình tiêu thổ kháng chiến. Cả trường học cũng bị tiêu thổ.

– Phá trường học?

– Phá luôn nhà thương.

– Phá tất cả?

– Phá hết.

Thúy sững sờ nhìn Vũ:

– Mình sắp xa nhau?

Vũ nghẹn ngào:

– Mình sắp xa nhau…

Trái cây tưởng chín dần và ngon ngọt. Nhưng trái cây đã chín thật nhanh và làm ê răng Vũ, ê răng Thúy. Chưa bao giờ Vũ nghĩ có lần Thúy nói một câu ngắn ngủi mà buồn não nuột.Tháng giêng vừa tới hiền dịu đã tháng năm quái ác.Và tháng chạp sầu thảm gần kề. Cuộc đời tỉnh lỵ sắp bị bão táp thổi tung, cuốn mất hút. Vũ nắm chặt tay Thúy:

– Chắc giặc Pháp không sang Thái Bình đâu, Thúy ạ!

Thúy đưa cánh tay trái, luồn nốt qua song cửa, đặt lên vai Vũ:

– Thế là không tiêu thổ?

– Tiêu thổ cũng không sợ nếu giặc đừng tới. Mình phá rồi mình làm lại.

– Những cây hồi trồng lâu lắm.

Vũ lặng thinh. Những cây hồi trồng tự đời nào nhỉ? Có lẽ, tuổi cây nhiều hơn tuổi Vũ.

– Mình không phải xa đây thì những cây hồi sẽ mau lớn.

– Nhỡ người ta không trồng hồi thì sao?

Vũ rời tay Thúy. Xót xa đùn dần ngập lụt tâm hồn Vũ. Vũ quay mặt ra đường:

– Vũ về đây.

Bàn tay Thúy không còn đặt trên vai Vũ nữa. Biên giới ngày mai giống hệt khung cửa sổ. Khung cửa sổ đóng kín mít, không tỏa nổi một chút ánh sáng. Rồi Vũ chỉ biết nhớ Thúy. Vũ sẽ khóc. Vũ chạy ra đường. Vũ chạy nhanh lẩn trốn một ưu phiền đang đuổi Vũ. Thúy nhìn theo. Đôi mắt vướng thêm bụi. Đôi mắt chớp mau. Hạt bụi không chịu trôi theo nước mắt.

Comments are closed.