Văn học miền Nam 54-75 (305): Vũ Hạnh (4)

CHUNG GIỌT MỒ HÔI

Vua chúa không thể nào có người yêu. Điều này dễ hiểu như cây cột nhà không thể nở hoa. Và câu chuyện này phải nên kể lại từ đầu để không có vẻ bày đặt.

Vào một năm u ám nhất, khi Trần Nghệ Tông còn ở trên ngôi, một người con gái họ Dương vốn là đào hát vào làm phi tần đã giúp em mình là Dương Nhật Lệ, cũng là kép hát chuyên đóng các vai thiên tử, lên chiếm ngôi vua. Hễ quen làm chuyện giả mạo lâu ngày người ta dễ biến nó thành sự thực.

Trong lúc hỗn loạn, vua Trần Nghệ Tông cùng với gia đình chạy thoát ra khỏi kinh thành vào lúc nửa đêm. Nửa đêm trời tối, người ta rất dễ nhầm lẫn. Vì vậy nhà vua để lạc mất một người con, là thái tử Kiên.

Thái Tử lúc ấy nắm tay một người lính già chạy về vùng quê hẻo lánh, cách xa kinh thành một tháng đường dài. Người lính đã cho thái tử mặc đồ thường dân, và giấu thái tử trong một thôn xóm nghèo nàn ở cạnh núi rừng. Buổi sáng, những khi thức giấc, thái tử có thể nghe nhiều tiếng chim ca hát rộn ràng và suốt bốn mùa nhìn thấy hoa đẹp đổi màu thay sắc trên những vòm cây xanh ngắt mênh mông.

Để ngăn ngừa sự thóc mách của dân làng, người lính phải xem thái tử như đứa con nuôi. Sáng chiều đứa con giúp cha nuôi mình cày trên mảnh đất sỏi cằn, múc nước dưới suối tưới những luống rau, kiếm tìm sự sống một cách vất vả.

Rồi đến một hôm, người cha nuôi ấy mệt mỏi nghe lòng đất sâu kêu gọi trở về, thái tử trở thành cô độc. Cô độc làm cho cuộc sống trở thành hoang vắng, nặng nề.

Vào một buổi trưa, vừa dưới suối lên, thái tử thấy một cô gái ngồi trong bóng cây ven đường cạnh một giỏ dâu đầy ắp. Thái tử nhìn người thiếu nữ, rồi bỗng bối rối đưa cánh tay lên gạt lớp mồ hôi vã trên trán mình. Đôi má thiếu nữ đỏ bừng, vì ánh mặt trời gay gắt và vì e thẹn. Rồi người con gái quay nhìn nơi khác, cầm lấy chiếc nón phe phẩy vừa như rủ rê một chút mát mẻ tìm đến với mình, vừa như xua đuổi một đôi ý nghĩ khiến lòng bận rộn.

Thái tử không muốn quay về, và cũng không dám đến gần cô gái, chọn một gốc cây bên suối để ngồi. Một lát, cô gái tiến về phía suối loay hoay dùng chiếc nón lá vục xuống dưới dòng tươi mát. Nhưng bờ suối cao và cánh tay nàng không đủ chiều dài. Thái tử vội leo xuống suối, xin được giúp đỡ cho nàng. Lúc ấy đất trời im lặng, chỉ có mỗi tiếng suối reo róc rách thì thầm. Người con gái hơi ngần ngại, rồi đưa chiếc nón cho người con trai.

Chàng lội nhẹ ra giữa dòng, gạn lấy cho nàng một nón suối nước trong veo, thận trọng đem đến bên bờ suối vắng. Người con gái chợt thấy những giọt mồ hôi trên trán của chàng rơi vào suối nón như ngọc long lanh, vội đưa hai tay thành khẩn đón lấy món quà thiên nhiên, và trao đôi mắt nhìn chàng thay lời cảm tạ. Khi nàng cúi xuống đặt môi vào làn nước mát, nàng chợt nhận thấy những giọt mồ hôi của mình cũng xuống hòa theo.

Sau đó cô gái vội chào, đeo giỏ dâu nặng trên vai quày quả bước đi. Có những trường hợp người ta đi trốn kẻ khác, nhưng thật là tự trốn mình.

Thái tử đứng yên giữa nắng trưa hè, nhìn theo bóng người con gái nhưng nàng không quay nhìn lại lần nào. Thái tử tìm đến bóng cây, ngồi lại chỗ nàng đã ngồi, cảm thấy trong lòng sung sướng. Có lẽ sung sướng hơn ngồi trên một ngai vàng.

Nhiều ngày, sau những buổi làm mệt nhọc, thái tử lại tìm đến ngồi chỗ cũ của nàng. Bao lần những muốn tìm xem nàng ở nơi nào, nhưng rồi xóa bỏ một cái ý định có vẻ táo bạo phiêu lưu.

Một buổi trưa khác, cô nàng hái dâu lại gặp người trai hôm nào ngồi dưới gốc cây. Thấy nàng từ xa, chàng nghe tim mình dồn dập, tưởng suýt ngất đi. Lúc nàng đến gần, chàng cúi mặt xuống, bỗng nghe sợ hãi trong lòng. (Đàn ông vẫn thường sợ hãi đàn bà, đàn bà có biết hay chăng?).

Nhưng khi nghe bước chân nàng sắp vượt qua khỏi chỗ mình, hốt hoảng chàng ngước nhìn lên. Cặp mắt của chàng bày tỏ một lời níu kéo, khiến người con gái bỗng chùn bước lại. Hai người nhìn nhau và chàng luống cuống chào nàng. Nàng chào trở lại, rồi nàng đi qua. Hôm ấy, mây trời che nắng, không ai ngồi dưới gốc cây. Chỉ có những kẻ thương yêu đợi chờ lạc lõng bên đường để y hẹn với lòng mình.

Nhưng trời đang còn mưa nắng và lứa tằm nàng đang lúc ăn lên. Nhiều buổi trưa khác, họ lại gặp nhau, và lời chào hỏi đã thành quen thuộc. Từ đó người con trai biết cô gái sẽ đi vào những hôm nào, và người con gái biết chàng trai sẽ làm lụng nơi đâu.

Nhiều ngày trôi qua, cô gái thấy rằng chàng trai chăm chỉ, hiền lành, đượm vẻ chân thật, biết tôn trọng nàng. Chàng trai thấy người con gái tươi sáng, siêng năng, trong sự đoan chính có nhiều thùy mị. Rồi đến mùa cấy trong thửa ruộng nhỏ mà người lính già để lại, người trai bừa nước trong khi cô gái cắm xuống bùn đen những tép mạ non. Ở trong đất ruộng mồ hôi hai người lại được trộn lẫn vào nhau để cho ngày mai lúa sẽ chín vàng. Những chuyến hái dâu, người trai đi với cô gái vào những vườn xa trong núi, chuyền trên cành cao, chung hái cho nhau những giỏ dâu đầy. Trên con đường về chàng mang giỏ nặng cho nàng và mồ hôi hai người nhỏ giọt xuống quãng đường dài khấp khểnh. Biết nàng còn có mẹ già, em dại, chàng thường lui tới viếng thăm. Biết chàng cô độc, những ngày rảnh rỗi, nàng đến giúp chàng chăm sóc ruộng vườn. Mỗi đêm, chàng đến chỉ vẽ cho nàng học tập, bên một ngọn đèn leo lét nhưng thừa ánh sáng cho đôi cõi lòng rực tỏa thương yêu. Trên con đường về, dưới ánh trăng khuya chàng không nhìn thấy bóng mình cô độc, hoặc trong đêm tối, sao mờ, không bao giờ thấy lẻ loi. Dĩ vãng vàng son, thềm hoa điện ngọc, trở nên xa lạ với chàng. Họ hẹn cùng nhau ngày nào gặt xong những lượm lúa vàng, quay xong những guồng tơ thắm, sẽ sống bên nhau. Tình yêu thao thức cùng với việc làm của họ hàng ngày, và họ làm việc với niềm tin tưởng chứa chan.

Rồi vua Nghệ Tông kéo quân chiếm lại kinh thành. Kép hát họ Dương, chưa xong một tuồng son phấn, đã phải nộp đầu chuộc tội. Nhà vua phán bảo trăm họ tìm đưa thái tử về triều. Lệnh trên truyền xuống xóm thôn, đi vào ngõ ngách rừng hoang núi thẳm. Và người thái tử lạc loài bỗng nghe kinh thành réo gọi tưng bừng.

Chàng đến tìm nàng giữa lúc nàng đang quây thóc giữa nền sân đất, mồ hôi điểm sáng khuôn mặt hồng hào. Chàng kéo vạt áo lau mặt cho nàng, hớn hở bảo nàng:

– Từ nay, em không phải vất vả nữa, không bao giờ em còn phải nhỏ giọt mồ hôi.

Nàng ngơ ngác nhìn, không hiểu. Chàng bảo:

– Ta là thái tử đây em. Ngày mai ta sẽ về triều, rồi sẽ làm vua. Và em sẽ là hoàng hậu.

Người con gái tưởng người yêu của mình điên loạn. Nhưng không, vẻ mặt rạng rỡ và những tiếng nói bỗng nhiên trang trọng của chàng có một vẻ gì quả quyết khiến nàng tự thấy phân vân. Chàng kéo người yêu vào nhà, kể hết sự tình lưu lạc. Nàng khóc nghẹn ngào, vừa xót thương cho cuộc đời của chàng đã qua, vừa kiêu hãnh cho cuộc đời của mình sắp đến. Ngày mai, nàng sẽ được là hoàng hậu, trong vai chúa tể muôn người. Nhưng phút xúc cảm hân hoan tột độ qua rồi, nàng thấy lo âu. Nàng hỏi:

– Ở trên ngôi vị cao sang, liệu chàng có còn thương em như lúc này chăng?

Giọng chàng ôn tồn:

– Chúng ta sẽ yêu nhau nhiều hơn nữa, bởi vì chúng ta có thừa phương tiện cũng như uy quyền. Hãy chờ đợi ta trong một thời gian ngắn ngủi, ta sẽ cho người đến rước em về.

Nguồn: Chung Giọt Mồ Hôi – Truyện ngắn: Vũ Hạnh – Chiếu Làng

Comments are closed.