Văn học miền Nam 54-75 (565): Nguyễn Văn Trung (kỳ 1)

Image result for

Tên thật là Nguyễn Văn Trung, bút danh khác dùng buổi đầu: Phan Mai, Hoàng Thái Linh. Sinh năm 1930 tại Hà Nam.

1950 – 1955: du học tại Pháp và Bỉ, đỗ tiến sĩ triết học.

Năm 1955 trở về miền Nam Việt Nam, là giáo sư, lúc đầu giảng dạy triết học ở Viện Đại học Huế (1957 – 1960). Sau 1960, ông chuyển vào Sài Gòn, giảng dạy văn học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, làm trưởng khoa, cho đến 1975.

Vừa giảng dạy ở bậc đại học, ông tham gia đều đặn các hoạt động xã hội, báo chí, viết sách. Ông chủ trương các tờ báo, tạp chí: Đại học (Huế), Sống Đạo, Hành Trình, Đất nước (Sài Gòn), lập tủ sách “Đạo và Đời”, viết bài đăng trên các tạp chí khác: Sáng tạo, Bách khoa

Sau 4/1975, ở lại thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục nghiên cứu văn hoá, văn học.

Năm 1994, sang định cư tại Canada cho đến nay.

Tác phẩm chính:

Nhận định, tập I, II, III, IV, V, VI (1958 – 1972);

– Lược khảo văn học, tập I, II, III (1963 – 1968);

Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (1965);

Hành trình trí thức của Karl Marx (1966);

Ca tụng thân xác (1967);

Ngôn ngữ và thân xác (1968);

Vụ án Truyện Kiều (1972);

Chủ đích Nam Phong (1975);

Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc (1975).

Là một trí thức được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, về nước tham gia hoạt động giáo dục và báo chí, ông quan tâm viết và phát biểu về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đương thời: chính trị, lịch sử, tôn giáo, văn chương – nghệ thuật, giáo dục. Xuyên suốt các bài viết, trước tác ấy – như những hành trình, nhật ký tư tưởng, những dữ kiện tư duy – nổi lên những suy tư, trăn trở tâm huyết về triết học của người trí thức dấn thân, khuynh tả, xung quanh các chủ đề chính: bạo động – vong thân; cách mạng – đổi mới, thông cảm – ngộ nhận, huyền thoại – thực chất, ngôn ngữ – thân xác…

Trên lĩnh vực văn chương, Nguyễn Văn Trung có chủ ý vận dụng những kiến thức hiện đại về văn học và triết học của phương Tây những năm giữa thế kỷ XX (phê bình mới, tiểu thuyết mới, chủ nghĩa cấu trúc, triết học hiện sinh, hiện tượng học) vào việc nghiên cứu văn học ở miền Nam Việt Nam đương thời.

Ông tiếp cận văn học trên quan điểm của người lý luận văn học, nhà triết học, nghĩa là suy nghĩ triết lý về văn học và lao động nghệ thuật, chứ không phải là của người làm văn học sử, với kỳ vọng góp phần làm mới tư duy sáng tạo và nghiên cứu phê bình của khoa học văn học nước nhà.

Đóng góp của Nguyễn Văn Trung là ở chỗ ông thúc đẩy sự vận động của mỹ học sáng tạo đi tới mỹ học tiếp nhận. Vấn đề nội dung của hình thức, cấu trúc tác phẩm, tính đa nghĩa và đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật, quá trình chuyển hoá từ văn bản đến tác phẩm qua hành động đọc của công chúng – được ông nỗ lực biện giải được ông đã mở ra một hướng quan tâm, mục tiêu phấn đấu mới mẻ đối với văn nghệ sỹ – người sáng tạo, lẫn người tiếp nhận – kẻ đồng sáng tạo.

Nguyễn Ngọc Thiện biên soạn

CA TỤNG THÂN XÁC

Mời quí bạn dọc đọc bản PDF trên địa chỉ này:

https://waka.vn/ca-tung-than-xac-nguyen-van-trung-bwL65W.html

Comments are closed.