Văn học miền Nam 54-75 (697) Y Uyên (kỳ 7)

Tiếng hát của người gác cầu

Trên bàn để một chiếc cái máy truyền tin bọc bằng bao vải bố, một chiếc ra-dô ấp tân sinh, một dĩa rau lớn, một tô gan lẫn lá sả, hai dĩa thịt nướng, bốn cái ly chén đủ loại đựng rượu đế và một xấp bánh tráng. Phon kéo ghế cho một người vừa tới muộn.

– Không còn chuyện chi quan trọng như cái vần đề này. Uống cùng anh em ít ly rồi lo công vụ cũng không muộn.

Người tới muộn lừng chừng ngồi xuống ghế, phân vân:

– Nói hoài anh em vẫn không thông cảm, kẹt quá.

– Có chi mà kẹt, để tôi gọi về nói anh chưa tới được là xong.

Người đối diện với Phon vừa nói vừa đứng dậy nhắc chiếc máy truyền tin đặt vào lòng. Anh ta kéo dài cần dây trời, bật “pin” cúi đầu gọi về trụ sở xã.

– Dùng cái máy đó coi bộ cũng không khó. Phon nói. Trong máy có tiếng trả lời âm âm phát ra. Người tới muộn áy náy:

– Phiền mấy anh quá…

– Anh Năm còn nói vậy tụi tôi giận đó. Từ hồi thằng Xanh chết tới nay, ngoài anh Năm, ba đứa tôi còn biết thương ai hơn.

Năm cười cảm động:

– Mấy anh nói tới thằng Xanh khiến tôi lại nhớ nó, thấy tội cho nó. Nó hoang mà điều nó cũng vui cũng dễ thương như mấy anh đây.

– Sức mấy mà nói tới thằng đó. Uống đi anh Năm.

Người đối diện Phon giục; Phon trông cho mọi người nâng ly rồi mới cạn theo một hơi. Phon không ham nhắc lại chuyện thằng Xanh. Nó chết buồn hơn cả mấy bài ca ruột của nó. Cúc Hoa ôi, nếu chúng ta còn xa cách nhau vì kẻ tuyền đài người dương thế thì mãi mãi anh còn là kẻ bị đầy ải đơn côi trong ngục thất của tâm hồn. Có nhiều lúc vắng hai thằng bạn thân còn lại bên mình Phon vẫn bắt chợt nghe mình ê a nhại lại giọng ca của thằng Xanh ngày nào. Bây giờ thì Phon sắp xa nốt hai thằng này. Phon vừa nhập nghề của chúng nó. Nhưng Phon không ở xã để được như thằng Đành ở bên thằng Thấu, thằng Thấu ở bên thằng Đành. Hai thằng này nói Phon sướng hơn tụi nó. Ở quận tuy ít thong thả hơn ở xã nhưng vui hơn, dễ kiếm đồ nhậu ngon lành hơn. Phon đành tin tụi nó như vẫn tin tất cả những bất ngờ lúc nào cũng có thể xảy ra không may cho mình. Cúc Hoa ôi, nếu chúng ta còn xa cách nhau vì kẻ tuyền đài người dương thế…

– Bữa nay anh Năm khách sáo dữ. Ngồi nhậu mà còn suy nghĩ vậy là chưa phải hết mình với anh em.

Đành vừa nói vừa gắp một đũa thịt bỏ vô chén Năm, Năm đã uống ráo ba ly nhưng chỉ ăn toàn bánh tráng với rau và một hai miếng gan. Năm lắc đầu tỏ vẻ bất lực trước sự vồn vã của bạn nhưng đôi đũa không hề đụng vào mấy miếng thịt. Đành đang cười thấy vậy chợt ngẩn ngơ nhìn Năm. Đôi mắt lông mày rậm nặng nề nom yên lặng với những tia máu đỏ bừng bừng trong lòng. Bỗng nhiên Đành cất tiếng cười lớn, hai chân đẩy cho lưng ghế ngả ra phía sau, mặt hếch lên mái nhà.

– Hay là anh Năm nghi đây là thịt con ngựa trúng mìn hồi hôm nên hãi?

– Ai mà nghi, mà hãi. Hãi sao nãy giờ ăn cả chục miếng gan.

Năm vừa nói, vừa gắp một miếng thịt kèm với khế chua bỏ vào mồm, cạn một ly rượu, Tay Năm quơ quất đưa ra trước mặt vớ lấy cái chai xị rót đầy một ly -khác, nốc luôn một hơi.

– Coi tôi uống vậy mà nói không hết mình sao được.

Giọng Năm có những âm thanh quấn quít, dính, sệt. Năm ăn và uống như quên nuốt, mồm nói liên hồi tiếng cười thật lớn. Thấu nhổ trên bàn thờ một cái chân hương, xỉa răng. Hai gò má bóng và dài. Hắn nhoài người rót rượu vào ly của Năm:

– Bữa rượu tiễn chú ba ít nhứt cũng phải vậy mới vui chớ. Vô nữa đi anh Năm.

Phon để ý thấy Năm ăn như thể vội vã mà thực ra ăn rất ít, uống và nói thật nhiều. Phon muốn gắp cho Năm một đũa thịt nữa nhưng lại thôi, chỉ gượng gạo phụ họa Thấu:

– Thấu nói vậy mà trúng ý tôi đó. Vui thêm để kỷ niệm tôi lên đường làm bổn phận nam nhi.

Đành đứng dậy, kéo xích ghế, cầm xị rượu Phon vừa rót đầy, lại vỗ vai Năm, rồi ngó vào mặt Năm lắc lư cái đầu bắt chước Trình Giảo Kim nói với Đơn Hùng Tín bằng một bài ca điệu Quảng đông “ly rượu này… ày ày, em xin để tặng anh à à.” Năm dằn mạnh ly xuống bàn, quắc mắt.

– Ta cho phép.

Đành ê a rót đầy ly Năm rồi đi vòng quanh bàn, tiếp tục ca lần lượt chuốc cho từng người. Năm đã hết gìn giữ, ngả nghiêng theo tiếng hát của Đành, chốc chốc lại dựng thẳng người, hét lớn “ta cho phép”. Nhưng mỗi lúc có ai gắp thịt bỏ vào chén mình, hắn vẫn không tránh được vẻ sững sờ đột ngột.

Khi Thấu nằm dài ra tấm ngựa gian bên cạnh vặn ra-dô nghe, Năm lảo đảo đứng dậy ra về. Phon đưa hắn ra cửa và mồi cho hắn điếu thuốc.

– Không phải thịt con ngựa hồi hôm đâu anh Năm. Lòng nó xổ cả đống lẫn lộn với lòng Cai Bốn. Ai mà dám ăn.

Năm gục gặc cái đầu bước xuống đường, ở trong nhà Đành và Thấu cùng căng mồm, vươn cổ ói bừa bãi xuống đất. Phon lặng thinh đứng giữa khung cửa nhìn vào.

Cúc Hoa ôi, nếu chúng ta còn xa cách nhau vì kẻ tuyền đài người dương thế thì mãi mãi anh còn là kẻ bị đầy ải đơn côi trong ngục thất của tâm hồn. Bây giờ thì Phon đã hát lại tất cả những bài ca của thằng Xanh mà Phon nằm lòng. Ba giờ gác cầu một ngày. Thằng Xanh vẫn còn có thứ an ủi được Phon. Phon vịn vào cây cản xe sơn từng khoanh đỏ trắng mà hát, dựa vào thành cầu mà hát. Lòng cầu chạy sâu hun hút giữa hai hàng vòm sắt cao ngất đen đủi. Ngửng cổ lên, bầu trời vướng ở trên kia thật xa. Những phiến gỗ dầy nhấp nhô xếp ngang hai bên con đường sắt hành cho xe lửa trước kia không có xe chạy qua trông như cỏ hoang. Sát hai bên thành cầu, đường dành cho người đi bộ nhô cao, hẹp. Có rất ít người đi trên đó trong một ngày. Chỉ có những ai đi xe hai bánh lật đật ghé vào khom mình cúi xuống giữ cho xe ép vào lối đi tránh một đoàn G.M.C. hoặc M.II3 chạy ầm ầm qua cầu. Những chỗ thành cầu phình ra để tránh xe đã hư và không được sửa lại. Đứng ở đầu cầu, ngó đầu ra ngoài nhìn dọc lên, những chỗ đó nom như ái chuồng sắt bỏ không. Mấy người sửa cầu có khi ngồi ăn cơm trưa ở trong những cái củi đó, vừa ăn vừa có thể nhìn xuống những khoảng trống thiếu gỗ lát ở dưới chân mình để thấy nước chảy ở dưới kia. Trên thành từng vòm sắt, một khoảng sơn trắng nổi bật vuông vắn làm nền cho một chữ số nhịp cầu Phon di chuyển trong vòng năm nhịp, có thể nhìn thấy dáng một vài người gác cầu khác lẩn khuất, bên những vòm sắt lớn lao. Những lúc Phon và người gác đoạn cầu kể bên vô tình gặp nhau ở lằn giới hạn, cả hai cùng cười im lặng quay lưng đi hoặc trao đổi vu vơ một hai câu thật ngắn. Nhiều lúc Phon ở vào một tình trạng lơ mơ để thấy Cúc Hoa có hai cánh tay trắng muốt chuốc rượu thằng Xanh, để nghĩ đến một ngày “có điều kiện vật chất” mua thịt bò tươi thay cho thịt ngựa chết uống la-de chay cho rượu thằng Đành thằng Thấu. Phon thường giật mình mỗi khi có tiếng xe sầm sập qua cầu. Dần dần giật mình như thành một chứng bịnh. Phôn ưa đưa tay một tay giữ mũ, một tay mở rộng ấn lên cầm xoay hẳn mặt đi cho xương đầu, xương cổ kêu rắc rắc.

Phon rất rành về ưu thế của những xe qua cầu. Xe quân đội, tất nhiên. Nhưng đáng để ý nhất vẫn là đoàn chiến xa của thiết giáp. Mỗi lần những chiếc M.113 qua cầu, tất cả như rung chuyển dữ dội. Những lúc đó, Phon khuất vào những chân vòm cầu để tìm một chút vững chãi, yên dạ. Vào các buổi chiều, từ tỉnh qua để chạy vào các làng, vào những con đường núi, đoàn xe từ từ, chậm chậm qua từng nhịp cầu, những người lính nhô ra khỏi cục bướu thép, yên lặng, bâng quơ. Thị xã sau lưng họ đã sáng màu đen néon, núi non và làng mạc trước mặt họ bắt đầu mờ khí núi. Vào các buổi sáng, đoàn xe rầm rập trở về, trên xe có nhiều người lố nhố hơn, những chiếc mũ gài vào cầu vai cũng nhềiu hơn. Tóc họ ngược ra sau. Lúc này hầu như không một chướng ngại nào có thể làm họ tạm ngưng trên đường về. Họ không cần biết đầu đàng kia có xe nào chạy sang không. Một lần hai thiếu úy từ thị xã ngồi trên xe “ríp” chạy về quận được mười nhịp cầu thì gặp họ, đầu xe “ríp” và đầu xe bọc sắt kề sát nhau, máy nổ rầm rầm. Phon hồi hộp đứng xa mà nhín. Trong một lát, người ở hai xe như cùng bất động. Thiết giáp hốm đó chỉ có hai chiếc, do một thượng sĩ chỉ huy. Cuối cùng, một thiếu úy nhảy xuống xe lại bên chiếc thiết giáp:

– Chúng tôi đã qua được già nửa cây cầu .

Người thiếu úy vừa nói vừa chỉ lên con số 10 trên vòm thành cầu.

– Bên này được đi trước.

Một giọng nói gọn lỏn trên xe thiết giáp. Trên đó, có người đưa một gói thuốc cho các bạn. Phon hơi nhúc nhích theo một phãn ứng tự nhiên nhưng rồi lại làm thinh. Người thiếu úy phân vân, đứng yên. Người trên xe thiết giáp dõng dạc:

-Bên này cũng đã vượt hết chín nhịp. Xe bên này nặng, không biết “de” bao giờ.

– Chúng tôi muốn nói một cách hợp lý.

Người  thiếu úy nói. Có tiếng cười trên xe thiết giáp.

-Xe này nặng không biết “de” bao giờ.

Một giọng khác lặp lại. Người thiếu úy quay trở lên xe nói gì với bạn. Tiếng máy vẫn rầm rầm. Một lát sau chiếc xe “ríp” “de” về phía bên kia cầu. Trên cả hai xe thiết giáp cùng nổi lên những tiếng cười ồn ào.

– Nút đồng ngoài chợ bán thiếu gì. Chạy đi, bộ nằm chình ình giữa cầu hoài sao.

Có tiếng người giục. Và đoàn xe chuyển xích nghiến trên sàn gỗ.

Phon ngơ ngẩn nhìn theo, nghĩ thầm:

– Mỗi ngày gặp một vụ như vậy có khi đở sầu.

Phon dựa vào thành cầu tìm một thoải mái lạnh ngấm vào da thịt từ chân vòm sắt. Lúc đó, Phon mong được ngồi trên chiếc xe thiết giáp dù có phải đi xa, tới những miền sự sống chết chỉ cách nhau có mấy phân bọc sắt. Phon sẽ có tiền lương đầy đủ, có thể bỏ ra tám trăm mua một bộ thủy quân lục chiến như người thiếu úy ngồi trong phòng việc ở quận để mặc ra tiệm, uống la-de và trừng trị bòn cao bồi nếu chúng nghinh Phon. Và nhất là Phon khỏi phải nghĩ nhiều về ông ta. Kề cả hai lần vào hai cuối tháng vừa qua, Phon gặp riêng ông năm lần tất cả. Đều ở nhà riêng. Ba lần trước, Phon vào với một người quen. Ở nhà ông, người quen đó vẫn nói nhiều với Phon. Như thay mặt cho ông. Ông ta cũng ngồi ngay bên Phon nhưng mặt ông luôn luôn khuất sau tờ báo.

– Vào nghĩa quân thì được ở gần vợ con cha mẹ.

Câu nói duy nhất của ông sau tờ báo. Mấy lần đó khi ra về, Phon không nhớ được rõ mặt ông, chỉ có bàn tay thô lớn có nhựa thuốc bám trên hai móng thường rơi tờ báo ôm lấy ly la-de là Phon nhớ thật tường tận. Nhưng bây giờ Phon coi như đã quen ông. Có lần ông bị quận trưởng xài xễ, Phon đã thấy tội nghiệp. Hồi đó Phon vẫn tưởng ai vào nghĩa quân cũng mất ba tháng lương đầu cho 6ong ta. Nhưng từ hôm có ông già về đây, xe chạy vun vút trên sàn cầu, Phon hiểu mình có thể vào nghĩa quân mà vẫn có tiền ngay từ tháng đầu tiên. Ông già tò ra vui và thương bọn Phon. Lúc ông nói khôi hài, Phon thấy ông nhìn mình. Trước khi ra về ông nói anh em có gì thắc mắc cứ phát biểu hoặc viết cho ông theo địa chỉ ông vừa cho.

Một người bạn đã nói nhỏ với Phon:

– Mất không cho nó ba tháng lương kỳ quá. Nó buôn tụi mình, tố cáo đi. Mầy nói lên một tiếng sẽ có liền nhiều tiếng khác nói theo. Nó sẽ bị trói như con heo tức thì.

Phon giận dữ:

– Mầy định tính nước chết cho tao đó sao? Ai nói theo tao? Mấy thằng học sinh có tên trong sổ lương? Mấy thằng nghĩa quân mất tích mấy hôm rồi chả chưa bôi tên? Định tính nước chết cho tao sao đó mầy?

Tuy nói vậy, song từ hôm đó Phon hết còn tội nghiệp ông ta mỗi khi ông quận trưởng nổi giận. Trước kia, Phon cho mình còn hơn bọn học sinh. Bọn chúng cả sáu tháng sau mới có tiền. Phon mất ba tháng còn đỡ. Bây giờ Phon thấy cùng xui như nhau. Đã hai tháng, hai lần cầm bút ký sổ lương để ông ta lãnh tiền, Phon cho là ai cũng có hồi không may. Còn hai tháng nữa. Mình gác cầu hoài nên coi ngày tháng nó lâu hết vậy thôi. Bọn nó mau chân hơn mình, bọn nó đỡ lỗ, không tốn một cắc, thằng Đành, thằng Thấu, thằng Xanh… Ngày còn lại ở bên quận, có đêm ôm súng ngồi sau xe qua cầu sáng thị xã với ông, Phon đã nghĩ vậy. Ông thường sang bên đó vào những đêm khao quân, con gái ông sang ca hát giúp vui. Con gái ông là một nữ ca sĩ tân nhạc địa phương, biệt hiệu Thùy Dương. Trừ những đêm bận đi nằm ngoài ruộng, mỗi lầh Thùy Dương xuất hiện trên sân khấu, không bao giờ thiếu mặt ông ngồi trên dãy ghế hàng đầu. Thùy Dương mười bảy tuổi, trán rộng, cằm nhỏ, tóc Thanh Thúy, giọng Thúy Nga, nụ cười tê tái Trúc Mai. Ông thương Thùy Dương bằng tình thương của người cha già đối với đứa con độc nhất. Ông kêu là “người bạn nhỏ bướng bỉnh” của ông. Mỗi lần sang thị xã, ông thường ăn vận chình tề như những lần chỉ huy binh đội dàn chào các ông lớn. Thùy Dương bình thường ưa mặc “din”, áo sơ mi, nhưng mỗi khi đi trình diễn, luôn luôn mang áo dài tươi màu, cha con ông thường đi tới quận rồi mới chở bọn Phon đi theo. Hai cha con ông ngồi băng trước, nói cười suốt dọc đường vì những điều thật vụn vặt. Bọn Phon ngồi sau, ba người. Hai người mang súng và một người mang máy truyền tin liên lạc thường trực với bên quận.

Đến rạp hát, bọn Phon ở ngoài. Chiếc xe đậu xa cửa rạp trên một chỗ vắng vẻ, nhưng ba người vẫn có thể nghe được tiếng đờn hát từ trong rạp vọng ra. Lúc đó Phon không biết làm gì cho qua bốn giờ chờ đợi. Nói chuyện vô tình hướng câu chuyện đến việc ăn nhậu. Phon kể những món ăn cha Phon thường làm hồi ông còn sống, đến món cá tràu um rắc lá lốt của thằng Xanh, đến cảnh sửa soạn một bữa cỗ có vịt tiềm, mướp đắng nhồi thịt… Hai người bạn thường cắt ngang lời Phon. “Nghèo mà ham” Phon gượng gạo bào chữa:

– Sống không ham cơm ham thịt sống chi?

Phon ra ngồi một mình trên bậc lên xuống ở cửa xe, hết nhìn về phía những hàng quàn hàng nước ở trước rạp hát lại ngửng lên trời nhìn sao. Trời càng về khuya quanh rạp càng vắng, tiếng ca tiếng đờn vang ra càng dìu dặt. Chiếc máy truyền tin trong xe chốc chốc lại vang lên tiếng người ở bên đồn nghe như giọng nghẹt mũi. Cúc Hoa ôi, nếu chúng ta còn xa cách nhau vì kẻ tuyền đài người dương thế thì mãi mãi anh còn là kẻ bị đầy ải đơn côi trong ngục thất của tâm hồn. Phon nghe mình hát lúc nào mà không hay.

– Im đi cha nội, làm ơn cho tụi tôi nghe hát ở trỏng.

Hai người bạn Phon lên tiếng váo lúc Phon chợt nhận ra mình ngâm nga như nhận một lỗi lầm. Phon xuống đường trật mũ, đi loăng quăng cho đỡ sốt ruột. Phon không hiểu tại sao những tiếng động ở đây lại làm Phon bức rức, không như những buổi gác cầu. Trong nỗi bứt rứt đó, Phon thầm mong buổi ca nhạc đêm nay thiệt hay cho cha cô Thùy Dương thiệt vui. Đêm nay, sau khi ở rạp trở ra, ông cũng cho bọn Phon ăn uống và tỏ ra thân mật hơn bao giờ. Bốn giờ trong rạp hát, nơi ông đã có nhiều thay đổi, dù chỉ trong một thời gian ngắn đủ để ông thấy hứng khởi mà cho bọn Phon no nê. Ông thường ngồi ở hàng ghế đầu bên những ông lớn trong tỉnh và những anh hùng còn mệt mỏi, những chiến binh tay quấn băng, mặt sứt mẻ. Chiếc ghế da êm ái làm ông có cảm tưởng quen thuộc khi ngồi trong phòng những ông lớn, nhưng bộ quân phục chỉnh tề lại khiến ông nghĩ mình gần gũi những chiến binh hơn. Và khi Thùy Dương được giới thiệu, ông hồi hộp chờ đợi rồi thấy “người bạn nhỏ bướng bỉnh” thướt tha xuất hiện dưới ánh đèn mầu, ông đột ngột nhận rõ mình cũng chỉ là một người lình già đi nghe hát. Thùy Dương hết còn bướng bỉnh, hết còn những câu nói tiếng cười vụn vặt mà là một thiếu nữ có một ngôn ngữ như thơ. Ông xúc động vì ngôn ngữ như thơ, lạ tai đó, con gái ông đang ở một thế giới khác có màu hồng màu xanh màu tím đổi thay, có tiếng nhạc dìu dặt quyến rũ những chiến sĩ dưới này, những người ngày mai, ngày mốt có thể nằm chết. Càng nghe con hát, ông càng xa dần con, càng nghĩ đến cuộc vui qua mau, càng thấy gần những người băng tay quấn mặt, thấy gần những đêm nằm ngoài ruộng, trong đồn. Tiếng hát Thùy Dương đưa ông vào cô đơn của nỗi chết.

Và khi ra khỏi rạp, bên Thùy Dương, ông nghĩ đến bọn Phon, những kẻ cùng trên một đường với mình. Phon được ăn no và không mong gì hơn mỗi đêm đều có tiệc khao quân.

Cúc Hoa ôi, nếu chúng ta còn xa cách nhau vì kẻ tuyền đài người dương thế thì mãi mãi anh còn là kẻ bị đầy ải đơn côi trong ngục thất của tâm hồn. Nước đã lên mênh mông. Cách đây bốn năm hôm lòng sông còn cạn khô, nước động trong những vũng sâu rải rác, trâu bò còn đi thung thăng dưới chân cầu. Bây giờ nước đã ngập hết các vết tích từ bãi cát đầy vết xe nhà binh ở đầu cầu đến những gò cát nổi cao như những cù lao xanh um cỏ. Làng mạc ở xa đã thành những vũng màu lam gọn mắt. Ghe xuất hiện trên mặt nước đã nhiều, xuôi ngược thênh thang, tuy nhiên thuyền lớn vẫn hay bị mắc cạn. Phon nhìn trong trời mưa lấm tấm, những người quần áo sũng nước, ngâm mình dưới dòng sông mím môi ôm bánh lái dắt đi hoặc cong người dồn sức đẩy đằng sau mạn thuyền. Thuyền chất đầy lúa mới gặt thân còn tươi, lá còn phảng phất màu xanh. Thuyền lừ đừ trên nước, tiếng ấm ới của người đẩy thuyền ở sâu, ở xa. Chân cầu nước xoáy dữ dội. Mạn cầu nhớp nước. Những chiếc đầu bù-loong gắn dình với các thanh sắt nhỏ giọt. Đôi bàn chân Phon nhúng hoài  trong giầy đầy nước, nhiều lúc bắt lạnh rùng người. Lòng cầu sạch trơn, lớp nhựa đường trên gỗ láng bóng thêm phần hun hút. Phon thêm một điều thuốc lá nuốt trọn từng ngụm khói.

Máy chiếc Lăm-bét-ta qua cầu. Tiếng máy ò ò vang vào các thành sắt. Hông xe đều che kín. Một vài vệt dầu loang trên sàn gỗ óng ánh. Tới đồn canh bên này cầu, một chiếc xe đậu lại, một người con gái bước xuống. Phon nhận ngay ra người con gái thường sang ngủ ngày với trưởng đồn. Cô ta khoác áo mưa màu vàng đậm, vận quần trắng áo hoa nhạt màu. Người mảnh khảnh mặt hơi tái song hồn nhiên. Phon có quen cô ta. Hôm ngày trưởng đồn sang nhậu với ông thiếu úy được gắn huy chương ở bên quận, cô ta ngồi đợi ông và hỏi chuyện Phon. Phon nói chắc còn lâu ông trường đồn mới về. Cô cười “tôi nói tôi chờ mà Phon”. Ay náy không biết kiếm chuyện chi nói trong thời gian lâu thế, bỏ ra ngoài. Nhưng chỉ lát sau Phon lại quay vào gượng gạo lặp lại “còn lâu ổng mới về”. Cô gái ngồi trong chiếc ghế độc nhất của người trưởng đồn ngửng nhìn Phon cười “Tôi chờ”. Sau một lát ngập ngừng, Phon hỏi “cô… có chi cần gặp ổng?” Nói xong Phon thấy ngượng. Cô gái vẫn cười “có chi đâu mà cần. Muốn chờ thì chờ vậy thôi”. Cô gái có vẻ vui nhưng ngồi yên cả tiếng đồng hồ không tỏ ra uể oải cũng không rờ rà tới các thứ trong phòng. Đên  trưa người trưởng đồn vẫn không về, cô gái mới đứng dậy bảo Phon “Tôi về, anh.”

Phon đưa cô ra cửa đồn. Cô không đi ngược xuống quán con nhỏ mắt lé ăn nem nướng cũng chờ xe như mọi khi. Cô lững thững sang cầu, tay lướt trên thành sắt, tóc và hai ống quần bay rạt về phái sau. Cặp đùi cô nom thiệt nhỏ. Phon không muốn nghĩ cô đã hết tiền về xe tuy không thấy cô cầm nơi tay chiếc khăn bọc tiền như mọi khi.

Cô gái giở tiền trong khăn tay trả tiền người lái xe, quầy quả bước vào đồn. Đồn là một nhà ga cũ, xung quanh có hàng rào thép gai và các hầm lộ thiên. Chỗ cửa bán giấy xe trước kia có mấy người lính nhô đầu ra xét giấy tờ các xe vào thị xã. Cánh cửa đóng im ỉm ở đầu nhà ga mở cho cô vào rồi đóng lại. Một lát cửa lại mở, mấy người lính ra đường bước lại phái cây gỗ cản đưa chuyền nhau một gói thuốc. Phon mấm năm đầu ngón chân trong lòng giấy ướt sũng có cảm giác bị tê và một móng chân bị nhét cát nhưng không rõ ngón nào. Phon vuốt mặt, vẩy tay cho đỡ ướt, bước từng gượng nhẹ. Giày quá rộng, mỗi chân lồng hai chiếc vớ dày vẫn còn lỏng.

Từ sau mấy chiếc xe đậu ở đầu cầu. Thằng Đành chụp áo mưa đạp xe vượt lên. Phon giơ tay vẫy nhưng nó không hay. Nó dừng lại bên cây gỗ cản, thò một chân ra khỏi chiếc áo mưa nhà binh chống xuống đường hỏi han mấy người lính. Họ chỉ về phái cầu. Phon giơ tay vẫy, chân bước sang mạn cầu bên kia chờ bạn. Đành hất mặt lên cười với bộ mặt bón nước. Hắn đạp xe lên, dừng trước mặt phon, chân phải đặt trên đường dành cho bộ hành.

– Mạnh giỏi mầy?

– Mạnh. Có chuyện chi đó?

– Có chuyện chi đâu.

– Rảnh chuyện vậy na.

– Ờ, tụi tao mà.

Phon sờ vào chiếc áo lụng thụng của bạn:

– Tụi mầy xếp thiệt

Đành liếm nước quanh môi, nghe những tiếng súng từ vùng núi đầu sông vọng xuống.

– Vậy là đỡ rồi. Chỉ còn có hai tháng nữa mầy đã lương.

– Bữa đó tao gắng xin về gặp tụi mầy. Nghe nói sau bữa tao đi thằng Năm có chuyện với tụi mầy?

– Nó thông cảm rồi. Bữa thằng con nó chết nó cũng mời tụi tao lại nhậu. Con có chết được hơn một tháng

Thiệt tội.

Thằng Thấu nói hay quá nó cũng đỡ sầu.

– Ơ Thấu…

Một chiếc xe “ríp” phóng vụt qua, Phon quay mặt ra thành cầu.

– Cấm nói chuyện trên cầu?

– Cấm.

Đành ngó trước ngó sau rồi vòng xe trở lại:

– Vậy tao về

Phon dựa lưng vào thành cầu:

– Tao có lời thăm Thấu.

Dường như vừa có một dòng nước chảy từ gáy xuống sống lưng. Phon quơ tay ra sau cọ mu bàn tay vào lưng nhưng chỉ thấy lớp áo nhựa vừa trơn vừa lạnh. Phon sửa lại chiếc mũ đội đầu cho riềm mũ bao ra ngoài cổ áo mưa. Mưa chợt đổ xuống dồn dập. Sàn cầu bắn tóe những hạt nước lớn. Ngọn núi cao ngất đỉnh đội một phiến đá vuông, ở cuối khúc quành vừa hiện ra mờ mờ đã biến mất. Thản nhiên, Phon khom người lại dưới một cây sắt lớn. Đầu Phon rúc dưới cây sắt, hai vai nhô ra ngoài. Phon nghĩ tới những lúc ngồi với vài người bạn trong đồn ở ngoài quán con nhỏ mắt lé để quên những giọt nước dội từ vai bắn lên hai má. Mưa lớn như vầy, mái quán dột hết. Nhưng ít ra cũng còn một chỗ không bị hắt mưa để Phon ngồi xuống uống ít ly ngó con nhỏ co ro ôm hai vai loanh quanh bên mình. Hai tháng nữa, Phon có thể nhờ nó mua mực tươi ở chợ quận về xào với thơm xanh cho thỏa lòng mong muốn.

Một vài chiếc xe chạy vút vào lòng cầu, bỏ lại tai Phon tiếng những phiến gỗ bấp bênh bị bánh xe lướt qua. Tuốt bờ sông bên kia rài rác vài chiếc thuyền bất động mơ hồ. Dòng nước mỗi lúc như thêm dữ dội xoáy quanh những chân cầu bao dây kẽm gai. Phon ước những giọt nước trên môi mình là rượu. Phon vuốt mặt, nhô ra khỏi cây sắt. Về phía bên bờ này, có một vật gì trôi lại gần cầu. Mặt sông ở dưới kia thật rộng, mờ mờ, vật bị trôi đậm màu. Lúc chưa trông rõ, Phon thấy vật đó lúc chìm hẳn lúc nhô lên mặt nước. Khi đã đoán chừng nó là một vật, Phon thấy chốc chốc từng phần con vật lại hiện trên mặt nước sau một hồi mất tă,. Một con bò, chiếc đuôi vật vờ vừa chìm nghỉm, một mỏm đầu với hai cái sừng đã nhô lên. Có lúc cả chiếc đâu nó trồi lên khỏi mặt nước, mõm há rộng nhăn răng. Phon mong nó sẽ đụng vào một vạt cát thiệt cao để nom cho rõ. Dòng nước quá mạnh. Con vật trôi mau, tựa vào thành cầu, Phon cúi xuống nhìn. Chiếc đầu với hai sừng nhô lên một lần nữa. Con vật chắc mới chết. Lúc Phon ra gác cầu trận đánh mạn trên sông mới bắt đầu. Phon chắc nó cũng trúng đạn như con bò tuần trước trôi qua đây. Chân cầu và những phên kẽm gai có thể giữ nó lại. Con bò đã trôi vào gầm cầu. Phon không còn nhìn được, Phon bước sang bên kia, cúi gập người trên thành sắt không nom được suốt chân cầu. Phon chờ, tuy biết nó có thể mắc kẹt. Thân một cây dừa trôi sau con bò đã băng băng qua cầu.

Phon trở qua trở lại hai bên thành cầu. Tầm mắt Phon vẫn bị chận lại. Phon bứt rứt lắng tai xem có tiếng động nào chứng tỏ con vật còn đang ở dưới chân cầu. Chỉ có tiếng nước xoáy.

– Nó đã bị kẹt vào dây kẽm gai.

Phon lẩm bẩm. Tiếng nước xoáy dội mạnh lên tai Phon.

Trên bàn để một máy truyền tin bọc bằng cái bao vải bố, một chiếc ra-dô ấp tân sinh, một dĩa răn lớn, hai dĩa thịt nướng, ba cái ly chén đủ loại đựng rượu đế và một xấp bánh tráng. Đành kéo ghế cho Năm:

– Không còn chuyện chi quan trọng hơn cái vấn đề này, uống cùng anh em ít ly rồi lo công vụ cũng không muộn.

Năm lừng chừng ngồi xuống ghế, phân vân:

– Nói hoài anh em vẫn không thông cảm, kẹt quá.

– Có chi mà kẹt, để tôi gọi về nói anh chưa tới được là xong.

Đành lấy mấy kéo cần dây trời, bật “pin” cùi đầu gọi về trụ sở xã.

Năm áy náy:

– Phiền mấy anh quá.

– Anh Năm nói vậy tụi tôi giận đó. Từ hồi thằng Phon chết tới nay, ngoài anh Năm, hai đứa tôi còn biết thương ai hết.

Năm cười cảm động:

– Mấy anh nói tới thằng Phon khiến tôi lại nhớ nó thấy tọi nó. Nó ham ăn nhậu mà điều nó cũng vui, cũng dễ thương như mấy anh đây.

– Sức mấy mà nhắc tới thằng đó. Uống đi anh Năm.

Ngồi nhậu mà còn suy nghĩ. Đành cất tiếng cười lớn ngửa mặt lên trời. Thịt ngựa. Thịt bò. Ta cho phép. Cúc hoa em ôi. Ta cho phép.

Một đùi thịt bò còn nóng máu, một xị rượu lúc đã thay quần áo khô, có lẽ không còn điều gì đáng ước ao hơn thế. Tay Phon nhiều lúc đặt trên cán dao bên thắt lưng. Một đùi thịt bò, một xị rượu lúc đã thay quần áo khô. Phon nhìn về phía người bạn gác ở nhịp cầu đàng kia. Anh ta vẫn còn khuất vào một cây sắt nào đó để trú mưa. Không ai biết được cái đùi bò của Phon cả. Có chăng một mình con nhỏ mắt lé. Có cần gì phải chờ hai tháng nữa. Còn những đêm khao quân, còn tiếng súng trên kia và dòng sông này. Tao sẽ nghĩ, sẽ nhớ đến tất cả bọn bay. Cúc Hoa em ôi…

Phon thắc thỏm nhìn xuống dòng nước. Con bò chắc chắn đã bị kẹt nhưng vẫn có thể trôi đi bất ngờ, Phon tựa vào thành cầu chờ đổi gác.

Mưa ngớt dần. Người Phon nhiều lúc nổi da gà bắt rùng mình vì một cơn gió ở dưới sông tạt lên. Phon nhìn về dốc cầu. Sau cây cản gỗ, xe đậu nối đuôi. Đã hết giờ làm buổi sáng. Các công chức làm ở quận đã trở về thị xã. Những chiếc xe hơi que gạt hạt nước trên kính quệt qua quệt lại uể oải, máy nổ dồn dập, nóng chảy. Những chiếc Lăm-bét-ta ướt át có nhiều người mặc áo mưa và ngậm khói thuốc.

Mấy người lính từ trong đồn ra đổi gác. Họ đi hàng một, sát thành cầu. Phon cởi mấy nút áo nghe như ngực mình bốc hơi. Người bạn thay thế Phon nói:

– Tao đang nghe dở sáu câu.

Bọn Phon thong thả trở về đồn. Qua một chiếc xe hơi, có dấu thập tự, Phon nghe có tiếng cười thật trong của mấy cô mặc áo mưa màu với người đàn ông ngậm ống điếu tì tay trên bánh lái. Phon thoáng có ý định xin họ mấy viên thuốc nhức đầu nhưng chân vẫn bước theo các bạn vào đồn, tháo giày, cất súng.

Chiếc bảng cấm ở đầu cầu được xoay mặt. Đoàn xe từ từ lên cầu để khói lại phía sau. Một lát, chiếc bảng cấm lại được xoay ra. Từ phía thị xã, bọn học trò quần trắng áo trắng ngồi trên xe đạp lũ lượt qua cầu. Hôm nay là thứ hai.

Nắng lộ dần trên các vòm cầu. Cánh cửa đóng im ỉm ở đầu nhà ga bật mở. Người con gái sáng ngủ ngày với trưởng đồn nắm chiếc khăn tay đi ra, bước lên một chiếc Lăm-bét-ta. Phon nắm một con dao, bước xuống bờ sông.

Nguồn: https://phamcaohoang.blogspot.com/2013/02/99-y-uyen-truyen-ngan-tieng-hat-cua.html

Comments are closed.