Văn học Miền Nam 54-75 (698): Y Uyên (kỳ 8)

Pho tượng đứng đó

Xuống tới bãi trời trống, đám người bước mau hơn. Một thanh niên hỏi Dần: 
"Vụ đó tới đâu rồi?" 
Dần chắc anh ta muốn hỏi về Yến, cười gượng: 
"Chẳng đi tới đâu".

Người thanh niên nhìn Dần lộ một chút ngạc nhiên để thay thế một câu hỏi khác chắc Dần sẽ không ưa. Dần ngại phải nhiều lời, nói tiếp: 
"Lúc mấy cậu tới tôi đã định giữ lại để cô ấy thấy đông, về cho sớm. Từ tối hôm đó, cũng không thấy tới nữa". 
Trước mặt đám người, vùng nước rộng quanh eo, cuồn cuộn đất màu. Giờ là mùa khô. Nước nguồn như vậy là hung dữ. Người học trò từ miền ngoài vào thi bàng hoàng nhìn mặt trời xuống chếch chói mắt, nhảy ùm xuống luồng nước lạ. Dần đứng tần ngần nhìn mọi người xuống tắm. Nước lạnh lẽo như mang nhiều xác lá mục. Dần hối đã nhận lời rủ của đám học sinh, chần chờ cởi quần áo. Chân vừa ngập nước, Dần rùng mình nổi da gà rồi liều lĩnh nhào bừa ra luồng nước bỏ cho thân thể chìm xuống giữa đà cuốn băng băng… Những đốm vàng loá trước mắt có ánh xanh xanh lạnh lẽo. Dần thấy giả chết cũng có vẻ ngộ nghĩnh và mơ hồ thấy mình cười với một khuôn mặt không rõ chìm dưới lớp đất vẩn như phù sa. 
"Chịu hết nổi rồi". 
Dần nhoái lên nói và ngơ ngác tìm kiếm bọn kia. Họ ở thực xa, nom nhỏ li li. Dần ngơng theo đà nước, giạt người vào một bờ cỏ bị xói lở. Ngâm mình một lát, Dần tìm cách lên bờ, nằm dài ra thở. Mặt trời vàng cả những mây sa thấp. Dần nghĩ: kiếm lấy một vài điều để viết cho Thục. Dần nhớ là Yến đã đến lúc lá thư vừa mới phóng mấy chữ quen thuộc: "Nhà bà ngoại, ngày… tháng… 1967". "Yến nó xấu, nó tục đến sốt ruột". Dần nghĩ lúc đưa Yến ra ngõ. "Vậy mà nó vẫn nói lảng lúc mình đòi cưới". Dần chắc vẫn chưa dứt khoát thoát khỏi những ngày bị bịnh trở lại, lơ đãng nghe tiếng bọn kia ấm ới và tiếng nước. Trong những giấc mơ, dường như cũng có lúc Dần đòi cưới một người nào đó. Dần ghê sợ đôi bàn tay của người y tá mỗi lúc nghĩ vẫn chưa thoát khỏi ông ta. Hai bàn tay thực run, nhớp nháp mồ hôi tối nào cũng cử động có bấy nhiêu: chích nín thở, nhón của Dần một điếu thuốc và chìa ra cho Dần bắt. Dần bật cười. Cũng may, nếu mình là con gái chắc cũng mơ đòi cưới cha ấy. Thục nghĩ sao nếu biết những chuyện Dần ở đây? Thục thì chẳng bao giờ làm ồn. Bữa mua xổ số, Thục có vẻ không thích nhưng vẫn không nói. Dần lựa hai tấm, một giữ, một đưa cho Thục: "Nếu hai tấm cùng trúng, chúng mình không lấy được nhau". Thục yên lặng nghe Dần, đưa tấm vé số lên trước mặt giả làm gương soi vuốt lại những lọn tóc bỏ trên vai. 
Gã học trò tỉnh ngoài đã lên nằm dài bên đống quần áo. Gã là thi sĩ, chiều nay thi xong môn cuối gã sợ rớt cuống cuồng. Gã đang kêu "con nước", "hoàng hôn", "ráng chiều" gì đó. Dần che mắt nhìn những tia chói vàng trong vùng mây như nối liền với khoảng mù ở đầu nguồn. Những âm thanh ở phía gã học trò thực khó nghe. Lúc để ý, chỉ có cảm tưởng gã nằm ngửa mặt bên mép nước mồm la không ngớt. Dần nằm nghe ngóng – chẳng hiểu mình nghe ngóng gì – tới lúc nghe bọn kia lao xao gọi về. Giữa đường, gió nổi lớn, bụi cát quấn quít đầu tóc chưa khô. Nhưng Dần thấy mình như vậy là đã quá sạch. Vào phố, Dần chia tay đám học sinh. Thấy chưa tới giờ đi ăn cưới, Dần đi uống một chai la-de. Mùa nóng, gió ồn ào mà khô nhăn da. Dần kiếm một tiệm có hàng rào cây xanh ngăn bụi. Đặt chiếc ghế vào sát thân dừa lấy chỗ tựa, dần ngắm xung quanh thấy mình như ngồi trong một khu vườn. Dần uống chậm cho tiêu thời giờ. Dần nhớ tới tiếng ve trong những chòm cây bắt đầu tối ở bãi cỏ trước nhà, chiếc bàn kê dài ra sân ăn bữa cơm muộn, những chiếc ghế thực chắc mẹ Dần sắm riêng cho mấy đứa con trai lớn ưa ngồi ngả nghiêng. Giờ thì không còn một tên ở nhà. Mẹ Dần đỡ mệt nhưng chắc buồn. Riêng với Dần, bà vẫn tiếc không được giàu có để ở gần săn sóc Dần. Bà chỉ còn cách gởi thư khuyên Dần mỗi khi bớt bịnh, nên kiếm la-de uống trước mỗi bữa ăn. 
Dần ghé qua về nhà thay quần áo và rũ lại tóc. Vào ngõ, Dần mới nhớ ra tối nay có cái hẹn với một người đàn bà có cái tên giả thực khó nhớ. Kiều Bích. Bà ngoại Dần không có nhà. Hai hàng lài tây dẫn vào trong sân nở đầy bông. Những chiếc vỏ trứng vịt úp trên các ngọn lá cây dừa lớn làm cảnh ở trước nhà có gió rung chập chờn. Dần ra đầu nhà chỗ đặt một dãy chum lớn múc nước mưa uống và rửa mặt. Dần bắt chước một người anh Dần huýt sáo cho bớt vắng vẻ. Thấy con nhỏ nhà bên cạnh đang ủi đồ trên hiên, Dần băng lối sau vườn sang nhờ nó ủi chiếc khăn tay. Con bé rực rỡ đẹp trong một thân thể hết lớn thêm. Nó cười cười bỡn cợt Dần về Yến và tò mò hỏi Dần đi ăn cưới ai. Dần bảo: 
"Ủi đi cô. Lúc về tôi lấy trộm cho mớ confettei với vài miếng bánh, gắng thức mà chờ". 
"Tôi chờ thực đó". 
Nó nói và cặm cụi ủi, mồ hôi nhỏ giọt. Dần nhìn mớ đồ quen mắt bao lâu nay. Nhưng chiếc ny-lon hoa lá nhỏ nhắn, mấy cái bandeau đủ màu, hai núm "xú chiêng" nhỏ bé, tội nghiệp. Dần nhớ tới người anh có tiếng huýt sáo những lúc chạy rông. Hắn thương nó lâu quá. Ra trường rồi hắn trở về đây không chừng. Bà ngoại đã bảo: "Thằng Dần-anh bị con bé nó cột chân tay rồi". 
"Anh Dần-anh đổi ra đây đó". 
Dần nói đùa. Con bé lườm Dần. 
"Ảnh ra, ăn nhằm gì tới tôi". 
Dần bật cười, cầm khăn về nhà. Con bé vọng theo: 
"Tôi chờ thực đó". 
Ngôi nhà ngói có hành lang bốn phía nom thấp, tối. Dần bật đèn, soi gương vận quần áo và nghĩ qua loa về Kiều Bích. Bà ngoại Dần vẫn chưa về. Mấy con chuột đã quen thói bắt đầu cắn nhau chí chóe trên bàn trang điểm của dì Phong ở phòng sau nhà. Dần để đèn sáng, đóng cửa, ra sân nói vọng sang nhà con nhỏ: 
"Coi nhà giùm tôi. Có ai tới, nói cỡ tám giờ tôi về". 
Dần đi như chạy bụi. Phố đông người, nhiều thí sinh chọc ghẹo gái qua đường. Đám cưới của người bạn thực đơn giản, rất hợp với Dần. Sau khi dùng nước ở nhà, hơn ba chục người kéo nhau ra tiệm. Con gái chiếm già nửa. Khi được sắp xếp ngồi đối diện, họ có vẻ ngượng. Bên đàn ông khơi mào ồn ào. Dần xin chỗ để ngồi với Lan. Tiếng vỗ tay khuyến khích. Lan mắc cỡ nhìn xuống ly Coca tối màu. Dần đã có mấy hơi Black and white uống lấy được, tự dưng hào hùng. Anh bạn tổ chức mỗi năm phút lại yêu cầu Dần cho kết quả. Khi Lan đã chịu nói, anh bạn tổ chức cho riêng hai người vài kiểu hình. Lần lượt những giọng say được Dần mời đứng lên bày tỏ cảm tưởng về cô dâu chú rể mới. Dần rắc lên phần bánh flan của Lan ít confetti màu áo cô dâu và mời Lan. Lan cười không từ chối. Dần uống thêm và thấy cám ơn Lan thực tình. Lan đầu và vai đầy confetti như có vẻ đẹp cô dâu từ khi chưa biết nghĩ chuyện vợ chồng. Dần cũng lấy cái hồn nhiên của người bạn đang uống thực vui bên vợ mới cưới, thấy mình cũng có vẻ chú rể. Nhưng không có cô dâu nào cho Dần. Dù nhiều lần đòi cưới, chưa bao giờ Dần hình dung được một hạnh phúc chồng vợ quen thuộc với mình. Dần nhớ tới Thắng hôm hắn đột nhiên có mặt ở đây. Hắn nói đã cưới vợ, có con và lấy làm tiếc. "Tao đang ăn khách", hắn than thở. Hắn mò về đây cũng không ngoài mục đích để được xa vợ con ít ngày, kiếm lại một vài tình nhân cũ. Dần mệt cái ồn ào của hắn, nói bịnh để khỏi đi cặp với hắn lang thang kiếm gái và tìm người bán lại khẩu colt 12. Một buổi trưa, bà ngoại Dần đi vắng, hắn dẫn Kiều Bích về phòng Dần. Dần bỏ xuống phòng dì Phong loay hoay kê lại tấm gương bầu dục ở bàn trang điểm cho dì được chừng mười lăm phút thì thấy hắn ra sau đi tiểu ghé vào bảo Dần: "Em vẫn như xưa". Sau đó, hắn đi giao súng cho một người bạn cũ, nói nửa giờ sẽ về. Dần lên thấy Kiều Bích đang nằm quạt, vận bộ đồ đen của Thắng. Kiều Bích nhỏm dậy, nom hiền thục, khiêm tốn. Nàng nói: "Em là em gái anh Thắng. Nghe anh Thắng nhắc tới anh đã lâu, giờ mới được gặp, em thực mừng". 
Dần ra khỏi tiệm ăn mới thấy nôn nao khó chịu. Dần vừa đi vừa rũ confetti trên tóc để có những cử động làm quên phần nào cơn say. Về tới nhà, Dần thấy người y tá hút thuốc chờ ở trên hiên. Ông ta đưa tay bắt lúc Dần bước lên mấy bực thềm. Dần nắm chặt bàn tay nhớp nháp của ông ta và mửa thốc tháo. 
"Nguy quá, rượu say lại đi gió". 
Tiếng ông ta kêu vang ngôi nhà vắng. Dần quỳ xuống thềm chống tay vào cột nôn không còn muốn đứng dậy. Người y tá chặn ngực và lưng cho Dần rồi dìu vào nhà. Dần nằm thẳng cẳng nghe ông ta loay hoay ở một chỗ đâu đó như tìm kiếm vật gì. Giá có một trong những người Dần đòi cưới gỡ giùm chiếc cà vạt. Tiếng động do người y tá gây nên đi xa hơn. Dường như ông ta đang lục lọi cùng mấy con chuột ở trên bàn trang điểm của dì Phong. Một lát, lòng bàn tay và gan bàn chân Dần được bôi mát. Dần giựt mình hỏi: 
"Ông bôi thứ gì đó?" 
"Vôi của bà già đó mà. Vôi cũng như chanh, giải say". 
Dần mở rộng hai bàn tay, thở thiêm thiếp. Hai bàn tay, hai chân Dần như thoa đầy kem thoa mặt của dì Phong. 
"Bữa nay nghỉ chích một buổi, ông có thể về. Cám ơn ông". 
Dần nói lên khoảng không. Người y tá lại rờ rà trên người Dần, nói khôi hài làm Dần cười như ngủ mơ rồi chào ra về. Dần nghĩ tới người học trò từ miền ngoài vào thi bàng hoàng nhìn mặt trời xuống chếch chói mắt nhảy ùm xuống luồng nước lạ. Buổi chiều thấy xa như ký ức về tiếng gọi nhau ấm ới của bọn đi tắm và tiếng nước. Dần vẫn nhắm mắt, đưa lòng bàn tay xòe rộng lên mặt ngửi xem có phải mùi kem trong cái hộp bám bụi trên bàn trang điểm của dì Phong. Hôm dì đi, cuốn tiểu thuyết của Mai Thảo vẫn còn đánh dấu bằng mụn vải vàng non ở nửa phần cuối, Kiều Bích ưa đọc Mai Thảo. Dần cho là Kiều Bích nói dối. Nhưng khuôn mặt Kiều Bích thực vẫn hiền thục, giọng nói vẫn khiêm tốn dễ thương. Dần nhỏm dậy ra khép cánh cửa phập phành. Sao giờ này Kiều Bích chưa tới? Dần thiu thiu ngủ, mơ gặp một cái thực bất ngờ: Reita Faria, hoa hậu Ấn Độ. Lúc tỉnh dậy Dần thấy nhức đầu, thấy có hương thơm và ánh trăng. Một người đàn bà quần áo trắng ngồi băn khoăn ở chiếc ghế cạnh giường. 
"Kiều Bích". 
Dần nhỏm dậy buột mồm kêu cái tên giả của cô ta. Dần coi đồng hồ: 
"Cũng may tôi mới chợp mắt có một lát". 
"Em đã định về". 
Kiều Bích nói dịu dàng. Giọng cô ta như giọng con gái. Dần nói vừa đi ăn cưới về, bảo Kiều Bích ra ngoài chum nước rửa mặt. "Reita Faria", Dần như cầu một điều lành rồi bật cười như vừa có được một vật dụng mới. Đồng hồ trong nhà gõ chín giờ. Dần nhớ ra đã quên lời hứa với con bé nhà hàng xóm. Gió bắt đầu lớn. Dần quay vào thoáng chút ngạc nhiên lúc hai người nhìn nhau. Hồi nãy mặt Kiều Bích như không thoa kem. Giờ thì nom rõ thực vẻ khờ khờ của những nét tinh nhanh bị lấp kín. Kiều Bích thành một khối trắng dịu dàng với ít điều che giấu. 
"Nhà anh thực lắm chuột". 
Kiều Bích nói. Dần nói đùa: 
"Có vài con thôi nhưng đêm nào chúng cũng ồn ào trang điểm". 
Kiều Bích kéo xích chiếc ghế ngồi lùi ra sau lúc Dần ngồi lại gần. Vẫn dáng khoan thai, vẫn tấm áo không cổ ba nút gài bằng vải sau lưng và chuỗi hột đen huyền. Hai tấm áo dài nối đang may vẫn chưa tới ngày lấy. Khuôn mặt trong mớ tóc ôm kín gáy vẫn mơ hồ gợi chút xúc động. Dần ngồi nói dông dài, không nhắc tới chuyện đưa Kiều Bích đi thăm người bạn như đã hứa. Dần nghĩ tới Thắng lúc hắn đi tiểu. Đêm nay Dần lén bà ngoại giấu người đàn bà trong nhà này chắc cũng được. Cùng lắm, để Kiều Bích trong phòng dì Phong, chẳng bao giờ bà cụ ngờ tới. 
"Thứ hai tới em vô lại Sài Gòn". 
Kiều Bích nói. 
"Tôi không định về. Chờ tôi cùng đi cho vui chịu không?" 
"Chừng nào anh về?" 
Dần nhiệt thành với một câu mơ hồ: 
"Ờ… tôi cố gắng sao để cùng về với Kiều Bích". 
Kiều Bích cười một mình. Dần nhìn hai bàn tay đặt trên mép áo thấy già và đen đủi, khác hẳn khuôn mặt. Người bạn Kiều Bích định tới thăm cho Dần biết hồi trước Kiều Bích thực khá. Sau ngày đẻ đứa con đầu lòng, đào ngũ, người đàn bà này sa sút hẳn. Từ đó tuy không bỏ hẳn đây, nhưng rất ít ai hiểu người đàn bà này sống ra sao. Dần không cần biết những chuyện đó. Trước Dần chỉ có người đàn bà có thể là còn trẻ, dịu dàng ngấm ngầm thôi thúc Dần bằng một ước muốn lạ. Dần thích thú vẻ thuần hậu đáng nghi hoặc của người đàn bà. Đêm nay, chắc Dần sẽ nắm lấy bàn tay đen đủi. Dần sẽ tuốt ống tay áo nàng lên cao để coi lớp da thịt thực tình bên trong. 
Dần lặp lại: 
"Chị ấy là vợ người bạn thân của tôi, không có gì phiền". 
Đồng hồ trên cổ tay Kiều Bích chỉ gần mười giờ. Dần thả chuỗi hột xuống ngực người đàn bà, đứng dậy thay quần áo. Kiều Bích tránh thực giỏi. Chuỗi hột vừa dìu khuôn mặt nàng lại gần mặt Dần, nàng chợt kêu tới tên người bạn gái cũ, cái hẹn. 
Con đường tới nhà người bạn vắng và bụi. Bóng Kiều Bích gãy trên mặt đường đất nom đẹp như dáng một nữ sinh của nét vẽ Duy Liêm. Hai người đi như một cặp vợ chồng. Một đám thí sinh lùng đánh giám thị ùa từ ngoài phố vào tản mát chạy trốn. Dần thấy nhẹ người giữa gió. Dần hỏi người đàn bà đào ngũ có biết những con ve sầu? Kiều Bích tả sai hết. Dần đành nói về Thắng và tỏ ý tiếc đã không có nàng chụp hình lúc hắn sắp đi. Khẩu colt 12 của hắn đổi được chiếc canon và hai chục đôn. Buổi sáng hắn đi, hắn đánh thức Dần dậy thật sớm. Hai người quanh quẩn trước sân chụp lẫn cho nhau hết cuộn phim vẫn ngờ ngợ không được một tấm ra hồn. Người đàn bà hỏi: 
"Ảnh có nói gì tới em không?" 
Dần cười: 
"Có. Anh ấy lặp lặp lại những lời Kiều Bích kêu tôi lộn xộn". 
"Ảnh bày đặt". 
Kiều Bích nói tiếp: 
"Ảnh coi em như em gái, đối với em hết sức tự nhiên. Bữa ảnh bắt vận đồ của ảnh cho khỏi nhàu áo dài, em mắc cỡ muốn chết". 
Dần không rõ chủ đích câu nói của người đàn bà. Cô ta luẩn quẩn che đậy một cách vô ích như một loài gậm nhấm càm lá phủ lên người. Những ngày tháng của cô ta thì bừa bộn trong trí nhớ nhiều e ngại vì tội đào ngũ. Nhưng cách ăn nói thì đơn giản như một cố gắng thu gọn trước mắt người khác. Cô ta có một đời sống bình thường, rõ rệt, có thể nói cho người khác nghe. Cô ta muốn Dần, có khi cả cô ta, hình dung những lời thêu dệt đó. Cô muốn mượn một đời của người khác để trở lại với mọi người. Cô như không còn gì, có gì, kể cả những trang tiểu thuyết của Mai Thảo. Dần cũng chẳng hơn gì. Tấm vé số mua cho Thục, bãi Trời Trống, gã học trò la bai bải, Yến, Lan, bàn tay người y tá, những cái vỏ trứng úp đầu đám lá dứa, ước muốn tuốt ống tay áo Kiều Bích… không ăn nhập gì tới nhau nhưng như có sự hoà hợp liên tục tốt đẹp tạo nên Dần bây giờ với những bước chân chắc chắn bên một người như vợ mình mới cưới. Buổi chiều như một cuộc chạy đuổi vô cớ. Dần như không nhập vào đời sống. Dần sống phút này với một bàn tay của người không ngờ Dần để ý tới, phút khác với vài đốm confetti màu trên một góc bánh flan. Dần nói chuyện với những vật vô tri như từ trước vẫn sống luẩn quấn bên gian phòng dì Phong vắng mặt. 
"Giá bây giờ tôi xin cưới Kiều Bích có cho là tôi nói giỡn?" 
Dần hỏi đột ngột. Kiều Bích né xa dần, lùi lại, kêu nhỏ: 
"Anh ăn nói kỳ cục". 
Dần bước chậm chờ người đàn bà: 
"Đó là tôi thí dụ". 
"Thí dụ gì mà nghe nhột nhạt…" 
Tiếng cười hai người nhỏ nhưng thực rõ giọng thẹn thùng của người đàn bà. Dần nghĩ lúc vuốt ngược ống tay áo người đàn bà chẳng còn bao lâu. 
"Cùng vô với anh, chị Hiên cười chết". 
Kiều Bích nói lúc vào ngõ nhà người bạn, Dần yên lặng đi trước dẫn lối. Ngõ hẹp và tối. Trăng khuất trên những mái nhà cao cổ kính. Người đàn bà dường như kêu lên những tiếng nhỏ và chân vẫn bước. Cô ta có vẻ muốn được dỗ dành. 
Người bạn Dần đi trực đêm. Hiên còn thức, tỏ vẻ mừng rỡ nhận ra Kiều Bích. Hai người đàn bà làm ồn mấy đứa nhỏ ngủ trong mùng. Họ phải dỗ cho chúng ngủ lại rồi nhỏ giọng rủ nhau ra mãi giữa sân, kê ghế ngồi nói chuyện. Dần nằm trên cái võng dưới hiên, hút thuốc. Khi nào cưới Thục chắc Dần cũng dẫn vợ tới nhà các bạn. Nhưng Thục chắc ít nói hơn. Trong sân khuất gió không bụi, trăng có vẻ sáng. Dần lấy trong túi mấy mẫu vải áo dài Thục gởi ra tẩn mẩn coi lại màu. Bữa đó, chở Thục về tới cổng, Thục bảo: "Anh cho em coi lại cái số của anh". Dần lục túi, đưa cho Thục. Thục chập hai tấm vé số xé vụn vứt lả tả rồi chạy vào nhà. Bức thư đầu, gửi về, Dần trách: "Như vậy chẳng bao giờ chúng mình giàu". 
Hai người đàn bà ngồi giữa sân nom nhỏ nhắn. Có lúc chợt để ý, Dần nghe thì cười như con nít, kẻ thì nói những lời khó hiểu. Họ nhỏ giọng những lúc chợt quay vào nhà, nơi có Dần và mấy đứa trẻ con ngủ yên. Dần biết họ nói chuyện hồi còn nhỏ, muốn nghe thử nhưng ít chú ý được lâu. Vào lúc họ đấm nhau thùm thụp và cười sặc sụa thì phía ngoài đường có tiếng người kêu cháy ở chợ. Phía đó hửng đỏ. 
"Cháy ở chợ, anh Dần?" 
Một người đàn bà vọng vào: 
"Chắc vậy". 
Dần nói. Hai người đàn bà nín thinh một lát rồi nhỏ giọng với những tiếng khúc khích không kìm được. Dần nhớ tới đám cháy có đứa nhỏ bị đốt đen thui cách đây không lâu. Lúc lửa ở mấy thùng dầu bít lối vào cửa, nó nắm lấy mấy cái chấn song ở cửa sổ nhảy như choi choi. Nó được xách ra để cạnh bờ giếng, nằm sấp mặt, chân tay co quắp như chực bơi. Bữa đó, về nhà tắm rửa xong, Dần bệnh trở lại. Sau này, có đêm Dần chợt mơ thấy nó như chợt mơ thấy tên Reita Faria. Nó đen đủi và đảo qua đảo lại nhảy nhót sau những chấn song. Nhìn phía trời nín thinh đỏ ửng thấy lửa có vẻ lớn mạnh, Dần coi đồng hồ, kiên nhẫn để hai người đàn bà nói chuyện, coi lại mấy mẫu vải và nhớ lại đứa nhỏ. Gần hai giờ đồng hồ, Dần không hề nghĩ cách để ngủ với Kiều Bích đêm nay. Kiều Bích bên Dần bỗng trở thành một điều hết sức tự nhiên, không cần phải lo tính. Người này cảm thấy người kia ở bên cạnh, yên lòng, nghĩ tới những chuyện tận đâu. 
Ở nhà người bạn về, trời đã khuya, dọc đường có những chiếc xe ba bánh chở hàng ở chợ về nhà. Người ta nói thiệt hại lớn. Bọn cướp đồ dữ hơn cả lửa. Có người chạy hàng ra ngoài gặp cướp lại ôm cả đống vải vứt vào lửa. Những xương cốt lâu ngày dưới nền chợ đã tới lúc gây tai hoạ. Người đàn bà kêu thấy sợ hãi vẩn vơ. Hai người đi trong một không khí hư hư thực thực như nhìn từ một con bệnh vừa khỏi. Tới một bụi tre khuất trăng, Kiều Bích bỗng dừng lại giục Dần đi trước. Dần hỏi, Kiều Bích chỉ nói: 
"Em sợ". 
Dần nắm tay Kiều Bích: 
"Có tôi, sợ gì". 
Kiều Bích vội giật tay lùi lại: 
"Anh để em đi tự nhiên". 
"Sợ thì chỉ còn nước ngồi thụp xuống, đi làm sao được mà nói tự nhiên". 
Dần nắm chặt hơn cái cổ tay vùng vẫy; trừ mảnh vải trắng của quần áo người đàn bà, Dần không còn nom rõ chút gì nơi Kiều Bích. Nhưng cái cổ tay cô ta bỗng đột ngột làm thức các giác quan. Dần như đang giằng co với thằng nhỏ đen đủi nhảy nhót sau những chấn song sắt. Lòng bàn tay Dần bị thúc lia lịa bằng các đầu xương khô. Dần thả cổ tay Kiều Bích, thở nhẹ nhõm như bắt chước hơi thở của cô ta trước mặt. Cô ta kêu: 
"Anh thực kỳ". 
Dần cười thành tiếng để khỏi phải hút một điếu thuốc. 
"Thôi về". 
Dần giục và bước đi. Dần muốn nghĩ dông dài chút ít để khỏi dừng lại ý nghĩ mình chưa được khoẻ sau lúc bôi vôi lòng bàn tay. Nghĩ tiếp chắc lại có cảm giác lúc nắm lấy bàn tay người thầy chích đứng trên hiên. Dần nghĩ về Thục, về những mẫu vải. Dần nghĩ về những bàn tay mình không thể đón lấy một cách bình thường. Dần cũng nghĩ những người con gái, đàn bà Dần đòi cưới như một trò đùa bậy bạ. Dần chợt nhớ tới người chú họ ăn chay lâu ngày ngửi thấy thịt bò là nôn ọe. Lần đầu khám phá ra điều này chú ấy ngẩn ngơ nhìn vợ con và mớ thực phẩm hằng ngày. Không lẽ Dần cũng có chỗ giống chú. Mọi người quanh Dần đâu chỉ có mùi thịt và xương. Trí nhớ Dần đâu chỉ có thằng nhỏ đó. Giấc ngủ Dần đâu có thể mơ mãi thấy cái tên Ấn Độ Reita Faria. Nhưng tới giờ, Dần vẫn sống quanh quẩn với mấy thứ đó. Người đàn bà đào ngũ như không còn xác thịt, chỉ còn những lời nói dối. Đứa nhỏ vẫn dẫn đường cho mọi liên tưởng. Và Reita Faria với những miếng phù hiệu bằng kim khí nhọn trên đầu không gợi nhớ tới những binh chủng Mỹ cô ta gặp trên các vùng đất đổ bộ mà như một điều chắc chắn sẽ gặp lại ở mỗi cái chợp mắt. Dần sao rồi đây? 
"Kiều Bích, Kiều Bích, ra phố uống nước nhân tiện coi chợ cháy một thể?" 
"Em sợ". 
Tiếng người đàn bà sau lưng thực yếu trong lớp cát gió vừa cuốn ào tới. Dần ra khỏi rặng tre, quay lại chờ. Giữa những luồng bụi mù mịt, người đàn bà một tay lấy vạt áo trắng che mặt, một tay như quờ quạng tìm cách lại bên Dần. Dần đứng im cứng nhắc, cảm giác thực rõ từng lớp đất cát đang bồi quanh da thịt, bít kín tai, mũi, biến mình thành một pho tượng đất ngắm trăng. Có hồi dì Phong làm thơ: 
Trời đang vào thu 
Pho tượng đứng đó 
Chờ cơn mưa bụi 
Những chiếc lá vàng… 
Chợ cháy nên coi như không có giờ giới nghiêm. Các quán ăn, tiệm nước để cửa muộn. Đường phố đầy người dạo chơi. Vẻ khuya khoắt ở các ngõ ngách không còn lúc hai người ra tới vùng ánh sáng quanh chợ. Họ vào một tiệm có nhiều nhạc cũ và rải rác những thí sinh uống-cà-phê-suy-tư. Kiều Bích tự dưng nhận uống "33" với Dần. Cô ta nói thêm: 
"Nhưng uống bằng ly, có nhiều đá chớ không tu chai". 
"Ăn chút gì để ngủ cho no bụng?" 
Dần hỏi. Thấy đói, Kiều Bích bảo Kiều Bích muốn ăn, sợ nặng bụng, mơ nhiều. Dần kêu phần ăn riêng mình rồi lơ đãng nghe nhạc, hút thuốc nhìn Kiều Bích vớt đá trong ly la-de đưa mình chùi mặt. Lúc đứa bồi bàn kéo cánh cửa sắt, hai người mới trở ra. Phố đã vắng thực sự. Kiều Bích lại kêu sợ lúc qua chợ nghe có tiếng đàn bà khóc khuya. 
Dần đưa tay ra vu vơ, lần này Kiều Bích để yên. Có thể cô ta đã mệt không muốn kéo dài thêm với Dần ảo tưởng về mình. Có thể trời đã khuya, uống đã ngây ngất, cô ta lại muốn trở về đời sống hỗn độn cố muốn quên đi của mình. Cô vẫn thực ngoan lúc Dần ve vuốt, dìu về nhà. Đường rộng thênh thang, hai người đi thực chậm. Dần thấy cái rùng mình cực nóng của người đàn bà trong vòng tay lúc đột ngột có tiếng chó sủa. Trước mặt họ, một người lính cao lòng khòng vai đeo súng, ôm cái mền trước bụng, quay lại đạp chân thình thịch dậm doạ con chó dai dẳng sủa cắn phía sau. Trăng sáng chênh chếch, Dần muốn nhớ thêm ít câu thơ của dì Phong mà không được. 
Tới lùm cây trước nhà rào rào như chở bão, Dần dừng lại ôm sát lấy người đàn bà. Người đàn bà lúng túng điều gì, lùi lại yếu ớt. Bóng những cành cây loáng qua quật qua quật lại, cô ta như nép trong một bóng tối yên ổn. Dần nắm cổ tay cô ta như giỡn, Dần kéo cao ống áo. Cô ta cười gượng gạo khó hiểu. Dần trỏ về phía cổng nói nhỏ: 
"Cổng khép, bà ngoại chắc đã về ngủ". 
Hai người nín lặng lách qua cổng. Dần mở cửa đưa Kiều Bích vào phòng. Phòng tối mò, Dần kiếm một lát mới ra chỗ bật điện. Dần lấy quần áo mát của mình đưa cho Kiều Bích bảo thay cho khỏi nhàu áo dài. Kiều Bích ngồi ở mép giường đón lấy mớ quần áo nhưng không nhúc nhích. 
"Sao thế?" 
Dần hỏi, thấy mình ngớ ngẩn như ước muốn được vuốt cao ống tay áo người đàn bà. 
"Anh tắt đèn, ra ngoài cho em thay đồ". 
Kiều Bích nhỏ nhẹ. Dần làm theo, trở ra hiên trước. Hoa lài tây rụng nhiều trên lối đi. Những chiếc vỏ trứng úp trên cây dứa lăn long lóc trên mặt sân đất. Dần vòng ra phía những chum nước rửa mặt. 
"Dần-em về rồi đó à?" 
Tiếng bà ngoại Dần hỏi ở sau nhà. Dần "Dạ" rồi vục đầu vào chiếc thau. Thấy mát mẻ, Dần sẵn đà vào phòng tắm xối nước ào ào. Lúc trở ra, Dần vòng về phía sau nhà, miệng huýt sáo bắt chước người bạn. Bà ngoại Dần nằm ở trên hiên bên những nén hương đuổi muỗi cắm trong cái lon sữa bỏ cát. Dần đẩy xích cái lon có những đầu than đỏ rung rung, ngồi xuống cạnh bà. 
"Đi đâu mà về muộn thế?" 
Bà hỏi. 
"Cháu lại nhà người bạn". 
Hiên sau khuất gió, Dần bỗng thấy khoẻ khoắn dễ chịu. 
"Có ghé lại chợ không? Đời bà chưa bao giờ cảm thấy đám cháy lớn như vậy". 
"Cháu có đi qua". 
Dần nói và nghĩ chắc người đàn bà đã thay xong quần áo và đã nằm nghỉ. Dần cắm lại mấy que hương đổ nghiêng, bắt gặp bà ngoại đang ngắm nghía những đốm than đỏ. Bà bảo Dần: 
"Bà ao ước được ăn một đám giỗ có đủ mặt mấy anh em con như hồi còn ở ngoài đó". 
Dần bật cười: 
"Mẹ cháu vẫn bảo anh em cháu không một ai cắm được nắm hương nên thân". 
Bà cụ cũng bật cười: 
"Cô ấy đầu đã hai thứ tóc rồi còn ưa nói ngoa". 
Dần châm một điếu thuốc, tựa cột nhìn về phía căn phòng dì Phong. "Trời đang vào thu, pho tượng đứng đó, chờ cơn mưa bụi, những chiếc lá vàng…" Dần ngâm nga như giọng bà ngoại vẫn ngâm Lục Vân Tiên. Lúc này Dần đã hiểu tại sao Thắng mau chán người đàn bà. Vẻ đen đủi của cô ta như len đến tận những chân tóc. Da thịt cô ta quả thực sa sút, tới độ mềm nhẽo, cô ta chẳng còn gì. 
"Thôi, cháu đi ngủ trước". 
Dần nói, dời khỏi mái hiên, vòng về trước nhà. Những chiếc vỏ trứng vẫn lăn long lóc trên sân. Căn phòng Dần vẫn tối om. Dần gõ nhẹ cửa như chẳng thể chán ghét đứa nhỏ đen đủi trong trí nhớ và Reita Faria trong giấc ngủ sắp tới. Dần nghĩ sẽ ôm người đàn bà trong lòng suốt đêm dù mắt có mở lớn vì những lùm cây reo ào ào như chở bão quanh nhà.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=co%20loai%20chim%20la&page=1

Comments are closed.