1984 (kỳ 9)

George Orwell

 

V.

Syme biến mất. Buổi sáng không thấy anh ta đến sở: có mấy người vô tâm bình phẩm chuyện này. Ngày hôm sau không còn ai nhắc đến anh ta nữa. Ngày thứ ba Winston ra tiền sảnh Ban Tài Liệu để xem những tờ yết thị. Một tờ yết thị có tên các thành viên Ủy Ban Cờ Tướng trong đó có Syme. Tờ giấy vẫn nguyên hình thù như hôm trước, không một vết tẩy xoá nào, nhưng danh sách đã giảm đi một người. Rõ rồi. Syme đã không còn hiện diện, anh ta chưa từng hiện diện bao giờ.

Nóng như thiêu như đốt. Trong những mê cung, những phòng không cửa sổ của Bộ đã có điều hoà không khí, nhưng ngoài đường nóng muốn lột da chân, còn giờ cao điểm trong tầu điện ngầm thì hơi người nồng nặc không thể chịu nổi. Công việc chuẩn bị cho Tuần Lễ Hận Thù đang vào giai đoạn quyết liệt nhất; tất cả công nhân, viên chức các Bộ đều phải làm thêm giờ. Cần phải tổ chức các cuộc diễu hành, mít tinh, duyệt binh, diễn thuyết, triển lãm tượng sáp, chiếu phim, các chương trình truyền hình đặc biệt; cần phải dựng khán đài, lắp ráp tượng, cắt khẩu hiệu, viết bài hát, tung tin thất thiệt, làm tranh ảnh giả. Nhóm của Julia trong Ban Sáng Tác tạm ngưng tiểu thuyết và đã kịp cho ra một loạt sách mỏng về đề tài tính ác. Winston, ngoài công việc thường nhật, còn phải dành nhiều thì giờ đọc các số Times cũ để hiệu chỉnh và đánh dấu những chỗ sẽ được trích dẫn trong những bài diễn văn. Đêm khuya, khi đám đông cu li ồn ào tràn ra đường, London sục sôi như đang lên cơn sốt. Tên lửa rơi xuống thành phố nhiều hơn trước, đôi khi nghe thấy những tiếng nổ rất to từ xa vẳng lại, người ta đồn đủ thứ, nhưng không có ai biết nổ ở đâu.

Bài hát mới cho chương trình của Tuần Lễ Hận Thù (gọi là Bài Hát Căm Hờn) đã soạn xong và được phát liên tục trên màn vô tuyến. Nhịp điệu hung tợn, như tiếng chó sủa, khó có thể gọi đấy là bản nhạc, nó gợi cho người ta liên tưởng tới tiếng trống ngũ liên. Tiếng gào thét của cả ngàn cái miệng hòa cùng nhịp chân đều bước đủ làm những người táo tợn nhất phải phát run. Bọn cu li khoái bài này lắm, nó đã giành được thế thượng phong so với bài “Chỉ là những giấc mơ thôi” vẫn thịnh hành lâu nay. Hai đứa con của Parsons hát suốt ngày đêm, lại còn gảy bằng cái lược nữa, không thể nào chịu đựng nổi. Bây giờ, buổi tối Winston còn bận hơn. Các đội tình nguyện dưới quyền Parsons trang trí đường phố, chuẩn bị cho Tuần Lễ Hận Thù; họ treo biểu ngữ, dán áp phích, dựng cột cờ trên mái nhà, họ căng dây thép ngang qua phố để chuẩn bị treo khẩu hiệu, bất chấp tính mạng người qua đường. Parsons khoe rằng chỉ riêng chung cư Chiến Thắng đã treo tổng cộng bốn trăm mét cờ và biểu ngữ. Thật đúng sở trường, hắn vui như tết. Vì trời nóng và làm việc chân tay nên anh ta có cớ chuyển sang quần soóc và áo sơ mi. Anh ta có mặt khắp nơi, lúc kéo, lúc đẩy, lúc cưa, lúc đóng, cười đùa, động viên mọi người, mồ hôi khét lẹt túa ra khắp các lỗ chân lông.

Khắp nơi ở London bỗng xuất hiện một tấm biểu ngữ mới. Đấy là một tấm bảng to, ba bốn mét, vẽ hình một người lính Eurasia, nét mặt Mông Cổ, không chút biểu cảm nào, đôi ủng to quá khổ, khẩu súng máy cầm ngang hông, đang sải chân bước. Dù nhìn từ góc nào thì cái nòng súng cũng như đang chiếu thẳng vào đầu. Bức tranh này được treo trên mọi bức tường trống, số lượng có thể vượt cả ảnh Anh Cả. Bọn cu li thường chẳng quan tâm gì đến chiến cuộc, lại như sôi lên vì lòng ái quốc, cứ một thời gian nó lại được hâm nóng theo cách ấy. Nhiều người bị giết vì hoả tiễn hơn mọi khi, cứ như thể đấy là biện pháp giữ vững tinh thần chiến đấu. Một quả rơi trúng rạp chiếu bóng đông nghẹt ở khu Stepney, chôn vùi mấy trăm người dưới đống gạch vụn. Tất cả dân chúng trong vùng đều tham gia đoàn đưa tang kéo dài mấy tiếng đồng hồ, đám tang đã biến thành một cuộc mít tinh phản đối. Một quả khác rơi trúng khu đất trống vẫn dùng làm sân chơi cho trẻ con, mấy chục đứa tan xác. Có nhiều cuộc biểu tình phản đối tiếp theo, người ta đốt hình nộm Goldstein, hàng trăm bức vẽ tên lính Eurasia bị xé nát và vứt vào lửa, trong lúc lộn xộn nhiều cửa hàng bị cướp, sau đó lại có tin đồn là bọn gián điệp dùng sóng vô tuyến điều khiển tên lửa, nhà của hai ông bà già tình nghi là người ngoại quốc bị đốt, hai người đều chết ngạt.

Julia và Winston đã cất hết chăn nệm trong cái phòng phía trên cửa hàng của ông Charrington thế mà trước khi nằm họ phải cởi hết quần áo mới hơi đỡ nóng được một chút. Không thấy chuột nữa, nhưng rệp thì phát triển nhanh khủng khiếp. Nhưng chuyện đó không quan trọng. Dù sạch dù bẩn, căn phòng vẫn là thiên đường. Vừa bước vào phòng họ liền lấy ớt mua ngoài chợ đen rải khắp nơi, rồi họ cởi quần áo và làm tình dù người còn ướt đẫm mồ hôi, sau đó họ thiếp đi, lúc dậy mới thấy hàng đàn rệp đang lao vào tấn công.

Bốn, năm, sáu,… họ gặp nhau bảy lần nội trong tháng sáu. Winston bỏ thói quen uống rượu Gin bất kể giờ giấc. Anh cảm thấy không có nhu cầu nữa. Anh béo ra, chỗ loét do giãn tĩnh mạch đã liền da, chỉ còn một vết sẹo màu nâu bên trên mắt cá chân, không còn ho rũ ra vào buổi sáng như mọi khi nữa. Cuộc sống đã không còn quá nặng nề, anh cũng không cần giả vờ trước màn vô tuyến hay muốn chửi thật to nữa. Bây giờ, khi đã có một chỗ kín đáo, an toàn, gần như nhà riêng, họ không còn thấy bực dọc vì thỉnh thoảng mới được gặp nhau mà mỗi lần cũng chỉ được chừng vài tiếng đồng hồ. Điều quan trọng là họ có một căn phòng như thế ở bên trên cửa hàng đồng nát. Biết rằng nó vẫn còn ở đấy, không bị ai xâm phạm thì cũng như đang có mặt trong đó rồi. Căn phòng là cả một thế giới, một khu vực biệt lập của quá khứ, nơi những động vật đã tuyệt chủng có thể dạo chơi. Ông Charrington, Winston nghĩ, cũng là một loài động vật đã tuyệt chủng khác. Trước khi bước lên cầu thang, anh thường dừng lại vài phút để nói chuyện với ông. Có vẻ như ông già không bao giờ đi ra ngoài mà cũng chả có mấy khách. Cuộc đời ông lặng lẽ trôi giữa một cái cửa hàng tối tăm, bé tí và gian bếp dành để nấu ăn ở phía sau, gian này còn bé hơn nữa, trong đó, ngoài những vật dụng thường nhật còn có một cái máy hát cổ lỗ sĩ có cái loa rất dài. Ông già rất khoái nói chuyện. Trông ông ta, một người mũi dài, kính dày, vai so trong bộ quần áo bằng vải tơ, đi lại giữa những món đồ vô giá trị, người ta dễ nghĩ ông là một người sưu tập chứ không phải là một thương nhân. Khi thì ông ta chỉ cho Winston xem chứ không phải mua thứ này hoặc thứ kia, đấy có thể là cái nút chai bằng sứ, hay nắp một cái hộp sơn mài dùng đựng thuốc lá đã sứt, có khi là cái huy hiệu hình một trái tim bằng vàng giả có kẹp lọn tóc một đứa trẻ đã chết không biết từ bao giờ. Nói chuyện với ông ta chả khác gì nghe một cái máy hát cũ. Thỉnh thoảng ông lại lôi ra được một đoạn bài đồng dao nào đó. Một bài về sáo sậu, sáo đen, bài khác về con bò có cái sừng cong, một bài về con chim chích. “Tôi nghĩ ông sẽ thích cái này đấy” – ông ta nói vừa vừa mỉm cười mỗi khi sắp hát. Nhưng bài nào ông cũng chỉ nhớ được vài ba câu là cùng.

Cà hai đều biết, nói một cách khác, đều luôn luôn nhớ rằng chuyện này không thể kéo dài mãi được. Đôi khi hình ảnh thần chết hiện lên rõ ràng như có thể sờ nắn được, thật như cái giường họ đang nằm; mỗi lần như thế họ lại xoắn lấy nhau trong niềm hoan lạc tuyệt vọng, như những linh hồn sa đoạ bám chặt vào khoái lạc ngay trước khi đồng hồ báo tử lên tiếng. Nhưng cũng có lúc họ lại có ảo tưởng rằng họ không những an toàn mà còn có thể cứ sống như thế này mãi mãi. Cả hai đều cảm thấy rằng khi đã bước vào đây rồi thì không còn gì phải lo lắng nữa. Đường đi có thể khó khăn, nguy hiểm. Nhưng căn phòng thì tuyệt đối an toàn. Winston cũng có cảm giác như thế khi ngắm cái chặn giấy, dường như có thể chui vào trung tâm cái thế giới bằng thuỷ tinh đó và khi đã ở trong rồi thì thời gian sẽ ngừng trôi. Họ cũng thường mơ tưởng hão huyền. Họ mường tượng sẽ còn gặp may, còn có thể tiếp tục mãi cuộc tình này trong phần đời còn lại. Hay là Katherine chết và họ sẽ khôn khéo vận động để có thể cưới nhau. Hoặc là họ sẽ cùng nhau tự sát. Hay là họ sẽ bỏ trốn, thay đổi nhân dạng, bắt chước giọng vô sản, xin vào nhà máy và sống cuộc đời mai danh ẩn tích trong một ngõ vắng nào đó. Cả hai đều biết đấy chỉ toàn là chuyện viển vông. Không có lối thoát, sự thật là như thế. Thực tế nhất là tự sát, nhưng họ sẽ không làm. Bản năng không thể chế ngự nhủ rằng cứ để thế, được ngày nào hay ngày ấy, sống hôm nay không cần biết ngày mai; giống như là phổi tiếp tục hít vào khi vẫn còn không khí vậy thôi.

Đôi khi họ cũng thảo luận việc tham gia hoạt động chống lại Đảng, nhưng không biết phải bắt đầu như thế nào. Ngay cả nếu tổ chức Huynh Đệ huyền thoại là có thật đi nữa thì cũng khó mà tiếp cận được. Anh bảo giữa anh và O’Brien đã có hay dường như là có một sự cảm thông nào đó, đôi khi anh muốn đi gặp O’Brien và tuyên bố rằng anh là kẻ thù của Đảng, xin được giúp đỡ. Điều làm anh ngạc nhiên là Julia không cho rằng đấy là một ý nghĩ điên rồ. Cô thường có thói quen nhận định người qua nét mặt, việc Winston tin ngay O’Brien khi hai người mới nhìn nhau có một lần đối với cô cũng là chuyện bình thường. Hơn nữa, cô cho rằng tất cả hay gần như tất cả mọi người đều căm thù Đảng một cách bí mật và sẽ vi phạm luật lệ ngay nếu không thấy bị đe doạ. Nhưng cô không tin là có một phong trào đối lập có tổ chức, nó không tồn tại hoặc không thể tồn tại được. Cô bảo những câu chuyện về Goldstein và đội quân ngầm của hắn chỉ là những trò nhảm nhí do Đảng bịa ra vì mục đích riêng, ta phải giả vờ tin mà thôi. Cô không nhớ đã bao nhiêu lần, trong các hội nghị của Đảng, cũng như trong những cuộc diễu hành tự phát cô đã gào đến đứt họng, yêu cầu tử hình những người cô chưa từng nghe nói tới, tội lỗi của họ cô cũng chẳng mảy may tin. Khi có những phiên toà công khai, cô thường đứng trong hàng ngũ Liên Hiệp Thanh Niên, bao vây tòa án từ sáng đến tối, thỉnh thoảng lại hô: “Giết chết bọn phản bội!”. Trong những buổi Hai Phút Hận Thù cô thường lăng mạ Goldstein một cách dữ dội hơn những người khác. Nhưng thực ra cô hiểu rất mù mờ về Goldstein, cũng như lí thuyết được gán cho là của ông ta. Trưởng thành sau Cách Mạng, còn ít tuổi, nên cô chẳng có hiểu biết gì về những cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra hồi những năm 50 và 60. Không bao giờ cô nghĩ đến một phong trào chính trị độc lập: gì thì gì, Đảng vẫn là bất khả chiến bại. Đảng sẽ luôn luôn tồn tại và vĩnh viễn như thế. Chỉ có thể chống lại nó bằng những hành động bất tuân bí mật, cùng lắm cũng chỉ là những hành động khủng bố đơn lẻ, thí dụ như giết một người nào đó hay cho nổ một công trình nào đó mà thôi.

Ở một khía cạnh nào đó mà nói thì cô sắc sảo hơn Winston và ít bị tiêm nhiễm hơn. Có lần, nhân nhắc đến cuộc chiến tranh với Eurasia, Julia đã làm anh phải sửng sốt khi cô tuyên bố rằng chẳng hề có cuộc chiến tranh nào hết. Tên lửa rơi xuống London hàng ngày có thể là do chính chính phủ của Oceania bắn, “để làm cho dân sợ”. Anh chưa từng nghĩ như thế bao giờ. Có lần anh đã phát ghen khi nghe cô nói rằng việc khó nhất đối với cô là không phá lên cười khi tham gia Hai Phút Hận Thù. Cô không quan tâm đến học thuyết của Đảng, cô chỉ thắc mắc khi những chuyện đó liên quan trực tiếp đến cuộc sống của cô mà thôi. Cô sẵn sàng chấp nhận tất cả những huyền thoại chính thức, đơn giản vì theo cô thật hay giả cũng chẳng có gì quan trọng. Cô tin, vì người ta đã dạy thế, rằng Đảng đã phát minh ra máy bay. (Theo Winston thì thời anh còn đi học, cuối những năm 50 Đảng mới chỉ tuyên bố phát minh ra máy bay trực thăng thôi; khoảng chục năm sau, khi Julia đi học, Đảng đã nhận phát minh ra máy bay; vài thế hệ nữa, có thể nó sẽ tuyên bố phát minh ra máy hơi nước cũng nên). Điều làm anh ngạc nhiên là cô không hề tỏ vẻ quan tâm khi anh nói rằng máy bay đã có trước anh, trước Cách Mạng rất nhiều. Ai phát minh ra máy bay mà chả thế. Nhưng điều làm anh choáng váng nhất là khi vô tình phát hiện ra rằng Julia không nhớ là cách đây bốn năm Oceania đã từng đánh nhau với Eastasia và hòa hoãn với Eurasia. Thật ra cô coi tất cả các cuộc chiến tranh đều là tráo trở: nhưng rõ ràng là cô không biết kẻ thù đã thay tên đổi họ từ lâu. “Em nghĩ mình vẫn đánh nhau với Eurasia đấy chứ” – Cô lơ đãng nói. Anh cảm thấy sợ. Máy bay không nói làm gì, nó được phát minh từ lâu, trước khi có cô, nhưng kẻ thù thì mới thay có bốn năm nay thôi, khi cô đã trưởng thành rồi. Anh phải giảng giải cho cô suốt mười lăm phút. Cuối cùng thì anh cũng khơi dậy được trí nhớ của cô và cô lờ mờ nhớ ra rằng kẻ thù đã từng là Eastasia chứ không phải Eurasia như hiện nay. Nhưng chuyện đó theo cô không quan trọng. “Quan trọng gì?” – Cô cáu kỉnh nói – “Không đánh nhau với bọn này thì đánh nhau với bọn khác, tin tức toàn là bịa ấy mà, ai còn lạ gì”.

Thỉnh thoảng anh có tâm sự với cô về Ban Tài Liệu và những điều dối trá diễn ra ở đấy. Nhưng những chuyện như vậy dường như không làm cô hoảng sợ. Cô không cảm thấy đất nứt dưới chân khi dối trá trở thành sự thật. Anh còn kể cho cô nghe câu chuyện về các ông Jones, Aaroson và Rutherford cũng như mảnh giấy nhỏ, có thể coi là một lời tố cáo đanh thép, mà có lần anh đã cầm trong tay. Nhưng chuyện này cũng không gây ấn tượng mạnh như anh tưởng. Thực ra cô không hiểu được ý nghĩa câu chuyện.

“Họ là bạn của anh à?”, cô hỏi.

“Không, anh có quen biết gì họ đâu. Họ là đảng viên Đảng Nội Bộ. Họ già hơn anh nhiều. Họ thuộc thế hệ cũ, trước Cách Mạng. Thậm chí mặt họ anh cũng chỉ biết sơ sơ thôi.”

“Thế thì việc gì anh phải rộn lên như vậy? Lúc nào chả có người bị giết, đúng không?”

Anh cố gắng giải thích cho cô.

“Đây là ca đặc biệt. Đây không chỉ là vấn đề giết người. Em có hiểu rằng quá khứ, nghĩa là từ ngày hôm qua trở về trước, đang bị người ta xoá bỏ không? Quá khứ nếu còn, thì cũng chỉ là những đồ vật, không có liên hệ gì đến ngôn từ nữa, thí dụ như cái chặn giấy bằng thuỷ tinh này chẳng hạn. Hầu như chúng ta chẳng biết gì về Cách Mạng và thời kì trước Cách Mạng nữa. Tất cả mọi tài liệu đều bị đốt hoặc bị sửa chữa, sách được viết lại, tranh được vẽ lại, phố xá, nhà cửa tượng đài thì bị thay tên, ngày tháng cũng bị sửa chữa. Mà quá trình này vẫn tiếp tục, từng phút, từng ngày chứ đã dừng lại đâu. Lịch sử đã đóng băng. Không còn gì, chỉ còn thời hiện tại kéo dài từ quá khứ vô cùng đến tương lai vô tận, trong đó, Đảng bao giờ cũng sáng suốt hết. Dĩ nhiên là anh biết rằng quá khứ đang bị bóp méo, nhưng không thể chứng minh được, ngay cả khi chính anh đang tham gia bóp méo nó. Làm xong là phải hủy ngay chứng cớ. Chứng cớ duy nhất còn lại nằm trong đầu anh, nhưng làm sao anh dám chắc rằng có một người nào đó còn nhớ được như anh. Chỉ có một lần, một lần duy nhất trong đời, anh đã thực sự nắm được chứng cớ sau khi sự kiện đã xảy ra, phải nói là nhiều năm sau khi sự kiện đã xảy ra.”

“Thế thì ích lợi gì?”

“Chẳng có ích lợi gì vì anh đã vất đi ngay sau đó. Nhưng nếu bây giờ thì anh không vất.”

“Em thì không”, Julia nói. “Em sẵn sàng hi sinh nhưng phải là cái gì đáng giá chứ không thể là mẩu báo cũ được. Giả sử anh giữ lại thì anh sẽ làm gì?”

“Chắc là cũng chẳng làm được gì nhiều. Nhưng đấy là bằng chứng. Giả sử anh có gan cho ai đó xem thì anh có thể làm cho người đó nghi ngờ. Anh không nghĩ là chúng ta có thể thay đổi được gì. Nhưng có thể mường tượng sự xuất hiện các nhóm chống đối ở nơi này, nơi kia; những nhóm nhỏ ấy sẽ phát triển dần lên, có thể họ sẽ để lại một số tài liệu, rồi các thế hệ tương lai sẽ làm tiếp những việc ta chưa hoàn thành.”

“Anh yêu ơi, em chẳng quan tâm đến thế hệ tương lai. Em chỉ quan tâm đến chúng ta thôi.”

“Em là người nổi loạn từ thắt lưng trở xuống.”

Cô cho rằng đấy là câu đùa dí dỏm và nhảy lên ôm chầm lấy anh.

Học thuyết của Đảng quả là rối rắm, nhưng cô không quan tâm. Mỗi lần anh nói về những nguyên tắc của Chuanh, về nước đôi, về tính khả biến của quá khứ và việc phủ nhận hiện thực khách quan và còn sử dụng cả Ngômo là cô lập tức tỏ ra uể oải, lúng túng và nói rằng cô chẳng bao giờ để ý đến những chuyện như vậy. Ai chả biết là nhảm nhí, vậy thì lo lắng làm gì cho mệt? Cô biết lúc nào cần hoan hô, lúc nào cần đả đảo, thế là đủ lắm rồi. Nếu anh cứ tiếp tục các đề tài này thì cô sẽ ngủ gật ngay. Cô thuộc loại người có khả năng ngủ bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Nói chuyện với cô, anh mới biết là người ta dễ dàng giả vờ làm người có lí tưởng trong khi chẳng hiểu lí tưởng là gì. Theo một nghĩa nào đó thì Đảng đã thành công trong việc áp đặt thế giới quan của mình cho đám quần chúng ngu dốt, những người không thể nào hiểu được thế giới quan ấy. Họ tin cả những điều xuyên tạc trắng trợn nhất, vì họ không hiểu hết mức độ tàn nhẫn của sự giả trá và vì họ ít quan tâm đến các sự kiện xã hội nên không nhìn thấy những điều đang xảy ra xung quanh. Ngu si đã thắng, ngu si giữ cho người ta không hóa điên. Họ sẵn sàng ăn tươi nuốt sống mọi thứ, những thứ họ nuốt vào hoàn toàn vô hại vì không để lại cặn bã gì, hệt như hạt ngô đi qua bụng gà mà không được tiêu hóa, vậy thôi.

VI.

Cuối cùng chuyện đó cũng đã xảy ra. Bức thông điệp mong chờ bấy lâu đã tới. Dường như cả cuộc đời anh chỉ dành để chờ đợi giây phút này.

Lúc đó anh đang đi trong hành lang của Bộ, khi đến gần chỗ Julia đưa vào tay anh mẩu giấy thì anh bỗng nhận ra có một người to lớn hơn anh đang đi ngay đằng sau. Người kia, dù anh chưa nhận ra là ai, khẽ hắng giọng, rõ ràng là để bắt chuyện. Winston dừng bước và quay ngoắt lại. Đấy là O’Brien.

Cuồi cùng họ đã gặp nhau, mặt đối mặt, nhưng Winston lại chỉ muốn chạy trốn cho mau. Tim anh đập thình thịch. Anh không thốt được lên lời. Nhưng O’Brien vẫn tiếp tục đi, bàn tay khẽ động vào vai Winston và hai người sánh bước bên nhau. O’Brien bắt đầu nói, thái độ nhã nhặn, khác hẳn với những đảng viên Đảng Nội Bộ khác.

“Tôi vẫn hi vọng có dịp nói chuyện với anh”, anh ta bảo. “Gần đây tôi mới đọc một bài của anh viết bằng Ngômo trên tờ Times. Theo tôi hiểu thì anh quan tâm tới Ngômo từ quan điểm của một nhà nghiên cứu?”

Winston đã tự chủ phần nào.

“Nghiên cứu gì anh”, Winston đáp. “Tôi chỉ là nghiệp dư thôi. Đấy không phải là lĩnh vực của tôi. Tôi chưa bao giờ tham gia vào công việc cụ thể.”

“Nhưng văn phong rất tao nhã”, O’Brien nói. “Đấy không phải là ý kiến của riêng cá nhân tôi. Tôi đã nói chuyện với một người bạn của anh, một chuyên gia tầm cỡ đấy. Bây giờ không hiểu sao tôi tự nhiên tôi quên tên anh ta.”

Tim anh lại đập rộn lên. Chắc chắn đấy là Syme. Nhưng Syme không chỉ đã chết, anh ta đã bị xoá sổ, đã là không ai. Nhắc đến anh ta, dù chỉ gián tiếp cũng có thể mất mạng như chơi. Câu của O’Brien chắc chắn là một tín hiệu, một mật khẩu. Bằng cách phạm một tội tư tưởng không lớn trước mặt Winston, O’Brien đã biến anh thành một tòng phạm. Họ đang bước chậm rãi dọc hành lang thì bất ngờ O’Brien đứng lại. Anh ta sửa kính, cũng như mọi khi, động tác rất hiền lành, đầy vẻ cả tin. Sau đó anh ta bảo:

“Tôi muốn nói, trong bài báo của anh tôi đã phát hiện được hai từ được coi là đã cũ. Hai từ này mới bị coi là cũ gần đây thôi. Anh đã thấy cuốn từ điển Ngômo in lần thứ mười chưa?”

“Chưa”, Winston đáp. “Tôi nghĩ chưa phát hành. Trong Ban Tài Liệu, chúng tôi vẫn sử dụng cuốn xuất bản lần thứ chín.”

“Theo tôi biết thì phải mấy tháng nữa mới phát hành lần in thứ mười. Nhưng đã lưu hành mấy bản in thử rồi. Tôi cũng có một bản. Anh có thích xem không?”

“Thích lắm ạ”, Winston đáp, thâm tâm biết ngay anh ta ngụ ý chuyện gì.

“Một số cải tiến phải nói là rất hay. Giảm số động từ… tôi nghĩ anh sẽ thích đấy. Để tôi nghĩ xem, hay là gửi cho anh cuốn từ điển theo đường văn thư? Nhưng tôi sợ tôi hay quên lắm. Hay lúc nào tiện anh ghé qua nhà tôi? Đợi chút. Để tôi ghi địa chỉ cho anh.”

Họ đứng ngay trước màn vô tuyến. O’Brien đưa tay lục cả hai túi, rồi lấy ra một cuốn sổ bìa da và cái bút chì màu vàng. Rồi cứ thế, đứng ngay dưới màn vô tuyến, chả cứ gì màn vô tuyến, đứng ở tận đầu kia hành lang cũng đọc được, anh ta ghi địa chỉ, sau đó xé tờ giấy và đưa cho Winston.

“Buổi tối tôi thường ở nhà”, anh ta nói. “Nếu tôi đi vắng thì tên đầy tớ sẽ đưa cho anh.”

Anh ta bước đi, Winston vẫn cầm mảnh giấy, lần này chẳng cần phải giấu nữa. Nhưng Winston vẫn học thuộc lòng và sau đó vài giờ thì quăng vào lỗ nhớ cùng với những giấy tờ khác.

Câu chuyện của họ chỉ kéo dài chừng vài ba phút là cùng. Chỉ có một cách giải thích. Mục đích là để thông báo cho Winston địa chỉ của O’Brien. Không còn cách nào khác: muốn biết địa chỉ thì phải hỏi thẳng đương sự. Không có bất kì cuốn danh bạ nào. “Nếu muốn gặp tôi thì hãy tìm tôi ở đây”- O’Brien muốn nói như thế. Có thể anh ta sẽ kẹp thư vào cuốn từ điển. Thế là đã rõ: tổ chức bí mật mà anh mơ ước là có và anh đã đến sát nó rồi.

Anh biết rằng sớm muộn gì anh cũng sẽ đến nhà O’Brien. Có thể ngay ngày mai, cũng có thể còn lâu, anh không dám chắc. Cuộc hội ngộ vừa rồi chỉ là sự tiếp tục của một quá trình kéo dài đã mấy năm nay. Khởi thủy chỉ là một ý nghĩ vô tình, bí mật; bước thứ hai là ghi nhật kí. Anh đã chuyển từ ý nghĩ sang lời nói, và bây giờ sắp sửa chuyển từ lời nói thành việc làm. Bước cuối cùng sẽ là Bộ Tình Yêu. Anh chấp nhận chuyện đó. Nhân nào thì quả nấy. Nhưng anh bỗng cảm thấy sợ, đúng hơn là anh đã ngửi thấy mùi tử khí, cảm thấy như bước đến gần thần chết hơn. Trong lúc nói chuyện với O’Brien, trước khi hiểu được toàn bộ ý nghĩa câu chuyện, anh cảm thấy ớn lạnh khắp người. Anh thấy như đang bước chân vào huyệt mộ ẩm ướt, dù trước đây anh đã biết rằng nghĩa địa không xa, nó vẫn đợi chờ anh, nhưng hiểu biết cũng chẳng giúp được gì.

VII.

Winston thức giấc, nước mắt lưng tròng. Julia lăn sát vào anh, miệng lẩm bẩm câu gì đó, đại loại như: “Có việc gì thế?”

“Anh mơ”, anh bắt đầu nhưng vội ngừng ngay. Khó quá, không thể diễn tả thành lời. Có một giấc mơ, và sau đó là hồi ức, liên quan đến giấc mơ đó, diễn ra trong mấy giây sau khi đã tỉnh.

Anh lại nằm xuống, mắt vẫn nhắm, ý thức vẫn chìm trong mơ. Một giấc mơ trải dài, trong sáng, toàn bộ cuộc đời anh hiện lên trước mặt như phong cảnh buổi chiều hè sau cơn mưa vậy. Câu chuyện xảy ra trong cái chặn giấy bằng thuỷ tinh, nhưng bề mặt của nó lại là bầu trời; bên dưới bầu trời, một luồng ánh sáng dìu dịu bao trùm khắp mọi vật, có thể nhìn thấy cả không gian bao la phía trước. Nguyên nhân của giấc mơ, mà có thể một phần nội dung của nó chính là động tác đưa tay lên của mẹ, ba mươi năm sau được một người phụ nữ Do Thái, trong bộ phim thời sự, lặp lại, khi bà ta giơ tay che đạn cho đứa con nhỏ trước khi cả hai bị máy bay bắn tan ra từng mảnh.

“Em biết không?”, Winston nói. “Trước đây anh cứ nghĩ là mình giết mẹ đấy.”

“Tại sao lại giết?”, Julia hỏi, cô vẫn chưa tỉnh hẳn.

“Anh không giết. Về mặt thể xác thì không.”

Trong mơ, anh nhớ đã trông thấy mẹ lần cuối và ngay sau khi thức giấc tất cả các sự kiện ngày hôm đó lần lượt hiện về trong trí não. Chắc là nhiều năm qua anh đã cố tình gạt khỏi tâm trí đoạn hồi ức này. Anh không biết chính xác khi nào, nhưng ít nhất lúc đó anh đã lên mười, có thể mười hai.

Bố biến mất từ trước, mấy năm trước thì anh không nhớ. Hoàn cảnh sống khó khăn, lộn xộn thời đó thì anh nhớ rõ: vài hôm lại bị không kích, phải chạy xuống ga tầu điện ngầm, đổ nát hoang tàn hiện diện khắp nơi, những lời hiệu triệu khó hiểu dán đầy các góc phố, đâu đâu cũng thấy các nhóm thanh niên mặc đồng phục, những hàng người dài lê thê bên ngoài hiệu bánh mì, tiếng súng máy từ xa vọng lại, nhưng trên hết là không bao giờ được ăn no. Anh vẫn nhớ đã cùng với những đứa trẻ khác chiều nào cũng đi bới các đống rác để tìm những cái lá bắp cải, vỏ khoai tây, đôi khi cả vỏ bánh mì thiu, rồi cạo sạch những chỗ cháy quá; hoặc ngồi đợi những cái xe tải chở thức ăn gia súc chạy ngang những con đường nhất định, những cái xe này thường hay đánh rơi bánh khô dầu trên những đoạn đường xóc.

Mẹ không hề tỏ ra ngạc nhiên hay quá đau khổ khi cha mất, nhưng trở thành một người khác hẳn. Không còn chút sinh khí nào. Ngay Winston cũng biết rằng bà đang chờ một cái gì đó, không thể tránh khỏi, sắp sửa xảy ra. Bà vẫn làm việc như mọi khi: nấu ăn, giặt giũ, sửa chữa, dọn giường, quét nhà, lau bụi; nhưng làm rất chậm, không một động tác thừa nào, y như người máy vậy. Cái cơ thể cao to và cân đối của bà dường như đã rơi vào trạng thái bất động. Có khi bà ngồi mấy tiếng liền trên giường, tay bế cô em, lúc đó chừng hai hay ba tuổi, nhỏ xíu, ốm yếu, mặt quắt lại y như một con khỉ. Thỉnh thoảng bà lại ôm lấy Winston, ghì chặt anh vào lòng rất lâu, nhưng không nói gì. Dù còn bé, dù ích kỉ anh cũng đã biết rằng chuyện này có liên quan đến sự kiện, tuy bà không bao giờ nói, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra nay mai.

Anh vẫn nhớ căn phòng họ sống lúc đó, tối tăm, ngột ngạt, cái giường phủ vải trắng chiếm đến một nửa diện tích. Trong phòng có bếp ga, chạn bát và bên ngoài, trên chiếu nghỉ cầu thang có một cái bồn tắm bằng gốm màu nâu, chung cho mấy gia đình. Anh vẫn nhớ thân hình quí phái của mẹ đang cúi xuống khuấy cái gì đó trong cái chảo trên bếp ga. Nhưng nhớ nhất là cảm giác đói triền miên và những vụ tranh chấp nhỏ nhoi nhưng vô cùng dữ dội quanh bàn ăn. Anh thường mè nheo, lần nào cũng hỏi sao ít thức ăn thế, anh thường hò hét, quát tháo mẹ (anh vẫn còn nhớ cả giọng của mình, vỡ sớm và đôi khi trầm rất lạ), thỉnh thoảng anh còn khóc lóc, van vỉ đòi thêm. Mẹ thường cho anh phần hơn. Mẹ coi việc đó là đương nhiên vì anh là “con trai”, anh phải được phần nhiều nhất, thế nhưng càng cho anh càng vòi thêm. Lần nào bà cũng dỗ ngọt rằng đừng có ích kỉ thế, rằng còn có em gái, mà em thì lại đang ốm, em cũng cần ăn, nhưng không ăn thua. Anh thường gào khóc, giằng lấy thìa và chảo hay chộp lấy một miếng từ đĩa của em. Anh biết rằng vì anh mà mẹ và em bị đói nhưng không thể sửa được, thậm chí còn cho rằng mình có quyền làm như thế. Đói quá, lúc nào bụng cũng cồn cào, không chịu nổi, nên anh mới làm thế chứ có phải tại mình đâu. Giữa ngày, hễ mẹ quay mặt đi là y như rằng anh nhón một ít thức ăn trên chạn.

Một hôm có phiếu chocolate. Mấy tuần hoặc mấy tháng mới có một lần. Anh nhớ rất rõ cái miếng chocolate nhỏ xíu, ngon lành đó. Ba người được hai ounce[1] (khi đó vẫn dùng đơn vị ounce). Không cần nói cũng biết là phải chia làm ba phần đều nhau. Bất thình lình, Winston nghe thấy giọng mình oang oang, cứ như thể người nào đó nói chứ không phải anh, đòi cả thanh kẹo. Mẹ bảo không được tham ăn. Sau đó là cuộc tranh cãi kéo dài, giằng co, thôi thì đủ: quát tháo, than van, nước mắt, thuyết phục, mặc cả. Cô em bé nhỏ bám chặt lấy mẹ, y hệt một con khỉ con, ngoái cổ nhìn anh bằng đôi mắt to và buồn. Cuối cùng mẹ bẻ ba phần tư thanh kẹo và đưa cho Winston, phần tư còn lại đưa cho em. Cô bé cầm mẩu kẹo, mắt nhìn đăm đăm, có khi còn chưa biết đấy là cái gì. Winston đứng theo dõi một lúc. Rồi bất ngờ lao tới, giằng mẩu chocolate từ tay cô em và chạy mất.

“Winston, Winston!”, mẹ gọi. “Quay lại đây! Trả kẹo cho em!”

Anh dừng lại, nhưng không quay về. Cặp mắt lo lắng của mẹ nhìn thẳng vào anh. Ngay lúc đó bà vẫn suy nghĩ về sự kiện chắc chắn sắp sửa xẩy ra, nhưng Winston không biết đấy là cái gì. Cô em thấy bị cướp, tủi thân, thút thít khóc. Mẹ đưa tay ghì chặt cô bé vào ngực. Nhìn động tác của mẹ, anh đoán rằng em đang hấp hối. Anh quay lưng và chạy xuống thang gác, tay vẫn giữ chặt thanh chocolate đang nhũn ra.

Anh không bao giờ gặp lại mẹ nữa. Sau khi nuốt trọn thanh kẹo anh bỗng cảm thấy xấu hổ, thế là anh lang thang trên phố mấy tiếng đồng hồ liền, mãi đến khi đói quá không chịu nổi mới quay về nhà. Khi về đến nhà thì mẹ đã biến mất rồi. Thời đó chuyện này là bình thường. Mọi thứ vẫn y như cũ, chỉ có mẹ và em là không thấy đâu. Mẹ không mang theo thứ gì, kể cả áo bành tô cũng để ở nhà. Đến tận bây giờ anh cũng không biết chắc là mẹ còn sống hay đã chết. Không loại trừ khả năng là bà chỉ bị đưa vào trại lao động khổ sai thôi. Còn cô em, có thể cô cũng được gửi vào trại dành cho trẻ vô gia cư (gọi là các Trung tâm giáo dưỡng), giống như anh; sau chiến tranh, có nhiều trẻ vô gia cư lắm; mà cũng có thể người ta đã cho em đi cùng với mẹ hay bỏ cho chết ở đâu đó rồi.

Giấc mơ vẫn còn đọng lại một cách sống động trong tâm trí, đặc biệt là hình ảnh cánh tay bảo bọc, che chắn của mẹ; có thể ý nghĩa của giấc mơ nằm ở đó. Anh chợt nhớ một giấc mơ khác, xảy ra cách đó hai tháng. Nếu trong giấc mơ hôm nay, mẹ ngồi trên cái giường bẩn thỉu, lót vải trắng, tay ôm em bé, thì lần đó mẹ ngồi trên một con tầu đang chìm dần, rất sâu bên dưới, mỗi lúc lại chìm xuống sâu hơn, nhưng vẫn nhìn anh qua làn nước đen.

Anh kể cho Julia chuyện mất mẹ. Mắt vẫn nhắm, cô lăn qua lăn lại để duỗi thẳng người ra.

“Em nghĩ chắc lúc bé anh tham ăn lắm”, cô lẩm bẩm. “Trẻ con đưa nào chẳng thế.”

“Ừ. Nhưng cái chính là….”

Chỉ nghe hơi thở có thể biết là cô đã lại thiếp đi rồi. Anh rất muốn tâm sự với cô về mẹ. Theo như anh nhớ thì mẹ không phải là một người phụ nữ đặc biệt, cũng không thông minh, nhưng rõ ràng bà là một người cao thượng, trong sáng vì bà có những chuẩn mực đạo đức riêng. Tình cảm của bà là của riêng bà, không ai ép buộc được. Bà không bao giờ nghĩ rằng một hành động không có kết quả là một hành động vô nghĩa. Yêu là yêu, ngay cả khi không có gì để cho thì vẫn có thể dành cho người đó tình yêu của ta. Không còn chocolate thì bà ôm ghì em bé vào lòng. Không có ích gì, không thay đổi được gì, hành động đó không làm ra chocolate, không cứu được cả em bé, không cứu được cả bà khỏi chết; nhưng đối với bà đây là hành động tự nhiên, đương nhiên phải làm thế. Người đàn bà tị nạn trên thuyền cũng đưa tay ra che cho đứa nhỏ, dù rằng đối với bom đạn thì bàn tay có hơn gì một tờ giấy. Điều khủng khiếp nhất mà Đảng đã làm là thuyết phục ta rằng tự thân tình cảm, tự thân nhiệt huyết chẳng có giá trị gì, trong khi cướp hết quyền của ta đối với thế giới vật chất. Khi đã rơi vào móng vuốt của Đảng thì ta nghĩ gì hay không nghĩ gì, ta làm gì hay chẳng làm gì đều không quan trọng. Không chóng thì chày ta sẽ bị xoá sổ, không còn ai nhắc đến ta hay việc ta đã làm nữa. Ta sẽ bị xoá sạch khỏi tiến trình của lịch sử. Người cách đây vài thế hệ chẳng quan tâm đến chuyện này vì họ đâu có định viết lại lịch sử. Họ liên kết với nhau bằng lòng trung thành mang tính cá nhân và không bao giờ đặt vấn đề hay nghi ngờ chuyện đó. Quan trọng là quan hệ giữa các cá nhân với nhau và một cử chỉ hoàn toàn bất lực, một cái nắm tay, một giọt nước mắt, một lời động viên với người hấp hối đều là đáng quí, tự thân chúng đã là giá trị. Bọn cu li, anh chợt nghĩ, vẫn còn giữ được như xưa. Chúng không trung thành với Đảng, với nước, với lí tưởng; chúng trung thành với nhau. Đây là lần đầu tiên anh không còn khinh cu li nữa, không còn nghĩ đến họ như một bọn người hủ lậu, sẽ có ngày vùng lên và thiết lập lại thế giới nữa. Bọn cu li vẫn còn là người. Họ chưa bị hóa đá từ bên trong. Họ vẫn còn giữ được những tình cảm đơn sơ mà anh phải học lại một cách có chủ đích. Vừa nghĩ như thế anh vừa nhớ lại cách đây mấy tuần anh đã đá một bàn tay đứt lìa xuống rãnh nước như đá một cái lõi bắp cải.

“Cu li là người”, anh nói thành tiếng. “Ta không phải là người.”

“Tại sao không?”, Julia hỏi, cô đã lại thức giấc.

Anh đắn đo vài giây rồi nói:

“Em có bao giờ nghĩ rằng tốt nhất là chúng ta nên ra khỏi đây trước khi quá muộn và không bao giờ gặp lại nhau nữa không?”

“Có, anh yêu, nhiều lần rồi. Nhưng dù thế nào thì em vẫn sẽ tìm gặp anh.”

“Chúng ta đã gặp may, nhưng chuyện này chẳng thể kéo dài mãi được. Em còn trẻ. Em trông còn bình thường, còn trong trắng. Nếu em tránh xa loại người như anh thì em có thể còn sống được chừng năm mươi năm nữa.”

“Không. Em đã suy nghĩ kĩ rồi. Anh làm gì em sẽ làm nấy. Đừng buồn. Để sống không phải là vấn đề khó đối với em.”

“Chúng ta có thể được ở bên nhau sáu tháng, có thể là một năm, ai mà biết được. Nhưng cuối cùng thì vẫn phải chia lìa thôi. Em có tưởng tượng chúng ta sẽ cô đơn như thế nào không? Khi họ bắt được chúng ta thì không còn gì, tuyệt đối không còn gì, anh chẳng làm gì được cho em, mà em cũng chẳng làm gì được cho anh. Anh thú nhận thì chúng sẽ bắn em, mà anh không thú nhận thì chúng cũng bắn em. Dù anh có làm gì, nói gì hay không nói gì đi nữa thì em cũng chẳng sống thêm được quá năm phút. Anh không biết em sống hay chết, em cũng chẳng biết anh sống hay chết. Chúng ta sẽ bất lực, hoàn toàn bất lực. Quan trọng là chúng ta sẽ không phản bội nhau, dù chuyện đó cũng chẳng thay đổi được gì.”

“Nếu anh nói thú nhận thì anh ơi, chúng ta sẽ thú nhận hết. Mọi người đều thú nhận cả. Chẳng làm thế nào được đâu. Chúng sẽ tra tấn đấy.”

“Anh không nói thú nhận. Thú nhận không phải là phản bội. Nói hay không không quan trọng, quan trọng là tình cảm. Nếu chúng buộc được anh không yêu em nữa thì đấy chính là phản bội thật sự.”

Cô suy nghĩ vài giây.

“Chúng không thể làm thế được”, cuối cùng cô thốt lên. “Chúng không thể làm được chuyện đó. Chúng có thể buộc anh nói bất cứ thứ gì – bất cứ thứ gì – nhưng tin thì lại là chuyện khác. Chúng không thể chui vào bụng anh được.”

“Ừ”, anh nói, có vẻ tự tin hơn. “Ừ, đúng thế đấy. Chúng không thể chui vào bụng ta được. Nếu ta cảm thấy làm người là đáng giá, dù chuyện đó cũng chẳng mảy may thay đổi được gì thì chúng vẫn thua.”

Anh nghĩ đến cái màn vô tuyến với bộ phận thu thanh thường trực hai bốn trên hai bốn giờ mỗi ngày. Chúng có thể theo dõi suốt ngày đêm, nhưng nếu tỉnh giác ta vẫn có thể lừa được chúng. Dù khôn khéo đến đâu chúng cũng không thể nào biết được ta đang nghĩ gì. Rơi vào tay chúng rồi thì lại là chuyện khác. Không ai biết người ta làm gì trong Bộ Tình Yêu, chỉ có thể đoán: tra tấn, thuốc phiện, các dụng cụ tinh vi có thể ghi được phản ứng của hệ thần kinh, làm cho kiệt sức vì mất ngủ, cô đơn và bị hỏi cung liên tục. Các sự kiện thì không thể nào giấu được rồi. Chúng sẽ lần ra bằng cách hỏi cung, chúng sẽ tra tấn cho bằng được mới thôi. Nhưng nếu mục đích không phải là sống mà là tiếp tục làm người thì lại khác, chúng làm gì được ta? Chúng không thể thay đổi được tình cảm của ta, ta còn không thay đổi được tình cảm của mình nữa là chúng. Chúng có thể lôi ra tất cả mọi thứ, chúng có thể biết tường tận ta đã làm gì, nói gì, nghĩ gì, nhưng tâm hồn ta, cơ chế hoạt động của nó là một điều bí ẩn đối với chính ta, sẽ không kẻ nào xâm nhập vào được.


[1] Ounce – Đơn vị đo trọng lượng, bằng 28,35 gram.

Comments are closed.