André, tạm biệt!

Nguyễn Ngọc Giao

clip_image001

Nhà điện ảnh người Pháp gốc Bỉ André Van In đã từ trần trong đêm 26 rạng ngày 27 tháng 8-2022 tại Paris, thọ 73 tuổi. Việt Nam mất đi một người bạn quý, cả một thế hệ điện ảnh tài liệu (Đoàn Hồng Lê, Phan Thị Vàng Anh, Trần Phương Thảo, Nguyễn Thị Thắm….) mất đi một người thầy, một người anh tận tình, thân ái…
André Van In là tác giả những cuốn phim tài liệu giá trị đã nhiều lần được tuyển chọn tại các liên hoan điện ảnh quốc tế như Festival du Réel (Paris):

1979: Quelques nouvelles d’une colonie de malades mentaux à Geel près d’Anvers (Vài tin tức về trại bệnh nhân tâm thần ở Geel, gần Anvers)
1982: Dans les bureaux (Trong những văn phòng)
1989: Histoires de classes (Chuyện lớp học)
1993: Que faire? (Làm gì?)
1999: La Commission de la vérité (Ủy ban chân lý)
2002: La Véritable Histoire du bus 402 (Chính truyện về tuyến xe buýt 402)
2004: Grandir au collège (Lớn lên ở trường trung học cơ sở)
2006: Bienvenue chez Chris (Chào mừng đến nhà Chris)
Công lao lớn nhất của Van In là đã tham gia thành lập Ateliers Varan, giúp đào tạo nhiều thế hệ đạo diễn phim tài liệu của các nước “thế giới thứ ba”, đặc biệt là Viêt Nam.
Ateliers Varan là đứa con tinh thần của Jean Rouch, nhà điện ảnh kiêm dân tộc học. Tác giả những cuốn phim nổi tiếng Initiation à la danse des possédés (1949), Les Maîtres Fous (1954), Moi un Noir (1958), Chronique d’un été (1961), Madame l’eau (1992)… Jean Rouch chủ trương quan niệm điện ảnh sự thật (cinéma vérité), nhà điện ảnh thu mình sau ống kính, nhường lời cho những con người thật, việc thật. Ông đoạn tuyệt với phong cách làm phim tài liệu mà "đạo diễn" các nhân vật, nhét vào mồm họ những ý kiến của mình. Năm 1978, nước Mozambique độc lập, chính quyền mới mời ông thực hiện một cuốn phim về sự kiện lịch sử này. Rouch không nhận, nhưng nói ông sẵn sàng đào tạo một nhóm thanh niên Mozambique để chính họ thực hiện cuốn phim này.
Hai năm sau, 1980, Ateliets Varan ra đời, phát huy quan niệm đào tạo làm điện ảnh sự thật. Một nhóm nhà điện ảnh (làm phim tài liệu) tự nguyện tham gia những khóa đào tạo ở các nước. Thiết bị và vật tư do Bộ Ngoại giao Pháp cung cấp (dùng quỹ hợp tác phát triển), rồi các tổ chức và quỹ quốc tế. Sau mỗi khóa đào tạo, trang thiết bị được để lại tại chỗ, các học viên tiếp tục làm việc một cách tự lập. Trong hơn 40 năm qua, Varan đã tổ chức khóa đào tạo tại 24 nước Nam Mỹ (Mexico, Brasil, Colombia), Châu Phi (Kenya, Nam Phi, Algeria, Maroc, Cộng hòa Trung Phi, Ai Cập…), Châu Á (Afghanistan, Campuchia, Philippines, Việt Nam), Châu Đại Dương (Papua New Guinea), Châu Âu (Albany, Serbia-Monténégro, Roumania…). Tại Pháp, hàng năm Varan tổ chức khóa đào tạo cho giới trẻ Pháp và ngoại quốc. Tại mỗi nước, Varan tổ chức một lần, hãn hữu thì hai, ba lần.
Việt Nam là một biệt lệ khác thường. Từ 2004 (khóa đầu tiên) đến nay, Varan đã tổ chức 10 khóa đào tạo, tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ (trong đó có một khóa lưu động). Có thể nghĩ rằng sẽ không còn "khóa đào tạo Varan" nào nữa được mở ra ở Việt Nam. Nhưng, thay vào đó, những cơ sở Varan Việt Nam đã được thành lập, do những học viên cũ điều hành: Trần Phương Thảo (tác giả Giấc mơ làm công nhân, Đi tìm Phong…) ở Hà Nội, Đoàn Hồng Lê ở Đà Nẵng (tác giả Đất thuộc về ai, Cha tôi…), Nguyễn Thị Thắm ở Sài Gòn (tác giả Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng…).
Đó là sự gặp gỡ giữa đội ngũ những nhà điện ảnh Varan – Emmanuelle Baude, Sylvie Gadmer, Aurélie Ricard… nhất là André Van In – với những bạn trẻ Việt Nam, chưa từng bước chân vào điện ảnh, hay đã ở trong ngành, nhưng làm những công việc khác (quay phim, biên tập…) nay muốn tự mình thực hiện. Có những người là nhà văn, “tạt qua” Varan, thực hiện ngay từ năm 2004 một tác phẩm xuất sắc, rồi lại trở về với văn thơ. Đó là trường hợp Phan Thị Vàng Anh với phim Ở phường Thành Công có làng Thành Công (cái loa phường, “nhân vật” chính trong phim, ngày nay đang trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng). Có một cô sinh viên trẻ, tốt nghiệp Sciences Po Paris, rành tiếng Pháp, nhận làm phiên dịch cho khóa học, rồi từ đó không rời điện ảnh: Trần Phương Thảo. Còn bao nhiêu tài năng khác, những tác phẩm xuất sắc, mà bạn có thể xem trên trang mạng Danh mục phim của Varan: Trần Thị Cúc Phương, Nguyễn Minh Kỳ, Trương Vũ Quỳnh, Hoàng Tùng, Dương Mộng Thu, Kim Hải, Đoàn Gia Mân, Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Thị Thúy Quyên, Nguyễn Việt Anh Thư, Đào Thanh Tùng, Nguyễn Hương Lê… Nhiều tác phẩm của họ đã được tuyển chọn tại các liên hoan quốc tế phim tài liệu ở Pháp, Châu Âu, Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc…

clip_image002
André Van In trong một lớp đào tạo ở Việt Nam

Ngoài những tuần lễ tổ chức khóa học ở Việt Nam, trong mấy năm trời, André Van In (và bạn đời của ông, Chantal) đã thuê nhà ở luôn Đà Nẵng, thường xuyên “cố vấn” cho các học viên, từ Hà Nội tới Sài Gòn. Tại Paris, căn hộ của Chantal và André ở đường Amelot, kế cận rạp Xiếc Mùa Đông, là nơi tạm trú của những Phương Thảo, Hồng Lê, Thắm, Tùng, Thu… khi họ sang Pháp trình chiếu phim hay tham gia những liên hoan quốc tế. Không khí căn nhà, trong những buổi họp mặt, là một không khí gia đình, quan hệ thầy trò (các “thị đạo diễn”, như lời Nguyễn Thị Thắm, luôn luôn nói tới “thầy André”), qua năm tháng, đã trở thành quan hệ đồng nghiệp, thân thuộc.
Tôi may mắn được chứng kiến mối quan hệ ấy hình thành và diễn tiến trong suốt hai thập niên vừa qua. Tình cờ, mùa thu năm 2001, được tin tôi chuẩn bị về Việt Nam – sau 19 năm bị cấm cửa – cô Sylvie Gadmer đến nhà, trao cho tôi hồ sơ Varan, đề nghị tôi gặp ban giám đốc "Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương" để thông báo ý muốn của Varan muốn giúp điện ảnh Việt Nam. Về tới Hà Nội, tôi liên lạc ngay với anh Trần Văn Thủy (tác giả Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế…), và được anh Thủy đưa tới gặp giám đốc Hãng phim, đạo diễn Lê Mạnh Thích. Trao cho anh Thích tập hồ sơ, tôi chuẩn bị “thuyết pháp” về quan niệm “điện ảnh – sư thật” của Jean Rouch, về những gì Varan đã thực hiện ở ba châu lục Mỹ Latin, Phi và Á… Chỉ sau vài phút, anh Thích ngắt lời tôi, và nói anh rất hoan nghênh đề nghị của Varan, Hãng phim tài liệu sẵn sàng tạo điều kiện để Varan mở một khóa đào tạo. Tôi chưng hửng vì không sử dụng được “tài thuyết phục” của mình, nhưng cũng ngộ ra ngay: tôi vừa gõ vào một cánh cửa đã rộng mở. Lê Mạnh Thích là tác giả cuốn phim 11 phút Đường dây lên Sông Đà, không một lời bình, không một lời nói, mà nói lên công lao của những người thợ điện xây dựng đường dây dẫn điện từ đập Sông Đà – Hòa Bình về đồng bằng sông Hồng; cũng như cuốn phim Chìm nổi sông Hương, phản ánh cuộc sống của những người dân Thừa Thiên sông trên thuyền, ngày ngày vét cát lòng sông – hơn 30 phút, không một lời bình, chỉ có tiếng nói trực tiếp, tự nhiên của những người trong cuộc. Âm thầm, an nhiên – cô độc nữa – Lê Mạnh Thích, với phong cách của mình, đã làm điện ảnh sự thật, đã làm “như” Jean Rouch mà anh không nghe nói và chưa bao giờ được xem phim.

clip_image003
Vòng hoa tưởng niệm của câu lạc bộ YĐA và bạn bè Việt Nam

Khóa Varan đầu tiên ở Việt Nam mở ra ở Hà Nội năm 2004. Đầu năm ấy, Jean Rouch tử nạn ở Niger trong một chuyến công tác. Tháng 5.2004, Lê Mạnh Thích từ trần sau mấy năm đối đầu với ung thư. Năm nay, cũng căn bệnh ấy vừa cướp đi André Van In.
Ở thế giới bên kia, chắc họ sẽ gặp nhau. Họ sẽ nhìn lại con đường Varan bốn mươi năm trên thế giới, hai mươi năm ở Việt Nam. Con đường mà ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, những người mà họ đã đào tạo sẽ dấn bước đi xa, đi xa nữa.

Paris, ngày lễ tang André Van In, 2.9.2022

Nguồn: https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/andre-tam-biet-anh

Comments are closed.